Aa

"Con đường cải cách là thị trường, thị trường và thị trường hơn nữa"

Thứ Năm, 31/10/2019 - 06:30

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho rằng ở Việt Nam mọi thứ đang đè nén thị trường, do vậy muốn cải cách, Chính phủ phải thúc đẩy thị trường nhiều hơn nữa.

Sáng 30/10, CIEM đã tổ chức hội thảo "Động lực cho kinh tế Việt Nam: Góc nhìn và triển vọng". Tại hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung đã có bài phân tích về các động lực và giải pháp duy trì, cải thiện tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn tiếp theo của Việt Nam.

Các động lực tăng trưởng rất ngắn hạn, không đồng đều

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP 9 tháng năm 2019 ước tính tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm gần đây.

Xuất khẩu là một trong những động lực quan trọng tạo nên mức tăng trưởng này. Tuy nhiên, ông Cung chỉ ra: tăng trưởng nhờ xuất khẩu khá bấp bênh, không chắc chắn và rủi ro không nhỏ.

Cụ thể, xuất khẩu tăng 7,6% nhưng phụ thuộc rất lớn vào Mỹ (xuất khẩu vào Mỹ tăng 26,6%). Cùng thời gian, mức xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc chỉ tăng nhẹ, lần lượt là 7,5% và 9%, trong khi giảm ở các trường: EU (giảm 1,9%), Trung Quốc (giảm 2,9%).

“Như vậy, Mỹ đang là cứu tinh cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Và đây là chỗ đặt kinh tế Việt Nam vào thế bất định, rủi ro. Ta đừng nói xuất khẩu chung chung làm gì, nhìn vào các con số trên, ta thấy rủi ro lớn. Ta cũng không thể tiếp tục làm thế này mà Mỹ cũng chẳng cho ta làm như thế lâu”, ông Cung nói.

Theo ông Cung, đầu tư nhà nước và đầu tư FDI cũng không còn là động lực cho tăng trưởng nữa. Nguyên do là giải ngân vốn đầu tư công chỉ bằng 69,2% kế hoạch và chỉ tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước, còn đầu tư FDI đang cho thấy đà suy giảm.

Sự suy giảm đáng ngại của đầu tư FDI thể hiện ở chỗ: số dự án tăng 26% nhưng số vốn đăng ký mới giảm 14,6%. Điều này đồng nghĩa với việc quy mô các dự án FDI đang giảm.

“Việc giảm này khiến ta có quyền nghi ngờ về chất lượng dự án và cách thức FDI đầu tư tại Việt Nam. Tôi nhận thấy rằng các nhà đầu tư FDI đang phân nhỏ dự án để tránh rủi ro. Và với quy mô dự án nhỏ, giảm dần thì liệu có nghiên cứu và phát triển, liệu có chuyển giao công nghệ được không?”, ông Cung nêu vấn đề.

Chưa dừng lại ở đó, theo ông Cung, vốn đăng ký FDI bổ sung cũng giảm 16,4% so cùng kỳ. “Vốn đăng ký mới giảm, vốn bổ sung giảm, như vậy ta không thấy bằng chứng của các dự đoán Việt Nam sẽ hưởng lợi về đầu tư từ thương chiến Mỹ - Trung”.

Điều đáng chú ý khác trong đầu tư nước ngoài là vốn gián tiếp tăng quá mạnh, tới 70,5%. “Họ mua cái gì, ai mua, mua ở đâu? Số tiền này rút ra sẽ làm gì? Mua ở đây chắc chắn là mua tài sản của người Việt Nam, vậy người Việt Nam bán tài sản để rút tiền ra làm gì? Việc mua bán này không làm tăng vốn trong nền kinh tế nếu số vốn rút ra đó không được tài đầu tư, và đây là những câu hỏi ta phải bàn nghiêm túc”, ông Cung nói.

Ảnh minh họa.

Xét trên khía cạnh quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, có thể nhận thấy sự vượt trội của nhóm Trung Quốc (Đại Lục, Hồng Kông, Đài Loan) khi chiếm gần 50% tổng vốn đầu tư trong 10 tháng.

“Ta không thấy Mỹ và châu Âu ở đây”, ông Cung chỉ ra vấn đề.

Một yếu tố tạo tăng trưởng khác trong 10 tháng qua là tiêu dùng nội địa. Nhưng theo ông Cung, tiêu dùng là thứ phụ thuộc vào tăng trưởng, có tăng trưởng thì mới có tiêu dùng.

“Như vậy, những yếu tố tạo tăng trưởng của ta rất ngắn hạn, không đồng đều, có cái lên, cái xuống. Nền kinh tế không chạy cùng một hướng”, ông Cung nhận xét.

Cải cách không gì ngoài thị trường, thị trường và thị trường hơn nữa

Theo ông Cung, nhiệm kỳ hiện tại ghi dấu ấn của Chính phủ trong việc ổn định kinh tế vĩ mô và cải cách vi mô. Tuy nhiên, trong khi Chính phủ làm tương đối tốt việc ổn định vĩ mô thì những cải cách vi mô chưa được như kỳ vọng.

“Cải cách vi mô phải là một sự chuyển đổi mạnh mẽ sang kinh tế thị trường, tự do hóa thị trường trong nước, nâng cao mức độ an toàn và giảm chi phí cho doanh nghiệp”, ông Cung nói và cho rằng: “phải cải cách mạnh mẽ hơn, cái gì cần bỏ phải bỏ, cái gì cần làm phải làm và làm trên cơ sở khoa học, có bằng chứng”.

Nguyên Viện trưởng CIEM nhấn mạnh: “Tôi nói bao nhiêu lần rồi, không có gì khác đâu, cải cách của Việt Nam chỉ có thị trường, thị trường và thị trường. Tại sao lại vậy? Tại vì ở Việt Nam, mọi thứ đang đè nén thị trường, thế thì ta phải đẩy nó, phải thị trường, thị trường, thị trường hơn nữa”.

Ông Cung cho rằng Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc gỡ bỏ các quy định hành chính bất hợp lý; đơn giản hóa, hợp lý hóa các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng và môi trường; tạo thuận lợi và khuyến khích mạnh mẽ đầu tư tư nhân xây dựng năng lực sản xuất kinh doanh mới cho nền kinh tế.

“Tôi kiến nghị đừng để các Bộ tự làm, vì để từng Bộ thì không ai làm được cái này đâu. Đây là lĩnh vực đầy rẫy xin - cho và quyền lợi, không ai tự bỏ quyền của mình cả. Để các Bộ tự làm với nhau thì chỉ ra một sản phẩm thỏa hiệp thôi, không giải quyết được vấn đề. Tôi kiến nghị thành lập một tổ công tác chuyên ngành, chủ yếu là người bên ngoài, đặt dưới sự chỉ đạo của một phó thủ tướng để làm. Nếu không, những điều này ta đã nói 10 năm qua, có thể sẽ nói trong 10 năm tới”, ông Cung cho hay.

Để tháo gỡ nút thắt đầu tư công hiện nay, ông Cung đề nghị Chính phủ giao cho các bộ trưởng tập trung sự chỉ đạo vào các dự án quan trọng quốc gia. Tương tự, các chủ tịch UBND tỉnh/thành tự lên danh mục các dự án ưu tiên thực hiện trong nhiệm kỳ và phải tập trung chỉ đạo thực hiện các dự án đó. Cách làm này sẽ đẩy nhanh được tiến độ thực hiện và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư.

Về tận dụng, thu hút cơ hội đầu tư, ông Cung đề nghị Chính phủ cần phải lấy lòng nhà đầu tư trong giai đoạn này, bởi hiện nay nhiều nhà đầu tư chưa thực sự an tâm trước những thay đổi chính sách của Việt Nam.

“Cái đầu tiên để lấy lòng nhà đầu tư là sửa Bộ luật Lao động. Đừng có theo mấy người nói trên truyền hình, nên chọn một phương án như kiến nghị của Chính phủ. Thứ hai, Bộ Ngoại giao và các bộ chuyên ngành cần chủ động gặp các đại sứ, tham tán, các nhà đầu tư lớn để giải thích cho họ về Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị, bởi nghị quyết này có nhiều khái niệm chưa rõ và nhạy cảm.

“Tôi nghĩ phải có một đặc phái viên của Thủ tướng đi gặp các nhà đầu tư lớn, vận động họ chứ đừng ngồi chờ”, ông Cung gợi ý.

Tháo trần tư duy để cải cách

Năm 2018, GDP/người - tính theo sức mua tương đương, của Việt Nam là 8.345 USD. Mức này bằng với Hàn Quốc năm 1986 (tức Việt Nam chậm hơn 32 năm), bằng với Malaysia năm 1982 (tức Việt Nam chậm hơn 36 năm), bằng với Trung Quốc năm 2009 (tức Việt Nam chậm hơn 9 năm).

Đại học Kinh tế Quốc dân đã đưa ra 4 kịch bản tăng trưởng cho Việt Nam, trong thế so sánh với các nước trên:

Kịch bản 0, duy trì mức tăng trưởng hiện tại (6%/năm), đến năm 2045 Việt Nam có GDP/người là 31.156 USD, bằng Hàn Quốc năm 2011, bằng Malaysia năm 2022, bằng Trung Quốc năm 2030.

Kịch bản 1, tăng trưởng GDP 7 - 8%/năm, đến năm 2045, Việt Nam có GDP/người là 45.695 USD, bằng Hàn Quốc năm 2027, bằng Malaysia năm 2033, bằng Trung Quốc năm 2037.

Kịch bản 2, tăng trưởng GDP giai đoạn 2021 - 2025 là 7 - 8%, giai đoạn 2026 - 2045 là 9 - 10%, đến năm 2045, GDP/người của Việt Nam là 66.294 USD, bằng Hàn Quốc năm 2042, bằng Malaysia năm 2043, bằng Trung Quốc năm 2044.

Kịch bản 3, tăng trưởng GDP liên tục 9 - 10%/năm, đến năm 2045, GDP/người của Việt Nam là 75.515 USD, vượt qua 3 quốc gia trên vào cùng thời điểm.

Ông Cung cho hay cho đến nay, Việt Nam thảo luận chiến lược 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vẫn chỉ loanh quanh tăng trưởng GDP 7%/năm.

“Một sự thỏa hiệp! Số muốn thay đổi ít quá! Mà không làm khác thì ta không thể tăng trưởng 8 - 9%/năm được.

“Cứ nói tình hình thế giới biến động, khó khăn, các nước tăng trưởng 8 - 9% giai đoan trước cũng vậy cả, làm gì có tình hình thế giới thuận lợi cho cả một giai đoạn như thế”.

Ông cho rằng nếu không nỗ lực bứt phá thì ngay cả việc duy trì được mức tăng trưởng 7% cũng không phải dễ.

“Vấn đề của ta nằm ở hiệu quả sử dụng nguồn lực. Trọng tâm cải cách nên dồn vào đó. Nếu nâng cao được hiệu quả thì với tổng nguồn lực hiện nay, ta có thể tăng trưởng như thiên hạ. Và để tăng hiệu quả thì không gì khác ngoài thị trường, thị trường và thị trường. Thị trường hơn sẽ hiệu quả hơn.

“Ta hãy tháo trần tư duy. Ta có nghị quyết hay lắm, không có gì nói hay hơn nữa. Bao nhiêu thứ thế giới có, ta đều có. Nhưng quan trọng nhất là tháo trần tư duy để hành động. Nếu không tháo trần tư duy để cải cách mạnh mẽ chuyển triệt để và nhất quán sang kinh tế thị trường thì ngay cả kịch bản số 0 cũng khó đạt”, ông Cung bình luận.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top