Trong bối cảnh tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng trở nên khắc nghiệt, mối quan tâm chung của nhân loại đều hướng về việc phát triển các đô thị carbon thấp, để ngăn chặn lượng khí thải carbon dioxide. Các nước trên thế giới đã đạt đến một sự đồng thuận về vấn đề này.
Có thể hiểu, việc xây dựng các thành phố không phát thải khí carbon hoặc phát thải thấp đã trở thành mục tiêu của nhiều quốc gia, nhằm nỗ lực bảo vệ môi trường.
Tại Phillipine, sự ảnh hưởng của cơn bão Yolanda và "cuộc khủng hoảng" khí hậu đã tạo động lực cho Hãng kiến trúc SOM thiết kế lên Tòa tháp Arthaland Century Pacific, công trình không phát thải khí carbon đầu tiên trên thế giới, và là ví dụ nổi bật nhất về kiến trúc xanh ở châu Á.
Tháp Arthaland Century Pacific là trụ sở của nhà phát triển chuỗi các TTTM cùng tên.
Tháng 9 năm 2019, Tổ chức Tài chính thế giới (IFC) đã trao cho Arthaland Century Pacific Tower chứng chỉ EDGE cho công công trình "Net Zero Carbon" - Công trình không phát thải carbon. Đây là chứng chỉ đầu tiên cho Tổ chức này trao tặng trên toàn cầu.
Công trình đặc biệt này đã 3 lần được vinh danh trong lĩnh vực Công trình xanh. Trước đó là chứng chỉ LEED từ Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ (USGBC) và 5 sao cho chứng chỉ BERDE từ Hội đồng Công trình Xanh Philippine.
Tháng 11/2020, công trình đã vượt qua nhiều công ty cùng ngành trong khu vực để tranh giải thưởng Nhà phát triển thương mại xanh tốt nhất châu Á tại giải thưởng Bất động sản châu Á Property Guru Asia Property Awards.
Cao hơn 30 tầng so với Bonifacio Global City (BGC), Arthaland Century Pacific Tower vẫn thấp hơn các dự án khác của SOM như Burj Khalifa của Dubai — tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới — và Trung tâm Thương mại One World Trade Center của Thành phố New York. Dù vậy, về chất lượng không gian thương mại, chiều cao trần và tiện nghi thì tòa tháp 34.295m2 này được đánh giá là "không hề thua kém một số tòa nhà văn phòng tốt nhất ở Mỹ".
"Arthaland Century Pacific Tower hoạt động tốt hơn rất nhiều các dự án khác của chúng tôi đã thấy", Medrano, kiến trúc sư thiết kế công trình cho hay.
Được biết, SOM là hãng kiến trúc nổi tiếng ở Mỹ với nhiều công trình xanh ấn tượng. Trong đó có thể kể đến Tòa nhà Zuellig ở Makati, công trình tiên phong đạt chứng chỉ Bạch kim LEED trong nước. Đây cũng là lý do khiến Arthaland chọn hãng kiến trúc này cho dự án Tòa tháp văn phòng của mình.
Nhóm phát triển dự án đã tìm giải pháp tuân thủ các "tiêu chí chính xác" của Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ về mức hấp thụ nhiệt mặt trời.
Nhóm nghiên cứu đã tìm nguồn cung cấp các đơn vị kính cách nhiệt hiệu suất nhiệt cao, với lớp phủ low-E hiệu quả. Nhiều nhà cung cấp từ Mỹ đến Thái Lan đều được cân nhắc, và sự tỉ mỉ như vậy đã thành công trong việc tạo ra một bức tường bên ngoài hiệu quả đến mức loại bỏ hầu hết nhiệt truyền qua bề mặt tòa nhà.
Nhà thiết kế Façade Kwong Yu, cộng sự Gary Ku và nhà thiết kế kỹ thuật Okan Oncel sau đó đã bắt tay vào việc tạo ra ngoại thất tự che nắng. "Đây là yếu tố cuối cùng giúp tòa nhà đáp ứng được yêu cầu về hiệu suất năng lượng mặt trời và đạt được chứng chỉ bạch kim của LEED", Medrano tiết lộ.
“Hình dạng bên ngoài của tháp, được lấy cảm hứng từ bề mặt của một viên ngọc thô hoặc viên ngọc quý, góp phần vào hiệu suất năng lượng mặt trời lý tưởng của tòa nhà. Lớp kính răng cưa và chồng lên nhau của mặt tiền tạo ra nhiều lớp cách nhiệt. Thiết kế này, khi kết hợp với các đặc tính thủy tinh được tối ưu hóa, sẽ lọc ánh sáng và năng lượng để tạo ra các điều kiện tối ưu bên trong”, Medrano nói.
IFC thì xác định rằng tòa tháp tích lũy được 45% năng lượng tiết kiệm, 64% nước và giảm được 34% năng lượng nhờ chọn vật liệu so với một tòa nhà thông thường. "Đây là một thành tích đặc biệt”, Yuan Xu, giám đốc quốc gia của IFC tại Philippines nhận xét. Các tòa nhà được chứng nhận EDGE phải đạt được mức tiết kiệm ít nhất 20% trên ba tiêu chí này.
Với diện tích chỉ 2.233m2, tòa nhà không thể tự sản xuất năng lượng mặt trời phù hợp với các tiêu chí của LEED. Vì vậy Tòa nhà chạy hoàn toàn bằng thủy điện ngoại vi.
Medrano giải thích: Chúng tôi không có nhiều diện tích bề mặt cho năng lượng mặt trời. Cảnh quan trên mái nhà không đóng góp vào phần năng lượng xanh cần thiết. Mà chỉ góp được 1 nửa điểm phần trăm cho năng lượng của tòa nhà".
Đèn chiếu sáng được sử dụng rất tiết kiệm trong tòa tháp nhờ các thiết bị cố định với cảm biến ánh sáng ban ngày. Các bức tường được thiết kế để tận dụng tối đa ánh sáng mặt trời vào ban ngày. Tương tự như vậy, nguồn nước cũng được tiết kiệm tối đa. Hệ thống thu hồi nước và thu gom nước mưa cũng được áp dụng.
Tháp Arthaland Century Pacific Tower được khởi công từ năm 2014, với việc Tập đoàn Xây dựng Megawide đấu thầu nhiều nhà thầu khác nhau cho dự án. Là một trong những nhà sản xuất tấm sàn bê tông đúc sẵn lớn nhất Philippine, nhà phát triển cơ sở hạ tầng nổi tiếng này đã cụ thể hóa các khái niệm của SOM theo đúng tiến độ bằng cách sử dụng hệ thống sàn đúc nửa.
“Về cơ bản họ đúc một nửa tấm sàn bê tông và từ nhà máy của họ, họ vận chuyển nó đến công trình, lắp đặt và sau đó đổ nửa trên tại chỗ, điều này giúp tiết kiệm thời gian và tạo ra mức độ chính xác cao hơn và giảm thiểu vật liệu ở bất cứ nơi nào có thể”, Medrano giải thích.
Ngoài những nét chạm khắc bằng gỗ cho phần nội thất bên trong, cấu trúc thượng tầng và cấu trúc phụ của tòa nhà phần lớn là bê tông. Các tấm bê tông cốt thép tại chỗ của Megawide đã tạo nên sàn và mái trong khi các khối bê tông rỗng trọng lượng trung bình tạo thành các bức tường bên trong. Khu vực sảnh lễ tân của tòa nhà có trần bằng gỗ óc chó, sàn lát đá cẩm thạch và kính siêu trong suốt cho vách tường. Do địa chấn xuất hiện thường xuyên ở Philippine, công ty thiết kế kỹ thuật SY^2 + Associates, Inc. đã quan tâm đến việc đưa yếu tố an toàn vào hệ thống kết cấu bê tông của tòa tháp.
Tòa nhà được cất nóc vào đầu năm 2017 và khánh thành vào tháng 3/2018. Công trình là địa điểm làm việc của nhiều Tập đoàn toàn cầu như Deloitte, Compass...
Ở Philippine, việc xây dựng các công trình thương mại xanh vẫn tốn chi phí nhiều hơn bình thường. Tháp Arthaland Century Pacific Tower tiêu tốn khoảng 67 triệu USD để xây dựng nhưng các nhà phát triển bất động sản ngày càng lạc quan khi nhìn vào tương lai của lĩnh vực này. Theo Santos Knight Frank, các tòa nhà văn phòng được chứng nhận LEED có giá thuê cao hơn 12,5% so với các tòa nhà không được chứng nhận LEED. Tỷ lệ tòa nhà văn phòng được chứng nhận LEED ở BGC cũng chiếm 100% nguồn cung mới trong năm 2019, tăng mạnh so với chỉ 13% vào năm 2013.
Medrano cho rằng, sẽ rất tốt cho môi trường nếu các công trình mới được phát triển theo hướng công trình xanh, đáp ứng các tiêu chí xanh hoặc chí ít là kết hợp các mục tiêu bền vững với các thiết kế.