Aa

Công nghệ BIM: Xu hướng tất yếu của ngành xây dựng Việt Nam

Thứ Bảy, 01/09/2018 - 03:01

Để cung cấp những giải pháp BIM cho ngành xây dựng nói chung và cơ sở hạ tầng nói riêng nhằm nâng cao nhận thức của các cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, hội thảo “BIM cho cơ sở hạ tầng, Xu hướng – Thực trạng – Giải pháp” đã diễn ra vào ngày 30/8.

BIM (Building Information Modeling) là quá trình tạo lập và sử dụng mô hình thông tin trong giai đoạn thiết kế, thi công và vận hành công trình của lĩnh vực xây dựng. BIM hiện đang là một xu hướng công nghệ bùng nổ mạnh mẽ trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam.

Ở Việt Nam, các doanh nghiệp tư nhân đã có sự đầu tư vào BIM từ những năm 2010, tuy nhiên vẫn chưa thực sự mạnh mẽ. Sau khi có Quyết định 2500/QĐ-TTg ban hành ngày 22/12/2016 về phê duyệt Đề án áp dụng BIM trong hoạt động Xây dựng và quản lý vận hành công trình và sau đó là Quyết định 204/QĐ-BXD ngày 21/03/2017 ban hành Kế hoạch thực hiện đề án thì việc ứng dụng BIM ngày càng phổ biến hơn. Tuy nhiên, công nghệ BIM trong cơ sở hạ tầng có phần chậm và gặp nhiều thách thức hơn so với BIM trong các công trình xây dựng.

Hội thảo BIM với chủ đề “Xu hướng – Thực trạng – Giải pháp

Hội thảo BIM với chủ đề “Xu hướng – Thực trạng – Giải pháp" diễn ra sáng 30/8.

Tại hội thảo, các diễn giả chỉ ra rằng, trong vòng 3 năm trở lại đây, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng đã có những chuyển biến tích cực trong việc tiếp cận, ứng dụng công nghệ BIM. Cụ thể, các doanh nghiệp tư vấn, chủ đầu tư, nhà thầu thi công đã bắt đầu có nhận thức về ứng dụng công nghệ BIM và có một số dự án ở Việt Nam bước đầu áp dụng công nghệ BIM như dự án Nhà để xe cao tầng của Sân bay Tân Sơn Nhất.Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều thách thức mà các tổ chức, doanh nghiệp gặp phải khi ứng dụng công nghệ BIM cho lĩnh vực hạ tầng.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Trưởng phòng BIM, Công ty TNHH Chodai Kiso – Jiban Việt Nam chỉ ra 3 khó khăn chính mà doanh nghiệp gặp phải, bao gồm: Chi phí áp dụng BIM đang tăng lên, ở Việt Nam việc áp dụng BIM cho các công trình còn nhiều hạn chế, để đồng bộ được đòi hỏi phải mất khoảng thời gian dài. Vấn đề tìm kiếm, đào tạo nhân viên thành thạo và giỏi về BIM là không dễ dàng. Cuối cùng là sự hạn chế về công cụ.

Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp BIM Hà Nội, ông Hoàng Văn Cường nhận định về những khó khăn của mô hình công nghệ BIM: “Khó khăn trước hết đến từ nhận thức, do đây là một xu hướng công nghệ mới nên việc nhận thức về BIM còn nhiều hạn chế, đặc biệt là đối với các công ty quản lý nhà nước. Tuy nhiên, do công tác tuyên truyền nên hiện nay nhận thức về BIM ngày càng tăng. Đồng thời, khi đầu tư vào công nghệ mới thì thời gian và chi phí để đào tạo nhân lực phần cứng, phần mềm và chi phí tư vấn là một rào cản.”

Bên cạnh những khó khăn, ông Cường cũng chỉ ra những lợi ích to lớn mà BIM đã mang lại cho ngành xây dựng như: Thứ nhất, BIM giảm thiểu bớt sự lãng phí do loại trừ được những xung đột trong thiết kế. Thứ hai, BIM cung cấp được những giải pháp thiết kế trực quan và có thể tối ưu thiết kế ngay từ giai đoạn đầu, do đó tiết kiệm được chi phí từ những giai đoạn sau. Thứ ba, BIM mang lại sự thuận lợi cho việc tra cứu hồ sơ của công trình.

Đồng thời, Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp BIM Hà Nội cũng khẳng định công nghệ BIM là xu hướng tất yếu của ngành xây dựng Việt Nam.

Chia sẻ về ứng dụng bộ giải pháp Autodesk BIM cho dự án hạ tầng ở Việt Nam, ông Ngô Quốc Việt – Giám đốc phụ trách kỹ thuật BIM Hà Nội cho biết, bộ giải pháp BIM cho dự án cơ sở hạ tầng ở Việt Nam đáp ứng được tất cả những nhu cầu của dự án như: nhu cầu về thiết kế concept nhanh và trực quan, thiết kế chi tiết, xuất hồ sơ, bản vẽ và lát cắt; nhu cầu về trình diễn phương án sinh động nhất, nhu cầu về mô phỏng, vận hành dự án; nhu cầu về quản lý mô hình thông tin BIM cũng như nhu cầu về trao đổi thông tin…

Ngoài ra, bộ giải pháp BIM còn hỗ trợ cho việc chuyển đổi dữ liệu một cách nhanh nhất, tiết kiệm thời gian cập nhật thiết kế, nâng cao chất lượng thiết kế, giảm thiểu xung đột, trình diễn trực quan và tăng cường công tác.

Bộ giải pháp BIM bao gồm: Openstreet Map (Hỗ trợ tải dữ liệu GIS dễ dàng, miễn phí), Infraworks (Thiết kế phương án nhanh chóng, trực quan; tối ưu hóa phương án thiết kế, kết nối với Autocad Civil 3D, Revit cho thiết kế chi tiết), Autocad Civil 3D (Mô hình chi tiết, liên kết động; chia sẻ dữ liệu nhóm thiết kế, hỗ trợ tùy biến tối đa), Unity 3D (Mô phỏng đi bộ, lái xe), 3DS MAX (Trình diễn dự án trực quan, sinh động) và Navisworks – Bim 360 Glue (Tổng hợp mô hình toàn bộ các hạng mục dự án, tự động dò tìm va chạm giữa các hạng mục, trao đổi thông tin trên mô hình trực tuyến.

Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp BIM Hà Nội cũng chia sẻ một số giải pháp thiết yếu cho việc áp dụng công nghệ BIM tại Việt Nam như: Đầu tiên cần phải có sự khuyến khích của Nhà nước thông qua công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các cá nhân và doanh nghiệp, các dự án thí điểm áp dụng BIM rất cần có sự hỗ trợ của nhà nước. Sau đó là sự giúp đỡ của khối tư nhân, các đơn vị tư vấn,các doanh nghiệp về cung cấp giải pháp phần mềm trong nước cũng như nước ngoài.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top