Thời gian gần đây, công ty HUDS liên tục tiến hành cưỡng chế, thu hồi hàng hóa tại các kiot chậm đóng tiền thuê mặt bằng khiến mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và các tiểu thương bị đẩy lên đỉnh điểm.
Theo các tiểu thương, từ năm 2013 đến nay giá thuê kiot tại các khu chung cư do công ty HUDS quản lý ở các khu đô thị Định Công, Linh Đàm… (Hà Nội) bị tăng cao khiến việc kinh doanh của các tiểu thương gặp nhiều khó khăn. Rất nhiều tiểu thương phản đối việc tăng giá quá cao nên không đóng tiền thuê mặt bằng.
Bên cạnh đó, từ ngày thành lập Ban quản trị đến nay, cả phía Ban quản trị và phía công ty HUDS đều yêu cầu hộ thuê kiot nộp tiền cho mình nên các tiểu thương rơi vào tình thế ở giữa và không biết nên nộp tiền cho ai. Quan điểm mà Ban quản trị đưa ra là, các kiot ở tầng 1 thuộc quản lý của Ban quản trị, số tiền cho thuê mặt bằng dùng để phục vụ cho việc vận hành chung cư.
Ông Đồng Văn Vinh thuê kiot tại CT2 - ĐN2, KĐT Định Công (Hoàng Mai) bày tỏ: “Cả hai bên đều yêu cầu tôi đóng tiền thuê nhà, nếu tôi đóng cho HUDS thì mai Ban quản trị yêu cầu đóng tiền tôi lấy đâu ra tiền mà đóng nữa, còn đóng cho Ban quản trị thì mai lấy đâu tiền mà đóng cho HUDS. Chúng tôi bị đẩy vào thế ở giữa nên không biết theo ai”.
Trong lúc tiểu thương chưa thể xác định được ai là chủ sở hữu chính thức các kiot thì phía HUDS liên tục có những hành động như cắt điện, nước… và không ít lần công ty này kéo hàng chục người đến thu hồi các kiot của người dân.
"Việc HUDS cưỡng ép thu hồi làm ảnh hưởng rất lớn đến tài sản của chúng tôi”, một tiểu thương cho biết.
Bị công ty HUDS thu hồi kiot khiến cuộc sống của gia đình ông Đồng Văn Vinh như đảo lộn hoàn toàn, vợ ông Vinh mếu máo nói: “Vay mượn anh em, họ hàng được bao nhiêu vốn liếng vợ chồng tôi đầu tư hết vào siêu thị này, giờ chưa lấy lại được vốn thì đã bị công ty HUDS thu hồi hết. Đề nghị HUDS sớm trả lại hàng hóa, mặt bằng để chúng tôi tiếp tục kinh doanh, sinh sống”.
Ông Vinh cho biết, ông thuê kiot tại tòa CT2 với diện tích 90m2 từ năm 2013 và đã đầu tư vào đây gần 3 tỷ đồng để sửa sang, sắm sửa trong siêu thị.
Theo khoản 9.3 điều 9 của hợp đồng thuê kiot mà ông ký với công ty HUDS thì nếu bên B (bên thuê kiot) không chịu di chuyển tài sản của mình sau 05 ngày kể từ ngày nhận được thông báo thu hồi, bên A có thể: Di chuyển hoặc giữ tài sản của bên B. Mọi chi phí cho việc di chuyển, trông giữ, lưu kho bãi và rủi ro đối với tài sản do bên B chịu.
Hợp đồng này cũng chỉ ra rằng, trước khi di chuyển tài sản của bên B, bên A sẽ tiến hành lập biên bản, kê biên tài sản với thành phần tham gia gồm: Đại diện bên A, Xí nghiệp quản lý nơi bên B thuê kiot, đại diện tổ dân phố tại khu nhà chung cư có kiot.
Tuy nhiên, ông Vinh khẳng định, khi tiến hành thu hồi kiot của ông, công ty HUDS không tiến hành kê biên tài sản trong siêu thị.
“Hiện tài sản của tôi đang bị bên phía công ty HUDS chiếm giữ trái phép. Việc làm của HUDS là coi thường pháp luật, coi thường tiểu thương và đẩy các tiểu thương vào thế bế tắc, cuộc sống gia đình chúng tôi cũng vì thế mà đảo lộn, khó khăn”, ông Vinh nói.
Reatimes.vn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.