Aa

"Cơm chưa no, áo chưa ấm" thì xây dựng tượng đài có ý nghĩa gì?

Thứ Tư, 06/05/2020 - 14:05

"Không nên coi tượng đài là thành tựu kinh tế xã hội. Thành tựu về kinh tế xã hội chính là làm cho người dân ấm no và hạnh phúc hơn", ông Lê Như Tiến nói về câu chuyện đề xuất, xây dựng tượng đài ở nhiều địa phương.

Không ít địa phương trong thời gian vừa qua lên kế hoạch, xây tượng đài, quảng trường với kinh phí hàng chục, thậm chí lên tới hàng trăm tỷ đồng bằng nguồn ngân sách nhà nước. Cá biệt, có nơi đang nợ như "chúa chổm" như huyện Yên Định, Thanh Hóa cũng xin xây dựng tượng đài Bà Triệu với mức kinh phí dự kiến 20 tỷ đồng. Xâu chuỗi các sự việc diễn ra từ trước đến nay, dư luận đặt câu hỏi, tại sao nhiều địa phương lại nở rộ tình trạng xây dựng tượng đài?

Xây tượng đài là cần thiết, nhưng...

Bình luận vấn đề trên với phóng viên Reatimes, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, không phủ nhận giá trị văn hóa, lịch sử của tượng đài nhưng việc xây dựng phải phù hợp với tình hình kinh tế đất nước và địa phương đó: "Nếu cứ thế này thì hết tỉnh này, huyện nọ, ngành này, ngành kia cũng cũng phải có tượng đài, thế thì nó trở thành hội chứng tượng đài mất rồi. Nên dành phần kinh phí xây dựng tượng đài để chi cho cho văn hóa, y tế, giáo dục, an sinh xã hội. Điều này có ý nghĩa thiết thực hơn", ông Tiến cho hay.

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

Vị Đại biểu Quốc hội khóa XIII cũng cho rằng, việc xây dựng tượng đài nếu không được kiểm soát sẽ trở thành "hội chứng tượng đài".

"Nguyên nhân có thể là người ta thích hoành tráng hoặc muốn để lại dấu ấn của mình ở nhiệm kỳ. Hoặc thậm chí có trường hợp "con gà tức nhau tiếng gáy". Họ thắc mắc vì sao nơi khác xây được tượng to, hoành tráng thế. vì sao địa phương mình lại không thể xây được cái tượng đài to hơn, hoành tráng hơn? Thậm chí không chỉ các tỉnh thành mà cả các quận, huyện, xã... cũng đua nhau làm tượng. 

Tôi đã có cảnh báo trên nghị trường Quốc hội từ khóa XII, XIII rằng, các dự án, công trình dự án càng lớn thì tiền chảy vào túi cá nhân càng nhiều. Nhiều người bên ngành xây dựng từng  nói với tôi rằng, khi xây dựng công trình phải "cắt" cho chủ đầu tư 10%. Và như vậy nếu làm công trình 100 tỷ đồng thì họ nghiễm nhiên có 10 tỷ đồng. Nói một cách ngắn gọn, công trình dự án càng to thì số tiền chảy vào túi cá nhân càng nhiều theo tỷ lệ thuận", ông Tiến cho hay. 

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cảnh báo: "Nếu xây dựng những công trình vượt quá sức chịu đựng của ngân sách và người dân địa phương thì không nên, vì sẽ tạo nên nợ nần cho thế hệ sau. 

Tượng đài nằm trong lòng dân, trái tim mỗi người chứ không phải cứ nhiều tượng đài càng hay. Mặt khác, không nên coi tượng đài là thành tựu kinh tế xã hội của địa phương. Thành tựu về kinh tế xã hội chính là làm cho người dân ấm no và hạnh phúc hơn".

Nói riêng về câu chuyện Yên Định, nợ hơn 50 tỷ đồng nhưng lại đề xuất đề xuất xây dựng 20 tỷ đồng, ông Lê Như Tiến cho rằng, đó là điều “vô lý”.

Nên hỏi ý kiến người dân

Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa tỏ vẻ băn khoăn trước việc nhiều địa phương còn nghèo nhưng thích "chơi sang".

“Ở nhiều địa phương có điều kiện kinh tế, việc xây dựng tượng đài không không có gì chúng ta phải phản đối cả bởi ở đâu cũng cần có điểm nhấn văn hóa. Nhưng tại sao đất nước đang còn khó khăn, nhiều địa phương còn nghèo nhưng vẫn có nơi đề xuất phương án xây dựng tượng đài tốn kém, chưa phù hợp với thực tế địa phương? Việc xây dựng tượng đài ở những nơi điều kiện kinh tế còn khó khăn có phải là việc làm cấp bách không? Nếu ở đâu cũng đua nhau xây tượng thì sẽ thế nào?

Trong khi đó chúng ta còn rất nhiều thứ phải lo đặc biệt là đời sống người dân, trong đó vấn đề đề cốt lõi là đảm bảo an sinh xã hội. Tôi nghĩ, việc một số địa phương còn nghèo nhưng đề xuất, xây dựng tượng đài hàng chục, thậm chí lên tới cả trăm tỷ đồng là điều chưa hợp lý", ông Cuông cho biết, không loại trừ có câu chuyện lợi ích nhóm xung quanh việc này.

Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa

Nguyên Phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cũng cho rằng, nên tham khảo ý kiến người dân trước khi xây dựng tượng đài, bởi nếu người dân còn ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm thì tượng đài chẳng có ý nghĩa gì.

"Tượng là biểu tượng của văn hóa, tâm linh mang yếu tố lịch sử, văn hóa. Do đó, việc dựng tượng đài phải xuất phát từ nhu cầu của người dân. Nếu người dân thấy việc xây tượng đài là cần thiết và phù hợp điều kiện kinh tế địa phương cho phép thì nên làm, nhưng phải ở mức độ vừa phải, tránh lãng phí.

Quan trọng nhất là phải xem xét đến khả năng tài chính, ngân sách liệu có thể đáp ứng được việc đầu tư xây dựng tượng đài hay không? Mặt khác, bức tượng đó phải mang tính nghệ thuật, truyền thống, chứ không phải thích thì làm và làm như thế nào cũng được.

Theo tôi nghĩ, vấn đề quan trọng nhất hiện nay cần tập trung đó là xây dựng tượng đài trong lòng dân. Đó mới là tượng đài bền vững, phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam", ông Cuông nói.

Huyện Yên Định, Thanh Hóa xin làm tượng đài 20 tỷ đồng: "Nhiệm kỳ sau mới làm"

Trao đổi với phóng viên Reatimes về chủ trương xây dựng tượng đài Bà Triệu với kinh phí dự kiến 20 tỷ đồng, trong bối cảnh huyện này chưa xử lý xong món nợ 50 tỷ đồng từ nhiệm kỳ trước, ông Lê Xuân Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định cho biết, đây là kế hoạch cho nhiệm kỳ sau.

“Tháng 12/2019, ông Lưu Vũ Lâm, Chủ tịch huyện Yên Định trước khi về hưu có làm tờ trình xin tỉnh về chủ trương xây dựng tượng đài. Sau đó, tỉnh có công văn hỏi huyện về nguồn kinh phí, quy hoạch, kế hoạch triển khai ra sao. Căn cứ công văn này, huyện báo cáo với tỉnh rằng, ước tính khoản xây dựng tượng đài khoảng 20 tỷ đồng và sẽ thực hiện vào nhiệm kỳ sau".

Ông Thành khẳng định không có gì nhạy cảm khi xin xây dựng tượng đài thời điểm này: “Việc này không vấn đề gì vì chủ trương kế hoạch xây dựng là của năm nay, còn việc xây dựng cơ bản là của nhiệm kỳ sau theo kế hoạch của năm ngân sách 2021-2025".

Khi được hỏi về phương án đảm bảo nguồn ngân sách khi thực hiện dự án, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định cho rằng: "Cái này phải bàn cụ thể thêm. Nhưng khi xây dựng cơ bản ai lại đi vay tiền bao giờ", ông Thành nói và cho biết thêm, việc xây dựng tượng đài cứ theo quy định mà làm. 

"Cái nào cần xin ý kiến nhân dân thì xin ý kiến, cái nào thuộc về trách nhiệm của cấp ủy chính quyền thì chúng tôi thực hiện", ông Thành nói.  


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top