Aa

Trên đường đi bước vào đâu đó

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng tunhi2007@gmail.com
Thứ Hai, 26/09/2022 - 06:12

Mùa thu rồi đây, và tôi đang ở trong thu ấy. Như đang nhận ra có những điều mà đất trời muốn nói cho mình, còn mình thì nên biết đến, về đời sống đa dạng không ngờ, và con người thì bao nhiêu tâm niệm...

Một quãng thời gian lạ lùng để người ta khi gặp chưa nhận rõ, lúc ở trong rồi thì chưa cảm được hết và khi qua đi rồi mới xao xuyến lại những gì vừa có đã vội trôi mất. Như tự tôi nghĩ sau những trải nghiệm qua nhiều năm của mình, thì đó là mùa thu.

Một cô gái trẻ, một người mẹ luống tuổi, anh bạn mọi khi hay ba hoa ồn ào…, bỗng một trưa ghé qua chỗ ngồi của mình ở phòng viết, kể chậm rãi đôi điều trầm lặng, có chút hân hoan, một thoáng ngậm ngùi chi đó hay niềm vui nho nhỏ cửa nhà, gia đình… Rồi đi ra. Ai đó ngoài kia khe khẽ bài ca mới. Một tiếng cười lành lặn. Mà mình thì mải tranh thủ nốt chút thời gian nửa ngày, viết cho xong một ý, hai ý gì đó nữa. Bỗng nhiên dừng lại rồi mở cửa ra hành lang xem người ta đi đâu mất rồi, thì không thấy nữa. Hôm sau gặp lại, đã gió mùa rồi! 

Đấy là tôi hình ảnh một chút về cái sự trôi qua ấy chứ không định nói chuyện thương mến mùa thu. Có nhiều những điều mà rồi đây ngẫm lại ta thấy hơi tiếc, lẽ ra mình đã nghe được, cảm nhận được. Có tâm trạng ấy là khi mình cho rằng đã có thể làm được điều gì trong điều kiện thời gian, trong suy nghĩ, trong bàn tay đón lấy của mình. Chứ không phải những thứ viển vông xa xôi mây gió. Như đi qua một cái ngõ cũ trầm tư làng Cự Đà mà lẽ ra mình nên bước vào thì mình đắn đo một chút rồi đi tiếp vì có hơi vội. Về nhà nghĩ lại thì nhớ qua cái vòm cổng tróc rêu, mình đã thấy trên cao của bức tường nhà kia có gắn một hàng đĩa tròn rất nhã. Kiểu đĩa trắng xanh vẽ hoa lá, chim cá nét màu lam mà thỉnh thoảng về các quê nhà, ta vẫn thấy trên ban thờ, trong tủ bày, hay có khi còn trong chạn, gia đình vẫn đựng rau luộc.

Anh bạn viết cho tôi bài về một nhà sưu tầm cổ vật, sở hữu nhiều đĩa như thế lắm, ông gắn hết đĩa lên một mảng tường lớn để trước là mình chiêm ngưỡng ngày ngày, rồi khách khứa đến thì ngắm nghía, tận hưởng sự hoành tráng của “bức tường đĩa”. Thực tâm tôi chẳng thích kiểu bày đó cho lắm. Nhìn nó bề bộn, khoe tất tần tật ra thì cũng chẳng thú. Cứ như lối cũ mấy nhà khá giả xưa “chơi” kiểu gắn một hàng ở phía trên cửa ngôi nhà kiểu Pháp giữa làng Việt cổ, thế là vừa.

Hay như lần chúng tôi đến bảo tàng tư nhân Ngọc Mỹ ở phía sau núi Thầy, nhìn những chồng đĩa xưa xếp trên giá mà chủ nhân cặm cụi bao năm thu lượm về. Cứ để đó rồi ai đến thì cầm lên xem cho thỏa thích, ngắm cả trăm cái không cái nào giống cái nào, bởi đơn giản xưa người ta vẽ tay, đi nét là chính, rất thoáng.

Họa sỹ Phan Thị Ngọc Mỹ cùng những hiện vật quý và đầy giá trị. (Ảnh: Tạp chí Văn hóa và Phát triển)

Bảo tàng của họa sỹ Ngọc Mỹ là một ví dụ về nơi chúng tôi đã bước vào để nhận thêm nhiều điều. Men theo con ngõ nhỏ ven tường chùa thôn Phúc Đức, Sài Sơn, chiếc cổng um bóng lá mở ra khoảnh sân la liệt trăm chiếc cối đá đủ kiểu bên bậc cửa, phía mép vườn, dưới những lùm cây. Nữ chủ nhân, họa sỹ Phan Thị Ngọc Mỹ giữ và gây dựng không gian này cũng chính là tiếp mạch chảy truyền thống dòng họ Phan Huy danh tiếng từ thời các cụ cho đến thế hệ của bà đã hơn 10 đời.

Đấy là bảo tàng tư nhân đầu tiên ở tỉnh Hà Tây trước kia, một trong những bảo tàng tư nhân đầu tiên ở nước mình, chủ nhân chỉ một lòng trưng bày hiện vật văn hóa làng quê cho người ta đến xem. Cũng như bảo tàng Không gian văn hóa Mường ở Hòa Bình, nay vẫn là một trong những bảo tàng tư nhân hiếm hoi của ta, nơi mỗi người đến để nhận thêm ra gốc gác, dòng giống mình, người gây dựng nên nó cũng chỉ một ước mong như thế. Bày ra, cho người ta xem mà tự biết mình hơn! 

Giám đốc họa sỹ Vũ Đức Hiếu có lần kể, hồi đầu mới ra bảo tàng thì đâu đã nhiều người đến ngay. Họ đi theo con đường cũ mòn lên chơi lòng hồ sông Đà thôi. Nhưng ai đó thấy cái cổng lạ mắt, cái bãi để xe bên tay phải đường, thấp thoáng bóng nhà sàn thì người ta dừng lại, vào xem thử. Rồi thế mà dần nhiều người, nhiều đoàn khách đi chơi biết đến hơn. Cũng bởi ở đây còn có các món ẩm thực của người Mường rất ngon nữa. Xem nông cụ của đồng bào, thôi thì đủ hết những vó những liềm những nồi đồng những bẫy chim bẫy chuột, rồi xem cả những khẩu súng kíp và chiếc quan tài liền bên một hình nhân mặc áo sặc sỡ của thầy cúng, khách người ta lên mấy ngôi nhà sàn để biết à đây là nhà quan lang, kia là nhà người hầu, kia nữa nhà người nghèo… Thế rồi xuống ăn thịt lợn Mường, măng chua chua, canh rau lá này lá nọ lạ miệng. Hai mấy năm trước thì đâu đã có mấy những kiểu trưng bày kết hợp dịch vụ như thế. Thế là cũng lạ và độc đáo đấy! 

Bảo tàng Không gian văn hóa Mường ở Hòa Bình. (Ảnh: Báo Hà Nội mới)

Một trong những kỷ niệm quý của sự tình cờ bước chân vào không gian văn hóa Mường ấy, là từ chuyến về nguồn của các cựu chiến binh Tây Tiến. Các cụ đi qua trên con đường hành quân hơn nửa thế kỷ trước, cũng rẽ vào tham quan. Rồi họa sỹ giám đốc bỗng nhận ra sự ngẫu nhiên của vị trí tọa lạc bảo tàng nơi dấu tích con đường hành quân từ Hòa Bình nơi đầu Tây Bắc lên cao, đi vào gian khổ. Họa sỹ nảy ra ý xin các cụ những hiện vật, đồ vật nhỏ để tổ chức trưng bày làm lưu niệm. Vậy là có được một góc nhỏ bày ảnh, kính, bút, huy hiệu, những dòng ghi chép cũ, mới… của những người lính “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Như những ý tưởng quý gọi nhau, con đường nhỏ từ cuối thành phố Hòa Bình chạy qua bảo tàng ấy, sau được đặt là đường Tây Tiến.   

Tôi cứ nghĩ về những người như họa sỹ Hiếu, họa sỹ Ngọc Mỹ, những người bước vào bao nhiêu cánh cửa mở ra, cả nhiều cánh cửa, lối đi bỗng nhìn thấy trên đường dài, để thu nhận cho mình rất nhiều rồi từ đó lan ra đến tấm lòng khác. Bạn bè, thầy giáo trước kia cứ tấm tắc nể họa sỹ trẻ Vũ Đức Hiếu, chưa đầy 30 mà đã lân la khắp bản Mường xa gần, biết, hiểu các phong tục, bao nhiêu thứ đồ vật, dụng cụ của đồng bào, lại nói tiếng Mường, uống rượu cần như một người trai Mường thực thụ. Bao năm qua, họa sỹ đã hết công hết sức hết tâm mình với không gian bảo tàng của mình, và cả không gian văn hóa Mường rộng lớn miền đất Hòa Bình. Những ghi nhận, vinh danh, cũng vui chứ, nhưng thực tâm với họa sỹ, không thể bằng việc đã lưu giữ lại được, và nhiều người đã đến để nhận được, một mạch sống Mường. Chính bởi thành quả ấy mà họa sỹ cùng cộng sự đã được vinh danh, ghi nhận. 

Giữa vùng nước mờ, tháp cũ lẳng lặng sáng như vừa bật lên cho riêng mình một tín hiệu. (Ảnh: Phạm Đông)

Mùa thu rồi đây, và tôi đang ở trong thu ấy. Như đang nhận ra có những điều mà đất trời muốn nói cho mình, còn mình thì nên biết đến, về đời sống đa dạng không ngờ, và con người thì bao nhiêu tâm niệm, bao nhiêu bí mật không thể nào biết hết. Như một hai gây dựng văn hóa tạo nên giá trị vừa nhớ lại ở trên. Như đôi điều tưởng chừng vẩn vơ đâu đó mà lắng được vào thì mình rung cảm hơn, phong phú tâm hồn mình hơn. Buổi tối lặng từ nhà hát đi bộ qua hồ sau chương trình nghệ thuật đón tuổi 60 của một người anh mà tháng ngày hưu không làm vơi những sôi nổi, cuồng nhiệt, tôi nhận ra hồ đêm vắng vẻ thật khác ban ngày. Như thu lại, như gom vào trong tối sẫm, để mở ra những thì thào. Không hẳn là của đôi bạn trẻ ở gốc cây gần mép nước, hay một ai đó ngồi thật khuất, tư lự nhìn ra mặt sóng, mà như tiếng thầm của cây, của gió. Còn giữa vùng nước mờ, tháp cũ lẳng lặng sáng như vừa bật lên cho riêng mình một tín hiệu. 

Nhớ ra rằng kể cả lúc đương ngày, khi đi trên hè phố sát với đường xe, nếu rẽ chéo xuống dốc một chút để đi theo mép hồ, cũng đã cảm thấy có nhiều khác lạ. Từ hối hả ấy của những xe cộ lao vun vút bên mình, bỗng trầm hẳn lại khi ta nhìn thấy những người già thong thả dắt tay nhau trên lối lá hoa quen thuộc, vừa đi vừa nhìn kỹ lắm mỗi ô gạch. Phải rồi, tuổi này ra đường sao không chầm chậm mà điềm đạm từng bước cho được. Nhưng có gì đó trong bước chậm run run vừa đi vừa hoài nhớ ấy. Mai sau về làng quê, về lại những phố quen, tôi có vừa đi tiếp những bước chân tuổi tác, vừa mơ hồ nghe tiếng reo vang mà bỗng muốn chạy lại những dấu trẻ thơ như thế chăng!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top