Tiên phong cho hướng đi xanh trong lĩnh vực bất động sản phải kể đến Ecopark. Biệt thự, chung cư chưa mọc lên, nhưng toàn bộ khu vực giai đoạn 1 của Dự án đã biến thành một công viên tràn ngập màu xanh. Tại Ecopark, từng tuyến phố cùng các công viên rợp bóng cây cổ thụ đang được hình thành. Với một tốc độ phủ xanh chỉ trong hơn một năm qua nhưng tại Ecopark thì không khó để hình dung về thành phố xanh tại cửa ngõ Đông Thủ đô này.
Giờ đây, đô thị sinh thái đang bùng nổ khắp nơi. Không chỉ có khu đô thị sinh thái mới chú trọng đến yếu tố xanh, mà các tổ hợp chung cư, văn phòng, khách sạn trong khu vực nội đô chật hẹp cũng hướng đến “xanh hơn”. Những “vườn treo Babylon” tưởng như chỉ có trong cổ tích Ba Tư xuất hiện ngày càng nhiều hơn trong các cao ốc. Dù sống ở trên cao nhưng những cư dân của các tổ hợp chung cư như Babylon Residences ở TP.HCM hay Tricon Towers ở Hà Nội sẽ được tận hưởng không gian xanh nhờ cách bố trí, sắp đặt khéo léo các “khu vườn” tại các nơi công cộng của toà nhà. Hoàng tráng hơn, Tổ hợp Royal City trên đường Nguyễn Trãi - Hà Nội còn đầu tư một khu vườn dưỡng sinh trên nóc của tất cả các toà nhà để tạo ra một công viên xanh trên không.
Giữa cái thời “tấc đất, tấc vàng”, chủ đầu tư chỉ cần công bố có nhà đất để bán là đã có người giành nhau để mua, thì đầu tư thêm cho màu xanh có vẻ hơi phí. Nhưng, những người phát triển Ecopark lại “nghĩ xa hơn, trông rộng hơn”. Họ muốn khắc phục những “vấn đề nóng” do quá trình đô thị hoá quá nhanh gây ra.
Tiến sỹ Michael Waibel, Giảng viên chính Khoa Địa lý kinh tế thuộc Đại học Hamburg (Đức), cho rằng, tốc độ đô thị hoá nhanh làm mất đi các thực thể nước và mảng xanh khiến Hà Nội và TP.HCM ngày càng chịu ảnh hưởng từ “hiệu ứng đảo nhiệt đô thị”. Ở khu vực nội thành, mật độ xây dựng dày đặc, có nhiệt độ cao hơn 8-10 độ so với khu vực lân cận. Chính “đảo nhiệt đô thị” gây áp lực lên sức khoẻ con người và cảm giác thoải mái của người dân địa phương, đặc biệt là người già và người trẻ tuổi, dẫn đến việc sử dụng gia tăng máy điều hoà, tăng nhu cầu tiêu thụ năng luợng và gây hiệu ứng khí thải nhà kính. Hà Nội muốn trở thành thành phố “xanh, văn minh, hiện đại”, nhưng ngay cả khi mở rộng địa giới hành chính thì quy hoạch đô thị về cơ bản vẫn bám theo khái niệm thành phố nén, thành phố của các khoảng cách ngắn, và đây là thách thức lớn nhất đối với quy hoạch đô thị Hà Nội.
Không chỉ ở Việt Nam mà xanh còn là xu hướng phát triển bất động sản chủ đạo trên thế giới. Theo hai chuyên gia Lucy Price và Britta Kastens thuộc Nhóm dự án Hamburg Thủ đô xanh của châu Âu 2011, thì thành phố của tương lai phải là thành phố thân thiện với môi trường và khí hậu. Đơn cử, thành phố Hamburg (Đức) được coi là thủ đô môi trường xanh khi chính quyền xác định điều quan trọng nhất trong phát triển đô thị là đem lại chất lượng sống cao cho mọi người dân.
Phát triển đô thị sinh thái không chỉ là lối thoát, mà còn là hướng phát triển bền vững, một mong muốn cháy bỏng của những người làm quy hoạch, và những ai đang ngày ngày đối mặt với những bức tường bê tông xám xịt. Chả thế mà không ít người ở đô thị lớn không tiếc tiền bỏ ra hàng chục tỷ đồng để được sở hữu biệt thự trong những khu nghỉ dưỡng, để rũ bỏ những căng thẳng, mệt mỏi, được trở về với thiên nhiên xanh. Nhưng xanh, hay sinh thái không nhất thiết chỉ có ở những khu nghỉ dưỡng cao cấp đang mọc lên như nấm ở Đà Nẵng hay Phan Thiết. Các nhà phát triển bất động sản ngày nay ý thức được rằng, mọi bất động sản đều có thể phát triển theo hướng xanh, và phát triển xanh sẽ giúp nâng giá trị của bất động sản.