Những dấu hiệu cảnh báo thị trường khó khăn
Sự xuất hiện của dịch Covid-19 được ví như “giọt nước tràn ly” đẩy thị trường bất động sản vào tình trạng “đóng băng”.
Kết thúc quý I/2020, thị trường bất động sản đã đang chứng kiến sự suy giảm mạnh trong các chỉ số cung, cầu, giá và khả năng thanh khoản. Báo cáo thị trường bất động sản nhà ở TP.HCM quý I/2020 của DKRA cho hay, thị trường chứng kiến sự sụt giảm mạnh về nguồn cung mới và sức cầu của hầu hết các phân khúc.
Phân khúc căn hộ, sản phẩm chủ đạo của thị trường bất động sản nhà ở, đã suy giảm nguồn cung đến mức thấp nhất kể từ năm 2015 đến nay.
Các phân khúc khác như đất nền, nhà phố biệt thự, bất động sản nghỉ dưỡng cũng không có nhiều tín hiệu tích cực. Đồng thời, mức giá và tình hình giao dịch thứ cấp giảm mạnh cho thấy tính thanh khoản của thị trường khá thấp.
Trong báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, vị Phó Chủ tịch Hội, ông Nguyễn Văn Đính cho hay, tình hình thị trường bất động sản quý I/2020 vô cùng trầm lắng so với cùng kỳ hàng năm. Lượng cung, giao dịch, tỷ lệ hấp thụ ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua.
Trong khi đó, trên thị trường, tại các diễn đàn và trang giao dịch buôn bán, tình trạng thông tin bán tháo và cắt lỗ đang diễn ra ồ ạt. Tình trạng này cho thấy, đã không ít nhà đầu tư đang phải đối mặt với tình trạng xoay vòng vốn, nhất là khi họ đã sử dụng đòn bẩy tài chính, vay ngân hàng cho tài sản của mình. Họ buộc phải rao bán tài sản để tìm kiếm nguồn tiền để giải quyết vốn.
Mặt khác, thị trường đang chững lại xuất phát từ tình trạng “đóng băng tâm lý”. Tâm lý hoang mang, sợ khủng hoảng, sợ thị trường bất động lâu dài khiến khách hàng ngại xuống tiền. Tâm lý này sẽ càng kéo dài khi ám ảnh về tình trạng khủng hoảng kinh tế sẽ còn kéo dài. Kịch bản có thể lặp lại năm 2011 - 2012 khi nhà đầu tư mất niềm tin vào đầu tư, dẫn tới thị trường đóng băng toàn diện.
Đặc biệt, thị trường cũng đang ghi nhận nhiều ngân hàng đã rao bán các khoản nợ xấu. Điển hình như đầu tháng 4, BIDV chi nhánh sở giao dịch 2 thông báo chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH xây dựng sản xuất thương mại Tài Nguyên.
Ngay sau đó, chi nhánh này tiếp tục đấu giá một khoản nợ của Công ty Nhà Hưng Ngân tại chi nhánh Sở Giao dịch 2 gồm toàn bộ dư nợ gốc và dư nợ lãi phát sinh đến thời điểm thực hiện giao dịch bán nợ là 512 tỷ đồng. Techcombank cũng là một trong những ngân hàng đang rao bán tài sản cầm cố.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, “Hiện tượng này cho thấy, các ngân hàng đã nhận thấy những lo ngại về nợ xấu tồn đọng của giai đoạn trước, ở hiện tại và nguy cơ khó khăn trong tương lai. Họ phải bán sớm để đối phó với khoản dự phòng nợ xấu sẽ phải gia tăng mạnh”.
Bao giờ làn sóng vỡ nợ xuất hiện?
Theo ông Nguyễn Minh (Giám đốc sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội), thị trường bất động sản hiện tại chưa thực sự “ngấm đòn” ảnh hưởng chu kỳ khủng hoảng và dịch Covid-19.
“Trong vòng 2-3 tháng nữa, thị trường sẽ thực sự ngấm tác động khủng hoảng chung của nền kinh tế thế giới và trong nước. Giao dịch không có. Sức mua giảm mạnh. Tâm lý xuống tiền đóng băng và dự đoán còn kéo dài. Điều này sẽ khiến nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp địa ốc khó cầm cự để duy trì hoạt động của mình.
Ở thời điểm hiện tại, mức giá bất động sản còn cao. Nhưng với tình trạng này, làn sóng vỡ nợ sẽ xuất hiện sớm. Thời gian tới sẽ có nhiều người bán nhà, bán ô tô vì nợ. Và tình trạng doanh nghiệp địa ốc ồ ạt đẩy hàng và ngân hàng bán nợ xấu bất động sản bất chấp mức giá như giai đoạn năm 2012 có thể xảy ra”.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thị trường bất động sản đang ở giai đoạn chớm của cuộc khủng hoảng bất động sản. Tuy nhiên, vị chuyên gia này nhấn mạnh, tình trạng ồ ạt bán tháo khoản nợ cầm cố bất động sản của ngân hàng đang cho thấy dấu hiệu bất thường.
“Rõ ràng, phía ngân hàng đang nhìn thị trường bất động sản trong xu hướng đi xuống và phải bán sớm để nhận được mức giá thu về tốt. Nếu không bán sớm, mức giá bất động sản sẽ còn sụt giảm mạnh hơn nữa” - TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
Ông Hiếu cũng đặt ra lo ngại, tình trạng vỡ nợ và đổ vỡ trên thị trường bất động sản sẽ diễn ra nếu như các khoản nợ của ngân hàng không thể thanh khoản, một cuộc chạy đua xuống giá xuất hiện. Tình trạng này sẽ khiến thị trường bất động sản rơi vào vòng xoáy xuống đáy.
Tuy nhiên ở góc nhìn lạc quan khác, ông Ngọc Linh (nhà đầu tư tại Thanh Trì, Hà Nội) cho rằng: “Nguyên tắc vỡ nợ là gì? Là khi các con nợ không đủ khả năng chi trả khoản vay cho chủ nợ. Trên thị trường bất động sản, con nợ là những người mua nhà, là doanh nghiệp địa ốc vay ngân hàng.
Tuy nhiên, từ năm 2018, với chính sách siết tín dụng bất động sản của Ngân hàng Nhà nước, mối quan hệ giữa chủ nợ và con nợ đã bị siết chặt và quản lý. Trong khi đó, dịch bệnh đang có dấu hiệu sẽ dừng lại và Chính phủ Việt Nam đã bơm khoản tiền vào thị trường. Với khả năng kiểm soát tốt thì nguy cơ vỡ nợ khó có thể xảy ra.”