Aa

"CPTPP mở ra môi trường kinh doanh rất rủi ro cho Việt Nam"

Thứ Ba, 04/12/2018 - 03:02

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, tham gia CPTPP đang đặt Việt Nam trước nhiều thách thức rất lớn đòi hỏi sự quyết tâm của cả xã hội để vượt qua khó khăn, tận dụng hiệu quả các thuận lợi do hiệp định này mang lại.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng

Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được ký kết tại Chile với 6 nước phê chuẩn đầu tiên là Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada, Australia. Việt Nam đã phê chuẩn hiệp định này vào ngày 12/11 vừa qua và hiệp định sẽ có hiệu lực với Việt Nam vào ngày 14/1/2019.

Đây là sự kiện được đông đảo giới chuyên gia, doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề Việt Nam đặc biệt quan tâm. Với sự tham gia của 11 quốc gia xuyên hai bờ Thái Bình Dương, CPTPP được đánh giá là một trong những hiệp định thương mại tự do chất lượng cao, toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay.

Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), tham gia CPTPP thể hiện mạnh mẽ chủ trương chủ động hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước, khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.

Theo đó, sau khi hiệp định này có hiệu lực, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang các nước thành viên đã phê chuẩn Hiệp định sẽ được hưởng các ưu đãi theo cam kết tại CPTPP về xuất xứ cũng như các ưu đãi khác.

CPTPP hứa hẹn mang đến cho Việt Nam cơ hội kết nối tốt nhất, động lực để cải cách thể chế mạnh mẽ, thu hút đầu tư và xuất khẩu. Việc thay đổi tư duy quản lý và kinh doanh của doanh nghiệp, tăng cường sự chủ động sẽ giúp doanh nghiệp phát triển.

Riêng đối với xuất khẩu, khi CPTPP có hiệu lực, các nhà xuất khẩu Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ các thị trường chưa có FTA như Canada, Mehico, Peru, thậm chí từ các thị trường như Nhật Bản. Các doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu trong nội bộ khối CPTPP sẽ không phải chịu các khoản thuế xuất nhập khẩu, tạo điều kiện cho Việt Nam đẩy mạnh và gia tăng giá xuất khẩu.

CPTPP cũng sẽ giúp tăng sức hấp dẫn đầu tư của Việt Nam bởi các doanh nghiệp FDI sẽ tận dụng cơ hội CPTPP tại Việt Nam đầu tư. Đồng thời, đây cũng là động lực để Việt Nam cải cách thể chế mạnh mẽ. Doanh nghiệp có thể tiếp cận được các công nghệ mới, nâng cao năng lực sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh.

Tuy nhiên, bên cạnh những đòn bẩy cho nền kinh tế và cơ hội mới trong kinh doanh, CPTPP cũng tiềm ẩn những thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp trong nước.

Trao đổi với TheLEADER, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, CPTPP mở ra một môi trường kinh doanh rất rủi ro cho Việt Nam.

Theo đó, một trong những rủi ro lớn là việc hàng hoá từ nước ngoài tràn vào Việt Nam với giá rẻ, chất lượng cao, đẩy doanh nghiệp trong nước vào thế không thể cạnh tranh được, gây rủi ro cho nền kinh tế. Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do sẽ khiến Việt Nam chịu thêm nhiều áp lực đến từ sự gia tăng sức ép cạnh tranh và thu hẹp thị phần ngay trên sân nhà.

Bên cạnh đó, theo ông Hiếu, nền kinh tế Việt Nam phải chạy nhanh hơn nữa để theo kịp và phù hợp với sự phát triển chung của kinh tế thế giới. Trong 11 nước CPTPP chỉ có Việt Nam là phát triển theo hướng "kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa", các nước còn lại đều theo chủ nghĩa tư bản.

Điều này khiến kinh tế Việt Nam vẫn còn sự chênh lệch lớn so với nền kinh tế thị trường hoàn hảo của các nước thành viên CPTPP. Do đó, làm thế nào để tạo được thế cân bằng, giảm thiểu rủi ro mà vẫn giữ được định hướng kinh tế chính trị của Việt Nam là vấn đề Chính phủ, Quốc hội cần đưa dự thảo luật rộng rãi, lấy ý kiến toàn dân cũng như tất cả bộ ngành để có định hướng chắc chắn.

"Việt Nam đang đi vào môi trường kinh doanh toàn cầu mà chưa biết đi về đâu. Chúng ta chỉ có thể nói về những thuận lợi như tăng xuất khẩu, tăng GDP, hội nhập nhưng rủi ro cho nền kinh tế chưa thực sự được bàn bạc kỹ lưỡng, điều này là rất đáng quan ngại", ông Hiếu nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng thương mại CP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) cũng cho rằng, không thể phủ nhận những thuận lợi mà CPTPP mang lại cho kinh tế Việt Nam như mở rộng thị trường, gia tăng đối tác, cơ hội xuất khẩu, thương mại, trao đổi công nghệ. Tuy nhiên, những thách thức đối với nền kinh tế cũng rất lớn.

Ông Lực chỉ ra năm thách thức đối với kinh tế Việt Nam khi tham gia vào thị trường thương mại này. Thứ nhất là năng lực cạnh tranh quốc gia, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp. Vì vậy, khả năng để doanh nghiệp trong nước cạnh tranh, tham gia vào chuỗi giá trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu rất hạn chế, không thể ngày một ngày hai mà cần thời gian để các doanh nghiệp Việt dần lớn mạnh và tăng năng lực sản xuất kinh doanh.

Thứ hai, đối với một số ngành nghề có thuận lợi cho xuất khẩu khi tham gia CPTPP do được miễn giảm thuế như dệt may, thuỷ hải sản. Tuy nhiên, khó khăn cũng là rất lớn, bởi thị trường này yêu cầu về xuất xứ hàng hoá rất nghiêm ngặt. Nếu không đảm bảo được yêu cầu về về nguồn gốc xuất xứ thì doanh nghiệp Việt sẽ không thể tận dụng được cơ hội miễn thuế, giảm thuế trong hiệp định này.

Ông Lực cho rằng, câu chuyện về phương án xuất xử hàng hoá sẽ thay đổi rất mạnh mẽ trong các doanh nghiệp ngành nghề này thời gian tới để phù hợp với tiêu chuẩn của CPTPP.

Thứ ba là rủi ro lan chuyển. Khi tham gia hội nhập, chỉ cần rủi ro của một doanh nghiệp, một quốc gia nào đó trong khối CPTPP, tất yếu sẽ có lan truyền đối với rủi ro của nước trong khối. Điều này sẽ tác động đến tính tự chủ của các nước khi quyết định các chính sách phát triển.

Thứ tư là vấn đề phải đẩy mạnh cải cách thể chế và thứ năm là khó khăn do nguồn nhân lực của Việt Nam còn yếu, chất lượng thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Đưa ra giải pháp trước mắt để đối mặt với thách thức, tận dụng cơ hội do CPTPP mang lại, chuyên gia Nguyễn Trí hiếu cho rằng, trước hết các doanh nghiệp phải hiểu rõ CPTPP là gì.

Hiện tại, Chính phủ đã có những văn bản về các quy định của CPTPP nhưng bao nhiêu doanh nghiệp có những đội ngũ chuyên gia nghiên cứu, bóc tách những điều khoản đó và phân tích ảnh hưởng của nó đến doanh nghiệp như thế nào, vị chuyên gia này đặt câu hỏi.

Trong khi đó, nếu không hiểu rõ các quy định, doanh nghiệp sẽ không thể tận dụng những cơ hội do hiệp định này mang lại. Đơn cử như việc liệu doanh nghiệp Việt có thể xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP với thuế 0% hay không trong khi nguyên vật liệu, nguồn gốc xuất xử không đúng quy định.

"Tham gia CPTPP là Việt Nam đang đi vào một môi trường mới, trận đồ mới đòi hỏi mọi nguồn lực của quốc gia từ con người, xã hội, các doanh nghiệp đến cơ quan quản lý, thể chế kinh tế phải cùng nỗ lực, chuẩn bị tinh thần sẵn sàng đón nhận", ông Hiếu nhấn mạnh.

Còn theo ông Lực, Chính phủ phải tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền các quy định về CPTPP, nghiên cứu, đánh giá cơ hội thách thưc đối với chính mình do hiệp định này mang lại.

Đồng thời, Chính phủ, Quốc hội cần tập trung cải cách thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới giáo dục đào tạo, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước lớn mạnh, đủ sức phát triển và cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế như hiện nay.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top