Aa

Cánh sáo tri âm

Nhà thơ Trang Thanh
Nhà thơ Trang Thanh trangthanh196@gmail.com
Thứ Năm, 22/09/2022 - 06:09

Trong cõi nhân gian rộng lớn, con người lại bé nhỏ nhưng đất trời thì vô cùng rộng lượng. Một cánh sáo thôi, có khi cũng đủ để trang trải tâm tình.

Thuở những hè xưa, cha tôi năm nào cũng chuẩn bị nào tre già, nào gỗ vàng tâm, ống nứa, nào bao ni lông, nhựa sung, để chuẩn bị cho mùa gọt sáo thả diều trên cánh đồng làng. 

Hồi ấy, nhà quê tôi chưa có điện. Mỗi sáng đến chiều, cha ngồi bờ hè, ở trần, lưng còng gối bó, miệt mài cả ngày với đám gỗ lạt tre pheo. Giữa hạ nắng rang, nhiều hôm không một gợn gió, cây cối im phăng phắc như muốn biểu tình ông trời vô tâm, cứ mãi phớt lờ nhân gian đang dặm dài mệt nhọc, dễ có đến cả tháng không một hạt mưa rồi. Tôi ngồi không thôi người cũng đã nực, rôm sảy mọc dầy, chín đỏ một vầng trời trên trán, nhôn nhốt râm ran. Nhưng cha tôi thì dường như không thấy nóng. Cha cứ ngồi như thế, im lặng mênh mông, miếng gỗ vàng tâm trong tay xoay qua trở lại. 

Cha ngắm nghía tấm gỗ hồi lâu, rất lâu, như thể muốn tìm kiếm trong nó điều gì bí ẩn. Nếu là bây giờ, tôi sẽ bảo như thể là cha tôi đang thiền. Cha nhập tâm chánh niệm với công việc tỉ mẩn, hè nào cũng lôi kéo hết thảy tâm trí của cha, nhưng khi nào cha cũng toàn nguyện, say mê, cặm cụi, miên man chìm đắm, đến nỗi có thể im lặng hàng giờ, như trầm tư mặc tưởng. Nếu có cử chỉ gì lúc ấy thì cũng rất khẽ, hầu như không phát ra tiếng động. Cha cầm cây bút chì xác định một điểm cân đối chính giữa tấm gỗ rồi vạch hai đường vuông góc, lấy cái com-pa khoanh một đường tròn. Rồi lại nhanh chóng rơi vào xa xôi, ngẫm ngợi. Một lúc, có vẻ như đã tìm ra điều bí ẩn, cha ngưng lại, quờ nhẹ tay là chạm chiếc ấm tích để ngay bên hông. Và ngay cả trong lúc rót nước, cha cũng hầu như nghĩ ngợi. Nhấp từng ngụm chậm, xong thì rít một hơi điếu bát thật kêu, nhả khói lơ mơ, mắt ngước nhìn trời mây như tính, đếm. Cha xem trời, tính ngày lập thu đấy chăng? Có lẽ, đây mới là lúc cha tạm thoát ra khỏi cơn trầm tư mặc tưởng. Rồi lại cầm lên tấm gỗ, nheo nheo mắt ngắm. Xong hết thảy, tôi thấy cha cầm con dao trổ bén sắc, chỉ dành riêng cho việc trổ, tiện, gọt gỗ vàng tâm. Bắt đầu thật khéo, thật chắc, cha ướm tay cẩn thận rồi trổ nhát dao đầu tiên lên miếng gỗ mà vừa rồi cha đã hết sức nâng niu. Kết quả cuối cùng sẽ cho cha một cái miệng sáo cân đối, tròn đều, mịn màng, sắc nét. Cái miệng sáo khum khum đầy tròn như hình nón tí xíu lọt thỏm trong lòng tay ấm, khiến cha ưng ý gật gù.

Sáo diều là thú chơi tao nhã của nhiều người. (Ảnh minh họa: Hoangphu.vn)

Tôi quan sát cha gọt sáo phất diều đã nhiều năm ròng, lúc thì sáo đơn, âm thanh trong vắt, khi sáo đôi, có tiếng trong, tiếng ấm. Sáo đơn (một tầng) thì đơn giản thôi, nhưng có lúc, cha làm chiếc sáo ba tầng, có tiếng trong, tiếng trầm, tiếng ấm, khi cất tiếng là ba cung bậc thanh âm giao hòa đồng điệu, thì sự kỳ khu không chỉ gấp ba lên một cách vật lý mà được. Diều, để có thể nâng được các ống sáo làm bằng thân nứa già, đanh chắc mấy tầng mà có thể bay lên được, thì phải là loại cánh lớn, dài đến cả sải tay, căng đều trên cái khung tre to, chắc chắn, cân đối đến mức một ly không chệch. 

Những ngày tháng đó, tôi mới chỉ là một cô gái nhỏ, ngồi bên cha quan sát, nghe cha giảng giải, cũng chỉ nhớ được đôi điều. Chỉ biết rằng, cả tháng trời, cha ngồi so vai, bắt đầu là pha, chẻ một cây tre đực già đanh, vót cho thật nhẵn những thanh tre dài óng, lại tỉ mẩn đo, cắt, gọt hai đầu ống nứa cho thật nhẵn mịn, tròn đều, cuối cùng là gọt và trổ miệng sáo, để khi miệng sáo được úp vào ống sáo là phải vừa khít, gắn lại cho thật kín và chắc bằng nhựa sung. Còn gỗ vàng tâm, nó mềm dẻo và nhẹ, dễ dàng bằng một con dao nhỏ bén sắc, là có thể gọt rũa thành cái miệng sáo hình chóp nón, dầy khoảng 4 ly, chính giữa đỉnh chóp trổ một khe rộng khoảng 3 ly và dài khoảng 3cm. 

Kỳ khu như thế, đủ thấy sự tỉ mẩn, độ chính xác, khéo léo của người gọt sáo đến mức nào. Nhiều ống sáo cùng một tay cha tôi gọt cả đấy, nhưng lại có tiếng khác biệt. Có tiếng âm, tiếng u, tiếng vi, tiếng vu, có âm vực tròn đầy, ấm áp, lại có tiếng mỏng manh, xa xôi, phấp phỏng. 

Chẳng hiểu niềm đam mê tiếng sáo, thú chơi sáo diều lớn đến mức nào, mà cha tôi, hè nào cũng gọt một chiếc sáo mới, dẫu sáo cũ có thể vẫn còn chơi được. Kỳ công đến thế, nhưng cha chưa bao giờ sở hữu, chỉ để tặng cho các cháu trong làng. Một đứa em họ nào đó được cha tôi tặng sáo sẽ có nhiệm vụ phụ cha tôi phất diều, rồi lựa ngày gió ngọt, nhờ thêm mấy thanh niên nữa, mới đủ sức mang cây sáo diều ra đồng, lựa hướng gió mà đâm diều lên. Cây diều to lớn, khá nặng, dây lèo bằng sợi đay se săn, to như chiếc đũa. Gặp ngày ngọt gió mà cất cánh lên được rồi, nó sẽ gần như đứng lặng trên không. Bên dưới, dây lèo được neo lại bởi một chiếc cọc đóng chắc chắn, thật sâu xuống lòng đất. Cây diều sáo như thế sẽ có thể vi vút mãi cao không qua nhiều ngày, trừ khi mưa lớn hay gặp trận gió quái, mới có thể chao nghiêng rồi từ từ lao xuống. Gió mà đang ngọt, có mưa nhỏ cũng chẳng hề hấn, muốn hạ diều xuống cũng là điều không thể. 

Tiếng sáo, cánh diều là tâm tình, là mơ ước của đồng quê. (Ảnh minh họa: Hoangphu.vn)

Một cây diều no gió, có thể bay lên tới độ cao hai ngàn mét tính từ mặt đất. Căn cứ vào chiều dài cuộn dây lèo cho diều cuốn, người ta biết được điều đó. Đứng ở dưới nhìn lên, cây diều cồng kềnh to lớn bây giờ chỉ còn bé xíu như một chiếc lá đa, nên một khi gặp gió quái mà lao xuống từ khoảng cách ấy, là coi như diều hỏng, khung gãy, cánh bung, may lắm thì còn lành cây sáo. Nên mỗi lần cánh diều sáo bay lên là một lần duy nhất hiện thực hóa ước mơ của người chơi diều.

Cha tôi vốn ốm yếu, ngồi cặm cụi gọt sáo vót nan diều thì vừa sức, còn ra đồng thả diều thì không thể. Nhưng có lẽ, bởi đam mê, cánh sáo với cha đã trở thành tri âm bầu bạn, tiếng sáo như thanh âm nói hộ tiếng lòng. 

Mỗi khi phất một cây diều mới, tiện một cây sáo mới, chi chút từng li từng tí một, cha nói, bởi muốn tiếng sáo năm nay sẽ hay hơn, hay ít nhất là khác đi tiếng sáo của mùa thu cũ. Gọt sáo nhiều rồi, cha đã có thêm kinh nghiệm. Tôi hiểu, một cây sáo mới, để được lặng nghe thứ thanh âm của hương đồng gió nội tự nhiên hồn hậu rót vào bát ngát cao không, khi vi vu trầm ấm, lúc dìu dặt bổng trầm, lúc lại thanh, mỏng, nhẹ nhõm, dìu dặt, thiết tha, thấp thoáng trong những cơn gió thu non gọi mùa về chầm chậm có lẽ, với cha, đó là một cách làm mới tâm hồn vốn nhiều ưu tư u uẩn của mình.

Khi cha bắt tay hăm hở bước vào tọa độ yêu thương một cây diều sáo mới, tôi cũng hào hứng nhận từ cha cái vỏ con trai thật to óng ánh bảy sắc cầu vồng. Cha bảo, con cầm vỏ con trai này ra bờ ao, bâm nhẹ con dao phay vào gốc cây sung mấy nhát, chờ nhựa ứa ra rồi hứng lấy nhựa vào vỏ trai, mang về phơi một sương một nắng cho hơi se lại. Nhựa sung phơi sương qua đêm, sang một ngày nắng to nữa thì sẽ chuyển từ mầu trắng sữa sang mầu đùng đục như nước vo gạo hẩm. Cha bảo, nhựa được đến độ ấy là sẽ vô cùng dính. Cha dùng nhựa này để phất cánh diều vào khung tre. 

Thử tưởng tượng, cánh diều mà chúng ta vẫn nhìn thấy ngày nay, dù to hay nhỏ, đều đẹp đến độ lộng lẫy với các hình in rồng, phượng, bướm, hoa. Còn cánh diều của cha tôi mộc mạc đơn sơ song có lẽ cũng là độc nhất. Chỉ là thứ mảnh ni lông từng được dùng để đóng bao đạm u-rê, hợp tác xã nhập về kho, phát cho bà con nông dân bón lúa. Mỗi khi một chiếc bao ni lông được vứt đi, có người xin về khâu lại thành áo tơi mưa, cắt thành áo khoác lên cho con bù nhìn đuổi chim ngoài ruộng. Riêng cha tôi nhặt nhạnh bao ni lông đó về giặt sạch sẽ, vuốt cho phẳng, có thể để dành từ mùa đông năm trước đến hè năm sau, chỉ dùng vào việc chắp cánh một cây diều. Tấm ni lông sẽ được đo và cắt sao cho vừa khớp với khung diều, để khi phất lên, đảm bảo cánh diều căng đủ độ, không bị trùng, bị nhúm. Cha nói, sáo nặng, diều to, phải có cái cánh bằng ni lông như thế này mới chọi được với sức gió. 

Sau này, tôi được biết về nhiều loại diều khác. Kỳ khu nhất thì người ta sẽ chọn thứ giấy bản từ những cuốn sách chữ Nho cũ, xếp chồng lên nhau thành mấy lớp rồi giã quả cậy, ngâm vào nước, tưới nước ấy lên những lớp giấy phất diều. Nhờ vậy, diều làm kiểu này dai và chắc lắm, lại không sợ cánh diều bị mủn ra vì nước mưa hay sương. 

Mỗi lần nhìn lũ trẻ con thành phố mê mẩn những cánh diều đủ sắc màu rực rỡ nhưng không có ống sáo, tôi thấy vô cùng thích thú song rồi không khỏi bần thần. Ảnh minh họa: Ngoisao.vn

Tiếng sáo diều đồng quê những năm tháng ấy, đã như một phần tâm hồn người cha của tôi, suốt tháng năm dài ẩn nhẫn, chờ xấp xới thu sang trời trong gió ngọt, để cất cánh một lần mà trang trải nỗi lòng với bầu trời mặt đất, để tiếng sáo thay tiếng lòng, chia sớt tâm tư với mọi người trong cõi nhân gian.

Cho đến năm tôi chớm 17 tuổi, cha tôi lặng lẽ rời bỏ nhân gian cùng những cánh diều. Từ ngày đó, tôi không còn như đứa trẻ chân sáo chạy theo, dẫu những cây sáo cha tôi tặng mấy đứa em vẫn còn, và chúng vẫn thả diều mỗi mùa thu gió lộng. Tôi sau đó rời làng đi học. Mỗi lần nhìn lũ trẻ con thành phố mê mẩn những cánh diều đủ sắc màu rực rỡ nhưng không có ống sáo, tôi thấy vô cùng thích thú song rồi không khỏi bần thần. Đã mấy chục năm qua đi, không biết bây giờ, ở làng, có ai còn giữ được ống sáo nào của cha? Tôi hỏi cậu Hà, người em họ cùng xóm, và thật may, em tôi còn giữ. Là một cây sáo đơn, không có diều, bởi Hà tự nhận không khéo tay, không thể phất diều được. Hà đưa cây sáo ra, nó đã quá cũ, lên nước màu nâu sẫm bóng, nhưng vẫn nguyên vẹn vẻ chắc chắn, mộc mạc, đằm ấm trong tay. Hà bảo, thỉnh thoảng, em đưa sáo lên sân thượng tầng hai, không có diều, đành neo sáo trên đó, vậy mà tiếng vẫn hay lắm, mà mỗi ngày, mỗi lúc thanh âm lại khác nhau, đến lạ. Tôi hiểu, sự khác nhau trong thanh âm của một cây sáo, không đơn giản chỉ bởi sức gió. Gió vốn hồn nhiên, phóng khoáng, gió sẽ chẳng khi nào đơn điệu. Tâm hồn con người cũng vậy, khi đầm ấm dung hòa, khi dịu dàng, lúc ưu tư, sầu lắng, bấy nhiêu cung bậc cảm xúc của con người, hẳn sẽ được khúc xạ, giao hòa trong tiếng sáo, khi người ta thực sự tự do thả lỏng đắm chìm.

Thấy tôi cầm mãi cây sáo, tần ngần, Hà nói, em tặng lại chị đấy, để chị giữ kỷ vật của bác. Thật lòng, tôi cũng rất muốn đem theo cây sáo ra Hà Nội, tôi đã nhận và đưa cây sáo về nhà tôi ở quê, treo đó vài ngày. Đêm nhớ cha không ngủ, tôi mường tượng, cây sáo này, nếu gặp được gió lộng hồ Tây, có lẽ, âm thanh của nó sẽ vô cùng biến ảo. Nhưng rồi tôi lại nghĩ, cây sáo này, nó vốn thuộc về tâm hồn mẫn cảm, nhiều trở trăn day dứt của cha tôi, thuộc về đồng đất quê mình. Người ta thường nói, tiếng sáo, cánh diều là tâm tình, là mơ ước của đồng quê. Cha tôi đi rồi, nhưng sống gửi thác về, linh hồn cha tôi vẫn đang bồng bềnh đâu đó, quanh đây, trên mảnh đất nơi cha đã được sinh ra và sống trọn cuộc đời mình. Cây sáo này phải ở đây, gần cha tôi, để ít nhất mỗi năm một độ thu về, cha tôi lại một lần rưng rưng được gửi linh hồn mình vào mênh mang cánh sáo. 

Trong cõi nhân gian rộng lớn, con người lại bé nhỏ nhưng đất trời thì vô cùng rộng lượng. Một cánh sáo thôi, có khi cũng đủ để trang trải tâm tình./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top