Đề nghị phân loại lãi vay tùy đối tượng
Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN cho biết, một trong những nguyên nhân khiến tín dụng tăng chậm trong 11 tháng đầu năm là lãi suất cho vay ở một số ngân hàng còn khá cao. Đây cũng là lý do tại một hội nghị về tháo gỡ khó khăn vốn gần đây, NHNN cho biết đang nghiên cứu việc công bố công khai lãi suất bình quân của hệ thống tổ chức tín dụng, lãi suất bình quân cho vay của từng tổ chức tín dụng và chênh lệch lãi suất bình quân tiền gửi và cho vay, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người dân lựa chọn ngân hàng có lãi suất thấp để vay.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc công khai mặt bằng lãi suất cho vay cũng như lãi suất huy động là cần thiết nhằm gia tăng sự minh bạch, giúp khách hàng có cơ sở so sánh, lựa chọn. Hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng có sự phân hóa khá rõ nét, tùy đối tượng vay cũng như giá vốn, nợ xấu… của mỗi ngân hàng.
“Chúng tôi tán thành việc công bố công khai lãi suất cho vay của từng ngân hàng, song cần công bố chi tiết lãi suất từng nhóm khách hàng, thay vì tính lãi suất cho vay bình quân của cả ngân hàng. Đơn cử, tại VPBank, lãi suất cho vay doanh nghiệp chỉ 5 - 7%/năm (ngắn hạn), 7 - 9%/năm (dài hạn), song lãi suất cho vay tín chấp lại khá cao. Do dư nợ cho vay tín chấp của VPBank lớn (trên 100.000 tỷ đồng), nên nếu tính lãi suất trung bình toàn ngân hàng sẽ bị đẩy cao lên”, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank đề nghị.
Lãnh đạo một ngân hàng TMCP khác cũng cho rằng, việc so sánh lãi suất cho vay trung bình chung sẽ làm nhiều ngân hàng nhỏ bị thiệt thòi, vì ngân hàng nhỏ luôn phải duy trì lãi suất huy động cao hơn để cạnh tranh.
Lãi suất tiếp tục giảm, song khó giảm sâu thêm
Theo dự đoán của các nhà phân tích tài chính quốc tế, năm 2024, làn sóng cắt giảm lãi suất sẽ diễn ra trên diện rộng. Dự báo, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất từ tháng 5/2024. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) có thể có 3 - 4 lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024. Giới phân tích kỳ vọng, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ có tới 5 lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024.
"Mặt bằng lãi suất chung đang ở mức khá thấp, nhiều ngân hàng đưa ra các gói tín dụng hấp dẫn, room tín dụng dồi dào, song vẫn khó tăng trưởng cho vay.
Tại BIDV, chúng tôi gặp áp lực lớn về trả lãi tiền gửi do lượng tiền gửi vào ngân hàng rất lớn, trong khi không biết cho vay vào đâu. Tính đến ngày 6/12, tăng trưởng tín dụng tại BDIV là 9,1%, vòng quay vốn ngắn hạn là 2,2%. Trong 11 tháng qua, riêng BIDV đã cung ứng cho thị trường hơn 2,2 triệu tỷ đồng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên".
- Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV
Trong nước, NHNN cho biết sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, cắt giảm các loại phí không cần thiết nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, xu hướng chính sách tiền tệ năm tới sẽ là tiếp tục nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng, song lãi suất sẽ khó giảm thêm do phải dè chừng với lạm phát và rủi ro thị trường tài sản.
TS. Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học (Trường đại học Kinh tế Quốc dân) lưu ý, lạm phát năm tới khó có thể tăng mạnh, chủ yếu do tổng cầu thấp, song vẫn cần lưu ý yếu tố quốc tế, bởi khi giá dầu, giá lương thực lên cao thì sẽ gây ra nhập khẩu lạm phát đối với Việt Nam.
Theo các ngân hàng thương mại, lãi suất hiện nay đã giảm xuống mức rất thấp và khó có khả năng giảm thêm. Lãnh đạo MB, VPBank cho biết, các ngân hàng đang lỗ với các khoản vay dài hạn và dư địa giảm thêm lãi suất không nhiều.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) cũng cho rằng, lãi suất năm 2024 khó có khả năng giảm thêm. Hiện lãi suất ở mức thấp kỷ lục và nếu giảm thêm sẽ đe dọa đến hoạt động huy động vốn của ngân hàng, dòng tiền gửi có nguy cơ đảo chiều, chảy sang kênh đầu tư rủi ro.
Bình quân 11 tháng đầu năm nay, Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,22%, nhiều khả năng CPI cả năm chỉ tăng 3,3 - 3,5%. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm dao động quanh mức 5%/năm, theo các chuyên gia là hợp lý, đảm bảo lãi suất thực dương.
Theo khảo sát của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, lãi suất huy động trong tháng 11 tiếp tục giảm 0,2 - 0,3%/năm với các kỳ hạn và lũy kế đã giảm 2,3 - 2,7% so với đầu năm. Lãi suất cho vay bình quân cũng giảm 1,5 - 2,5% so với đầu năm, cùng với các gói tín dụng ưu đãi. Như vậy, tốc độ giảm lãi suất cho vay vẫn chậm hơn lãi suất huy động và còn có dư địa để giảm thêm./.