Aa

Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam bỏ rơi thiết chế Công đoàn tại Quảng Nam?

Thứ Hai, 21/09/2020 - 06:00

Có mặt tại Khu thiết chế Công đoàn Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, chúng tôi không khỏi xót xa cho việc đầu tư xây dựng một dự án bề thế, nhân văn như vậy lại bị bỏ hoang suốt nhiều năm...

Lời tòa soạn:

Thực hiện Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”, thời gian qua, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và nhiều địa phương trên cả nước đã triển khai xây dựng thiết chế Công đoàn để hiện thực hoá giấc mơ an cư của người lao động. Đây là một đề án nhân văn, nhận được rất nhiều kỳ vọng của hàng triệu công nhân trên cả nước.

Theo một con số thống kê của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, từ khi triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ đến nay, đã có khoảng 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đồng ý bố trí đất, mỗi khu đất có diện tích từ 1 - 5ha, đủ điều kiện, tiêu chí để xây dựng thiết chế Công đoàn. 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tiến độ xây dựng thiết chế công đoàn ở một số địa phương đang chậm hơn rất nhiều so với kế hoạch đặt ra. Hình ảnh về một khu nhà ở hiện đại, khang trang với đầy đủ tiện ích vẫn chỉ nằm trên bản vẽ, và hiện trạng lúc này chỉ là những bãi đất trống mênh mông cỏ mọc, những hạng mục thi công dang dở "cửa đóng then cài" xuống cấp trầm trọng. Con đường hiện thực hoá giấc mơ an cư cho người lao động là một hành trình dài chưa thấy ngày về đích ở phía trước...

Trên tinh thần nghiên cứu, Reatimes đã khảo sát hiện trạng các dự án tại một số địa phương, ghi nhận ý kiến các chuyên gia về vấn đề này và đăng tải trong tuyến bài: Nguy cơ 'vỡ trận' thiết chế công đoàn.

Trân trọng giới thiệu cùng độc giả!

Tháng 4/2017, tại tỉnh Quảng Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức lễ khởi công xây dựng Trường mầm non cho con công nhân lao động tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (TX. Điện Bàn).

Đây là một trong số các hạng mục thuộc Khu thiết chế Công đoàn phục vụ nhu cầu của đoàn viên, công nhân lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, đặc biệt là 25.000 công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc.

Phần lớn diện tích dự án bị bỏ hoang, không mang lại hiệu quả cho người lao động

Phát biểu tại buổi lễ lúc bấy giờ, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định, việc khởi công xây dựng Trường mầm non nói riêng và Khu thiết chế Công đoàn tại Quảng Nam là một trong những công trình quan trọng nằm trong chủ trương xây dựng khu thiết chế cho công nhân lao động của tổ chức Công đoàn trên cả nước suốt nhiều năm qua.

Ngày 21/4/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Đề án “Xây dựng các thiết chế văn hóa cho công nhân trên cả nước” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đệ trình để đầu tư xây dựng trên cả nước. Theo đó, quy mô và quy hoạch đầu tư mỗi Khu thiết chế Công đoàn, theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phải có diện tích đất xây dựng (tối thiểu) từ 3-5ha, được đầu tư các khối chung cư nhà ở công nhân 5 tầng (khoảng 1.000 căn hộ); có các công trình công cộng như nhà văn hóa đa năng với sức chứa ít nhất 500 người, quảng trường trung tâm chứa 5.000 người, nhà điều hành của công đoàn KCN và tư vấn pháp lý; khu vực thể dục thể thao, siêu thị công đoàn, nhà trẻ, hiệu thuốc, hệ thống dịch vụ phục vụ đời sống văn hóa xã hội của công nhân; vườn hoa, cây xanh và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác.

Theo công bố , dự án xây dựng Khu thiết chế Công đoàn tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc thuộc dự án Nhà văn hóa lao động Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc được UBND tỉnh Quảng Nam giao cho Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư, trên diện tích 4ha.

Tại dự án này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam đầu tư kinh phí cùng với một số đơn vị tài trợ đã xây dựng hoàn chỉnh Nhà  đa năng, Trường mầm non, sân, đường, điện, hệ thống cấp thoát nước và cây xanh với tổng diện tích xây dựng trên 2.500m2, với số tiền đầu tư 27,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong kế hoạch đầu tư xây dựng tại dự án nêu trên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam dự kiến đầu tư 350 tỷ đồng xây dựng 14 block, mỗi block gồm 5 tầng với tổng diện tích xây dựng trên 7.800m2 sàn (tương đương 884 căn hộ), đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho khoảng 3.500 đoàn viên, công nhân lao động.

Hoang lạnh Khu thiết chế Công đoàn

Có mặt tại Khu thiết chế Công đoàn Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc vào trung tuần tháng 9/2020, chúng tôi không khỏi xót xa cho việc đầu tư xây dựng một dự án bề thế, nhân văn như vậy lại bị bỏ hoang suốt nhiều năm qua. 

Khu nhà đa năng thường xuyên khóa cửa, nhiều hạng mục công trình đã xuống cấp nặng không thể sử dụng; trong khi đó, trường mầm non cửa đóng then cài dù đã được cho một đơn vị thuê lại để khai thác, quản lý… Bên ngoài khuôn viên rộng rãi là nơi dự kiến đầu tư 14 block nhà chung cư để bố trí cho 3.500 đoàn viên, công nhân lao động đang được… cư dân địa phương tận dụng trồng rau, trồng hoa!

Trường mầm non được cho thuê, nhưng cửa đóng then cài vì không có trẻ đăng ký
Đất đai rộng rãi, nhưng sử dụng không hiệu quả, phải để cho người dân thuê trồng rau, trồng hoa
Nhà đa năng cận kề khu công nghiệp nhưng thiếu cơ chế quản lý, điều hành, cũng đành nằm chờ xuống cấp 

Một cán bộ quản lý ở đây cho biết, dự án từ khi xây dựng xong và đưa vào hoạt động đã tổ chức được 2 lần cho công nhân lao động vui chơi, còn lại là "nghỉ ngơi" vì không có một cơ chế hoạt động cụ thể bởi “lở cỡ cơ chế quản lý” giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam.

“Trao đổi với Reatimes, ông Phan Xuân Quang - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam cho rằng, việc đầu tư xây dựng các thiết chế Công đoàn, qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cũng như giúp công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp an tâm, gắn bó hơn với tổ chức Công đoàn. 

"Chúng tôi ủng hộ hoàn toàn chủ trương đầu tư xây dựng các khu thiết chế Công đoàn dành cho công nhân lao động trên cả nước. Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam cũng đã đề xuất với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam sớm ban hành cơ chế quản lý, điều hành các Khu thiết chế Công đoàn để mang lại hiệu quả cao hơn cũng như cần thiết phải xã hội hóa việc đầu tư các khu chung cư để bố trí cho công nhân lao động. Việc xã hội hóa đầu tư này có thể chọn lựa doanh nghiệp có năng lực, xem xét trên cơ sở nhu cầu thực sự của người lao động và tiến hành thận trọng, từng bước cụ thể, không làm ào ạt”, ông Phan Xuân Quang, nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Xuân Hà, Phó Chủ tịch UBND TX. Điện Bàn, cho rằng qua thực tế thì việc sử dụng các thiết chế đó vẫn chưa có hiệu quả. Thứ nhất do hạ tầng các khu vực lân cận chưa được đầu tư và đặc biệt là cơ chế quản lý, vận hành Khu thiết chế văn hóa Công đoàn chưa rõ ràng. 

Khó khăn nhất hiện tại đối với chỗ trường mầm non là hệ thống hạ tầng như đường sá đi lại khó khăn, xung quanh là khu dân cư nhưng thưa vắng người ở nên không có trẻ đến trường; kể cả cây xanh cũng... vắng.

“TX. Điện Bàn cũng đã chủ động làm việc với Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam đề xuất giao thiết chế này cho các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc hoặc xã hội hóa để tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho công nhân có nơi ở ổn định và nhân dân sinh sống xung quanh sau này”, ông Nguyễn Xuân Hà, chia sẻ.

Không đủ năng lực sẽ đề nghị thu hồi

Hiện nay số lượng công nhân trên địa bàn Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc cũng như các cụm công nghiệp ở TX. Điện Bàn rất lớn. Việc đầu tư các thiết chế để phục vụ sinh hoạt cho cộng đồng dân cư, nâng cao đời sống tinh thần của công nhân lao động được TX. Điện Bàn quan tâm. 

“Để hỗ trợ cho dự án của Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam và Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam, TX. Điện Bàn cũng đã hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất và bố trí đất đai để đầu tư dự án cho công nhân trên diện tích 4ha”, ông Nguyễn Xuân Hà, nói thêm.

Ngoài ra, xung quanh Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, TX. Điện Bàn cũng ưu tiên quỹ đất tương xứng để quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu nhà ở dành cho đối tượng thu nhập thấp, nhà ở xã hội và dành quỹ đất để xây dựng các khu văn hóa thể thao.

Các gia đình công nhân lao động tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc sinh sống tại các khu nhà trọ nhếch nhác 
... chật chội và thiếu các điều kiện an toàn

Trong khi đó, các dự án Khu nhà ở dành cho người có thu nhập thấp tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc do Công ty CP Tư vấn đầu tư nông nghiệp nông thôn và dịch vụ thể thao du lịch STO, rộng 12,64ha, được thiết kế có 6 khối nhà ở dành cho người có thu nhập thấp, chủ yếu là công nhân trong Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc. Được giao đất vào năm 2009 và dự kiến hoàn thành toàn bộ công trình năm 2019, nhưng đến nay mới chỉ xây dựng dang dỡ được 1 khối nhà.

Được giao dự án từ 2009, đến nay Công ty CP tư vấn đầu tư nông nghiệp nông thôn và dịch vụ thể thao du lịch STO, vẫn chưa hoàn thành các khu nhà ở dành cho người có thu nhập thấp tại Điện Bàn, Quảng Nam
Trong khi công nhân lao động ở Quảng Nam mỏi mòn chờ được ở trong những ngôi nhà do Nhà nước hỗ trợ, thì một số chủ đầu tư dự án chây ì, thiếu năng lực thi công cầm chừng. UBND tỉnh Quảng Nam cần kiểm tra và có biện pháp mạnh tay, thu hồi dự án như thế này

Theo ông Nguyễn Xuân Hà, Phó Chủ tịch UBND TX. Điện Bàn, TX. Điện Bàn cũng đã rà soát tất cả các dự án đầu tư xây dựng khu dân cư dành cho người có thu nhập thấp và đề nghị với tỉnh đôn đốc đẩy nhanh tiến độ. 

“Nếu doanh nghệp không đủ năng lực thì đề nghị tỉnh xem xét thu hồi, chuyển giao cho đơn vị khác để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở thu nhập thấp…”, ông Nguyễn Xuân Hà nói thêm.

 Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tích lũy tài chính công đoàn gần 29.000 tỷ đồng

Theo báo cáo kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2019 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được Kiểm toán Nhà nước công bố, số dư tích lũy tài chính công đoàn đến ngày 31/12/2019 là gần 29.000 tỷ đồng, chủ yếu tập trung tại cấp liên đoàn lao động tỉnh, thành phố và tương đương (chiếm 36% của toàn ngành)

Kiểm toán Nhà nước đánh giá, việc sử dụng quỹ tích lũy chưa đúng quy định và chưa có hiệu quả. Cụ thể, các cấp công đoàn sử dụng chi từ nguồn tích lũy, nhưng không lập dự toán, không được cấp trên có thẩm quyền phê duyệt dự toán. Một số cấp công đoàn sử dụng nguồn tích lũy chưa hiệu quả do chưa cân đối giữa nguồn thu và nhiệm vụ chi, nên chỉ gửi các khoản tiền ngắn hạn hoặc không kỳ hạn.

Đáng chú ý, hoạt động đầu tư góp vốn, mua cổ phần, liên doanh - liên kết, cho vay từ nguồn tích lũy tài chính công đoàn còn chưa có cơ chế cho vay rõ ràng, minh bạch, chưa quy định về thời hạn trả nợ, điều kiện ràng buộc, trách nhiệm trả nợ, cũng như không giám sát việc sử dụng vốn vay. Từ đó, nhiều đơn vị đầu tư khó có khả năng thu hồi vốn. Hạn chế trong sử dụng nguồn tích lũy còn thể hiện qua công tác giám sát chưa chặt chẽ, chưa thu hồi dứt điểm các khoản vay kéo dài qua nhiều năm.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top