Công nhân sống trong “khu ổ chuột” nhìn thiết chế công đoàn bỏ hoang
Lời tòa soạn:
Thực hiện Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”, thời gian qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và nhiều địa phương trên cả nước đã triển khai xây dựng thiết chế Công đoàn để hiện thực hoá giấc mơ an cư của người lao động. Đây là một đề án nhân văn, nhận được rất nhiều kỳ vọng của hàng triệu công nhân trên cả nước.
Theo một con số thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ khi triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ đến nay, đã có khoảng 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đồng ý bố trí đất, mỗi khu đất có diện tích từ 1 - 5ha, đủ điều kiện, tiêu chí để xây dựng thiết chế Công đoàn.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tiến độ xây dựng thiết chế công đoàn ở một số địa phương đang chậm hơn rất nhiều so với kế hoạch đặt ra. Hình ảnh về một khu nhà ở hiện đại, khang trang với đầy đủ tiện ích vẫn chỉ nằm trên bản vẽ, và hiện trạng lúc này chỉ là những bãi đất trống mênh mông cỏ mọc, những hạng mục thi công dang dở "cửa đóng then cài" xuống cấp trầm trọng. Con đường hiện thực hoá giấc mơ an cư cho người lao động là một hành trình dài chưa thấy ngày về đích ở phía trước...
Trên tinh thần nghiên cứu, Reatimes đã khảo sát hiện trạng các dự án tại một số địa phương, ghi nhận ý kiến các chuyên gia về vấn đề này và đăng tải trong tuyến bài: Nguy cơ 'vỡ trận' thiết chế công đoàn.
Trân trọng giới thiệu cùng độc giả!
Quá trình tìm hiểu tại một số địa phương, công nhân lao động tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) thường là dân nhập cư đến từ các địa phương khác nhau. Họ có mức thu nhập bình quân không cao. Phần lớn các công nhân thuê trọ trong những ngôi nhà cấp 4 do người dân địa phương tự xây dựng xung quanh nơi làm việc. Những khu nhà trọ này có điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, rất chật chội và tạm bợ. Đó là chưa kể, nhiều khu nhà trọ, nhà cấp 4 đó xảy ra những vấn đề phức tạp về đảm bảo an ninh trật tự.
Theo một con số thống kê, hiện nay cả nước có khoảng 4,8 triệu công nhân làm việc trong các KCN, KCX, trong đó hơn 70% đang thuê trọ trong các khu nhà người dân tự xây. Việc gia tăng các KCN, KCX đang thu hút rất nhiều công nhân về làm việc, đặc biệt là các tỉnh, thành phố như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Bắc Ninh…
Báo cáo của các địa phương chỉ ra rằng, nhu cầu nhà ở của công nhân KCN trên toàn quốc dự kiến đến năm 2020 vào khoảng 1,7 triệu người. Trong đó, lao động ngoại tỉnh chiếm trên 50% tổng số lao động đang làm việc trong các KCN và tập trung nhiều nhất tại các địa bàn như tỉnh Bình Dương (hơn 90%), TP.HCM (63%), Đồng Nai (60%), Hà Nội (59%)…
Một số doanh nghiệp sử dụng lượng lớn công nhân chia sẻ, việc thiếu thốn nhà ở cho công nhân cũng là nguyên nhân chính khiến cho nguồn lao động của các khu công nghiệp luôn rơi vào tình trạng mất ổn định. Để giữ chân công nhân, không ít các doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà hàng tháng với số tiền trung bình từ 200.000 - 600.000 đồng/người. Tuy nhiên, có thể nói giải pháp này vẫn chưa thực sự giải quyết tận gốc của vấn đề và nhiều doanh nghiệp trong quá trình tuyển dụng lao động vẫn gặp không ít khó khăn.
Có thể nói, nhu cầu nhà ở của công nhân tại các KCN, KCX là rất lớn và bức thiết. Đơn cử tại Hà Nội, tính đến hết năm 2020, cần thêm khoảng 2 triệu m2 sàn nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp. TP.HCM hiện cũng mới chỉ đáp ứng được gần 15,3% nhu cầu nhà ở cho công nhân. Đó là chưa kể tới nhu cầu nhà ở của các gia đình nghèo và sinh viên các trường đại học, dạy nghề… về học ở các đô thị lớn. Vậy nhưng, thực tế về cơ sở vật chất còn thiếu thốn, cũng như việc quan tâm đến đời sống công nhân chưa thực sự được quan tâm.
Hiện cả nước đã hoàn thành khoảng 100 dự án nhà công nhân, quy mô xây dựng khoảng 41.000 căn, đủ để bố trí cho khoảng 330.000 người lao động. Con số này hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 28% so với nhu cầu, đồng nghĩa với việc 72% người lao động vẫn chưa được đáp ứng các nhu cầu về nhà ở. Ngoài ra, các địa phương đang có tới 226 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô khoảng 182.200 căn.
Tuy nhiên, hầu hết các dự án đều đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công, thậm chí có nhiều chủ đầu tư đang xin chuyển đổi sang làm nhà ở thương mại. Hơn nữa, với mức thu nhập thấp thì nhiều công nhân cũng không đủ tiền để mua, thuê mua một căn nhà ở xã hội.
TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, trước hết, việc phát triển nhà ở cho công nhân là một nhu cầu bức thiết. "Tại các KCN, KCX, công nhân rất khó khăn về nhà ở, họ phải tìm thuê phòng tại những xóm trọ, khu nhà cũ kỹ, không đảm bảo các điều kiện sống khá tồi tàn. Chúng ta không đảm bảo nhà ở, điều kiện sống chất lượng cho người lao động thì làm sao đòi hỏi họ lao động có hiệu quả và họ sẽ là những người lao động gắn bó lâu dài với các cơ sở sản xuất?", ông Đính đặt câu hỏi.
Chính vì lẽ đó, việc giải quyết vấn đề nhà ở cho các đối tượng là người lao động, đặc biệt là tại các khu vực có KCN, KCX là rất cần thiết và cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, cũng như đến từng doanh nghiệp sử dụng lao động. Để giải quyết vấn đề này, thực hiện theo Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các KCN, KCX”, thời gian qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và nhiều địa phương trên cả nước đã triển khai xây dựng thiết chế Công đoàn.
Đây là một đề án nhân văn, nhận được rất nhiều kỳ vọng của hàng triệu công nhân trên cả nước. Thế nhưng, thực tế đề án trên được triển khai như thế nào và tính hiệu quả ra sao thì chúng ta cần có cái nhìn thực tế và toàn diện.
Từ những phân tích trên cho thấy vai trò quan trọng và mục tiêu, kế hoạch triển khai đầu tư xây dựng nhà ở công nhân tại các KCN, KCX. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng nhà ở công nhân đã được quan tâm đúng mức và hoạt động hiệu quả hay chưa? Thời gian qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và nhiều địa phương trên cả nước đã triển khai xây dựng thiết chế Công đoàn, để hiện thực hoá giấc mơ an cư của người lao động.
Đơn cử, dự án thiết chế Công đoàn Hà Nam hứa hẹn sẽ tạo động lực, hình mẫu về phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại KCN Đồng Văn II. Thế nhưng, bức tranh trước mắt của nhiều công nhân và người lao động về một ngày sẽ được thuê, mua căn nhà giá rẻ đang dần vỡ mộng. Những năm qua, nhiều công nhân KCN Đồng Văn II đang "sống mòn" trong những khu nhà trọ lụp xụp, ẩm thấp, chật hẹp, thậm chí một số công nhân phải sống trong các “khu ổ chuột”.
Trường hợp của chị Đỗ Thị Út (30 tuổi, quê quán tỉnh Hòa Bình) là một ví dụ điển hình. Chị Út hiện đang làm công nhân điện tử cho một công ty Hàn Quốc, tại KCN Đồng Văn II. Suốt 3 năm qua, vợ chồng chị phải sống trong căn phòng chật hẹp, ẩm thấp chưa đến 10m2. Chị Út chia sẻ: “Hai vợ chồng tôi đều đi làm thuê, chỉ có tôi làm ở KCN Đồng Văn II. Nếu tăng ca thì mức lương của tôi khoảng 9 - 10 triệu đồng/tháng, còn không tăng ca chỉ được 6 - 7 triệu/tháng. Chồng tôi thì công việc thất thường, công ty ít việc. Gia đình tôi phải thuê phòng trọ gần 700.000 đồng/tháng, đó là chưa kể tiền điện, nước”. Số tiền thu nhập ít ỏi, vợ chồng chị phải chi biết bao nhiêu thứ, từ việc học hành của con, chăm sóc bố mẹ già và sinh hoạt hàng ngày.
Chỉ vào dãy nhà trọ nhếch nhác đang ở, chị Út than thở về cuộc sống đi thuê mướn tạm bợ của mình. “Ở đây khổ lắm, dãy trọ 8 phòng này về mùa mưa thì nước ngập tận trong phòng, nước đọng, ruồi muỗi phát triển rất nhiều. Đặc biệt, nhiều hôm trời mưa to cả gia đình phải thức trắng đêm để tát nước ra ngoài. Về mùa hè, phòng trọ này nóng như đổ lửa, gia đình phải lấy chậu nước bỏ trước quạt để cho giảm nhiệt, nghĩ mà thấy tủi thân”, chị Út kể lại.
Trong câu chuyện của mình, chị Út cũng thổ lộ rằng rất mong muốn được thuê chứ chưa dám nghĩ đến mua một căn nhà ở công nhân với mức giá rẻ. Cũng theo lời nữ công nhân này, dù làm việc ở đây khoảng 3 năm, nhưng chị chưa hề biết hoặc có ai nhắc tới nhà ở giá rẻ dành cho người lao động ở khu vực này. Về phía công ty cũng không thấy thông báo gì cho chị về Thiết chế Công đoàn Hà Nam. Điều chị ngạc nhiên đó chính là, những tòa nhà 5 tầng tại thiết chế Công đoàn Hà Nam chỉ cách khu nhà trọ vợ chồng chị ở có vài trăm mét.
“Nếu mà có dịch vụ nhà ở cho công nhân thuê lâu dài với giá cả phải chăng, thì vợ chồng tôi sẵn sàng thuê ngay. Còn họ bán với giá cao thì tôi chưa biết có đủ tiền mua không”, chị Út ngước nhìn về phía xa xăm chia sẻ tâm nguyện của hai vợ chồng.
Cuộc sống chật chội, thiếu thốn của vợ chồng chị Út là tình cảnh chung của một bộ phận công nhân đang làm việc tại KCN Đồng Văn II và người lao động trên địa bàn. Chúng tôi dạo quanh một vòng trên những con đường trong các khu nhà ở tại phường Đồng Văn, vẫn thấy xen kẽ những khu nhà trọ cấp 4 tạm bợ, có chỗ treo biển "hết phòng cho thuê". Nói như thế để thấy, cuộc sống của công nhân lao động không được ổn định, trong khi nhu cầu của họ đang muốn tìm được một căn nhà cho thuê, mua với giá rẻ.
Quá trình khảo sát tại khu nhà ở thiết chế Công đoàn Hà Nam, PV không khỏi xót xa khi chứng kiến những hạng mục nhà ở quy mô hoành tráng được xây dựng hoàn thiện và tất cả đều cửa đóng then cài, không có một bóng người. Nhìn những chiếc dây sắt cài chặt, khóa rỉ sét, ai cũng mường tượng ra một bức tranh về sự lãng phí tài sản. Cả dự án với quy mô khoảng 4ha trông hoang lạnh, ảm đạm đến rợn người. Xung quanh năm tòa nhà cao 5 tầng và khu nhà đa năng bề thế là những bãi đất hoang, cỏ dại mọc um tùm hàng ngày vẫn làm bạn với trâu, bò.
Ông Nguyễn Văn T., trú tại phường Đồng Văn cho hay, khu nhà ở thiết chế Công đoàn Hà Nam xây xong cách đây khoảng 1 năm rồi nhưng chưa nghiệm thu để cho người lao động vào ở. Theo lời kể của ông T. hiện chỉ có bảo vệ trông nom cơ sở vật chất, còn công nhân thi công xây dựng đã rút hết từ lâu. “Tôi nghe nói ở đây nếu bán nhà thì họ sẽ chia về cho doanh nghiệp, sẽ bình bầu, phân chia cho những công nhân nào được đăng ký mua nhà” ông T. nói.
Mỗi lần đi làm qua khu nhà ở thiết chế Công đoàn Hà Nam, nhiều công nhân chỉ dám ngước nhìn lên những khối nhà 5 mà ước mơ. Thực tế khiến họ không dám nghĩ sẽ được sống trong những căn phòng khang trang, sạch đẹp kia, chí ít là đến thời điểm này và chắc hẳn còn một thời gian rất dài nữa...
Quay ngược thời gian vào khoảng tháng 5/2018, hôm đó trống giong cờ mở, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam động thổ thi công xây dựng các hạng mục đầu tiên của dự án đầu tư xây dựng thiết chế Công đoàn tại KCN Đồng Văn II, tỉnh Hà Nam. Đây được coi là bước khởi động cho chuỗi 50 dự án thiết chế của Công đoàn tại các địa phương, được Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai đồng thời từ thời điểm đó đến năm 2020.
Theo tìm hiểu, KCN Đồng Văn II triển khai theo mô hình KCN đa ngành và được đầu tư từ năm 2006, trên khu đất quy hoạch rộng 339ha (thuộc thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam). Trong đó, diện tích đất công nghiệp là 237,97ha (đất đã cho thuê 229,4ha, sẵn sàng cho thuê 8,57ha). Dự án trên ưu tiên các nhóm ngành ít gây ô nhiễm môi trường như công nghiệp lắp ráp cơ khí điện tử; chế biến thực phẩm; sản xuất linh kiện điện tử, xe máy, ôtô; chế biến đồ trang sức; hàng tiêu dùng; công nghiệp nhẹ, đồ điện gia dụng; cơ khí...
Theo thống kê của Ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Nam, đến thời điểm hiện tại, có 95 dự án đầu tư tại KCN này. Cụ thể, dự án FDI chiếm 74 dự án (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Mỹ,...), với tổng vốn đầu tư 1.197,065 triệu USD. Dự án DDI chiếm 21 dự án, với tổng vốn đầu tư 2.598,47 tỷ đồng.
Theo khảo sát, sau hơn 5 năm đi vào hoạt động, KCN Đồng Văn II đã trở thành điểm thu hút các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước với trên 50 nhà đầu tư đến từ Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ như Cargill, Honda, Sumitomo hay Ace Technology… Qua đó, dự án đã tạo điều kiện cho hàng ngàn lao động địa phương có việc làm ổn định, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách của tỉnh Hà Nam từ các dự án đầu tư trong khu công nghiệp.
Chính vì lẽ đó, dự án nhà ở thiết chế Công đoàn Hà Nam hứa hẹn sẽ tạo được quỹ nhà ở cho một lượng lớn công nhân đang làm việc tại KCN Đồng Văn II. Theo chủ trương đầu tư được phê duyệt, dự án nhà ở thiết chế Công đoàn Hà Nam được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định đầu tư với số tiền 559 tỷ đồng. Thời gian hoàn thành dự án từ năm 2018 đến 2020. Các hạng mục công trình theo quy hoạch dự án gồm chung cư 5 tầng có 20 block với 976 căn hộ (có diện tích từ 30m2 và 45m2); các công trình dịch vụ, hạ tầng xã hội thuộc dự án gồm: Nhà thi đấu Đa năng quy mô 500 chỗ; quảng trường với sức chứa 5.000 người; siêu thị, phòng khám, nhà thuốc, các khu sân thể thao, công viên vui chơi giải trí, trụ sở công đoàn KCN…
Về mục đích đầu tư, tất cả các công trình trên được xây dựng và đưa và khai thác sử dụng đồng bộ, trước hoặc đồng thời với các căn hộ đầu tiên tại thiết chế nhằm tạo ra một nơi ở đáng sống, có đầy đủ các công trình dịch vụ phục vụ đời sống thiết yếu của đoàn viên công đoàn là công nhân lao động tại thiết chế Công đoàn Hà Nam nói riêng và KCN Đồng Văn II, tỉnh Hà Nam nói chung.
Được biết, sau khi hoàn thành toàn bộ, dự án thiết chế Công đoàn tại tỉnh Hà Nam sẽ tạo chỗ ở cho khoảng 4.000 đến 4.500 đoàn viên là công nhân lao động tại KCN. Trong tổng số 976 căn hộ tại thiết chế Hà Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ dành 208 căn có diện tích 30m2 (tương đương với 21% tổng số căn hộ) để cho đoàn viên công đoàn là công nhân lao động tại KCN thuê với giá cho thuê từ 250 nghìn đồng/người/tháng, đồng thời dành 768 căn còn lại (tương đương với 79% tổng số căn hộ) có diện tích từ 30m2 và 45m2 để bán cho đoàn viên công đoàn là công nhân và người lao động với giá chỉ từ 150 triệu/căn đến 350 triệu/căn tùy theo diện tích, vị trí tầng cao của căn hộ.
Theo tiến độ dự kiến, quý II/2019, đơn vị chủ quản sẽ thực hiện các hoạt động mua bán nhà ở thiết chế công đoàn và hết quý III/2019 sẽ bàn giao 245 căn nhà đầu tiên cho công nhân lao động đúng vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9/2019.
Còn nhớ thời điểm ngày 25/9/2019, tại một buổi làm việc với Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, lãnh đạo Tổng Liên đoàn cho biết, cuối năm sẽ có căn hộ đầu tiên bàn giao cho đoàn viên công đoàn. Thế nhưng đến hiện tại, nhà ở thì khang trang, không hiểu sao cả khu thiết chế Công đoàn Hà Nam vẫn không một bóng người?
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ từng yêu cầu các bộ, ngành sớm tìm ra giải pháp để tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai xây dựng các thiết chế của công đoàn ở các địa phương, trong đó có khu nhà ở thiết chế Công đoàn Hà Nam, nhằm giải quyết vấn đề bức xúc nhất của công nhân trong nhiều năm qua đó là thiếu nhà ở, nhà trẻ và nơi vui chơi, giải trí.
Tuy nhiên, dù xây dựng hoàn thiện một số khối nhà 5 tầng tại dự án nhà ở thiết chế Công đoàn Hà Nam, nhưng 1 năm qua việc đưa vào sử dụng dường như vẫn giậm chân tại chỗ. Vậy, nguyên nhân gì khiến khu nhà ở công nhân này lại trở thành những khối nhà hoang như vậy? Nếu hỏi người lao động có muốn thuê, mua nhà ở tại thiết chế Công đoàn Hà Nam hay không? Có chứ! Nếu hỏi người dân có xót xa khi một dự án hoang vắng, lãng phí không? Có chứ! Đến chính quyền địa phương cũng xót xa thay những người công nhân lao động đang tạm trú trên địa bàn!.
Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Văn Thủy - Chủ tịch UBND phường Đồng Văn (thị xã Duy Tiên) cho biết, dự án thiết chế Công đoàn Hà Nam có diện tích khoảng 4ha. Khu đất này trước đó thuộc một phần diện tích đất của dự án nhà ở khác, sau đó giao đất cho đơn vị chủ quản dự án thiết chế Công đoàn Hà Nam thực hiện dự án. Theo ông Thủy, dự án được khởi công xây dựng từ vài năm trước và hoàn thiện vào cuối năm 2019.
Vị Chủ tịch phường cũng chia sẻ, hiện địa phương có hơn 2.000 công nhân đang tạm trú, vì thế nhu cầu về nhà ở dành cho công nhân rất nhiều. Mức giá thuê trọ rẻ nhất khoảng 800.000 - 1.000.000 đồng/tháng, còn nhà cao cấp hơn thì 2 - 3 triệu đồng/tháng tùy theo căn hộ nhỏ hay lớn, tiện nghi đảm bảo hay không. “Công nhân ở đây cũng không đòi hỏi cầu kỳ, họ làm theo ca về ngủ rồi tiếp tục đi làm. Đa số công nhân ở các khu nhà ở cấp 4 quanh khu vực”, ông Thủy chỉ ra thực tế.
Theo lời kể của ông Thủy, tính đến thời điểm này, ông cũng chưa ký xác nhận hồ sơ thuê, mua nhà ở thiết chế chế Công đoàn Hà Nam cho đối tượng nào trên địa bàn phường. Theo hồ sơ PV có được, vào thời điểm tháng 8/2018, UBND tỉnh Hà Nam ban hành văn bản chỉ đạo về việc thực hiện lựa chọn đối tượng được mua, thuê căn hộ thuộc thiết chế của Công đoàn trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
Văn bản này cũng nêu rõ trách nhiệm của UBND các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm hướng dẫn kê khai và xác nhận về đối tượng và thực trạng nhà ở đối với đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ khi mua, thuê nhà thuộc thiết chế của Công đoàn theo quy định của pháp luật. Đồng thời, hướng dẫn kê khai và xác nhận về đối tượng, hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú, thực trạng về nhà ở và các điều kiện được ưu tiên theo tiêu chí do UBND tỉnh quy định.
Tuy nhiên, nếu đúng như lời ông Thủy chia sẻ thì không rõ, quy trình và tiến độ việc lựa chọn đối tượng được mua, thuê căn hộ thuộc thiết chế Công đoàn Hà Nam được Liên đoàn Lao động tỉnh và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện đến đâu? Bởi hiện trạng là loạt công trình nhà ở, nhà đa năng tại thiết chế Công đoàn Hà Nam được xây dựng hoành tráng đến nay chưa được đưa vào sử dụng.
Trong khi đó, tại Quyết định 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định rõ trách nhiệm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam như sau: Chịu trách nhiệm toàn diện trong việc triển khai thực hiện đề án, đảm bảo hiệu quả, sử dụng đúng mục đích, phát huy tác dụng, quản lý tài chính và quản lý đầu tư xây dựng theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng và pháp luật về đầu tư công.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan tổ chức, triển khai thực hiện đề án; định kỳ kiểm tra đánh giá, tổng kết việc thực hiện đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện. Chỉ đạo liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các cơ quan chuyên môn ở địa phương liên quan để triển khai thực hiện đề án. Bên cạnh đó, thành lập Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDAĐTXD) các thiết chế của công đoàn, để thực hiện việc đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các KCN, KCX theo quy định của pháp luật.
Như vậy có thể thấy rõ được vai trò, trách nhiệm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và trực tiếp là Ban QLDAĐTXD các thiết chế của công đoàn tại các khu thiết chế công đoàn ở các địa phương.
Tuy nhiên, trao đổi với PV, đại diện Liên đoàn lao động tỉnh Hà Nam khẳng định, việc thực hiện bán, cho thuê nhà ở tại thiết chế Công đoàn Hà Nam đang bị "tắc nghẽn". Nguyên do vì, hiện tại phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Ban QLDAĐTXD thiết chế công đoàn (thuộc Tổng liên đoàn) chưa bàn giao khu nhà ở nhà cho Liên đoàn lao động tỉnh. Vị đại diện này cho hay: "Hiện tại tất cả dự án đang là của Tổng liên đoàn, chúng tôi chưa nhận bàn giao, tiếp quản gì cả. Chúng tôi cũng biết dân ngóng trông vào ở, nhưng bây giờ chưa được".
Vị đại diện này cũng cho biết, việc xét duyệt hồ sơ thuê, mua nhà tại khu thiết chế Công đoàn Hà Nam không phải thực hiện song song với quá trình xây dựng dự án. "Đến bây giờ dự án xong xuôi hết rồi, điện nước đã xong, chúng tôi cũng đang muốn bàn giao. Việc xét duyệt hồ sơ thuê, mua chúng tôi chưa tiến hành. Sau khi được bàn giao dự án, Liên đoàn Lao động tỉnh mới thực hiện việc này", đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Nam khẳng định và từ chối cung cấp lý do cụ thể việc đơn vị này chưa được nhận bàn giao dự án.
Không hiểu rằng, lý do "tắc nghẽn" ở Ban QLDAĐTXD thiết chế công đoàn và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khi chưa bàn giao khu thiết chế Công đoàn Hà Nam là gì? Và, thực trạng tại dự án khu thiết chế Công đoàn Hà Nam có được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong những lần báo cáo định kỳ kiểm tra đánh giá, tổng kết việc thực hiện đề án hay không?
Hơn lúc nào hết, các đơn vị liên quan là Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Nam và Ban Quản lý dự án thiết chế Công đoàn cần đưa ra những kiến nghị, đề xuất, hướng giải quyết và báo cáo cấp trên là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, về những vướng mắc đang tồn tại ở thiết chế công đoàn Hà Nam. Nhiều cử tri trên địa bàn thị xã Duy Tiên cũng bày tỏ tâm nguyện, những cơ quan này sớm đưa công trình vào sử dụng, tránh gây lãng phí.
“Chúng tôi rất mong muốn nhà ở giá rẻ sớm được bàn giao cho công nhân, vì số lượng công nhân rất đông nên nhu về nhà ở rất lớn. Chúng tôi tiếp nhận phản ánh của cử tri cũng nhiều và đã báo cáo, đề nghị lên cấp trên sớm triển khai đưa vào sử dụng, phục vụ người dân, công nhân trên địa bàn. Việc này giải quyết quyền lợi cho công nhân lao động và đưa vào sử dụng cho đỡ lãng phí”, ông Thủy thốt lên.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ khi triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ đến nay, đã có 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đồng ý bố trí đất, mỗi khu đất có diện tích từ 1 - 5ha, đủ điều kiện, tiêu chí để xây dựng thiết chế Công đoàn. Năm 2018, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phê duyệt chủ trương đầu tư và triển khai 12 dự án thiết chế Công đoàn tại các địa phương; năm 2019 phê duyệt tại 9 địa phương. Theo kế hoạch đến 2020, Tổng Liên đoàn Lao động đầu tư xây dựng 50 thiết chế Công đoàn trên cả nước. Đến năm 2030, đơn vị này phấn đấu mỗi khu công nghiệp phải có ít nhất một thiết chế Công đoàn.
Nếu thực hiện đúng theo mục tiêu đề ra, so với các dự án nhà ở xã hội hay nhà ở thương mại khác, những điểm ưu việt của thiết chế Công đoàn là chi phí xây dựng hạ tầng như: Đường, điện, hệ thống cấp thoát nước, cây xanh, công trình văn hóa thể thao… sẽ không tính vào giá bán của căn hộ để công nhân được hưởng giá ưu đãi nhất, chỉ từ 150 - 200 triệu đồng là có thể sở hữu căn hộ từ 30 - 45m2. Mặt khác, các công trình dịch vụ trong tổ hợp công trình không chỉ dành phục vụ cho những công nhân sống bên trong tổ hợp công trình, mà còn để phục vụ toàn bộ công nhân đang làm việc trong các KCN.
Trong bối cảnh thiếu hụt nhà ở cho công nhân, người lao động, chủ trương xây dựng các thiết chế Công đoàn được đánh giá là giải pháp nhân văn. Việc này nếu thực hiện tốt, giấc mơ an cư của hàng triệu người lao động nghèo tại các KCN sẽ thành hiện thực. Những thiết chế Công đoàn cũng tạo ra các cơ sở hạ tầng trường học, khu vui chơi cho con cái của người lao động trong khu công nghiệp, tạo ra môi trường sống và làm việc đồng bộ, tiện ích nhằm đáp ứng các nhu cầu sống của công nhân.
Khi đời sống an sinh được chăm lo, công nhân, người lao động có thể an tâm để cống hiến, góp sức vào công cuộc sản xuất, tạo ra của cải cho xã hội. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế triển khai xây dựng các thiết chế Công đoàn ở một số địa phương trong 3 năm qua, thì việc làm thế nào để những kỳ vọng nói trên thành hiện thực vẫn là một câu chuyện dài. Nhiều ý kiến cho rằng, việc thực hiện các thiết chế Công đoàn đang bị “vỡ trận”.
Theo GS. TSKH. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc tạo ra những thiết chế Công đoàn đó là chủ trương tốt, nhưng Công đoàn làm gì trong câu chuyện này là việc cần phải xác định lại, chứ không phải đứng ra làm chủ đầu tư. Đừng giao trái khoáy nhiệm vụ. Không có sở trường mà vẫn muốn làm thì sẽ rất lãng phí nguồn lực, không hiệu quả.
Ở các nước, người ta chỉ đưa lực lượng gọi là các tổ chức xã hội (ở Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội) vào tạo cơ chế để có thể huy động vốn, trợ giúp chứ không bao giờ được giao làm chủ đầu tư, bởi vì tính chất kỹ thuật mang tính chuyên nghiệp trong xây dựng, kể cả công tác quản lý, vận hành nhà ở, tất cả những điều đó không phù hợp với chức năng của một tổ chức xã hội.
“Nếu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đứng ra làm chủ đầu tư thì nhiều khi tính chuyên nghiệp không có và rồi lại sao nhãng những việc khác, ví dụ như việc cần phải bảo vệ lợi ích của công nhân, người lao động. Việc một tổ chức chính trị - xã hội đứng ra làm chủ đầu tư một dự án nhà ở có thể đem lại hiệu quả hay hậu quả, chúng ta đã có thể nhìn thấy rõ, khi sự “vỡ trận” của các khu thiết chế Công đoàn được triển khai ở nhiều tỉnh thành đã không chỉ còn là nguy cơ”, GS. TSKH. Đặng Hùng Võ đánh giá.
Bàn luận về vấn đề này, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, kế hoạch xây dựng thiết chế Công đoàn hiện tại không phải là đứng trước nguy cơ vỡ trận nữa mà thực tế đã vỡ trận rồi. Để xây dựng được các khu nhà ở công nhân với hạ tầng đồng bộ, kết nối với các khu công nghiệp đòi hỏi rất nhiều vấn đề mà chúng tôi cho rằng, nó vượt tầm khả năng của Liên đoàn Lao động.
Khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được chấp thuận đề án xây dựng các thiết chế Công đoàn có thể nói không ít công nhân, người lao động vui mừng mà mong muốn được hưởng chính sách này sớm nhất. Nhưng Tổng Lao động Việt Nam đã không lượng được sức mình khi 3 khu thí điểm xây dựng thiết chế Công đoàn đều dang dở, không thể đưa vào sử dụng, nhưng kế hoạch lại triển khai tới 50 khu thiết chế Công đoàn trên cả nước trong năm nay và hiện đã có 41 địa phương đồng ý bố trí đất, mỗi khu đất có diện tích từ 1 - 5ha, đủ điều kiện, tiêu chí để xây dựng thiết chế Công đoàn.
“Lẽ ra, phải tập trung thí điểm ở một khu trước, xem có khả thi không thì mới làm đề án và triển khai nhân rộng, đường này lại triển khai tràn lan dẫn đến thực tế lãng phí nguồn lực đất đai như hiện nay. Trong việc này chủ trương là tốt nhưng cách làm lại không có hiệu quả, dẫn đến không huy động được sức mạnh từ nhà đầu tư, doanh nghiệp và địa phương”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh bàn luận.
Có một thực tế chỉ ra rằng, trước khi có kế hoạch xây dựng các thiết chế Công đoàn và cả sau khi kế hoạch này được triển khai thì việc xây dựng nhà ở công nhân vẫn luôn bế tắc khi nguồn cung thiếu hụt rất lớn so với nhu cầu. Theo các chuyên gia, việc phát triển nhà ở công nhân cần phải có sự nghiên cứu một cách toàn diện, kỹ lưỡng rằng ở đâu cần và chỗ nào phù hợp.
Gần như ở hầu hết các địa phương trên cả nước đang có hiện tượng tạo ra những quỹ nhà ở đúng đắn về chủ trương như nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở cho người nghèo, nhưng trên thực tế thì việc thực hiện chưa đúng. Chỗ cần thì không triển khai, chỗ không cần thì lại ồ ạt triển khai hoặc triển khai kiểu "nửa vời", có khi là để làm cho xong việc, làm cho có thành tích.
Cũng theo khảo sát thực tế của PV Reatimes, tiến độ xây dựng thiết chế Công đoàn ở một số địa phương thực hiện thí điểm thiết chế Công đoàn đang chậm hơn rất nhiều so với kế hoạch đặt ra, và đứng trước nguy cơ "vỡ trận". Hình ảnh về một khu nhà ở hiện đại, khang trang với đầy đủ tiện ích vẫn chỉ nằm trên bản vẽ và hiện trạng lúc này chỉ là những bãi đất trống mênh mông cỏ mọc, nhà thì "cửa đóng then cài" xuống cấp trầm trọng.
Đơn cử, tại dự án xây dựng Khu thiết chế Công đoàn tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc thuộc dự án Nhà văn hóa lao động Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc được UBND tỉnh Quảng Nam giao cho Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư, trên diện tích 4ha, hình ảnh về một khu nhà ở hiện đại, khang trang với đầy đủ tiện ích dường như vẫn chỉ nằm trên bản vẽ, thay vào đó là sự xuống cấp, hoang hóa, lãng phí.
Nhìn vào hiện trạng những dự án thiết chế Công đoàn trên và cuộc sống của những người lao động tại các KCN, KCX, chúng ta có thể hình dung phần nào tính hiệu quả "trên giấy" của việc thực hiện các khu thiết chế Công đoàn. Và, một thực tế phũ phàng là con đường hiện thực hoá giấc mơ an cư cho người lao động là một hành trình dài chưa thấy ngày về đích ở phía trước...