Aa

Công ty của đại gia Đường ‘bia’ đề xuất sử dụng công nghệ mới xây cao tốc, đường sắt đô thị theo tiêu chí nhanh - rẻ - tốt

Thứ Hai, 13/01/2025 - 14:40

Theo Hòa Bình Group, công nghệ này được đánh giá ưu việt hơn so với phương pháp truyền thống là đúc cọc và dầm bê tông tại chỗ, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí và thời gian xây dựng.

Trước thềm Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, do Ban Bí thư tổ chức hôm nay (13/1), Công ty TNHH Hòa Bình (hay còn gọi là Tập đoàn Hoà Bình Group) đã gửi văn bản đến Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Nội dung văn bản đề xuất áp dụng công nghệ cầu bản trên cọc PRC V+ để xây dựng các công trình đường cao tốc và đường sắt đô thị trên cao.

Theo đại diện Hòa Bình Group, công nghệ cầu bản trên cọc PRC V+ đã được thử nghiệm thành công tại khu phi thuế quan Xuân Cầu - Lạch Huyện, TP. Hải Phòng trong thời gian vừa qua.

Bối cảnh 3D Khu phi thuế quan Xuân Cầu - Lạch Huyện, TP. Hải Phòng. Nguồn ảnh: Kinh tế Đô thị

Bối cảnh 3D Khu phi thuế quan Xuân Cầu - Lạch Huyện, TP. Hải Phòng. Nguồn ảnh: Kinh tế Đô thị

Trên cơ sở này, doanh nghiệp kiến nghị cho phép ứng dụng công nghệ vào các dự án trọng điểm như: xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, mở rộng đường cao tốc TP. HCM - Long Thành lên 8-10 làn xe và triển khai đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành trong tương lai.

Công nghệ cầu bản trên cọc PRC V+ sử dụng cọc bê tông ly tâm dự ứng lực kết hợp với tấm panel bản rỗng có sườn dự ứng lực. Công nghệ này được đánh giá ưu việt hơn so với phương pháp truyền thống là đúc cọc và dầm bê tông tại chỗ, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí và thời gian xây dựng.

TS. Trần Bá Việt, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam kiêm Phó Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam cho biết, công nghệ cầu bản trên cọc PRC V+ đã được triển khai thành công tại nhiều quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Indonesia, Đức và Đài Loan, trong lĩnh vực xây dựng cao tốc cầu cạn.

"Với công nghệ mới các cấu kiện bê tông để xây cao tốc cầu cạn, đường sắt đô thị trên cao được chuẩn hóa, đúc sẵn, sản xuất đồng loạt tại các nhà máy, không phải tiến hành đổ bê tông cọc, dầm trực tiếp trên công trường, vì thế thi công nhanh hơn, chất lượng dầm, cọc bảo đảm. Đặc biệt, do cấu kiện bê tông được sản xuất đồng loạt trong nhà máy nên rất tiết kiệm", ông Việt cho biết.

Bên cạnh đó, theo kết quả kiểm định công trình thử nghiệm cao tốc cầu cạn hai tầng bằng công nghệ cầu bản trên cọc PRC V+, được Hòa Bình Group hợp tác cùng các chuyên gia từ Đức, Nhật Bản, Trung Quốc và Indonesia xây dựng tại khu phi thuế quan Xuân Cầu - Lạch Huyện, công nghệ này đã được Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Đại học Giao thông vận tải cùng Viện Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng) kiểm định.

Kết quả cho thấy công trình đạt và vượt các tiêu chuẩn xây dựng cao tốc cầu cạn tại Việt Nam.

Theo tính toán của Viện Kinh tế Xây dựng, suất đầu tư trung bình cho mỗi mét vuông cao tốc cầu cạn áp dụng công nghệ PRC V+ là khoảng 12-13 triệu đồng/m2, trong khi đó, công nghệ truyền thống hiện nay có mức đầu tư dao động từ 30-39 triệu đồng/m2. Như vậy, công nghệ mới giúp giảm chi phí đầu tư xuống chỉ còn 1/3 so với công nghệ cũ.

Ông Nguyễn Hữu Đường - đại gia Đường “bia” - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình Group

Ông Nguyễn Hữu Đường - đại gia Đường “bia” - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình Group

Ông Nguyễn Hữu Đường - đại gia Đường “bia” - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình Group chia sẻ rằng, việc áp dụng công nghệ PRC V+ vào xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô (dài khoảng 113km) sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho ngân sách Nhà nước. Hiện nay, tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án được duyệt là khoảng 86.000 tỷ đồng, với quy mô xây dựng 4 làn xe không có làn dừng khẩn cấp.

Tuy nhiên, nếu áp dụng công nghệ mới, chi phí đầu tư dự án chỉ khoảng 56.200 tỷ đồng, tiết kiệm được 29.800 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư hiện tại. Ngoài ra, công nghệ này còn cho phép mở rộng mặt cắt đường lên 40,8m, bao gồm 6 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, và đầu tư thêm 8,6m đường sắt đô thị trên cao chạy song song.

Tương tự, đối với dự án mở rộng cao tốc TP. HCM - Long Thành lên 8-10 làn xe (dài 22km) và xây dựng tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành (dài 41,83km), tổng vốn đầu tư dự kiến theo công nghệ truyền thống là khoảng 99.700 tỷ đồng.

Trong khi đó, nếu áp dụng công nghệ PRC V+, tổng chi phí chỉ còn khoảng 30.000 tỷ đồng. Hơn nữa, thời gian thi công các dự án cũng sẽ được rút ngắn đáng kể so với việc sử dụng công nghệ cũ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top