Chưa mặn mà
Sau hơn 10 năm triển khai, đến nay, Việt Nam có khoảng 100 công trình xanh, một con số khá hạn chế so với 500 công trình ở Đài Bắc (Trung Hoa), gần 1.200 công trình ở Singapore.
Với thị trường bất động sản, dù làng địa ốc Việt Nam có cả chục nghìn doanh nghiệp, nhưng khi nhắc đến các chủ đầu tư làm về công trình xanh, loanh quanh cũng chỉ có một vài cái tên như Tập đoàn Phúc Khang, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ đô (Capital House), Công ty cổ phần Đầu tư Xuân Cầu…
Ngay trong Hội thảo khởi động “Chương trình Phát triển công trình xanh tại Việt Nam” cũng chỉ có 7 doanh nghiệp (trong và ngoài ngành địa ốc) tham gia ký kết chương trình phát triển công trình xanh là FLC Group, CEO Group, Phúc Khang Group, Capital House, Viglacera, Công ty Cao ốc quốc tế Hồ Tây, Công ty Quản lý quỹ Vietinbank.
Trong khi đó, công trình xanh đang bị một số chủ đầu tư lạm dụng làm công cụ truyền thông để bán hàng cho dự án của mình. Nhiều dự án được giới thiệu là dự án xanh, sinh thái, nhưng thực tế khi triển khai lại có mật độ xây dựng lớn, thiếu mảng xanh. Việc sử dụng năng lượng hiệu quả, nhận thức về vai trò, ý nghĩa và tính kinh tế của công trình cũng còn rất hạn chế.
Rào cản từ nhận thức
Theo ông Trần Thành Vũ, Chủ tịch Hội Mô phỏng hiệu năng công trình xây dựng Việt Nam (IBPSA-Vietnam), mọi người nói nhiều về công trình xanh, nhưng mức độ ứng dụng thực tế chưa nhiều. Nhiều chủ đầu tư nói đến công trình xanh chủ yếu với mục đích để bán hàng, cho thuê tốt hơn.
Còn với công trình sử dụng năng lượng hiệu quả, hiện cũng có không ít rào cản khi chủ đầu tư muốn có công trình hợp chuẩn, tiết kiệm năng lượng, nhưng trong quá trình áp dụng lại chủ yếu áp dụng các công thức, cách tính tải điều hòa theo công thức cũ.
“Thậm chí, có nhiều trường hợp khi nhận thấy cách phân phối tải điều hòa không hợp lý, chúng tôi đã thông báo và tư vấn giải pháp, nhưng đáp lại là sự im lặng. Chủ đầu tư vẫn giữ nguyên phương án cũ do ngại thay đổi. Với công trình sử dụng năng lượng hiệu quả, vấn đề ở chỗ chủ đầu tư phải có cái nhìn cởi mở, có tinh thần hợp tác”, ông Vũ cho biết.
Tương tự, chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, một chuyên gia trong lĩnh vực giải pháp về năng lượng cho biết, ở góc độ các kiến trúc sư, người ta thường quan tâm nhiều đến kỹ thuật, mỹ thuật và các phản hồi của khách hàng (chủ đầu tư - PV) về các nội dung đó, chứ vấn đề tiết kiệm năng lượng, hay giải pháp năng lượng hiệu quả không được chú ý.
“Với không ít kỹ sư, giải pháp chung là lắp thật nhiều điều hòa, nhiều thiết bị làm mát. Cách làm này không hiệu quả và gây lãng phí lớn, không chỉ chi phí đầu tư, mà cả quá trình vận hành, bảo trì, bảo dưỡng.
Có công trình, chi phí cho hạng mục làm mát lên đến 100 tỷ đồng, nhưng theo cách tính của chúng tôi thì chỉ khoảng 50 tỷ đồng. Thậm chí, ngay cả với các công trình xanh, nhiều người cho rằng, chỉ cần tuân thủ các quy chuẩn của bộ tiêu chuẩn (LEED, EDGE, Green Mark, Lotus…), nhưng thực ra, với hạng mục năng lượng, mức tiết kiệm phải cao hơn cả tiêu chuẩn mới tốt”, vị chuyên gia cho biết.
Cần cơ chế khuyến khích
Trong hội thảo khai mạc Tuần lễ Năng lượng hiệu quả mới được tổ chức tại Hà Nội, đại diện nhiều doanh nghiệp, chuyên gia có chung nhận định, có vẻ như các công trình xanh đang trông chờ nhiều vào sự tự nguyện, nhiệt tình của chủ đầu tư và đơn vị tư vấn, hơn là sự thúc bách của thời cuộc và chính sách.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Phan Tuấn Anh, Kiến trúc sư trưởng, Công ty TNHH Tư vấn Việt Xanh cho biết: “Do chưa có sự ép buộc của Nhà nước về thực hiện công trình xanh, nên hiện chủ yếu dựa trên sự tự nguyên của các chủ đầu tư. Hy vọng rằng, thời gian tới sẽ có các chính sách thúc đẩy sự phát triển của công trình xanh ở Việt Nam”.
Đồng quan điểm, KTS. Lê Trương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kiến trúc xây dựng TTA Partners chia sẻ, nhận thức của các chủ đầu tư về công trình xanh còn rất nhỏ nhoi và nhiệm vụ nặng nề của các đơn vị tư vấn là thuyết phục để họ tin và làm theo.
“Nhiệm vụ của các đơn vị tư vấn là phối hợp cùng nhà thầu, chủ đầu tư để triển khai các hạng mục, giải đáp 3 câu hỏi lớn: Công trình xanh là gì? Ai sẽ giúp chủ đầu tư làm công trình xanh? Chi phí thực hiện ra sao?”, ông Trương nhấn mạnh.
Còn theo đại diện Cựu học viên EEN - Chương trình Kiến trúc bền vững giữa Việt Nam và Đức, nếu áp dụng đồng bộ các giải pháp thiết kế kiến trúc, sử dụng vật liệu xanh, lắp đặt và vận hành các thiết bị có hiệu suất năng lượng cao, có cán bộ quản lý năng lượng đủ trình độ, thì có thể tiết kiệm đến 30 - 40% năng lượng tiêu thụ so với các công trình khác. Đối với các công trình đang hoạt động hoặc sắp cải tạo, nếu tiến hành kiểm toán năng lượng và sau đó triển khai giải pháp này, hiệu quả cũng có thể tiết kiệm tới 25% năng lượng tiêu thụ.
Theo các chuyên gia, mặc dù còn gặp phải không ít rào cản, mà chủ yếu là vấn đề nhận thức về sản phẩm, nhưng bằng thành công của những doanh nghiệp tiên phong và mới nhất là sự điều chỉnh về mặt chính sách, công trình xanh, công trình sử dụng năng lượng hiệu quả đang dần có được nhiều hơn sự thuận lợi để phát triển.
Cụ thể, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010 (có hiệu lức từ 1/1/2011) và Danh sách các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm đã thể hiện rằng, các cơ sở tiêu thụ năng lượng cần có kế hoạch sử dụng và vận hành có kế hoạch đảm bảo mức tiêu thụ năng lượng hiệu quả và hợp lý.
Trong khi đó, Bộ Xây dựng cũng vừa ban hành Bộ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công trình hiệu quả năng lượng (QCVN 09:2017/BXD), cập nhật so với phiên bản QCVN 09:2013/BXD. Điều này được kỳ vọng làm cơ sở thúc đẩy áp dụng công trình xanh trong thực tiễn, nhằm cải thiện môi trường xây dựng theo hướng bền vững.