Những công nghệ xanh được áp dụng tại Việt Nam
Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được một số kết quả trong việc đưa công nghệ xanh vào các công trình xây dựng. Cụ thể, nhiều công trình đã đạt chứng nhận LOTUS (của Hội đồng công trình xanh Việt Nam) hoặc LEED nhờ ứng dụng công nghệ xanh, tiêu biểu như: Siêu thị Big C Dĩ An (Bình Dương); Nhà máy Công ty Cổ phần Việt Nam Mộc Bài (Tây Ninh), Văn phòng và nhà máy Mainetti (Đồng Nai), Tòa nhà xanh Liên hợp quốc (Hà Nội)…
Hiện một số công nghệ xanh tiềm năng đang được kỳ vọng trở thành nền tảng cho mục tiêu xanh hóa công trình xây dựng tại Việt Nam. Trong đó phải kể đến Pin năng lượng mặt trời được lắp đặt trên mái và ốp tường bao ngoài nhà giúp chuyển năng lượng mặt trời thành dòng điện một chiều. Sau đó, dòng điện này được chuyển đổi thành nguồn điện xoay chiều thông qua bộ chuyển đổi điện nối lưới, đảm bảo nguồn năng lượng được tạo ra từ hệ pin mặt trời ở chế độ tốt nhất và cung cấp cho các thiết bị điện trong gia đình.
Tiếp đó là công nghệ phủ HPS, một loại lớp phủ cách nhiệt được thiết kế cho cả nội và ngoại thất, giúp hạn chế sự mất nhiệt bên trong của các công trình, giúp tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm lượng khí thải CO2 mà không làm ảnh hưởng đến kết cấu, thẩm mỹ chung của công trình. Bên cạnh đó, công nghệ này có tác dụng chống thấm, chống mốc và chống ôxy hóa, giúp duy trì nhiệt độ ở mức dễ chịu nhất cho không gian bên trong ngôi nhà. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, lớp phủ HPS ngăn không cho khí nóng hoạt động, chặn được khoảng 99% tia tử ngoại và 85% tia hồng ngoại, giúp giảm nhiệt độ trong nhà từ 5 đến 8 độ C và giảm khoảng 20 - 30% chi phí điện năng cho công trình.
Công nghệ Class Five+ cũng là một điểm sáng trong xây dựng công trình xanh. Theo giới kiến trúc, sự ra đời của công nghệ này đánh dấu một xu hướng mới trong sử dụng thiết bị vệ sinh tiết kiệm nước. Nhiều người chú trọng lắp vòi rumine - vòi sen tiết kiệm nước mà quên rằng bồn cầu hàng ngày đang âm thầm ngốn một lượng nước lớn. Do đó, sử dụng thiết bị vệ sinh ứng dụng công nghệ xả Class Five+ sẽ giúp hạn chế lãng phí nước một cách chủ động, có khả năng tiết kiệm 20 - 30% lượng nước so với tiêu chuẩn công nghiệp.
Giới kiến trúc cũng không bỏ qua công nghệ Modlet được sáng chế nhằm loại trừ sự mất mát của năng lượng qua các thiết bị sử dụng trong văn phòng và nhà ở. Cụ thể, công nghệ này giúp tiết kiệm được 10 - 20% lượng điện theo hóa đơn hàng tháng, phụ thuộc vào loại thiết bị sử dụng cho công trình. Đặc biệt, công nghệ này cho phép người sử dụng theo dõi được thông tin tiêu thụ năng lượng để có kế hoạch cải thiện việc tiêu thụ điện năng của gia đình.
Ngoài ra, xu hướng của công nghệ xanh cũng đang hướng tới tạo ra các vật liệu xanh bao gồm vật liệu xây dựng, vật liệu trang trí nội ngoại thất. Điển hình phải nhắc đến như tấm tôn lợp sinh thái được sản xuất từ sợi hữu cơ cellulose, chất chống thấm asphalt và acrylic theo phương pháp ép lớp, có khả năng chịu được thời tiết khắc nghiệt; hay bê tông nhẹ dùng công nghệ chưng áp khí, không nung, có khả năng cách âm, cách nhiệt, giúp giảm khoảng 30% điện năng cho hệ thống làm lạnh. Vật liệu trang trí thì phải kể đến những loại gạch ốp lát từ sợi gỗ
Ứng dụng công nghệ xanh ở Việt Nam cần tránh máy móc
Không thể phủ nhận những tính năng và lợi ích của ứng dụng công nghệ xanh trong công trình xây dựng. Đặc biệt, khi xu hướng công trình xanh tại Việt Nam mới chỉ bắt đầu trong khoảng 10 năm trở lại đây trong khi trên thế giới đã phát triển từ nhiều chục năm. Điều đó có nghĩa là Việt Nam có thể ứng dụng các giải pháp công nghệ, vật liệu xanh đã từng sử dụng ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, ở góc độ nghiên cứu, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu Việt Nam ứng dụng một cách máy móc các công nghệ này thì có thể sẽ không tạo ra hiệu quả như mong muốn.
KTS. Hoàng Mạnh Nguyên phân tích: “Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng, xu hướng kiến trúc xanh được xem như một mô hình lý tưởng. Theo đó, các giải pháp công nghệ tân tiến, vật liệu xây dựng hiện đại nếu không ứng dụng một cách linh hoạt và phù hợp vào trong điều kiện riêng của từng nước, từng địa phương thì sẽ tạo ra sai lầm”.
Hầu hết tài liệu nghiên cứu về kiến trúc, xây dựng công trình xanh tại Việt Nam hiện nay đều tham khảo từ một số nước Châu Âu và Bắc Mỹ, nơi chủ yếu có không khí lạnh. Mặt khác, khí hậu Việt Nam nóng ẩm nên vấn đề chống nóng và thoát ẩm luôn được đặt lên hàng đầu. Ngoài ra, mỗi vùng miền của Việt Nam có đặc trưng khí hậu riêng, như khí hậu vùng núi Đông Bắc Bộ, vùng núi Tây Bắc Bộ, vùng đồng bằng Bắc Bộ có mùa đông lạnh, nắng oi, vùng gió Lào miền Trung, vùng ngập lũ Nam Bộ.
Theo đó, KTS. Hoàng Mạnh Nguyên cho rằng: “Khi ứng dụng công nghệ vào công trình xanh Việt Nam, chúng ta cần quan tâm đến khí hậu của từng khu vực, thậm chí là tìm hiểu kinh tế văn hóa theo vùng miền bởi mỗi nơi có một lối sống và kiến trúc đặc trưng riêng. Xây dựng công trình xanh trên cơ sở xem xét yếu tố văn hóa cũng là cơ sở để nhận được sự đồng thuận của cư dân địa phương và tránh phá vỡ các yếu tố truyền thống.
Đây là con đường tốt nhất để có thể ứng dụng đưa kiến trúc xanh vào trong cuộc sống. Ngoài ra, điều kiện khí hậu nhiệt đới của nước ta cũng rất thuận lợi cho việc thiết lập những sắc thái riêng trong quy hoạch và xây dựng đô thị xanh nói chung và công trình xanh nói riêng trong tương lai”.
“Khi làm bất kỳ công trình xây dựng nào, nhà đầu tư, kiến trúc sư cũng phải lấy con người là trung tâm, tránh việc sùng bái công nghệ mà bỏ qua những tiềm năng của địa phương. Một công trình xanh hoàn thiện đúng nghĩa là hướng tới sự phát triển hài hòa của môi trường sinh thái tự nhiên, sinh thái nhân văn và đem đến cho con người cuộc sống lành mạnh nhất”, KTS. Hoàng Mạnh Nguyên nhấn mạnh.