Coteccons: Đế chế vĩ đại đã không còn vĩ đại
Từng là doanh nghiệp xây dựng vĩ đại nhất Việt Nam, Coteccons đã không còn là chính mình trong giai đoạn 2019 - 2021. Giờ đây, ông Bolat Duisenov đang nỗ lực tái tạo một Coteccons mới, song hành trình này còn rất nhiều gian nan.
Với ngành xây dựng Việt Nam, Coteccons (HoSE: CTD) là một tượng đài, không chỉ vì duy trì được tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ suốt một thập niên mà còn vì đã xây dựng nên những công trình biểu tượng.
Đi ra từ doanh nghiệp nhà nước, năm 2004, Coteccons ghi dấu ấn trên thị trường bằng dự án The Manor cao 33 tầng trên vùng sình lầy ở đường Nguyễn Hữu Cảnh (TP.HCM) dù trước đó chưa từng có kinh nghiệm xây một dự án cao tầng nào. Đây có thể xem là “viên gạch” đầu tiên gây dựng nên “đế chế” Coteccons trước khi ông Nguyễn Bá Dương tiến ra miền Trung với hàng loạt dự án khách sạn, resort 5 sao và sau đó là “đánh chiếm” cả nước.
Trải qua gần 2 thập kỷ phát triển, phá vỡ những rào cản, xác lập các kỷ lục “vô tiền khoáng hậu”, Coteccons dưới sự dẫn dắt của ông Nguyễn Bá Dương đã xây dựng những biểu tượng, điển hình nhất là toà nhà chọc trời The Landmark 81. Công trình “thuần Việt” này là một dấu mốc lịch sử của ngành xây dựng Việt Nam nói chung và Coteccons nói riêng.
Đằng sau những công trình biểu tượng ấy, không thể không nhắc tới những “người Coteccons”. Với triết lý “tôi làm được 10 đồng thì anh em cũng được 7 đồng”, không lấy làm ngạc nhiên khi ông Nguyễn Bá Dương đã quy tụ được những tinh anh hàng đầu của ngành xây dựng dưới trướng, có thể kể đến như: Trần Quang Quân, Nguyễn Sỹ Công, Trần Kim Long, Lê Miên Thuỵ… - những người mà sau năm 2020 đã tạo dựng nên cơ ngơi của riêng mình. Đó là “ngôi sao đang lên” Ricons của ông Nguyễn Sỹ Công, Trần Quang Quân, đơn vị thành công nhất trong số các vệ tinh hệ sinh thái của Coteccons cũ. Đó là những “chàng trai trẻ” khác như Viteccons của ông Phan Huy Vĩnh, Central Cons của ông Trần Quang Tuấn, WealthCons của ông Lê Miên Thuỵ… Không ngoa khi nói Coteccons là “vành nôi” sản sinh ra các thương hiệu có danh.
“Dụng nhân” là vậy, Coteccons dưới sự dẫn dắt của ông Nguyễn Bá Dương cũng nổi tiếng với việc “dụng ngân”, khi thường xuyên duy trì một lượng lớn tiền mặt và trung thành với nguyên tắc “không vay nợ”. Thời kỳ hoàng kim với sự bùng nổ của doanh thu (2014 - 2018), Coteccons luôn sạch nợ vay. Lượng tiền và tương đương tiền cùng các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn giai đoạn này luôn duy trì ở mức rất cao, cụ thể lần lượt là: 1.098 tỷ đồng, 2.390 tỷ đồng, 4.672 tỷ đồng, 5.789 tỷ đồng và 4.460 tỷ đồng. Có thể nói gần như không có doanh nghiệp xây dựng nào duy trì được lượng tiền mặt dồi dào như thế. Điều này tạo ra một lợi thế rất lớn cho Coteccons trong việc đảm bảo tiến độ thi công các dự án và không phụ thuộc vào vốn bên ngoài.
Nhìn lại giai đoạn 2009 - 2018, Coteccons đã có một “thập niên vàng” với tốc độ tăng trưởng doanh thu siêu tốc, sớm vượt mốc 10.000 tỷ đồng (năm 2015). Cụ thể, năm 2009, doanh thu đạt 1.962 tỷ đồng; năm 2013 đã tăng gấp 3,1 lần, đạt 6.189 tỷ đồng. Năm 2018, Coteccons chạm đến đỉnh cao mọi thời đại khi doanh thu đạt 28.561 tỷ đồng, tăng gấp 3,7 lần so với năm 2014. Đây cũng là mức doanh thu cao nhất mà một doanh nghiệp xây dựng tư nhân Việt Nam đạt được từ trước đến nay, bỏ xa đỉnh cao của “đối thủ” Hoà Bình (HoSE: HBC) tới khoảng 10.000 tỷ đồng (đỉnh cao doanh thu của HBC là năm 2019 đạt 18.610 tỷ đồng).
Song hành với sự tăng trưởng của doanh thu, lợi nhuận của Coteccons cũng không ngừng gia tăng. Xét giai đoạn 2009 - 2016, lợi nhuận sau thuế đã tăng tới 6,2 lần, từ 228 tỷ đồng đến 1.422 tỷ đồng. Những năm tháng đỉnh cao (2016 - 2018), lợi nhuận sau thuế trung bình tới 1.500 tỷ đồng - một con số khổng lồ đối với ngành xây dựng. Để so sánh, giai đoạn rực rỡ của Hoà Bình (2016 - 2018), lợi nhuận sau thuế trung bình chỉ hơn 680 tỷ đồng.
2018 là năm “đỉnh cao muôn trượng” của Coteccons, song cũng chính vào năm đó, những dấu hiệu của khó khăn đã xuất hiện, tiêu biểu là giá trị hợp đồng ký mới không còn tăng trưởng mạnh mẽ như các năm trước, do thị trường bất động sản bắt đầu chững lại. Với ngành xây dựng, doanh thu năm sau phụ thuộc vào backlog (giá trị hợp đồng đã ký kết được) của các năm trước đó. Giá trị backlog năm 2018 không tăng trưởng mạnh đồng nghĩa với việc doanh thu 2019 có khả năng đi lùi.
Đó cũng là lý do khiến nhà sáng lập Nguyễn Bá Dương muốn hợp nhất Ricons - đơn vị đang có tốc độ phát triển rất mạnh mẽ giai đoạn đó, để đưa Coteccons tiếp tục tăng trưởng. Song kế hoạch của ông Dương bất thành. Cuộc “nội chiến” giữa các nhóm cổ đông nổ ra và kéo dài 2 năm 2019 - 2020 đã khiến Coteccons dần đi xuống.
Nếu như giai đoạn trước, doanh thu tăng trưởng bằng lần thì năm 2019, doanh thu của công ty đã sụt giảm 17%, còn 23.733 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm đột ngột một nửa so với cùng kỳ, còn 711 tỷ đồng.
Đà suy giảm của doanh thu và lợi nhuận như “cánh chim báo bão” về một cơn bão sắp đổ bộ xuống doanh nghiệp này. Và thực vậy, “cuộc chiến vương quyền” đã nhấn chìm Coteccons vào khủng hoảng chưa từng có. Năm 2020, nhà sáng lập Nguyễn Bá Dương bị phế truất, nhân sự “chảy máu” trầm trọng (các công thần đời đầu đều lần lượt nối gót ra đi), các đối tác trong “Coteccons Group” tuyên bố ly khai, khách hàng rời bỏ. Doanh thu năm 2020 “rơi tự do” xuống chỉ còn 14.558 tỷ đồng, bằng một nửa đỉnh cao 2018.
Song, năm 2020 vẫn chưa phải là “đáy”. “Đáy” là ở năm 2021 khi doanh thu tiếp tục lao dốc không phanh xuống còn 9.078 tỷ đồng, rơi xuống dưới ngưỡng 10.000 tỷ đồng, lần đầu tiên kể từ năm 2015 và giảm 3 lần so với thời kỳ hoàng kim. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh thậm chí còn là số âm (-7 tỷ đồng), khiến lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 24 tỷ đồng, bằng số lẻ của những năm tháng rực rỡ.
Không thể tin được một doanh nghiệp từng ngạo nghễ “không thể nhận dự án dưới 500 tỷ đồng” đến thời điểm này lại không sống được bằng hoạt động kinh doanh cốt lõi là xây dựng mà phải phụ thuộc vào các khoản thu khác. Cụ thể, năm 2021, Coteccons đã thoát lỗ bằng khoản lợi nhuận khác (45 tỷ đồng) - là khoản hoàn nhập các chi phí xây dựng công trình đã trích trước, hoàn nhập chi phí bảo hành công trình và lãi do thanh toán tài sản cố định.
Có thể lý giải cho sự “thê thảm” của doanh thu và lợi nhuận năm 2021 là lượng backlog đã giảm mạnh từ năm 2019 do nhiều dự án được chuyển sang cho các doanh nghiệp khác. Năm 2020, Coteccons gần như “trắng” hợp đồng mới.
Một điều đáng buồn hơn nữa là năm 2021, Coteccons đã chính thức vuột mất “ngôi vương” của ngành xây dựng trong suốt 10 năm vào tay đối thủ Hòa Bình. Ở thời điểm hiện tại, Hoà Bình đã chiếm lấy vị trí số 1 trên mọi khía cạnh: doanh thu, lợi nhuận và giá trị vốn hóa.
Tuy nhiên, sự suy thoái của Coteccons không chỉ đến từ các yếu tố khách quan. Nếu tìm hiểu kỹ lưỡng và phân tích thấu đáo, sẽ thấy rằng đây còn là “điểm rơi” của những bất cập tiềm tàng đã hiển lộ từ trước đó.
Cụ thể, mô hình kinh doanh của Coteccons gần như là đơn nhất. Việc “đặt tất cả trứng vào một rổ” khi nguồn thu trọng yếu chỉ đến từ lĩnh vực xây dựng công trình dân dụng và thương mại, đặc biệt phụ thuộc quá lớn vào ông Nguyễn Bá Dương khiến Coteccons dễ bị động trước các biến động của thị trường.
Bên cạnh đó, việc quản lý dự án của Coteccons “có vấn đề”, khiến khoản dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi khá lớn và tăng mạnh trong những năm qua. Nếu như giai đoạn 2014 - 2018, khoản dự phòng có giá trị trung bình khoảng 200 tỷ đồng - mức tạm chấp nhận được với một doanh nghiệp có quy mô doanh thu tỷ USD thì tới năm 2020, khoản dự phòng đã tăng rất mạnh, tăng 2,3 lần, đạt 494 tỷ đồng; năm 2021, tiếp tục tăng 34% lên 661 tỷ đồng, và chạm ngưỡng 662 tỷ đồng vào quý I/2022.
Như vậy, tính từ năm 2018 tới quý I/2022, tức hơn 4 năm, khoản dự phòng này đã tăng hơn 3 lần. Để so sánh, con số này gấp đôi Hòa Bình, dù cho chất lượng khoản phải thu của Coteccons được cho là tốt hơn.
Báo cáo của Ban kiểm soát Coteccons năm 2021 cũng đã thẳng thắn thừa nhận: một số dự án có tình trạng lỗ khi bàn giao và quyết toán, điều này có nguyên nhân từ khâu lập dự toán, dự phòng rủi ro và quản lý dự án. Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2022, lãnh đạo Coteccons cho biết công ty có đến 16 dự án có nợ xấu phát sinh và tồn đọng từ các năm trước. Năm 2022, Coteccons dự kiến trích lập tới 95 tỷ đồng - nguyên nhân trực tiếp khiến lợi nhuận sau thuế mục tiêu chỉ vỏn vẻn 20 tỷ đồng.
Một điều đáng lo ngại khác khi quan sát hoạt động kinh doanh của Coteccons là sự sụt giảm cực mạnh của biên lợi nhuận gộp. Xét giai đoạn 2014 - 2017, biên lợi nhuận gộp tăng trưởng đều đặn từ 7,3% - 11,7%; từ năm 2018 đột ngột giảm gần một nửa còn 6,4% và tiếp tục giảm vào năm 2019 (còn 4,4%). Năm 2020, biên lợi nhuận gộp có cải thiện lên 5,9%, song sau khi người sáng lập Nguyễn Bá Dương rời đi, biên lợi nhuận gộp đã đi xuống đáy 3% vào năm 2021. Mức biên lợi nhuận này tương đối thấp so với giai đoạn trước. Để so sánh, giai đoạn 2016 - 2021, biên lợi nhuận của Hoà Bình cũng có xu hướng giảm song vẫn ở mức tương đối cao, cụ thể lần lượt là: 11,4%, 10,5%, 9,2%, 6,7%, 6,5% và 7%.
Doanh thu - Lãi sau thuế - Biên lãi gộp giai đoạn 2014 - 2021
Sự sụt giảm biên lợi nhuận gộp của Coteccons có thể được lý giải bởi đà tăng của giá nguyên vật liệu và cuộc chiến tranh giành “miếng bánh” thị phần giữa các nhà thầu. Tuy nhiên, khó có thể phủ nhận một nguyên nhân là Coteccons đã trở nên “yếu thế” trong việc đàm phán với cả chủ đầu tư dự án lẫn nhà cung cấp nguyên vật liệu, dẫn đến phải chịu giá vốn cao và chấp nhận doanh thu không tốt như xưa.
Một điều đáng nói khác là sự đột khởi của giá trị hợp đồng ký mới vào nửa cuối năm 2021, sau khi chịu “trắng” hợp đồng mới trong năm 2020. Điều gì đã khiến Coteccons đột nhiên có được khối lượng hợp đồng lớn như vậy? Đặt trong bối cảnh biên lợi nhuận gộp suy giảm, giới quan sát có quyền đặt nghi vấn: phải chăng Coteccons cũng đã phải bắt đầu cạnh tranh bằng giá?
Vẫn biết “thời thế, thế thời, thời phải thế”, song đi đến bước đường này, với Coteccons, ấy là điều không khỏi tiếc nuối.
Nợ vay cũng lại là một câu chuyện đáng buồn khác của Coteccons. Dưới “triều đại” Nguyễn Bá Dương, Coteccons nổi tiếng là doanh nghiệp trung thành với nguyên tắc “không vay nợ”. Tuy nhiên đến năm 2021, công ty đã lần đầu tiên phải ghi nhận khoản nợ vay 1,7 tỷ đồng. Bước sang quý I/2022, tổng dư nợ vay tăng đột biến lên tới 633 tỷ đồng. Dù rằng so với vốn chủ sở hữu rất lớn và lượng tiền dồi dào, khoản nợ vay này không gây ra bất kỳ lo ngại nào về thanh khoản, song việc đánh mất “truyền thống” đã khiến Coteccons mất đi bản sắc vốn là niềm kiêu hãnh của doanh nghiệp này.
Ông Bolat Duisenov đã xuất hiện tại Coteccons ngay sau khi nhà sáng lập Nguyễn Bá Dương bị phế truất, hồi tháng 10/2020. Không chỉ tiếp quản một Coteccons đang chìm sâu trong khủng hoảng, nhà quản lý tới từ Kazakhstan còn phải đối diện với cái nhìn đầy hoài nghi của dư luận. Sức ép có thể nói là vô cùng lớn.
Tuy nhiên, ông Bolat đã thể hiện quyết tâm vực dậy Coteccons và truyền đi thông điệp về một sự gắn bó lâu dài, xóa tan những nghi ngại cũ. Nhìn lại hơn một năm rưỡi cầm quyền của vị chủ tịch này, có thể thấy công cuộc tái cấu trúc của ông chủ yếu tập trung vào bốn nội dung cốt lõi: ổn định bộ máy, thay đổi mô hình kinh doanh, thay đổi phương thức quản trị và tăng cường vai trò của phòng đấu thầu.
Chương đầu của công cuộc tái cấu trúc chính là việc ngăn chặn quá trình “chảy máu chất xám”, củng cố các vị trí trọng yếu trong ban điều hành và kêu gọi người lao động tin tưởng vào công ty. Song song với đó là thiết lập phương thức quản trị mới với các triết lý, nguyên tắc mới…
Những nỗ lực này đã cho kết quả ban đầu. Nói với Reatimes, người đại diện của ông Bolat cho biết: “Về bộ máy nhân sự, giai đoạn cuối năm 2020 đầu năm 2021, công ty có tỷ lệ biến động về nhân sự cao nhất, đạt 12,96%. Song đến nay, tỷ lệ này đã được kiểm soát ở mức trung bình 2 - 5%”.
Về đổi mới mô hình kinh doanh, ông Bolat định hướng cho Coteccons phát triển thêm các sản phẩm mới và tham gia vào những lĩnh vực đang có nhiều triển vọng như xây dựng hạ tầng, công nghiệp... để không phụ thuộc vào mảng xây dựng dân dụng - thương mại như trước. “Đa dạng hóa sản phẩm là nhiệm vụ tương lai mang tính sống còn của công ty”, ông Bolat nhấn mạnh trong báo cáo thường niên năm 2021.
Cuối cùng là thúc đẩy vai trò của phòng đấu thầu. “Kết quả rất rõ ràng hiện nay việc thắng thầu các dự án không còn phụ thuộc vào cá nhân mà đó là sự nỗ lực của tập thể”, đại diện Coteccons chia sẻ đầy hàm ý với Reatimes.
Có thể nói đến thời điểm này, Coteccons đã hoàn tất được giai đoạn đầu tiên của quá trình tái cấu trúc và đang bắt đầu cho giai đoạn thứ hai, phục vụ mục tiêu tăng trưởng. Kết quả thể hiện phần nào ở việc công ty đã ký mới được hàng chục dự án với giá trị ký hàng chục nghìn tỷ đồng; đặt mục tiêu kinh doanh năm 2022 với doanh thu hơn 15.000 tỷ đồng, tăng 165% so với năm 2021. Xa hơn, Coteccons kỳ vọng năm 2025 doanh thu sẽ đạt 3 tỷ USD, vốn hóa thị trường đạt 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, những kỳ vọng của Coteccons sẽ phải đối diện với rất nhiều thách thức và vẫn còn là quá sớm để có thể khẳng định những nỗ lực tái cấu trúc sẽ thành công, nhất là khi thị trường xây dựng bây giờ đã không còn như thời 2014 - 2018.
Coteccons của ông Bolat Duisenov đã thay đổi logo công ty, với thiết kế khác, màu sắc khác và đặc biệt là chữ “N” viết ngược thể hiện nhiều hàm ý. Dù vẫn khẳng định tôn trọng truyền thống nhưng logo mới vẫn khiến không ít người hiểu đó dường như là một cách đoạn tuyệt với di sản của ông Nguyễn Bá Dương.
Song khép lại quá khứ thì dễ, hướng tới tương lai mới khó. Logo mới của Coteccons đã thêm dòng chữ “Building Futures”, nhưng tương lai luôn là một lời hứa hẹn. Mà lời hứa thì luôn cần sự kiên nhẫn lẫn lòng tin - thứ chỉ có thể cầu mà không thể ép. Xem chừng, bài toán cho ông Bolat Duisenov vẫn khó như ngày đầu./.