Aa

Phát triển đô thị thông minh: “Không thể mạnh ai nấy làm”

Thứ Hai, 21/01/2019 - 20:51

Là xu hướng của thời đại, phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) đang được nhiều địa phương xây dựng, phát triển.

Với mục tiêu phát triển đô thị thông minh Việt Nam một cách thống nhất, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 tầm nhìn 2030 theo Quyết định số 950/QĐ-TTg.

Hoạt động nghiên cứu tại Trung tâm R&D Rạng Đông

Hoạt động nghiên cứu tại Trung tâm R&D Rạng Đông

Điển hình thành công về ĐTTM

Kể về câu chuyện phát triển ĐTTM đã mang lại nhiều kết quả ấn tượng thời gian gần đây, ông Nguyễn Tiến Sỹ - Trưởng phòng CNTT, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh cho biết, đề án phát triển ĐTTM ở Quảng Ninh được triển khai trong giai đoạn 2017-2020. Sau thời gian triển khai, đến nay, một số lĩnh vực đã có kết quả.
Theo ông Sỹ, trong lĩnh vực y tế, đã xây dựng 3 bệnh viện thông minh. Hiệu quả được nâng cao trong công tác phục vụ khám chữa bệnh. Người dân tiết kiệm chi phí, thời gian đăng kí khám chữa bệnh. Toàn bộ quy trình trước dùng bệnh án thủ công thì hiện nay triển khai thành công mô hình bệnh án điện tử. Toàn bộ quy trình từ khám xét nghiệm, tra kết quả điều trị bằng điện tử, đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến.

Trong lĩnh vực giáo dục, hiệu quả mang lại là sự hài lòng cũng như sự ham thích học hỏi của học sinh tăng nhiều. Nếu như trước đây học sinh đến trường ít có phản hồi lại nhưng khi học trên môi trường thông minh, các em đã có tương tác tốt, phản hồi tốt là “chúng em thích học”.

Trọng tâm của phát triển đô thị thông minh phải hướng vào thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của con người. ĐTTM với toàn bộ những hệ thống cấu thành phải đáp ứng tiêu chí giúp con người sống thuận lợi hơn, thoải mái hơn.

Đối với lĩnh vực y tế, sự hài lòng của người dân tăng cao, chất lượng khám chữa bệnh cũng tăng, giảm nhiều thời gian, chi phí công tác quản lý, khám chữa bệnh của người dân.

Hay như trong lĩnh vực môi trường, lắp đặt gần 100 trạm quan trắc môi trường. Nhu cầu minh bạch thông tin cao có thể cung cấp thông tin ô nhiễm như ô nhiễm môi trường, nguồn nước, không khí của các doanh nghiệp, đồng hành cùng tỉnh Quảng Ninh trong phát triển kinh tế xã hội. Qua đó, người dân thu lại được lợi ích là công khai minh bạch thông tin, có hệ thống giám sát môi trường; các công ty tiết giảm vấn đề xả thải ra môi trường khi có hệ thống quan trắc. Từ đó, môi trường sống của người dân sống sẽ tốt hơn.

Cơ hội mới cho nhiều doanh nghiệp

Trong kỷ nguyên số, phát triển ĐTTM đã và đang trở thành mối quan tâm đặc biệt của các quốc gia trên thế giới, bởi điều này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản trị đô thị cũng như chất lượng của các đô thị. Quá trình phát triển ĐTTM thường được chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: hiện đại hóa đô thị với các giải pháp công nghệ thông minh, giai đoạn 2: phát triển ĐTTM phục vụ các tầm nhìn mục tiêu của Nhà nước, giai đoạn 3: chú trọng sự tham gia của người dân, hướng tới phát triển ĐTTM bền vững.

Giới chuyên gia cho rằng, phát triển ĐTTM cần đồng bộ, thống nhất, theo chuẩn chung, không thể “mỗi nơi làm một kiểu, mạnh ai nấy làm”. Về quản lý- tổ chức, chính quyền phải là chính quyền điện tử, sử dụng công nghệ thông tin hiện đại. Các dịch vụ và hạ tầng trọng yếu của Smart City được quản lý bởi công nghệ điện toán thông minh. Các chủ thể chính của ĐTTM là các công dân hiện đại, có khả năng tham gia giám sát, thậm chí phối hợp hỗ trợ quản lý thành phố. Cốt lõi của ĐTTM là ứng dụng công nghệ để phát triển bền vững, quản lý tài nguyên thiên nhiên hiệu quả, cũng như chống chọi tốt với các tác nhân gây ra bởi biến đổi môi trường tự nhiên….

Phát triển ĐTTM đã và đang mang đến nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ, sản phẩm, thiết bị công nghệ phục vụ cho ĐTTM.

Ông Nguyễn Đoàn Thăng – TGĐ Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông, cho biết trong 10 năm qua, Rạng Đông chuyển tầng công nghệ từ chiếu sáng là bóng điện trong môi trường áp suất thấp sang công nghệ chiếu sáng bán dẫn, đồng thời tập hợp tất cả những tri thức để đưa chiếu sáng thông minh vì sức khỏe con người thành một mục tiêu phát triển kịp thời cho ĐTTM.

Cũng theo ông Nguyễn Đoàn Thăng, chỉ vài trăm năm gần đây, công nghiệp hóa khiến con người hoạt động nhiều trong không gian kín và cơ thể con người hoạt động trong môi trường ánh sáng ở trong không gian kín khác với môi trường ánh sáng tự nhiên. Và trong chương trình KHCN chiếu sáng vì sức khoẻ con người, Rạng Đông đang kết hợp những công nghệ thông minh, kết hợp điều kiện cường độ, điều khiển phổ, màu của ánh sáng để làm thế nào con người trong hàng chục tiếng sống ở trong không gian kín vẫn được tiếp xúc với nhịp ánh sáng tự nhiên ngoài trời và nhịp sinh học của con người theo được nhiệt độ tự nhiên ấy và bệnh tật sẽ giảm đi, sức khỏe sẽ tăng lên.

Xây dựng các tiêu chuẩn khung về đô thị thông minh

Ông Nguyễn Văn Khôi – Quyền Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng:

Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 16/2017 về việc nâng cao năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Gần đây, vào tháng 8/2018, Thủ tướng cũng đã có Quyết định 950 phê duyệt đề án phát triển ĐTTM, bền vững giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030. Trong các Chỉ thị và Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ, ngành có liên quan trong việc đẩy mạnh tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng như việc xây dựng triển khai các kế hoạch, đề án về ĐTTM.

Thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN mà trực tiếp là Tổng cục TCĐLCL đã có nhiều hoạt động nhằm phối hợp với các bộ ngành liên quan để xây dựng một bộ tiêu chuẩn làm nền tảng định hướng cho quá trình xây dựng, phát triển ĐTTM. Tham vấn, chia sẻ, hướng dẫn cho các bộ ngành liên quan trong việc xây dựng ĐTTM theo một tiêu chuẩn chung, tránh trường hợp tốn kém, lãng phí khi xây dựng các ĐTTM tại các địa phương trong cả nước cũng là hoạt động được Bộ KH&CN chú trọng.

Hiện dự thảo 5 Tiểu chuẩn Việt Nam trong lĩnh vực này đang trong quá trình góp ý, hoàn thiện để ban hành như: ISO 37100:2016 - Đô thị và cộng đồng bền vững; ISO 37104 - Phát triển bền vững cho cộng động – Hướng dẫn thực hiện trong thực tiễn tại các đô thị; ISO 37106:2018 - Đô thị và cộng đồng bền vững – Hướng dẫn thiết lập mô hình hoạt động của ĐTTM cho cộng đồng bền vững; ISO 37122 - Phát triển bền vững cho cộng đồng – Các chỉ số đối với ĐTTM; PAS 183:2017 - ĐTTM – Hướng dẫn thiết lập khung ra quyết định để chia sẻ dữ liệu và dịch vụ thông tin.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top