Sáng 28/6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhằm đánh giá kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn năm 2016-2017, trọng tâm phối hợp công tác năm 2017-2018.
Đánh giá cao Tổng Liên đoàn thời gian qua đã làm nhiều việc cho giai cấp công nhân, Thủ tướng khẳng định: “Tôi và các đồng chí thành viên Chính phủ luôn đặc biệt quan tâm đến bảo đảm điều kiện làm việc và đời sống vật chất tinh thần cho người lao động (NLĐ), đặt vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, xây dựng thiết chế văn hóa tại các khu công nghiệp, khu chế xuất…”, Thủ tướng nói.
Đặc biệt, trong 2 năm 2016, 2017, Thủ tướng dành nhiều thời gian để xử lý kiến nghị của công đoàn. Thủ tướng mong muốn Tổng Liên đoàn kiểm tra việc thực hiện kết luận, chỉ đạo, lời hứa cũng như cam kết của Thủ tướng đối với công nhân, người lao động như các ý kiến chỉ đạo, giải quyết vướng mắc được nêu ra tại các cuộc đối thoại giữa Thủ tướng và công nhân, người lao động trong 2 năm qua, tại Đồng Nai, Đà Nẵng, “những người được Thủ tướng trao tặng kinh phí làm nhà thì đã làm nhà chưa”.
Cũng tại cuộc làm việc, với 17 kiến nghị của tổ chức Công đoàn liên quan đến các vấn đề như lương tối thiểu, thời giờ làm thêm, tuổi nghỉ hưu; rà soát điều chỉnh, bổ sung danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; ban hành hướng dẫn thực hiện khoản 7, điều 10, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) về biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của NLĐ về BHXH; ưu đãi lãi suất vay mua nhà ở xã hội cho công nhân… Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan tiếp thu, phối hợp với tổ chức CĐ để xử lý, giải quyết các kiến nghị này.
Về đề nghị có chính sách ưu đãi lãi suất vay mua nhà ở xã hội cho NLĐ làm việc tại khu công nghiệp và khu chế xuất, Thủ tướng cho biết thực hiện Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển nhà ở xã hội, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành đầy đủ các văn bản quy định về cho vay nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân. Theo Thủ tướng, Ngân hàng chính sách xã hội dự kiến lãi suất cho vay nhà ở xã hội năm 2017 bằng lãi suất cho vay trong năm 2016 là 4,8%/năm. Tuy nhiên chưa triển khai cho vay được vì khó khăn về vốn.
"Hiện nay Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã bố trí 1.062 tỉ đồng bổ sung cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện chính sách trên và Văn phòng Chính phủ đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng theo quy định"- Thủ tướng cho hay.
Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn tiếp tục tích cực tham gia xây dựng thể chế, chủ động đóng góp ý kiến xây dựng, phổ biến chính sách, pháp luật, nhất là chính sách liên quan đến chế độ của người lao động, góp phần xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
“Chúng ta lo phong trào, giải quyết việc này việc kia ở trong xã hội là cần thiết. Nhưng cái đáng lo nhất để hệ thống hoạt động tốt chính là xây dựng thể chế, đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật, rồi phổ biến pháp luật. Bao nhiêu công nhân của chúng ta biết được pháp luật về lao động, về quyền lợi của họ như thế nào để bảo vệ quyền lợi đó một cách chính đáng?”, Thủ tướng chia sẻ và nhấn mạnh: “Đó là một câu hỏi đặt ra đối với công đoàn các cấp chúng ta”.
Theo đó, Tổng Liên đoàn cần phối hợp với cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm.
Đặc biệt, cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 đang đặt ra những cạnh tranh gay gắt đòi hỏi sự năng động, đổi mới, học nghề, tự rèn luyện, tự khởi nghiệp để nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế đối với giai cấp công nhân. Thủ tướng chia sẻ, qua 2 cuộc đối thoại với công nhân ở Đà Nẵng, Đồng Nai, ông thấy được lo lắng của nhiều công nhân là vấn đề tuổi tác, tay nghề. Do đó, việc đào tạo nghề, nhất là những nghề mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cần được chú trọng hơn.
Cũng tại cuộc làm việc, Thủ tướng đã chỉ đạo xử lý, giải quyết các kiến nghị cụ thể của Tổng Liên đoàn liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người lao động, hỗ trợ hoạt động của tổ chức công đoàn…
Về việc xác định lộ trình thực hiện tiền lương tối thiểu của người lao động theo Điều 91 Bộ luật Lao động năm 2012, Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn đề xuất, tham gia ý kiến với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, với Hội đồng Tiền lương Quốc gia để trình Thủ tướng xem xét.
Thủ tướng nêu rõ tinh thần giải quyết một cách hài hòa, các bên thảo luận một cách thấu tình đạt lý, chặt chẽ, “phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn”, bởi nếu tăng lương tối thiểu cao quá thì khó thu hút đầu tư, có nghĩa là không giải quyết nhiều việc làm cho người lao động nhưng để thấp quá thì đời sống người lao động gặp khó khăn.