(Quay phim: Hoàng Anh)
Tại Việt Nam, hiện có 813 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đang tăng rất nhanh, khoảng 37,5%. Chỉ riêng hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM đã có dân số đô thị chiếm xấp xỉ 30% dân số đô thị trên toàn quốc. Mặt trái của việc trở thành một trong những quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất khu vực và thế giới, chính là gánh nặng quá tải về hạ tầng, giao thông, y tế, giáo dục, và hệ lụy ô nhiễm môi trường.
Sau “smartphone - điện thoại thông minh", từ vài năm nay chúng ta bắt đầu làm quen với cụm từ mới: "smart city - thành phố thông minh". Các nhà đầu tư và nhiều chính quyền đang kỳ vọng “thành phố thông minh” sẽ có khả năng tiết kiệm năng lượng và giải quyết những vấn nạn đô thị này và Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó. Hiện có khoảng 30 tỉnh, thành phố của Việt Nam đang triển khai hoặc khởi động các đề án về đô thị thông minh. Tuy nhiên, việc thiếu quy chuẩn chung, mỗi nơi thực hiện theo một hình thức khác nhau đang là rào cản để tiến tới phát triển thành phố thông minh bền vững.
6 YẾU TỐ TẠO NÊN MỘT ĐÔ THỊ THÔNG MINH
Theo chuyên gia thiết kế đô thị, TS.KTS Trần Minh Tùng, việc xây dựng đô thị thông minh là một hướng đi đúng đắn và tất yếu nhằm hướng đến sự phát triển bền vững của đô thị. Tuy nhiên, khái niệm đô thị thông minh nếu không được hiểu một cách đúng đắn và cặn kẽ để đưa ra những thiết chế phù hợp thì sẽ chỉ mang tính phong trào và gây lãng phí.
“Thế giới đang hướng đến phát triển đô thị thông minh và để giải quyết những vấn đề đô thị đang đặt ra thì Việt Nam cũng không thể không bắt nhịp cùng xu hướng đó. Tuy nhiên, dường như chúng ta đang biến nó thành một “trào lưu” xây dựng đô thị thay vì nhìn nhận và áp dụng một cách cặn kẽ. Tức là thấy bên kia họ “thông minh” thì mình cũng “thông minh” theo. Các tỉnh, thành phố đang bước vào một “cuộc đua” thông minh hóa và đôi khi bị loạn trong những cái gọi là thông minh. Khi chưa hiểu rõ bản chất của cụm từ đô thị thông minh và chưa có được những giải pháp phù hợp để áp dụng cho từng thành phố thì sẽ dẫn đến sự lãng phí rất lớn về nguồn lực và khó để có thể hình thành được đô thị thông minh thật sự”, KTS Trần Minh Tùng phân tích.
Theo vị chuyên gia này, thành phố thông minh phải được cấu thành từ 6 yếu tố. Trong đó con người là yếu tố trung tâm và chi phối các yếu tố khác. Bởi trí tuệ, ý thức của con người có thông minh thì mới có thể kiến tạo được thành phố thông minh: “Cư dân đô thị thông minh là phải có học thức, có trình độ học vấn và trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn, trình độ hiểu biết nhất định nào đó. Vì rõ ràng muốn đô thị thông minh thì chúng ta bắt buộc phải sử dụng công nghệ. Nếu con người không có hiểu biết về công nghệ, không có trình độ nhất định, không khai thác được công nghệ đó thì đô thị sẽ không thông minh. Con người thông minh cũng là con người có ý thức, có văn hóa, mềm dẻo hơn trong việc xử lý các vấn đề”.
Yếu tố quan trọng thứ hai trong việc xây dựng thành phố thông minh, theo KTS Trần Minh Tùng, đó là nền kinh tế thông minh. Trong đó, các nhà lãnh đạo, người dân và doanh nghiệp sẽ là nền tảng để tạo ra sự tăng trưởng về kinh tế, tài chính của đô thị bằng những suy nghĩ thông minh. Sẽ phải có những ngành kinh tế mới mà đô thị truyền thống không thể có. Đó là những ngành tận dụng công nghệ, tận dụng sự kết nối để thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế đô thị. Bên cạnh đó, kinh tế thông minh còn là các giải pháp hợp tác, đầu tư, sản xuất, thương mại sáng tạo hiệu quả và thị trường lao động linh hoạt gồm cả trong và ngoài nước.
Yếu tố thứ ba cũng không kém phần quan trọng đó là sự quản trị thông minh hay nói cách khác là chính quyền thông minh. “Tức là để quản lý con người và nền kinh tế đó thì phải có những cách thức, công cụ, quan điểm quản trị thành phố theo một cách khác thay vì phương pháp thủ công. Cách quản trị thông minh là cách quản trị mà chúng ta cần phải đáp ứng được nhu cầu trong thông minh hóa thành phố. Đó là chính quyền điện tử bao gồm các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả, cải thiện tương tác trong quản lý đô thị, cung cấp dịch vụ cho người dân cũng như tối ưu chức năng của các đơn vị hành chính", KTS Trần Minh Tùng phân tích.
Sự dịch chuyển thông minh hay “đi lại” thông minh cũng là một yếu tố cần được quan tâm trên con đường tiến tới đô thị thông minh. Đó là sự dịch chuyển về vật lý và phi vật lý. “Dịch chuyển vật lý ở đây chính là vấn đề giao thông, hướng đến xây dựng và phát triển một hệ thống giao thông, vận tải đồng bộ, kết nối bảo đảm an toàn, xanh và sạch, tiết kiệm chi phí và giảm khí thải. Hiện tại, chúng ta đang mất quá nhiều thời gian để di chuyển ngoài đường do chưa giải quyết được các vấn đề giao thông. Thành phố sẽ không thể thông minh trong điều kiện như vậy.
Dịch chuyển thứ hai là dịch chuyển phi vật lý. Lấy ví dụ như trước đây, muốn gặp người nào đó thì tôi phải tự đi để gặp người ta. Nhưng bây giờ với sự hỗ trợ của công nghệ, của máy móc, đôi lúc là tôi đứng yên còn công nghệ sẽ giúp tôi 'di chuyển'. Mặc dù tôi ở đây nhưng tôi vẫn biết được chuyện gì đang xảy ra ở bên kia thành phố nhờ sự dịch chuyển thông minh đó”, ông Tùng lý giải.
Yếu tố thứ năm là môi trường thông minh. Môi trường thông minh ở đây là môi trường thực nghiệm. Tức là một thành phố thông minh phải làm thế nào để kiểm soát được các vấn đề về môi trường. Ví dụ như ô nhiễm, khói bụi, tỷ lệ rác thải thu gom và xử lý nước cũng như các vấn đề về năng lượng và các nguồn năng lượng tái tạo. Nếu chúng ta vẫn sử dụng năng lượng cách của truyền thống, sử dụng bừa bãi và sử dụng nguồn năng lượng không tái tạo được thì dẫn đến một lúc nào đó môi trường bị hủy hoại và rõ ràng chúng ta không thể có được thành phố thông minh ở trong một môi trường như vậy.
Yếu tố cuối cùng để hướng đến một đô thị thông minh đó là cư trú thông minh. Cư trú thông minh là hướng đến chất lượng cuộc sống. Con người phải được “sống” thực sự chứ không phải “tồn tại”. Tức là khi người ta có một nền kinh tế thông minh, có hiểu biết thông minh, có sự dịch chuyển thông minh và người ta có môi trường sống tương đối hấp dẫn thì chất lượng cuộc sống cũng sẽ được nâng lên. Các giải pháp giúp nâng cao chất lượng sống của người dân có thể kể đến như giải pháp về tiêu dùng (an toàn vệ sinh thực phẩm...), về lối sống (gắn kết cộng đồng, đời sống văn hoá đa dạng...), về an ninh (giám sát vi phạm, phát hiện tình huống khẩn cấp, phòng chống cướp giật...) và giải pháp về y tế.
ĐỪNG ĐỂ VIỆC XÂY DỰNG ĐÔ THỊ THÔNG MINH TRỞ THÀNH CUỘC ĐUA TỐN SỨC NHƯNG KHÔNG HIỆU QUẢ
Đánh giá về việc xây dựng thành phố thông minh tại Việt Nam, TS.KTS Trần Minh Tùng cho rằng, một trong những rào cản lớn nhất đó là việc thiếu triết lý phát triển: “Chúng ta thấy nước ngoài nói về đô thị thông minh thì chúng ta cũng bắt buộc phải nói về đô thị thông minh. Trong khi có thể chúng ta chưa thực sự sẵn sàng thay đổi và chưa có được triết lý phát triển của riêng mình, dẫn đến những bước đi lúng túng, kém hiệu quả. Và có một thực tế là việc phát triển đô thị thông minh ở những nơi bắt đầu từ con số 0 có vẻ sẽ không phức tạp bằng những nơi đã có nền móng sẵn và những nền móng ấy đang có quá nhiều sự lộn xộn. Những cái cũ sẽ tiếp tục níu kéo, dẫn đến “bỏ thì thương, vương thì tội”. Khi mà chúng ta muốn thay đổi một trạng thái thì rõ ràng chúng ta bắt buộc phải bỏ một số thứ đi nhưng điều đó là rất khó nếu áp dụng vào các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM”.
Bàn về những giải pháp thông minh để xây dựng thành phố thông minh tại Việt Nam, TS.KTS Trần Minh Tùng cho rằng, trước hết các thành phố cần phải bình tĩnh, không nên vội vàng chạy theo phong trào, biến việc xây dựng thành phố thông minh trở thành một cuộc đua mất nhiều sức lực nhưng không có kết quả.
Theo đó, mỗi đô thị cần phải nhận biết được mình đang có những ưu và nhược điểm gì để có thể đề ra những giải pháp, hướng đi và lộ trình phù hợp. KTS Trần Minh Tùng nhấn mạnh, việc hình thành triết lý phát triển là vô cùng quan trọng để không đánh mất đi bản sắc đô thị, đồng thời định hướng được công cuộc phát triển đô thị một cách đúng đắn và hiệu quả.
“Nếu bê nguyên giải pháp của nước ngoài thì bản thân giải pháp đó đã là giải pháp không thông minh. Rõ ràng các đô thị nước ngoài nó cũng có những đặc tính riêng, cách làm riêng của họ cho nên họ tìm những giải pháp cho rằng phù hợp với họ. Nhưng những giải pháp đó chưa hẳn phù hợp với mình. Việc mình đi tham khảo nước ngoài là việc bắt buộc phải làm, nên làm, nhưng việc bắt chước 100%, bê nguyên một mẫu hình của đô thị nào đó thì đó là việc hoàn toàn phản thông minh.
Tôi có suy nghĩ rằng một đô thị thực sự thông minh khi mà chúng ta tìm được giải pháp phù hợp với đô thị đó, thì đó được gọi là giải pháp thông minh. Người phương Tây có một phương châm là phát triển theo bối cảnh. Tức là ứng với bối cảnh nào thì sẽ có một cách thức phát triển chứ không phải chúng ta nhập khẩu một mẫu hình nào đó vào và bắt buộc phải tuân thủ theo mẫu hình đó”, KTS Trần Minh Tùng khẳng định.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, các vấn đề đô thị hiện nay đang được xem là một trong những mối bận tâm toàn cầu. Việc xây dựng đô thị thông minh đều hướng đến mục tiêu là phát triển bền vững để sống trong đô thị không còn là gánh nặng mà sẽ trở nên hấp dẫn và đáng sống hơn, nhân văn hơn: “Đô thị thông minh là một hướng đi bắt buộc và gần như tất yếu. Vấn đề là phải làm thế nào để đô thị thông minh thực sự đúng nghĩa thông minh, vì sự phát triển bền vững, vì chất lượng cuộc sống tương lai của người dân chứ không phải vì một phong trào”.
Thiết kế: Đức Anh