Aa

Công trình xanh tại Việt Nam: Hành động quyết liệt, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0

Châu Anh
Châu Anh nchauanh9999@gmail.com
Thứ Sáu, 04/10/2024 - 11:47

Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi xanh trong ngành Xây dựng, với trọng tâm là phát triển công trình xanh và ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng. Những nỗ lực này được thể hiện rõ nét thông qua các chính sách hỗ trợ toàn diện và sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, góp phần kiến tạo một tương lai bền vững cho đất nước.

Biến đổi khí hậu đang đặt ra những thách thức to lớn, đòi hỏi các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, phải hành động quyết liệt để giảm phát thải khí nhà kính. Ngành Xây dựng, với đặc thù tiêu tốn nhiều năng lượng và nguyên vật liệu, được xác định là một trong những ngành cần ưu tiên chuyển đổi xanh. Nhận thức được điều này, Việt Nam đã và đang chủ động triển khai nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển công trình xanh, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Trong khuôn khổ Tuần lễ Công trình xanh 2024 với chủ đề "Phát triển công trình xanh: Chuyển biến từ chính sách đến hành động", Hội thảo chuyên đề "Kết hợp công nghệ và thiết bị hướng đến công trình tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải" do Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) chủ trì nhận được sự quan tâm đặc biệt. Hội thảo đã bàn luận sôi nổi về những cơ chế chính sách, giải pháp và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong việc giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển công trình xanh tại Việt Nam.

Giảm phát thải khí nhà kính trong ngành xây dựng Việt Nam

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Hồng Hải - Viện trưởng Viện khoa học công nghệ xây dựng cho biết: Thực hiện cam kết trong việc giảm phát thải khí nhà kính, Chính phủ đã có Nghị định 06/2022 Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng Ozôn, trong đó có mức giảm phát thải cụ thể cho ngành Xây dựng. Đồng thời, Quyết định số 385/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng cũng đã phê duyệt "Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050". Kế hoạch này nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, với mục tiêu giảm phát thải về 0 vào năm 2050. Đặc biệt, Quyết định 2161/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành đã phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược này không chỉ tập trung vào việc cung cấp nhà ở xã hội mà còn yêu cầu việc xây dựng phải đảm bảo các tiêu chuẩn xanh và thân thiện với môi trường, nhằm giảm thiểu phát thải trong ngành xây dựng.

Ngoài ra, hàng năm Bộ Xây dựng tổ chức Tuần lễ Công trình xanh nhằm triển khai và khuyến khích các tổ chức, đơn vị phát triển công trình xanh, giảm phát thải CO2. Năm 2024, Bộ Xây dựng phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức rất nhiều các hoạt động, trong đó các hội thảo chia sẻ và giới thiệu những cơ chế chính sách, các giải pháp và ứng dụng khoa học công nghệ trong việc giảm phát thải khí nhà kính là hoạt động chính của Tuần lễ Công trình xanh.

Công trình xanh tại Việt Nam: Hành động quyết liệt, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hồng Hải – Viện trưởng Viện khoa học công nghệ xây dựng (IBST)

Ông Hải cho biết, tính đến quý II năm 2024, Việt Nam đã có 476 công trình đạt chứng nhận xanh, với tổng diện tích sàn lên đến 11.489.000m2. Các công trình này được chứng nhận bởi các hệ thống uy tín quốc tế như EDGE, GREEN MARK, LEED. Đây là một con số ấn tượng, phản ánh sự chuyển biến tích cực trong việc phát triển bền vững của ngành xây dựng Việt Nam.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đã đề ra Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" theo Quyết định 338/QĐ-TTg. Theo đó, các dự án xây dựng nhà ở xã hội cũng phải tuân thủ các tiêu chuẩn về công trình xanh nhằm đảm bảo hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm thiểu phát thải khí CO2.

Để tiếp tục thúc đẩy phát triển công trình xanh, ông Hải cho rằng cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: Xây dựng hệ thống định mức và hệ số phát thải khí nhà kính, hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính và xây dựng hệ thống MRV, kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực, ngành, thí điểm và đánh giá công trình phát thải các-bon thấp, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn ngành, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ xây dựng xanh, sử dụng năng lượng hiệu quả, tăng cường năng lực và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công trình xanh. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững trong lĩnh vực xây dựng, cần phải lựa chọn chiến lược và giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong công trình xây dựng phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Công nghệ tiên phong và tầm nhìn chiến lược cho công trình xanh

Bên cạnh việc hoàn thiện khung pháp lý, việc ứng dụng công nghệ và hợp tác quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy công trình xanh. Tại Hội thảo, ông Shigeru Tamura, Trưởng phòng Cấp cao Phát triển Giải pháp số Toshiba Software Việt Nam chia sẻ về những nỗ lực và giải pháp giảm phát thải khí CO2 mà cả Việt Nam và Nhật Bản đang thực hiện. Theo ông, lượng phát thải khí nhà kính, đặc biệt là CO2, đang có xu hướng tăng dần qua từng năm ở cả hai quốc gia. Cụ thể, Việt Nam đặt mục tiêu đạt 25% năng lượng tái tạo vào năm 2050, hướng đến giảm 9% lượng phát thải khí CO2 và đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Công trình xanh tại Việt Nam: Hành động quyết liệt, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0- Ảnh 2.

Ông Shigeru Tamura, Trưởng phòng Cấp cao Phát triển Giải pháp số Toshiba Software Việt Nam

Ông Tamura phân tích, khí CO2 chủ yếu đến từ hai nguồn chính: Sản xuất điện năng và các hoạt động công nghiệp khác. Tại Nhật Bản, hơn 70% điện năng được sản xuất từ các nhà máy nhiệt điện. Nhận thức được tác động tiêu cực đến môi trường, Chính phủ Nhật Bản đang khuyến khích chuyển dịch sang sử dụng năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời. Đối với các ngành công nghiệp, Chính phủ Nhật Bản đã thiết lập hệ thống thuế carbon, đánh thuế trực tiếp lên lượng khí thải CO2, đồng thời xây dựng quỹ hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ sạch.

Chia sẻ về kinh nghiệm của Nhật Bản, ông Tamura cho biết, bước đầu tiên trong việc kiểm soát phát thải là đo lường và giám sát chặt chẽ lượng khí thải ra môi trường. Từ năm 2006, Nhật Bản đã ban hành quy định rõ ràng về việc kiểm kê khí nhà kính, yêu cầu các nhà máy, công trình phải báo cáo định kỳ về lượng phát thải CO2. Chính phủ cũng cung cấp hướng dẫn chi tiết về phương pháp tính toán lượng khí thải, giúp các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ một cách chính xác và minh bạch. Đặc biệt, Nhật Bản đang hướng đến mục tiêu ngành xe điện giảm phát thải CO2 hoàn toàn vào năm 2035, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và bền vững.

"Toshiba đang tập trung vào ba nhóm giải pháp chính nhằm giảm rà soát và tối ưu hóa quy trình sản xuất, vận hành thiết bị hiệu quả hơn, và thay thế bằng các thiết bị tiết kiệm năng lượng. Thứ hai là sử dụng năng lượng tái tạo, bằng cách tự sản xuất, mua từ các nhà cung cấp, hoặc áp dụng công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon. Cuối cùng là bù đắp carbon thông qua các hoạt động như trồng cây, đầu tư vào năng lượng tái tạo và tham gia các chương trình chứng nhận CO2", ông Tamura nói. 

Tiếp nối những chia sẻ về giải pháp công nghệ, ông Phạm Huy Tuấn, Giám đốc Kỹ thuật Bộ phận Quản lý Bất động sản Savills Hà Nội, đã đưa ra những phân tích về xu hướng phát triển tất yếu của tòa nhà xanh. "Tòa nhà xanh đang dần trở thành xu hướng tất yếu trong ngành bất động sản, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về môi trường sống và làm việc bền vững. Dự kiến đến năm 2025, 10% các tòa nhà văn phòng sẽ đạt tiêu chuẩn xanh. Việc đầu tư vào tòa nhà xanh mang tính chiến lược, gia tăng lợi thế cạnh tranh, tối ưu năng lượng và chi phí vận hành cũng như đem lại nhiều lợi ích kinh tế, xã hội trong dài hạn", ông Tuấn nói. 

Công trình xanh tại Việt Nam: Hành động quyết liệt, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0- Ảnh 3.

Ông Phạm Huy Tuấn, Giám đốc Kỹ thuật Bộ phận Quản lý Bất động sản Savills Hà Nội

Bên cạnh đó, ông Tuấn nhấn mạnh, chuyển đổi xanh đang trở thành xu hướng toàn cầu, mang lại nhiều giá trị dài hạn cho doanh nghiệp bất động sản. Nếu không thích nghi được với thị hiếu toàn cầu này, các tòa văn phòng, chung cư hiện nay sẽ mất dần giá trị và không giữ chân được khách thuê lâu dài, trở thành những tài sản “bị mắc kẹt” trong tương lai”.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng lưu ý rằng, phát triển công trình xanh đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc ngay từ giai đoạn ban đầu, từ việc lựa chọn vật liệu xây dựng, thiết kế vỏ bọc công trình đến việc ứng dụng hệ thống cơ điện hiện đại và tự động hóa. Ngoài ra, sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư, nhà phát triển, đội ngũ quản lý và người sử dụng cũng đóng vai trò then chốt trong việc hạn chế phát thải ròng của ngành bất động sản.

Như vậy, giảm phát thải khí nhà kính không chỉ là trách nhiệm đối với môi trường toàn cầu, mà còn là yếu tố then chốt để đảm bảo sự phát triển bền vững của chính Việt Nam. Nó không chỉ giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, bảo vệ sức khỏe con người, mà còn mang lại những lợi ích kinh tế - xã hội to lớn, tạo động lực cho tăng trưởng xanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Chính vì thế, việc tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính trong ngành xây dựng nói riêng và trong tất cả các lĩnh vực nói chung cần được coi là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top