Tuổi trẻ và đặc quyền muốn đi muôn nơi
Thế hệ Y hay thế hệ Millennials (những người sinh ra từ khoảng năm 1980 đến những năm đầu thập niên 2000) là những người lớn lên cùng các phương tiện truyền thông xã hội và công nghệ. Đây cũng là lực lượng lao động chủ đạo của hiện tại và tương lai. Một thống kê cho thấy, thế hệ Millennials hiện chiếm 24% tổng dân số toàn cầu, còn ở Việt Nam, con số này chiếm đến 38% tổng dân số.
Nếu các thế hệ trước cho rằng, du lịch là một điều xa xỉ, thì những người trẻ trong độ tuổi 18 - 35 hiện nay coi đó là một thói quen, một quyền lợi trong cuộc sống. Không định giá các chuyến du lịch bằng tiền bạc, đối với những người trẻ tự đi du lịch là một cách để tìm lại bản thân, khám phá điều mới mẻ, tìm sự yên bình cho tâm hồn, hay đơn giản là tự thưởng cho bản thân sau khoảng thời gian làm việc vất vả.
Du lịch trở thành một “chất gây nghiện” được bơm vào máu của thế hệ Y. Các con số của ngành du lịch cũng chứng minh sức mạnh những chuyến đi của người trẻ. Trong báo cáo "Sức mạnh của du lịch tuổi trẻ" công bố cách đây không lâu, Tổ chức Du lịch Quốc tế (UNWTO) cho biết, Millennials chính là thế hệ vàng của ngành du lịch. UNWTO dự đoán, từ năm 2020 sẽ có gần 300 triệu chuyến đi do giới trẻ thế giới thực hiện mỗi năm.
Một điều không quá khó để nhận thấy, sự phát triển của các nền tảng công nghệ đã tạo ra một động lực quan trọng trong việc thay đổi thói quen của người du lịch, đặc biệt là các thế hệ Millennials.
Niềm cảm hứng của những chuyến đi thông qua các bức ảnh, các clip, bài viết được lan truyền rộng rãi trên Facebook, Zalo, Youtube, Instagram…, được chia sẻ (share), thích (like) đã tạo thành hiệu ứng đám đông và tạo nên "điểm chạm" của du khách với các điểm đến, tạo dựng nên thương hiệu cho các điểm đến, thậm chí là thương hiệu mang tính toàn cầu.
Theo PGS.TS Phạm Trung Lương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam, sự phát triển của các nền tảng công nghệ mới đang ngày càng thay đổi thói quen của người đi du lịch và cũng đồng thời tác động đến hoạt động khai thác của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng. Trong vài năm vừa qua, không quá khó để thấy sức ảnh hưởng của cách mạng công nghệ số tới thị trường du lịch được thể hiện qua việc nhiều khách sạn đang tăng cường ngân sách tiếp thị qua các kênh trực tuyến, cũng như sử dụng những nhân vật có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội để quảng bá sản phẩm.
Các công nghệ mới (e-concierge, chatbot, robot phục vụ) đang được ứng dụng nhiều hơn nhằm đáp ứng những nhu cầu thay đổi liên tục của khách sử dụng khách sạn. Các đại lý đặt phòng trực tuyến (OTA) như Booking và Agoda hay Airbnb đang trở thành kênh đặt chỗ phổ biến của rất nhiều du khách. Một nghiên cứu của Google chỉ ra rằng, 44% người dùng sử dụng các thiết bị công nghệ để lập kế hoạch cho kỳ nghỉ hè. Các cổng thông tin về du lịch, website, kinh nghiệm của các travel blogger cũng là nguồn tham khảo phổ biến của các travel bugs.
Smart hotel - xu hướng tất yếu
Những cơ hội mới đặt ngành du lịch thế giới trước yêu cầu chuyển đổi số phù hợp với xu hướng phát triển du lịch thông minh. Đây là mô hình du lịch dựa trên nền tảng của công nghệ và truyền thông, cùng với sự phát triển đồng bộ của hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch, nhằm giúp du khách dễ dàng tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng và đa dạng nhất.
Ông Bryan Chan, Giám đốc Phát triển khu vực Đông Nam Á và Hàn Quốc của Tập đoàn InterContinental Hotels Group cho biết, công nghệ hiện được nghiên cứu và ứng dụng cho toàn bộ trải nghiệm của khách sạn mà tập đoàn này quản lý, từ thiết kế ban đầu cho đến việc cung cấp trải nghiệm thương hiệu cho khách hàng mỗi ngày.
Sự phát triển công nghệ thông tin sẽ giúp việc du lịch trở nên dễ dàng hơn với những sản phẩm chất lượng tốt hơn cùng nhiều lựa chọn lưu trú khác nhau nhờ sự trợ giúp của các công cụ và ứng dụng hỗ trợ du khách một cách dễ dàng.
Những người trẻ là những người có khả năng tiếp cận với công nghệ nhanh, nên việc sử dụng smarthome trở nên rất thuận tiện và mang lại nhiều tiện ích. Do đó, các dự án bất động sản nghỉ dưỡng ngày nay có cơ hội để xác định rõ các đối tượng khách hàng nhằm cung cấp dịch vụ mang tính cá nhân hóa hơn so với trước đây.
Đồng quan điểm, ông Võ Quang Hoàng, Tổng Giám đốc Ariyana Smart Condotel Nha Trang cho biết thêm, công nghệ luôn không ngừng đổi mới, vì vậy yếu tố cốt lõi là chọn ra công nghệ tốt nhất có thể hỗ trợ hoạt động kinh doanh của chủ đầu tư, giúp việc vận hành trở nên thuận tiện hơn cho nhân viên, đồng thời mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
“Robot phục vụ, điện thoại thay thế khóa phòng, sử dụng điện thoại để check-in/check-out hoặc những phòng khách sạn thông minh cũng đang được áp dụng nhiều hơn nữa trong các khách sạn nhằm giảm chi phí vận hành và số lượng nhân viên”, ông Hoàng nói và cho biết thêm, hiện nay Ariyana Smart Condotel đã ứng dụng công nghệ của Tập đoàn LG vào trong các thiết bị phòng nghỉ từ hệ thống máy lạnh, đèn phòng và thông tin về căn hộ đều được điều khiển thông qua ứng dụng di động độc quyền có thể cài đặt trên cả hệ điều hành Android và IOS.
Ngoài ra, du khách có thể truy cập rất nhiều các thông tin du lịch và giải trí có sẵn trên ứng dụng để lựa chọn cho lịch trình khám phá Nha Trang, đặt món, quản lý bill thanh toán và trao đổi với nhân viên lễ tân, buồng phòng... để đưa ra các yêu cầu thêm cho kỳ nghỉ của mình một cách dễ dàng hay thoải mái lướt web, nghe nhạc, xem phim, với kho giải trí đa dạng có sẵn trên Smart TV.
Theo đánh giá của ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương, thời gian sắp tới, nhiều chủ đầu tư sẽ hoạch định phát triển các dự án thuộc phân khúc trung cấp quốc tế và mô hình khách sạn dịch vụ chọn lọc, cũng như chú trọng nhiều hơn đến thiết kế và trải nghiệm của khách hàng. Trong đó, ngày càng nhiều khách sạn ứng dụng công nghệ để xác định rõ các đối tượng khách hàng nhằm cung cấp dịch vụ mang tính cá nhân hóa hơn so với trước đây.