Con đường công nghiệp hóa phù hợp với chiến lược phát triển đất nước

Con đường công nghiệp hóa phù hợp với chiến lược phát triển đất nước

Thứ Hai, 04/11/2024 - 06:00

I. ĐÔNG BẮC Á (TRUNG QUỐC, NHẬT BẢN, HÀN QUỐC, ĐÀI LOAN - TRUNG QUỐC) THÀNH CÔNG, VÌ SAO?

1. Nông nghiệp

Các quốc gia và vùng lãnh thổ Đông Bắc Á xây dựng chính sách phát triển nông nghiệp theo hướng chia ruộng cho nông dân (trừ Trung Quốc duy trì chính sách hợp tác xã) để tạo đòn bẩy tối đa hóa sản lượng nông nghiệp, tăng nhanh thu nhập của nông dân, tạo ra sức mua lớn cho hàng hóa công nghiệp trong giai đoạn đầu. Điều này khác với chính sách lấy tích lũy nông nghiệp để phát triển công nghiệp của các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa cũ.

Khi nông nghiệp đã phát triển, tiến hành tập trung đất đai để đưa công nghệ cao vào nông nghiệp, tổ chức sản xuất chuyên canh nhằm tối đa hóa năng suất và chất lượng sản phẩm.

Các chính sách được áp dụng cho nông nghiệp gồm:

Giai đoạn 1: Tín dụng ưu đãi lãi suất thấp; tài trợ giá vật tư thiết bị nông nghiệp; tài trợ trực tiếp giá nông sản; giảm thuế; cấm hoặc hạn chế nhập khẩu nông sản.

Giai đoạn 2: Tài trợ chuyển giao công nghệ; bỏ các tài trợ về giá và thuế (trừ Nhật Bản); khuyến khích xuất khẩu; cho phép nhập khẩu nông sản theo mùa vụ.

Chính sách phát triển nông nghiệp nói trên đã rất thành công, thu nhập của nông dân không quá chênh lệch so với thành thị, tạo ra sức mua rất lớn cho hàng công nghiệp trong giai đoạn đầu.

Tuy nhiên, khi phát triển sang giai đoạn 2, tập trung chuyên canh còn chậm. Cho đến nay, một số nước vẫn duy trì tài trợ giá nông sản. Ở Nhật Bản, tổng tài trợ giá nông sản cho nông dân bằng 1% GDP, trong khi tổng sản lượng nông nghiệp cũng chỉ chiếm 1% GDP. Đây là lý do giá nông sản ở Nhật Bản rất cao (một quả táo có giá từ 3 - 4 USD).

2. Công nghiệp hóa

Các quốc gia và vùng lãnh thổ Đông Bắc Á có chiến lược phát triển toàn diện công nghiệp chế tạo. Gồm: Phát triển tổng thể công nghiệp thượng nguồn (luyện kim), công nghiệp trung nguồn (chế tạo máy) và công nghiệp hạ nguồn (lắp ráp); gắn công nghiệp chế tạo với công nghiệp quốc phòng; hướng lợi ích của khu vực tư nhân phù hợp với lợi ích công nghiệp hóa của quốc gia.

Chính sách chủ yếu bao gồm: Nhà nước trực tiếp hỗ trợ chuyển giao công nghệ với mô hình Nhà nước + Viện Nghiên cứu Phát triển Công nghệ + Doanh nghiệp; hỗ trợ đất đai và hạ tầng; hỗ trợ thuế và tín dụng lãi suất thấp.

Con đường công nghiệp hóa phù hợp với chiến lược phát triển đất nước- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Chủ trương không huy động FDI; đánh thuế nhập khẩu và hàng rào kỹ thuật rất nghiêm ngặt (ngoại trừ Trung Quốc huy động FDI ở một số ngành chọn lọc với điều kiện chuyển giao công nghệ bắt buộc).

Điều kiện để nhận được sự hỗ trợ nói trên là sản xuất phải có xuất khẩu - xuất khẩu là kỷ luật; nếu không xuất khẩu, cơ hội phát triển của doanh nghiệp đó sẽ bị Chính phủ chuyển cho tư nhân khác.

Có thể thấy, Chính phủ các quốc gia và vùng lãnh thổ Đông Bắc Á coi sản xuất xuất khẩu là yếu tố vô cùng quan trọng nhằm đạt 3 mục đích:

Thứ nhất, xuất khẩu được là đã đạt được chuẩn mực công nghệ quốc tế; xuất khẩu được là đạt được chuẩn mực cạnh tranh quốc tế; xuất khẩu được là con đường ngắn nhất để học hỏi về đổi mới công nghệ và sản phẩm.

Thứ hai, họ khôn khéo lách qua các quy định về tự do thương mại (hiệp định thuế quan GATT, WTO và các chính sách của WB…). Các tập đoàn công nghiệp chế tạo phương Tây vốn nhận được nhiều tài trợ của Chính phủ nước mình trong quá trình phát triển trở thành hùng mạnh. Khi đã ở trên đỉnh cao, họ đạp đổ cái "thang bảo hộ" của Chính phủ đi và tuyên bố thương mại tự do với các nước mới nổi, có nền công nghiệp còn non trẻ. Tuy nhiên, Mỹ và châu Âu vẫn tài trợ rất lớn cho các tập đoàn chế tạo, nhất là các tập đoàn có liên quan đến công nghiệp quốc phòng.

Thứ ba, Nhà nước đầu tư rất lớn cho nghiên cứu và phát triển, đồng thời khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này có sự hỗ trợ của Nhà nước (đầu tư vào nghiên cứu phát triển rất tốn kém - tính bằng tỷ USD mới có tác dụng; nếu đầu tư vài ba trăm triệu USD thì chẳng mấy ý nghĩa).

3. Tài chính

Các quốc gia và vùng lãnh thổ này hạn chế tối đa tư nhân hóa hệ thống ngân hàng, mà tập trung các ngân hàng lớn do Nhà nước kiểm soát hoặc chi phối để có đủ nguồn lực tài chính cho công nghiệp hóa, bởi các dự án công nghiệp hóa thường rất lớn, tốn kém và dài hạn. Đồng thời kiểm soát chặt chu chuyển vốn và tiền tệ; duy trì lãi suất tiền gửi rất thấp để cho vay thấp.

Họ chủ trương cho vay tín dụng lãi suất thấp vào các dự án trọng điểm chiến lược và lưỡng dụng (dân sự và quân sự); hạn chế cấp phép cho các ngân hàng nước ngoài gia nhập thị trường. Chính phủ bảo lãnh cho các tập đoàn tư nhân đầu tư vào các ngành công nghiệp thượng nguồn và trung nguồn theo chiến lược công nghiệp hóa của Chính phủ; không thành lập các ngân hàng tư nhân thuộc các tập đoàn tư nhân nhằm tránh phân tán nguồn lực tài chính cho các công ty sản xuất sau vì lợi nhuận ngắn hạn như tài trợ bất động sản là chủ yếu.

4. Một số yếu tố khác

Về đào tạo: Coi trọng đào tạo công nghệ, chỉ đào tạo khoa học và nhân văn ở mức cần thiết; coi trọng đào tạo tại nhà máy hơn tại trường.

Về thượng tôn pháp luật: Công nghiệp hóa là một quá trình phức tạp gắn với công nghệ và cạnh tranh và nhiều chính sách ưu đãi phi thị trường.

Con đường công nghiệp hóa phù hợp với chiến lược phát triển đất nước- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

II. THẤT BẠI CỦA CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á (INDONESIA, MALAYSIA, THÁI LAN VÀ PHILIPPINES)

1. Nông nghiệp

Không cải cách ruộng đất, duy trì chính sách dồn điền. Vì vậy, không tối đa được sản lượng, không tạo được công ăn việc làm và thu nhập cho nông dân (chiếm trên 75% dân số) nên không tạo được sức mua hàng hóa công nghiệp.

Mở cửa thị trường nông sản quá sớm dẫn đến bóp nghẹt sản xuất nông nghiệp - bần cùng hóa nông dân (1/2 thu nhập của nông dân Thái Lan - khu Đông Bắc và Tây Nam - là từ con em của họ gửi về do đi làm dịch vụ ở Bangkok).

Không có chính sách tài trợ đặc biệt, tài trợ chỉ để tranh thủ phiếu bầu.

Đất nông nghiệp của địa chủ biến thành bất động sản qua các dự án đô thị.

2. Công nghiệp

Có chiến lược công nghiệp hóa đầy tham vọng nhưng không thành công. Thậm chí kể cả khi Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã sang Hàn Quốc học tập công nghiệp hóa 3 tháng.

Có một số chính sách hỗ trợ nhưng không đồng bộ, không có kỷ luật bắt buộc là xuất khẩu mà chủ yếu là thay thế nhập khẩu.

Mở cửa thị trường huy động tối đa FDI cạnh tranh, bóp nghẹt ngành công nghiệp non trẻ (ô tô, máy bay của Indonesia; luyện kim và ô tô của Malaysia; ô tô của Thái Lan...).

Công nghiệp hóa chủ yếu là làm công nghiệp hạ nguồn, lắp ráp và nội địa hóa từng bước với sự cạnh tranh quyết liệt ngay trên sân nhà.

Con đường công nghiệp hóa phù hợp với chiến lược phát triển đất nước- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

3. Tài chính

Tư nhân hóa ngân hàng thành nhiều ngân hàng nhỏ thuộc các tập đoàn gia đình không có cùng định hướng với chiến lược công nghiệp hóa. Họ chủ yếu quan tâm đến lợi nhuận ngắn hạn và đầu tư vào bất động sản hoặc cho vay tiêu dùng, không đủ nguồn lực tài chính tập trung cho công nghiệp hóa.

Mở cửa toàn bộ thị trường vốn và giao dịch vãng lai. Khủng hoảng tài chính 1997 tại Thái Lan và lan sang toàn bộ Đông Nam Á và Đông Bắc Á là ví dụ điển hình cho việc mở cửa thị trường tài chính và đầu tư vào bất động sản, khiến thâm hụt cán cân vãng lai kéo dài và sụp đổ thị trường tài sản.

III. VIỆT NAM

1. Những lợi thế

Nếu có chính sách đúng, có thể tạo lập nông nghiệp tập trung, chuyên canh nhanh chóng (dân chán trồng trọt, bỏ hoang ruộng).

Vẫn còn 4 ngân hàng quốc doanh, cần củng cố hùng mạnh để tài trợ tập trung cho các dự án công nghiệp hóa.

Cơ sở hạ tầng tương đối tốt.

Một số doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào luyện kim, công nghiệp chế tạo và hóa chất như bột giấy (thượng nguồn); ô tô (trung nguồn và hạ nguồn).

Chính phủ có thể bảo lãnh cho các tập đoàn này vay vốn nước ngoài để có lãi suất thấp hơn nhiều so với hiện nay, khi một số tập đoàn vay lãi suất USD trên 12% quá cao, không ngành công nghiệp chế tạo nào chịu nổi, rủi ro rất lớn.

Có thể có được đồng thuận chính trị mạnh (hoàn toàn có thể thiết kế một chương trình đặc biệt và dài hạn - là công nghiệp chế tạo gắn với quốc phòng - và đào tạo đội ngũ kỹ sư công nghiệp trụ cột).

Có lợi thế của một quốc gia đang phát triển, có uy tín quốc tế khá lớn để có thể đưa ra các rào cản kỹ thuật, hoặc tài trợ mà không bị chê trách (nghệ thuật chính sách).

2. Bối cảnh hiện tại được đánh giá là bất lợi cho công nghiệp hóa

Mở cửa thị trường hoàn toàn, chỉ sau Malaysia (không tính Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Ma cao (Trung Quốc)); nhiều FTA được ký kết và có hiệu lực...

FDI rất lớn, chiếm tới 21% GDP (cao bậc nhất thế giới).

Có quá nhiều ngân hàng nhỏ, huy động vốn vì mục tiêu ngắn hạn mà chủ yếu là dùng cho tập đoàn sân sau, cho vay tiêu dùng, bất động sản, nên lãi suất tiền gửi tiết kiệm rất cao.

Chiến lược công nghiệp hóa chưa thực sự rõ ràng, không có chính sách hỗ trợ cả về tài chính và bảo hộ thị trường.

Đào tạo thiên về nhân văn và khoa học, ít đào tạo công nghệ.

Kỷ cương công nghiệp và chính sách rất yếu.

Ngành công nghiệp phân tán đã hết tác dụng mà chưa kịp có chiến lược tập trung hữu hiệu.

Các nguồn lực có thể công nghiệp hóa như đất đai, tài chính, nhân lực, văn hóa xã hội… đang bị sử dụng kém hiệu quả.

3. Gợi mở định hướng cơ bản

Một là, công nghiệp hóa trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào công nghiệp chế tạo kể cả thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn, cụ thể: Thượng nguồn và trung nguồn tập trung vào chuyển giao công nghệ và đầu tư định hướng xuất khẩu; hạ nguồn tập trung vào chuyển giao công nghệ, nội địa hóa và xuất khẩu.

Hai là, công nghiệp hóa lưỡng dụng gắn với quốc phòng và đào tạo đội ngũ kỹ sư mạnh.

Ba là, cần tập trung nguồn lực tài chính, lãi suất thấp cho công nghiệp chế tạo. Chính phủ phải có chính sách tín dụng ưu tiên và bảo lãnh cho doanh nghiệp vay nước ngoài với lãi suất thấp, kỳ hạn dài để hỗ trợ doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Chẳng hạn nếu VinFast có được nguồn vốn này thì hãng xe đã có thể đứng vững được trên thị trường. Cần nhớ rằng, Hyundai phải mất 20 năm mới sản xuất được chiếc xe đầu tiên với chất lượng rất thấp, ngày nay có thể rút ngắn thời gian làm chủ công nghệ nhưng tồn tại được trên thị trường thì có thể khó khăn hơn.

Con đường công nghiệp hóa phù hợp với chiến lược phát triển đất nước- Ảnh 4.

Nhà máy VinFast sẽ được xây dựng tại Khu công nghiệp Triangle Innovation Point.

Khi chọn dấn thân vào ngành công nghiệp sản xuất ô tô, phải chấp nhận những thách thức rất lớn và khó lường. Do đó, nhất định cần sự ủng hộ từ Chính phủ.

Thứ nhất, về đối thủ cạnh tranh. Đây là ngành khốc liệt nhất! Bởi đó là ngành chiến lược của những quốc gia cường thịnh trên thế giới. Cho nên, đối thủ cạnh tranh không chỉ là các thương hiệu cụ thể với nhau mà còn cạnh tranh ở tầm quốc gia. Nhìn xung quanh, tất cả các hãng ô tô trên thế giới đều lớn lên nhờ sự bảo hộ của Chính phủ. Cho nên, thách thức lại chồng thách thức.

Thứ hai, về nguồn tài chính. Công nghiệp ô tô là một ngành phải đầu tư lớn và dài hạn, trong khi nguồn vốn phải rẻ. Vingroup lại đang không có được thứ đó khi phải sử dụng nguồn vốn tín dụng ngân hàng bình thường. Vừa khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, lại không có nhiều ưu đãi hay đặc thù. Hãng Hyundai của Hàn Quốc liên tục được nhận vốn vay từ bên ngoài, do Chính phủ bảo lãnh, với lãi suất thấp. Vì thế, họ có bàn đạp và tâm thế vững vàng để vươn ra xuất khẩu.

Thứ ba, về thị trường. Thị trường ngành ô tô Việt Nam coi như đã bị mở toang, theo các cam kết của Hiệp định thương mại tự do và WTO. Việc kêu gọi bảo hộ dưới hình thức "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" có vẻ đang hơi "xuống", khác hẳn với Hàn Quốc và các nước khác. Chúng ta nói người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhưng đâu đâu cũng thấy sính hàng ngoại.

Nhìn rộng ra, trong định hướng công nghiệp hoá của đất nước, cần có chính sách ưu tiên về đất đai, thuế, bảo hộ thị trường nội địa và bắt buộc xuất khẩu để phát triển bền vững.

Bốn là, phát triển công nghệ chip bán dẫn và AI cũng phải trên nền tảng cơ khí chế tạo và công nghệ điều khiển điện tử với hàng vạn kỹ sư được đào tạo trong xưởng thực nghiệm hoặc nhà máy chứ không chỉ trên ghế nhà trường, và phải đầu tư hàng tỷ USD trong nhiều năm mới hy vọng có kết quả. Chúng ta không thể bỏ qua công nghiệp chế tạo để rồi nhảy vào công nghiệp số, công nghiệp 4.0. Đừng nghĩ rằng không cần có công nghiệp chế tạo, chúng ta có thể nhảy ngay vào công nghiệp 4.0 một cách thần kỳ. Công nghiệp 4.0 là gì? Công nghiệp 4.0 là công nghiệp dựa trên nền tảng số. Giống như số hóa hệ thống ngân hàng thì ta phải hiểu rằng, mọi dịch vụ ngân hàng được thực hiện trên nền tảng số. Hay số hóa du lịch, khách sạn có nghĩa là dịch vụ khách sạn được thực hiện trên nền tảng số, chứ không phải chỉ có "số" mà không cần đến khách sạn và hạ tầng du lịch.

Con đường công nghiệp hóa phù hợp với chiến lược phát triển đất nước- Ảnh 5.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trao đổi với doanh nhân Vũ Văn Tiền - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Geleximco tại Lễ ký kết hợp đồng liên doanh sản xuất ô tô tại Việt Nam, giữa Geleximco và Công ty TNHH Ô tô Omoda & Jaecoo (thuộc Tập đoàn Chery, Trung Quốc).

Những tập đoàn công nghệ đang và sẽ phải nhận lấy sứ mệnh phát triển công nghiệp chế tạo, đào tạo ra một đội ngũ kỹ sư cho công nghiệp và quốc phòng. Đặc biệt là sử dụng họ để tham gia vào quá trình sửa chữa và bảo trì vũ khí, khí tài hiện đại. Đó mới là nền tảng để khẳng định rằng, chúng ta là quốc gia công nghiệp; còn không, mọi thứ chỉ là khát vọng. Mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trở thành một quốc gia công nghiệp phát triển chỉ dừng lại ở ước mơ, nếu không có 2 thứ: Sản phẩm công nghiệp chế tạo và đội ngũ kỹ sư công nghiệp.

Cuối cùng, công nghiệp hóa là sự nghiệp lâu dài. Chính phủ cần đầu tư xây dựng một Trung tâm Nghiên cứu - Phát triển Quốc gia (theo mô hình Đài Loan, Trung Quốc) gắn bó với doanh nghiệp đổi mới công nghệ để chuyển giao và sáng tạo công nghệ, đặc biệt là công nghệ lưỡng dụng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top