Aa

Công trình xanh thực sự "ngốn" tiền nhiều hơn?

Thứ Năm, 27/09/2018 - 23:30

Phát triển công trình xanh hiện là xu hướng toàn cầu, được chú trọng tại nhiều nước như Singapore, Malaysia, Canada... Trong khi đó, nhiều dự án phát triển công trình xanh, công trình sử dụng năng lượng hiệu quả ở Việt Nam vẫn chỉ tồn tại trên giấy. Một phần nguyên nhân là bởi tâm lý e ngại chi phí đầu tư cao.

Vì sao công trình xanh lại trở thành xu hướng xây dựng trên thế giới? Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các dự án công trình xanh có thể tiết kiệm cho chủ đầu tư từ 20 - 40% chi phí vận hành mỗi tháng nhờ thiết kế thông minh và quy trình vận hành được tính toán kỹ càng. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư và nhà thầu hiện vẫn lo lắng về chi phí đầu tư xây dựng sẽ tăng so với chi phí đầu tư công trình bình thường. Điều quan trọng hơn là tồn tại cách nhìn chưa đầy đủ về chi phí đầu tư và hiệu quả của công trình xanh. 

Theo ghi nhận từ nhiều kiến trúc sư và chuyên gia xây dựng, công trình xanh không phải là những công trình đắt tiền. Việc xây dựng công trình xanh có thể tạo ra thêm một khoản chi phí không quá lớn ở giai đoạn xây dựng nhưng lại thường không làm phát sinh chi phí ở giai đoạn vận hành và bảo trì.

tâm lý e ngại chi phí đầu tư cao là một trong những lý do cản trở phát triển công trình xanh tại Việt Nam.

Tâm lý e ngại chi phí đầu tư cao là một trong những lý do cản trở phát triển công trình xanh tại Việt Nam.

Dưới đây là ý kiến của một số chuyên gia, kiến trúc sư trong và ngoài nước về chi phí cho công trình xanh mà chúng tôi ghi nhận được:

KTS. Hoàng Mạnh Nguyên, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu và phát triển Đô thị xanh Việt Nam: Đầu tư xây dựng công trình xanh sẽ đòi hỏi tăng vốn đầu tư trung bình từ 3 - 8% so với đầu tư thông thường. Tuy nhiên, các công trình xanh sẽ tiết kiệm được từ 15 - 30% năng lượng sử dụng, giúp giảm 30 - 35% lượng khí thải carbon, tiết kiệm 30 - 50% lượng nước sử dụng và từ 50 - 70% chi phí xử lý chất thải. Không những thế, các công trình xanh sẽ góp phần bảo tồn các nguồn tài nguyên, thân thiện với môi trường, chi phí sử dụng thấp, đảm bảo sức khỏe người sử dụng và đặc biệt là tăng tuổi thọ công trình. Bởi vậy, nếu tính toán chi tiết, có thể thấy dù khoản đầu tư, phát triển công trình xanh ban đầu có cao hơn nhưng kết quả thu về sẽ bền vững, hiệu quả lâu dài, kiểu “một vốn bốn lời”.

KTS. Lê Trương, Tổng Giám đốc CTCP kiến trúc xây dựng TTA Partners: Hầu hết trong các hội thảo, chi phí công trình xanh đều được cho là cao hơn khoảng 5 - 10%, thậm chí hơn 30% so với công trình thường. Tuy nhiên, tôi cho rằng, nhìn một cách tổng thể thì công trình xanh có chi phí đầu tư thấp hơn công trình bình thường. Tôi dám khẳng định và chắc chắn về câu trả lời này. Bởi bằng một cấu trúc cuối cùng giúp tối đa hóa tất cả những giải pháp thiết kế thụ động tức là chúng ta khai thác hiệu quả tất cả các yếu tố tự nhiên thì tiết kiệm được rất nhiều.

Ông Trịnh Tùng Bách, Giám đốc Ban Nghiên cứu và Phát triển Tập đoàn Capital House: Lâu nay chúng ta hiểu công trình xanh chỉ là nhiều cây, hoặc là thứ đắt tiền, là một chi phí rất lớn mà chúng ta không thể thu hồi được…nhưng như thế là hiểu sai. Chính tư duy sai khiến chúng ta ngại làm, ngại phát triển, ngại thay đổi, nên công trình xanh bị hạn chế. Trên thực tế, khi doanh nghiệp bỏ thêm 1 đồng để xây dựng công trình xanh thì trong quá trình 50 năm sử dụng, họ sẽ tiết kiệm được không chỉ 10 đồng mà có thể đến 100 đồng từ việc tiết kiệm năng lượng.

Ông Harry Yeo, nguyên Chủ tịch Viện Bất động sản Singapore: Thông thường kiến trúc xanh cần nhiều vốn để phát triển hơn công trình thường trong khi đó nhà thầu thường nhìn vào lợi tức đầu tư nên họ sẽ có tâm lý e ngại. Do đó, Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng các giải pháp công trình xanh trên nền tảng của các quốc gia đi trước để tính toán cân đối cho bài toán chi phí. Hãy nhìn vào những ví dụ, kiểu mẫu của các nước tiên phong và khéo léo ứng dụng chúng vào nền tảng riêng của Việt Nam. Như ở Singapore, chúng tôi thông qua việc tìm hiểu các thiết kế kiến trúc, tận dụng các luồng không khí tự nhiên để tiết kiệm năng lượng. Đây cũng là nền tảng tiết kiệm chi phí của tòa nhà trong quá trình lâu dài.

Ông Michael Doring, Tổng Giám đốc Turner International (Mỹ): Khi làm công trình xanh, chúng tôi nghiên cứu thời hạn hoàn vốn và nhận thấy rằng khi đổi mới xây dựng trở nên xanh và bền vững hơn, nhà đầu tư sẽ nhận lại được sự tối ưu và tiết kiệm năng lượng. Vậy nên không thể nhìn vào chi phí xây dựng ngày hôm nay để đánh giá. Bởi vì nếu là chủ sở hữu, một công trình sẽ có giá trị sử dụng trung bình 30 năm và bạn cần nhìn nhận đường dài, để xem chí phí vận hành cơ sở đó là bao nhiêu. Thường thì thời gian hoàn vốn sẽ rơi vào khoảng 5 - 10 năm. Nếu bạn có thể chi trả cho việc áp dụng kiến trúc xanh trong vòng 5 đến 10 năm, thì đó là cột mốc chấp nhận được.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top