Aa

TS. Nguyễn Đình Cung: Việt Nam vừa thích nhưng vừa sợ thị trường

Thứ Ba, 23/01/2018 - 06:01

Khu vực DNNN theo ông Cung đã nhận được ưu đãi rất lớn do những bất cập thị trường.

Tại Diễn đàn VSF 2018, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) vẫn đau đáu bài toán thị trường. Đây là chủ đề được ông nhiều lần nhấn mạnh tại các diễn đàn khác nhau. Nguyên nhân, ông nhìn thấy quá trình chuyển đổi sang nên kinh tế thị trường của Việt Nam rất nửa vời. Và sau hơn 30 năm Đổi mới, Việt Nam chưa có được thị trường đúng nghĩa.

Ông Cung nhận xét Việt Nam vừa thích nhưng vừa sợ thị trường, đặc biệt, ngại cạnh tranh.

Vì không có được một sân chơi đúng nghĩa, nhiều vấn đề đã xảy đến với nền kinh tế. Trong đó, có thể kể đến sự phân bổ bất hợp lý nguồn lực.

Nền kinh tế đang chứng kiến nguồn lực đa phần nằm ở khu vực kém hiệu quả hơn và không có sự dịch chuyển sang khu vực cao hơn. Điều này tương đối đúng ở các DNNN, có đầu tư lớn, thâm dụng vốn lớn nhưng năng suất, hiệu quả thấp. Các đơn vị này được đầu tư nhưng không gắn với hiệu quả, đầu tư chỉ thiên về tài sản hơn là đầu tư vào công nghệ, nâng cao chất lượng tài sản.

Các doanh nghiệp này, đa phần tồn tại được nhờ những thiên lệch thị trường, bởi cơ chế xin cho, nên có sự phân bố không dựa vào năng suất, khiến cho năng lực cạnh tranh toàn nền kinh tế giảm sút.

Ông Cung dẫn chứng, 10 năm qua đất nước đã chứng kiến sự mất mát do DNNN tạo ra. Điều này cho thấy nhiều DNNN đã làm giảm tiềm năng và suy giảm nghiêm trọng năng lực phát triển, tăng trưởng của đất nước.

Cho rằng phải cải cách trên 3 phương diện: DNNN phải hoạt động theo cơ chế thị trường; nâng cao hiệu quả quản trị; cổ phần hoá, thoái vốn nhưng ông Cung cho biết 2 cái đầu tiên ít được quan tâm. Trong khi đó, chúng lại là những yếu tố quan trọng hình thành nên thị trường. Không có thị trường nên ở Việt Nam cơ chế xin cho mới hoành hành, doanh nghiệp thay vì trau dồi kỹ năng kinh doanh thì lại học và thành thạo hơn ở kỹ năng đi xin. Cũng theo đó, doanh nghiệp tư nhân, ban đầu vì sợ hãi không muốn lớn, về sau có muốn lớn cũng không được.

Vì vậy, muốn nền kinh tế được phát triển mạnh mẽ, mục tiêu tăng trưởng nhanh (7 – 8%) trong thời gian dài nhằm đuổi kịp thế giới, ông Cung cho biết cần phải tái phân bổ nguồn lực, chuyển đổi các ngành kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo...

Ông cũng đề xuất cần phải nâng được quy mô mức độ cạnh tranh của nền kinh tế, xoá bỏ những rào cản bất hợp lý để gia tăng mức độ cạnh tranh thị trường. Bên cạnh đó, cải cách DNNN nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, nâng cao hiệu quả nền kinh tế nói chung.

"Cải cách mà tôi nói ở đây không có gì hơn là thị trường thị trường hơn, cạnh tranh và cạnh tranh hơn", ông Nguyễn Đình Cung cho biết.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top