Aa

Công trình xanh - diện mạo tương lai của đô thị Việt Nam

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Ba, 20/03/2018 - 06:01

Điểm nhấn nổi bật trong thị trường bất động sản Việt Nam năm 2017 không thể không nhắc đến xu hướng công trình xanh khi các dự án tập trung vào yếu tố sẻ chia tiện ích với cộng đồng xung quanh, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Xu hướng các công trình xanh kết nối với thiên nhiên sẽ nhân lên trong các năm tới, trở thành diện mạo tương lai của các đô thị Việt Nam.

Nhiều hơn các công trình xanh

Hiện nay, các chủ đầu tư tập trung nhiều nhất "phủ xanh" hai phân khúc là văn phòng và nhà ở chung cư. Trong đó văn phòng xanh đã được chú trọng đầu tư trong 2 năm trở lại đây. Theo thông tin từ JLL Việt Nam, đầu năm 2018 mô hình văn phòng xanh có thêm đặc tính thông minh đã lộ diện tại TP.HCM hứa hẹn sẽ mở đầu cho xu hướng tại thành phố này.

Cụ thể JLL Việt Nam cho biết, Deutsches Haus (Ngôi nhà Đức) tại TP.HCM có thiết kế đạt các chuẩn tiết kiệm năng lượng và cao ốc văn phòng này còn được tích hợp những công nghệ quản lý, tiết kiệm năng lượng tiên tiến bậc nhất của Đức. Đây cũng là dự án đầu tiên tại TP.HCM đạt được chứng chỉ công trình xanh có mức độ cao nhất thế giới LEED Platinum (Mỹ).

Trước đó không lâu, Tập đoàn Capital House cũng được Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam trao chứng chỉ LOTUS cho công trình văn phòng xanh tại trụ sở của Tập đoàn ở tòa nhà EcoLife Capitol . Đây là dự án đầu tiên theo hệ thống chứng nhận mới là LOTUS dành cho không gian nội thất.

Bên cạnh công trình văn phòng nhiều chung cư xanh cũng đang đi theo hướng phủ xanh. Trong đó phải kể đến những điển hình như dự án Diamond Lotus Riverside của chủ đầu tư Phúc Khang, Flamingo Resort Đại Lải, Vinhomes Reverside...

Xu thế công trình xanh có thể sẽ là điểm nổi bật của thị trường bất động sản trong thời gian tới

Xu thế công trình xanh có thể sẽ là điểm nổi bật của thị trường bất động sản trong thời gian tới

Theo Hội đồng Công trình xanh Mỹ (USGBC), lũy kế đến hết năm 2017, Việt Nam có tổng cộng 87 dự án đăng ký theo đuổi chứng chỉ LEED, trong đó có 37 dự án đã được công nhận chính thức. Riêng năm 2017, Việt Nam có tới 18 dự án đạt chứng chỉ LEED, gấp gần 4 lần so với năm 2016.

Nếu tính luôn các chứng chỉ xanh khác đang có mặt trên thị trường như Lotus (Việt Nam), BCA Green Mark (Singapore), EDGE (World Bank), Việt Nam có hơn 40 công trình đạt được chứng chỉ xanh.

Đặc biệt phải kể đến những thiết kế độc đáo, thân thiện với môi trường của kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, Võ Trọng Nghĩa đã được thế giới vinh danh. Với tất cả những điều đã có được trong năm 2017 thì xu thế phát triển mạnh mẽ các công trình xanh sẽ có thể là trong những điểm nổi bật nhất trên thị trường bất động sản thời gian tới.

Cũng theo nhiều chuyên gia trong ngành, việc một số doanh nghiệp theo đuổi xu thế phát triển công trình xanh thân thiện với môi trường là một dấu hiệu tích cực trong việc hạn chế biến đổi khí hậu do ngành xây dựng tạo ra.

Những khó khăn cần tháo gỡ

Có thể nói, các đô thị lớn đang chịu tác động lớn từ quá trình đô thị hóa ngoài những tín hiệu tích cực từ tăng trưởng kinh tế thì các thành phố luôn phải đối mặt với chuyện mật độ dân cư ngày càng cao, kẹt xe và ô nhiễm… Những hạn chế này nếu không được giải quyết sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển bền vững của đô thị xanh.

Bên cạnh đó, những dự án theo đuổi tiêu chuẩn xanh có điểm hạn chế lớn là chi phí xây dựng cao hơn do công trình đòi hỏi các thiết kế phức tạp để phù hợp với điều kiện nắng gió, với luồng không khí di chuyển. Bên cạnh đó, các dự án phải áp dụng công nghệ mới nhất vào quản lý tòa nhà hay sử dụng các vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường,...

Không những vậy, một dự án khi dành phần lớn diện tích cho mảng xanh thì những không gian cho thuê thương mại sẽ phải giảm, đồng nghĩa với lợi nhuận giảm. Theo đó, khi nhắc đến làm công trình xanh nhiều doanh nghiệp còn e ngại. Điều họ mong chờ là những cơ chế chính sách hỗ trợ sao cho phù hợp với dự án xanh.

TS. KTS Lê Thị Bích Thuận, Phó Tổng thư ký, Tổng hội xây dựng Việt Nam đã từng chia sẻ với Reatimes rằng đến nay có thể nói, chưa có một chế tài cụ thể nào cho việc khuyến khích các công trình được xây dựng theo mô hình kiến trúc xanh, cũng như các hướng dẫn chi tiết và đồng bộ. Bản thân công trình vốn đã không được sự “hưởng ứng” từ phía các nhà đầu tư lại không được khuyến khích và quảng bá một cách thiết thực từ các nhà quản lý xây dựng và chính quyền đô thị.

Vì thế trong thực tế, các công trình “nhà ở thông minh”, “công trình tiết kiệm năng lượng”… vẫn tồn tại lẻ tẻ dưới dạng một dự án đơn lẻ mà không có bất cứ sự “tuyên dương”, giới thiệu hay quảng bá nào và được ít người biết đến để rút kinh nghiệm và học tập.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top