Aa

"Con đường đắt nhất hành tinh” đã được chuyển về Bắc Ninh?

Thứ Sáu, 03/08/2018 - 06:01

Một địa phương sắp trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đất là vàng, vậy mà tốn đến gần 100ha đất đô thị để có hơn 1km đường, dư luận đặt dấu hỏi quả không có gì khó hiểu.

Kể từ khi tỉnh Bắc Ninh có kế hoạch phần đấu đến năm 2022 trở thành thành phố thứ 6 trong cả nước trực thuộc Trung ương, thị trường bất động sản tại địa phương nhộn nhịp hẳn lên. Nhiều cơ hội đầu tư xuất hiện, nhiều nhà kinh doanh bất động sản tái cấu trúc nguồn vốn, nhiều dự án chạy đua với thời gian... Và như một sự tất yếu, “con đường đắt nhất hành tinh” đã xuất hiện tại địa phương xinh xắn và đậm chất dân ca này.

Cũng dễ hiểu thôi, một đô thị trực thuộc Trung ương trong tương lai thì làm cái gì nó cũng phải “hoành tráng” đúng với tầm vóc của nó chứ. Con đường chỉ dài 1,39km (gọi là đường H2) nhưng có mặt cắt hẳn 100m, trong đó hai vỉa hè mỗi bên 13m, hai đường gom mỗi bên 9,5m, hai làn đường chính mỗi bên 14m, một dải phân cách giữa rộng 22m, hai dải phân cách phụ hai bên 2,5m. Tốc độ kỹ thuật thiết kế 50-60km/h.

Tỉnh Bắc Ninh sẵn sàng chi ra... 663 tỷ đồng, cỡ khoảng 30 triệu USD cho con đường chưa đầy 1,4km.

Tỉnh Bắc Ninh sẵn sàng chi ra... 663 tỷ đồng, cỡ khoảng 30 triệu USD cho con đường chưa đầy 1,4km.

Nhìn qua bản đồ vệ tinh thì con đường được quy hoạch thành một “đường cong mềm mại” qua vùng đất nông nghiệp mênh mông một cách khôn ngoan. Như vậy sẽ đỡ vất vả trong chuyện đền bù và giải phóng mặt bằng, vừa tốn ít tiền lại vừa bảo đảm tiến độ thi công.

Thế nhưng, con đường ấy lại trở thành một trong những con đường “đắt nhất hành tinh”, thế mới là điều đáng phải bàn! Chỉ chưa đầy 1,4km mà tỉnh Bắc Ninh đã sẵn sàng chi ra... 663 tỷ đồng, cỡ khoảng 30 triệu USD. Đúng là cách tiêu tiền của con nhà giàu có trong tương lai!

Bởi lẽ cách đây ít lâu, tại diễn đàn Quốc hội, các đại biểu nêu con số ở nhiều nước trong điều kiện có những điểm tương đồng với Việt Nam nhưng chi phí làm đường cao tốc của Trung Quốc là 5 triệu USD/km, của Mỹ và các nước châu Âu là 3 - 4 triệu USD/km. Còn Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, theo Quy định 1161 ngày 11/10/2015 của Bộ Xây dựng thì suất đầu tư đường 6 làn xe là khoảng 200 tỷ đồng/km, chưa tính đến giải phóng mặt bằng.

Nay chỉ có gần 1,4km đường nội đô, không biết số tiền giải phóng mặt bằng là bao nhiêu mà con số thanh toán lại vọt lên tới 663 tỷ đồng? Đó là một câu hỏi rất cần có sự minh bạch.

Lĩnh vực kinh doanh chính của Dabaco là thức ăn chăn nuôi.

Lĩnh vực kinh doanh chính của Dabaco là thức ăn chăn nuôi.

Một vấn đề đặt ra, đây là dự án chỉ định thầu, do Tập đoàn Dabaco làm chủ đầu tư. Mà cụm từ “chỉ định thầu” thì ai cũng biết rồi, nó đã đem lại cho đất nước quá nhiều bài học về việc thất thoát tài sản công, để vun đắp cho “lợi ích nhóm”.

Tôi liền lọ mọ vào trang điện tử của Tập đoàn này thì ngã ngửa ra rằng, lĩnh vực kinh doanh chính của Dabaco lại là... thức ăn chăn nuôi. Mặc dù biết người đứng đầu Dabaco là một Đại biểu Quốc hội, nhưng tôi không đủ can đảm để đặt niềm tin vào một doanh nghiệp thành thạo sản xuất thức ăn chăn nuôi có thể làm một con đường có chất lượng cao và giá thành hợp lý.

Một vấn đề nữa cũng cần đặt ra, đây lại là dự án BT, tức doanh nghiệp làm ra rồi bàn giao lại cho chính quyền địa phương quản lý. Đổi lại, Dabaco được sử dụng ngót 100ha đất để làm khu đô thị. Một địa phương sắp trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đất là vàng, vậy mà tốn đến gần 100ha đất đô thị để có hơn 1km đường, dư luận đặt dấu hỏi quả không có gì khó hiểu.

Hẳn mọi người còn nhớ cách đây ít lâu, tại kỳ họp của HĐND TP.HCM, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho thành phố chuyển đổi 26.000ha đất nông nghiệp sang đất công nghiệp, dịch vụ. Đây là nguồn lực to lớn, tạo nguồn vốn cho thành phố phát triển. Theo tính toán sơ bộ, nếu đem đấu giá 26.000ha đất sẽ thu về 1,5 triệu tỷ đồng.

Cho dù đất ở Bắc Ninh không thể so sánh với đất ở TP.HCM nhưng ngót 100ha chỉ có giá 663 tỷ đồng thì quá “bèo”!

Khi tính giá thành con đường thì “bơm” lên đến không tưởng, khi tính giá đất lại cứ như của nhặt được. Đấy là căn bệnh phổ biến của các dự án BOT và BT hiện nay.

Chính vì thế, mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu UBND tỉnh Bắc Ninh kiểm tra, làm rõ nội dung phản ánh của báo chí và các trang điện tử về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường H2, TP. Bắc Ninh theo hình thức hợp đồng BT.

Hy vọng rằng, con đường H2 sẽ không làm hổ danh cho một địa phương xinh xắn và đậm chất dân ca này.

Trả lời phỏng vấn trên báo Tiền Phong, bà Nguyễn Huệ Minh, Chánh Văn phòng HĐQT - Tập đoàn Dabaco Việt Nam cho hay, về phương án tài chính, UBND tỉnh Bắc Ninh dự kiến giao nhà đầu tư 2 khu đất đối ứng tạo vốn thanh toán cho dự án công trình BT gồm một phần từ dự án Khu đô thị Vạn An (tổng diện tích của cả dự án khu đô thị Vạn An là 36,06ha) và một phần từ Khu đô thị Phong Khê, Khúc Xuyên (tổng diện tích của cả dự án Khu đô thị Phong Khê, Khúc Xuyên là 58,46ha).

"Thực tế, Dabaco chỉ được giao 36ha đất, trong đó có cả phần diện tích đất của hồ điều hòa và Dabaco triển khai làm cả đường H1 chứ không chỉ đường H2. Trong 36ha đất này, có khoảng 7 - 8ha đất có sổ đỏ của dân”, bà Minh khẳng định.

Cũng theo bà Minh, hai dự án Khu đô thị Vạn An và Phong Khê còn phải thanh toán cho dự án Hồ điều hòa Văn Miếu mà tỉnh Bắc Ninh đang còn nợ nhà đầu tư hơn 200 tỷ đồng và là nguồn đối ứng cho một số dự án khác chứ không phải riêng đường H2.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top