Quy hoạch “bí mật” sẽ tạo ra những hệ lụy
Theo Báo cáo của đoàn giám sát Quốc hội về quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai, tính đến thời điểm hiện tại có tới 1286 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1 - 2 lần, 95 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 3 - 4 lần, 9 dự án điều chỉnh từ 5 - 6 lần. Việc bóp méo quy hoạch là nguyên nhân dẫn tới nhiều cuộc khiếu kiện của cư dân đô thị hiện nay.
Điều đáng nói, việc điều chỉnh quy hoạch lẽ ra phải phục vụ cho đời sống cư dân song trong thực tế, đa phần các dự án bị thay đổi đều làm gia tăng mật độ xây dựng, tạo áp lực lên cơ sở hạ tầng bằng việc biến những ô đất phục vụ cho mục đích cây xanh, trường học, công viên trở thành những tòa nhà chung cư cao tầng.
"Quy hoạch được điều chỉnh luôn có xu hướng tăng tối đa lợi ích cho nhà đầu tư, giảm tối đa các diện tích công cộng và lợi ích của người sử dụng. Vấn nạn trên đã gây tổn thất về kinh tế, bức xúc cho xã hội và người dân, thậm chí không thể khắc phục được như tình trạng ngày càng kẹt xe, ô nhiễm môi trường, mưa ngập, quá tải điện nước, hệ thống thải…".
Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai)
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân dẫn tới quy hoạch bị bóp méo, cư dân khiếu kiện xuất phát từ việc thông tin về quy hoạch thiếu công khai.
Theo KTS. Nguyễn Thế Khải, trước đây, quy hoạch được coi là bí mật. Việc “úp mở” quy hoạch dẫn tới tình trạng thông tin bị rò rỉ, nhiều người tranh thủ gom đất xung quanh khu vực quy hoạch để kiếm lời.
Hoặc trường hợp khác, việc quy hoạch bị giấu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng tranh cãi giữa người dân và chủ đầu tư (hoặc cơ quan quản lý) do đến khi sự việc đã xảy ra, người dân mới biết. “Người ta còn biến những ô xanh thành các tòa nhà cao tầng để kiếm lời. Việc không công khai quy hoạch còn dẫn tới những “đường cong mềm mại”, bẻ gãy quy hoạch vì mục đích lợi ích cá nhân riêng”, KTS Nguyễn Thế Khải nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam, việc quy hoạch không công khai là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng cò thổi giá đất, gây bát nháo trên thị trường bất động sản. Điển hình của hệ lụy quy hoạch giấu kín không thể không nhắc tới là cơn bão đất tại các đặc khu kinh tế tương lai cách đây một năm và gần đây nhất là tình trạng sốt đất tại Vân Đồn.
Cần phải công khai quy hoạch
Theo các chuyên gia, công khai quy hoạch được coi là giải pháp mấu chốt để xóa bỏ những hệ lụy hiện tại như tình trạng điều chỉnh quy hoạch tự phát, sốt đất cục bộ, xóa bỏ dự án treo.
Chia sẻ nhiều lần trong các thội thảo, diễn đàn, ông Nguyễn Văn Đính từng nhấn mạnh, để giải quyết tình trạng thổi phồng giá đất, thông tin về quy hoạch cần được công khai rõ ràng.
“Các chính quyền cần công bố thông tin quy hoạch trên các cổng thông tin điện tử để người dân nắm được cũng như các nhà đầu tư biết rõ, tránh tình trạng xảy ra trường hợp thị trường bị dẫn dắt bởi tin đồn”, ông Đính nói.
KTS. Nguyễn Thế Khải cũng cho hay: “Việc công khai quy hoạch là điều cần thiết phải làm. Quy hoạch công khai thì dân mới biết, dân mới bàn và dân làm. Từ đó, dân còn kiểm tra và giám sát. Ngoài ra, việc quy hoạch công khai là cách để lấy ý kiến đóng góp của người dân”.
Liên quan đến vấn đề này, tại phiên thảo luận kỳ họp thứ 7, Quốc hội XIV, ngày 27/5, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nhấn mạnh: “Đặc biệt, công khai các thông tin về quy hoạch để người dân biết và giám sát”. Tại phiên thảo luận, ông Phạm Hồng Hà - Bộ trưởng Xây dựng cho biết, để công khai thông tin quy hoạch, năm 2019, Bộ Xây dựng sẽ lập cổng thông tin điện tử quốc gia về quy hoạch đô thị. Công cụ này giúp người dân và doanh nghiệp có thể nắm bắt thông tin, giám sát quy hoạch. Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết thêm, sẽ hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến quy hoạch, sử dụng đất đô thị.
Giải pháp lập cổng thông tin quốc gia về quy hoạch đô thị của Bộ Xây dựng đã nhận được đồng tình từ phía tư lệnh ngành tài nguyên và môi trường, đơn vị cùng quản lý lĩnh vực đất đai.
Nhấn mạnh về lợi ích của giải pháp thành lập cổng thông tin quốc gia về quy hoạch đô thị, Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, việc lập cơ sở dữ liệu đất đai và đưa giao dịch mua bán trao đổi lên sàn giao dịch sẽ giúp hình thành giá trị đất trung bình của thị trường sau 5 - 10 năm. "Khi đó việc định giá đất đai sẽ minh bạch, có cơ sở khoa học", lãnh đạo Bộ Tài nguyên & Môi trường nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Định Dũng: Điều chỉnh quy hoạch liên tục, còn chạy theo nhà đầu tư Công tác sử dụng đất đai, quản lý phát triển đô thị còn nhiều thiếu sót và cần giải pháp để khắc phục. Nguyên nhân là do hệ thống pháp luật còn khoảng trống, chồng chéo, khó thực hiện. Điều chỉnh bổ sung quy hoạch chậm được thực hiện, điều chỉnh quy hoạch liên tục, còn chạy theo nhà đầu tư như tăng chiều cao, diện tích mật độ xây dựng tạo ra khu đô thị chật chội, không an toàn về cháy nổ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích người dân. Các bộ, ngành địa phương cần tăng cường kiểm soát, khắc phục quy hoạch treo, dự án treo. Bồi thường tái định cư phải đảm bảo hài hòa lợi ích người dân, đồng thời xử lý nghiêm các cán bộ sai phạm, tiếp tay cho sai phạm. |