Bức tranh ảm đạm
Tạp chí VnEconomy cho biết, theo báo cáo từ Cục Thống kê Dân số Mỹ (US Census) và Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị (DHUD), số nhà đơn lập khởi công đã giảm tới 12% so với cùng kỳ năm 2024. Đồng thời, số giấy phép xây dựng nhà mới – chỉ báo cho hoạt động xây dựng trong tương lai cũng giảm 5,1% so với tháng trước và 6,2% so với năm trước đó.
Những con số này không chỉ là tín hiệu cảnh báo cho ngành xây dựng, mà còn phản ánh sự "trật khớp" nghiêm trọng giữa cung và cầu trên thị trường nhà ở Mỹ. Lãi suất thế chấp neo cao trong thời gian dài, giá nhà vượt xa khả năng chi trả của người dân, cùng với nguồn cung hạn chế đã đẩy thị trường vào thế giằng co.

Thị trường bất động sản tại Mỹ đang chịu khá nhiều tác động từ chính sách thuế quan. Ảnh minh họa
"Đây không phải là thời điểm tốt để xây hay mua nhà mới", nhà kinh tế trưởng Chris Rupkey của FWDBonds nhận định thẳng thắn. "Sự bấp bênh chính trị ở Washington và những thay đổi liên tục về thuế quan đang khiến cả nhà thầu và người mua giữ tâm lý phòng thủ".
Sự lo ngại không chỉ đến từ phía cung. Người tiêu dùng, nhất là tầng lớp trung lưu hiện đang trở nên dè dặt trước các quyết định tài chính lớn, khi chứng khoán biến động và mối lo suy thoái kinh tế lẩn khuất sau mỗi đợt điều chỉnh chính sách.
Theo ông Roddy MacDonald - Quản lý công ty Stonegate Builders ở Minnesota, người mua giờ đây có xu hướng trì hoãn quyết định, kể cả khi có tiềm lực tài chính: "Họ có nhu cầu, nhưng họ muốn chờ đợi thêm. Niềm tin đang bị thử thách".
Trước đó, theo VnExpress dẫn nguồn tin từ Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán nhà mới đạt khoảng 657.000 căn trong tháng 1, giảm 10,5% so với mức 734.000 căn hồi tháng 12/2024.
Kết quả này được cho thấp hơn dự báo theo khảo sát từ các nhà kinh tế của Reuters, với kỳ vọng doanh số nhà mới đạt 680.000 căn vào tháng đầu năm 2025. Doanh số nhà mới chiếm khoảng 15% tổng doanh số nhà ở tại Mỹ.
Thuế quan đẩy giá vật liệu, đè nặng lên vai nhà thầu
Một yếu tố đáng chú ý khác là chi phí nguyên vật liệu xây dựng leo thang, phần lớn do ảnh hưởng của các mức thuế nhập khẩu mới.
Theo Hiệp hội Quốc gia các nhà xây dựng Mỹ (NAHB), khoảng 7% (tương đương 14 tỷ USD) vật liệu xây dựng trong năm 2024 là hàng nhập khẩu.

Chi phí nguyên vật liệu xây dựng leo thang, phần lớn do ảnh hưởng của các mức thuế nhập khẩu mới. Ảnh: Internet
Đến tháng 4/2025, gần 60% công ty xây dựng ghi nhận vật liệu đã hoặc sắp tăng giá do thuế quan – một con số không thể xem nhẹ.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ sức "đẩy" phần chi phí tăng thêm sang cho người mua.
Nhà phân tích Ivy Zelman từ Zelman & Associates cho biết: "Một số nhà thầu buộc phải hấp thụ chi phí, cắt giảm biên lợi nhuận để giữ mức giá cạnh tranh – điều đó có thể dẫn đến việc ít dự án được triển khai hơn trong thời gian tới".
Tia hy vọng từ các thỏa thuận thương mại?
Mặc dù bức tranh hiện tại u ám, vẫn có những tín hiệu tích cực từ chính trường.
Phó Chủ tịch NAHB Danushka Nanayakkara-Skillingto cho rằng việc Mỹ đạt các thỏa thuận thương mại với Anh và Trung Quốc, cùng với khả năng gia hạn chương trình cắt giảm thuế năm 2017, có thể "kích hoạt" một chu kỳ tăng trưởng mới cho nhu cầu nhà ở.

Việc Mỹ đạt các thỏa thuận thương mại với Anh và Trung Quốc, cùng với khả năng gia hạn chương trình cắt giảm thuế năm 2017, có thể "kích hoạt" một chu kỳ tăng trưởng mới cho nhu cầu nhà ở. Ảnh minh họa
Nếu các gói kích cầu kinh tế và chính sách thuế ổn định được triển khai đồng bộ, ngành xây dựng nhà ở – vốn là một chỉ số hàng đầu về sức khỏe kinh tế Mỹ có thể đảo chiều.
Sự suy giảm của hoạt động xây dựng nhà ở không đơn thuần là một vấn đề ngành nghề. Nó là biểu hiện cho sự bất an lan rộng, khi người dân Mỹ - từ nhà đầu tư đến người lao động hiện đều đang trở nên thận trọng trong tiêu dùng và chờ đợi sự "chắc chắn" trong một môi trường mà điều đó ngày càng trở nên khan hiếm.
Trong một nền kinh tế vận hành bằng niềm tin, thị trường nhà ở không chỉ là phong vũ biểu cho sức khỏe kinh tế mà còn phản chiếu tâm lý xã hội.
Khi niềm tin bị lung lay bởi biến động vĩ mô và chính sách thiếu ổn định, thì sự chững lại trong từng viên gạch, từng mái nhà đang xây chính là lời cảnh báo âm thầm nhưng rõ ràng nhất.
Để chiếc kim của phong vũ biểu không mãi nghiêng về phía lo ngại, điều cần nhất lúc này không chỉ là chính sách đúng, mà còn là một tầm nhìn dài hạn và cam kết ổn định từ những người dẫn dắt "cuộc chơi".