Homestay, condotel là động lực giúp tăng trưởng ngành du lịch
Tại Diễn đàn “Hành lang pháp lý cho thị trường condotel” tổ chức mới đây, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhắc lại câu chuyện, khoảng 15 năm trước, khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc còn là Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, lúc đó Chính phủ đã mời nhóm nghiên cứu từ trưởng Đại học Harvard xây dựng báo cáo đầu tiên về năng lực cạnh tranh Việt Nam.
“Tại báo cáo này, nhóm nghiên cứu đã đặt ra câu hỏi: Tại sao Việt Nam không trở thành bếp ăn của thế giới. Hàm ý của câu hỏi này không phải là để Việt Nam trở thành nơi cung cấp lương thực thực phẩm mà trở thành điểm đến du lịch hành đầu thế giới. Câu hỏi này cũng cho thấy tiềm năng lớn của du lịch Việt Nam”, Chủ tịch VCCI cho biết.
Cũng theo ông Vũ Tiến Lộc, Việt Nam với vị trí địa lý quan trọng đang trở thành một trong những điểm đến hàng đầu thế giới về du lịch. Trong nghiên cứu của một tổ chức thế giới thì Việt Nam là một trong 20 quốc gia hàng đầu về du lịch, nếu tận dụng được thế mạnh này chúng ta có thể trở thành 20 nền kinh tế hàng đầu của thế giới, đặc biệt là kinh tế du lịch. Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang đang trở thành điểm đến hàng đầu thế giới về du lịch.
Năm 2019, Việt Nam đón khoảng từ 15 đến 17 triệu lượt khách du lịch. Để du lịch Việt Nam có thể tận dụng những loại mô hình mới, Chủ tịch VCCI cho rằng, Việt Nam cần tháo gỡ những điểm nghẽn để du lịch có thể phát triển. Một trong nhưng điểm nghẽn cản trở sự phát triển của du lịch Việt chính là cơ sở hạ tầng, là hệ thống bất động sản của du lịch, đặc biệt là cơ sở lưu trú chất lượng cao.
Theo Chủ tịch VCCI, trong việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú thì cần sự chung tay của cả xã hội, mà gợi ý của mô hình kinh tế chia sẻ là vô cùng quan trọng. Homestay, condotel… là những mô hình mới có thể huy động được nguồn lực xã hội vào việc phát triển của cơ sở hạ tầng và du lịch của nước ta.
Hơn nữa, để phát triển những mô hình kinh doanh mới thì cần đảm bảo sự minh bạch và nhất quán trong hệ thống pháp luật. Sự minh bạch này sẽ đảm bảo niềm tin cho các nhà đầu tư, chủ đầu tư để họ có thể đầu tư dài hạn.
Tuần trước, Thủ tướng Chính phủ đã ra “tối hậu thư” yêu cầu Bộ Xây dựng ban hành quy định sửa đổi, bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đối với các loại hình nhà chung cư, công trình căn hộ du lịch (codoltel), biệt thư du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn (officetel); nhà trọ, phòng trọ cho thuê.
Đồng thời, Bộ Xây dựng phải ban hành quy chế quản lý, vận hành loại công trình văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn (officetel). Thời hạn để Bộ Xây dựng hoàn thành nội dung nêu trên là trong năm 2019.
Cocobay đơn giản chỉ là sự đào thải của thị trường
Tại Diễn đàn, ông Trương Xuân Quý, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Flamingo cho biết, trước khi bắt đầu vào Việt Nam, condotel xuất hiện tại Mỹ vào những năm 80. Tại Mỹ, với dòng sản phẩm condotel hình thành trong tương lai thì chủ đầu tư chỉ cam kết lợi nhuận tạm thời để nhà đầu tư quan tâm và yên tâm về tỷ suất lợi nhuận. Sau đó, tùy theo khả năng vận hành, số lượng khách, sự thay đổi của chính sách thì con số lợi nhuận cam kết này có thể được chủ đầu tư chia sẻ ở mức cao hơn nhưng cũng có thể ở mức thấp hơn.
Nhìn lại sự phát triển của condotel tại Việt Nam trong thời gian qua, thì con số cam kết lợi nhuận của condotel tại Việt Nam lại đang là cuộc đua của các chủ đầu tư.
Nhiều chủ đầu tư có diện tích dự án quy mô chỉ 1ha cũng làm condotel, chủ đầu tư có quy mô diện tích là 5ha cũng làm condotel, chủ đầu tư có diện tích lên đến 100ha cũng làm condotel… Do đó, điều quan trọng hơn cả với nhà đầu tư là họ lựa chon được các chủ đầu tư có uy tín bởi tại nhiều quần thể condotel đôi khi chỉ có 100 căn condotel nhưng lại được đặt ở nơi có quần thể tiện ích hiện đại, vị trí đắc địa, tỷ lệ lấp đầy cao... thì cam kết lợi nhuận ở mức cao cũng là điều khả thi.
Ông Quý nhận định: “Cocobay đơn giản chỉ là sự đào thải của thị trường mà thôi. Cụm từ “vỡ trận” mà dùng chung cho cả thị trường condotel thì quá nặng”.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đông Tây Land cho biết: “Trong một đánh giá của chúng tôi, thị trường đã có mức tăng trưởng hơn gần đây, dĩ nhiên không thể có sự phát triển như giai đoạn mấy năm trước và phải cần thời gian. Tôi cho rằng, chúng ta đang lo lắng quá và vụ việc Cocobay chỉ là tai nạn. Nó giống như vụ việc trước đây tại thị trường TP.HCM, khi một chung cư bị cháy thì rất nhiều người lo sợ và sức mua sụt giảm. Nhưng một dự án không phải là mẫu số chung cho cả thị trường.
Sau sự việc Cocobay tôi cho lại là tốt bởi chúng ta có thời gian để đánh giá lại, khách hàng cần đánh giá lại năng lực của chủ đầu tư, tiềm năng của từng sản phẩm, vận hành của từng chủ đầu tư. Các chủ đầu tư cũng thông qua việc này xem lại các cam kết, thực hiện, dịch vụ tiện ích có đảm bảo cho nhà đầu tư tin tưởng hay không để có thể đảm bảo lợi ích cho khách hàng”.
Bà Trần Thị Mỹ Lộc, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Công ty cổ phần Vinhomes cũng chia sẻ: “Tôi xem vấn đề của Cocobay trong một hình ảnh đoàn quân thì có 1 anh lính ngã xuống nhưng cả đoàn quân vẫn tiến về phía mặt trời. Tuy nhiên, cần sự đồng hành của những chủ đầu tư uy tín, có tâm và cam kết thiết thực cho nhà đầu tư”.
Theo bà Mỹ Lộc, trong sự việc này, để đánh giá đúng sai phải cần đánh giá trên nhiều góc độ, đó là: Nhà đầu tư chỉ mới dựa vào những cam kết lợi nhuận đầu tư, chưa hiểu được thực chất của bất động sản nghỉ dưỡng, việc chọn chủ đầu tư, dự án nào, cam kết được thực hiện hay không là do năng lực chủ đầu tư về vận hành… Tiếp đó, về phía các cơ quan chức năng thì việc soát xét các dự án condotel đã cốt lõi hay chưa.