Aa

Covid-19 lộ rõ "sức khỏe" doanh nghiệp xi măng

Thứ Tư, 20/05/2020 - 06:00

Theo FPTS, mặc dù sản xuất xi măng không bị gián đoạn bởi dịch Covid-19, nhưng nhu cầu tiêu thụ sụt giảm mạnh trong những tháng đầu năm đang khiến một số doanh nghiệp xi măng gặp khó khăn để duy trì hoạt động.

Công ty cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS) vừa công bố Báo cáo tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2020 của ngành xi măng Việt Nam. Bức tranh về ngành xi măng, từ sản xuất đến tiêu thụ và "sức khỏe" của nhiều doanh nghiệp được bộc lộ khá rõ.

Theo số liệu của Hiệp hội Xi măng Việt Nam và Tổng cục Hải quan, so với cùng kỳ năm 2019, sản lượng tiêu thụ xi măng toàn ngành trong quý I/2020 ước tính giảm gần 12%, xuất khẩu xi măng giảm 15% và tiêu thụ xi măng tại thị trường trong nước giảm 11% so với cùng kỳ 2019.

Trong quý I/2020, các doanh nghiệp xi măng Việt Nam ước tính thiệt hại 2.800 tỷ đồng về doanh thu. Tồn kho toàn ngành trong quý I/2020 tăng mạnh lên mức 4,8 triệu tấn, tương đương với khoảng 30 - 45 ngày tiêu thụ.

Xi măng Công Thanh là một trong những doanh nghiệp đang gặp vấn đề về khả năng thanh toán

Dịch bệnh Covid-19 đã tác động trực tiếp tới các thị trường tiêu thụ xi măng của Việt Nam như làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu sang các thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc, Philippines và Bangladesh. Bên cạnh đó, làm chậm tiến độ xây dựng các công trình và gây suy giảm về nhu cầu xây dựng trong nước.

Cho tới thời điểm hiện tại, dịch bệnh đã có dấu hiệu lắng xuống và các hoạt động của ngành xi măng sẽ có thể sớm ổn định trở lại. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xi măng Việt Nam đang gặp khó khăn để phục hồi vì ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh trong nửa đầu năm 2020 tới sức khỏe tài chính và hoạt động kinh doanh, đi kèm với những dấu hiệu suy giảm rõ rệt về nhu cầu tiêu thụ xi măng sau đại dịch.

Theo FPTS, mặc dù sản xuất xi măng không bị gián đoạn bởi dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ sụt giảm mạnh trong những tháng đầu năm, đang khiến một số doanh nghiệp xi măng gặp khó khăn để duy trì hoạt động. Một số nhà máy như Xi măng Phúc Sơn, Công Thanh, Quảng Ninh... đang có vấn đề về khả năng thanh toán các khoản chi phí hoạt động đến hạn do tiêu thụ chậm và tồn kho kéo dài.

Đây cũng là những doanh nghiệp nằm trong số 20% doanh nghiệp trong ngành xi măng có tình hình tài chính yếu kém, như mức nợ vay cao, thâm hụt về nguồn vốn ngắn hạn hoặc hoạt động kinh doanh thua lỗ trong nhiều năm.

Trong bối cảnh sản lượng xi măng tiêu thụ sụt giảm mạnh trong quý I/2020 sụt giảm, cộng với công nợ và tồn kho gia tăng làm thâm hụtu nguồn vốn sản xuất kinh doanh.

Dù các doanh nghiệp đang xin các biện pháp hỗ trợ từ chính phủ như hoãn nộp thuế, hoãn tiền thuê đất hoặc xin miễn giảm lãi vay, gia hạn nợ từ ngân hàng. Tuy nhiên, thời gian phê duyệt các biện pháp hỗ trợ có thể kéo dài, cũng như thủ tục chứng minh ngành nghề bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh rất phức tạp.

Bởi vậy, FPTS cho rằng, một số doanh nghiệp có thể không nhận được sự hỗ trợ kịp thời và phát sinh các rủi ro nghiêm trọng về tài chính.

Sức ép về tiêu thụ với ngành xi măng trong các tháng còn lại của năm 2020 còn lớn hơn nữa khi thị trường có thêm nguồn cung mới. Đó là nguồn cung từ Nhà máy 2 triệu tấn/năm của xi măng Tân Thắng (Nghệ An), dây chuyền mở rộng 2,5 triệu tấn/năm của xi măng Long Sơn (Thanh Hóa) và nhà máy 2 triệu tấn/năm của xi măng An Phú (Bình Phước).

Ảnh hưởng tiêu cực với ngành xi măng dự báo còn kéo dài sau đại dịch, FPTS dự báo. Đại dịch Covid-19 đặt ra thách thức lớn đối với ngành xi măng VIệt Nam, không chỉ là sự kiện làm gián đoạn tới các hoạt động của ngành trong một tháng hoặc quý, dịch Covid-19 còn tác động trực tiếp đến quá trình thoái trào về nhu cầu tiêu thụ xi măng đã diễn ra trong nhiều năm trở lại đây.

Điều này đồng nghĩa với việc, tiêu thụ xi măng trên các thị trường hiện tại sẽ có thể giảm sâu trong năm 2020, đặt áp lực lên khả năng cạnh tranh và duy trì hoạt động của các doanh nghiệp xi măng Việt Nam trong thời gian tới.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top