Aa

Cú “lội ngược dòng ngoạn mục” của ngành thép thế giới

Thứ Sáu, 06/08/2021 - 07:30

"Sáu tháng trước, nếu được hỏi về triển vọng tích cực nhất của ngành công nghiệp thép... tôi nghĩ rằng mình không thể dự đoán sát với thực tế như hiện nay," giám đốc của một tập đoàn thép cho hay.

Một công nhân của tập đoàn công nghiệp Đức ThyssenKrupp AG lấy mẫu sắt thô từ lò cao tại nhà máy thép lớn nhất của Đức ở Duisburg
Một công nhân của tập đoàn công nghiệp Đức ThyssenKrupp AG lấy mẫu sắt thô từ lò cao tại nhà máy thép lớn nhất của Đức ở Duisburg, ngày 28/1/2019. (Nguồn: reuters.com)

Ngành thép toàn cầu đang trải qua thời kỳ hoàng kim hiếm có, khi giá thép tăng mạnh trên toàn cầu. Nhu cầu công nghiệp tăng cao đang “tiếp lửa” cho sự khởi sắc này, trong đó các nhà máy luyện thép đang nỗ lực gia tăng nguồn cung sau một thời gian dài "nằm im" trong đại dịch.

Thêm vào đó, hai cường quốc là Trung Quốc và Nga còn đang nỗ lực hạn chế xuất khẩu thép nhằm hỗ trợ các ngành công nghiệp trong nước, khiến nguồn cung lại càng bị siết chặt.

“Cú lội ngược dòng” của ngành thép thế giới

Chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với hãng tin Bloomberg, ông Carlo Beltrame, Giám đốc phụ trách thị trường Romania và Pháp của tập đoàn thép hàng đầu châu Âu AFV Beltrame, cho hay: "Sáu tháng trước, nếu được hỏi về triển vọng tích cực nhất của ngành công nghiệp thép trong nửa đầu năm 2021, tôi nghĩ rằng mình không thể dự đoán sát với thực tế như hiện nay được."

Trước tình hình khả quan, AFV Beltrame đang có kế hoạch xây dựng một nhà máy thép mới trị giá 250 triệu euro (295 triệu USD) ở Romania, với công suất khoảng 600.000 tấn/năm.

Sự lạc quan của ngành thép tại thời điểm này khác xa so với những gì đã diễn ra 10 năm qua, khi các nhà sản xuất thép phương Tây phải đóng cửa các nhà máy và cắt giảm nhân công, do nhu cầu thấp đã khiến các cơ sở này phải hoạt động dưới công suất.

Theo số liệu của UBS Group, chỉ riêng năm ngoái, 72 lò cao đã phải tạm dừng hoạt động. (Lò cao là một loại lò trong kỹ thuật luyện kim, được sử dụng để nung chảy quặng thành kim loại.)

Năm nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn tăng chi cho cơ sở hạ tầng, còn Liên minh châu Âu (EU) muốn đầu tư lớn để hoàn thành mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng 0. Nucor, U.S. Steel và SSAB là ba trong số các nhà sản xuất thép được dự đoán là trở thành những “cỗ máy” sinh lời.

Theo ước tính của nhiều chuyên gia, lợi nhuận của ArcelorMittal, nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới bên ngoài Trung Quốc, sẽ vượt các “ông lớn” như McDonald's hay PepsiCo.

“Thời kỳ phục hưng” cho các nhà sản xuất ngoài Trung Quốc

Không nhiều chuyên gia cho rằng khoảng thời gian thuận lợi này của ngành thép sẽ kéo dài đến hết năm 2022. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích dự đoán đà khởi sắc hiện tại có thể là tín hiệu tốt cho ngành công nghiệp thép trong dài hạn, với giá thép cuối cùng sẽ ổn định ở mức bền vững hơn so với trước đây.

Các diễn biến ở Trung Quốc vẫn đóng vai trò then chốt, do nước này sản xuất hơn một nửa lượng thép của thế giới, chủ yếu là trong các lò cao hoạt động bằng than đá. Bắc Kinh đã phát đi tín hiệu rằng nước này không còn muốn chịu gánh nặng môi trường to lớn mà hoạt động luyện thép gây ra.

Vì vậy Chính phủ Trung Quốc đang tìm cách hạn chế sản lượng thép. Chuyên gia Tomas Gutierrez của hãng tư vấn Kallanish Commodities nhận định Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ ban hành các biện pháp hạn chế sản xuất của ngành thép, và đây là “tin vui” với các nhà sản xuất thép ở nước ngoài.

Công nhân bốc các sản phẩm thép xuất khẩu lên tàu chở hàng
Công nhân bốc các sản phẩm thép xuất khẩu lên tàu chở hàng tại một cảng ở tỉnh Giang Tô (Trung Quốc), ngày 27/5/2020. (Nguồn: reuters.com)

Ngoài ra, các diễn biến ở Mỹ và châu Âu cũng tiếp thêm sự lạc quan cho thị trường thép. Tổng thống Mỹ Biden đang muốn tạo điểm nhấn cho nhiệm kỳ của mình với kế hoạch nâng cấp cơ sở hạ tầng, trong khi EU đang nhấn mạnh năng lượng sạch là một phần trong Thỏa thuận Xanh và gói phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Hai mục tiêu này đều cần rất nhiều thép. Công ty tư vấn CRU Group ở London ước tính kế hoạch cơ sở hạ tầng của ông Biden có thể khiến nhu cầu thép tăng khoảng 5 triệu tấn/năm trong 5 năm đầu tiên.

Tuy nhiên, ngay cả khi nhu cầu gia tăng, các nhà sản xuất thép phương Tây vẫn không mặn mà với việc mở rộng hoạt động. Hồi tháng Tư năm nay, Giám đốc điều hành (CEO) của U.S. Steel David Burritt cho biết công ty này không có kế hoạch khởi động lại hai lò cao đã bị đóng cửa vào năm ngoái.

Trong khi đó, Cleveland-Cliffs, nhà sản xuất thép lớn thứ hai tại Mỹ, lại chuẩn bị phá bỏ nhà máy Ashland ở bang Kentucky, cũng như một lò cao ở Indiana Harbour West. CEO Lourenco Goncalves hồi tháng Tư cho biết các cơ sở này sẽ không bao giờ sản xuất trở lại vì công ty đang tập trung trả nợ.

Các nhà sản xuất tại châu Âu cũng không muốn đầu tư mở rộng sản xuất sau khi phải cắt giảm công suất suốt 10 năm qua, một phần vì lo ngại rằng các biện pháp bảo hộ mà chính phủ các nước ban hành để hỗ trợ các công ty thép trong nước sẽ không được áp dụng mãi.

Nhưng xu hướng bảo hộ này vẫn chưa có dấu hiệu thay đổi, dù giá thép đã tăng cao. Ông Biden vẫn chưa dỡ bỏ thuế nhôm, thép nhập khẩu được ban hành dưới thời người tiền nhiệm, trong khi EU hồi tháng trước đã quyết định gia hạn các biện pháp bảo hộ thêm 3 năm nữa. Thậm chí, Brussels còn sắp ban hành thuế đối với mặt hàng thép nhập khẩu theo Thỏa thuận Xanh.

Nhiều nước khác cũng có thể bù đắp cho phần sản lượng mà Trung Quốc cắt giảm. Ấn Độ sắp gia tăng năng lực sản xuất thép, khi nhà sản xuất hàng đầu của nước này là JSW Group cho biết sẽ đạt được mục tiêu tăng hơn gấp đôi năng lực sản xuất lên 45 triệu tấn trước năm 2030. Đông Nam Á, nổi bật có Malaysia và Indonesia, cũng dự định sẽ tăng thêm 60 triệu tấn từ nay đến cuối năm 2030, theo công ty tư vấn Wood Mackenzie.

Ông Tom Price, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại công ty Liberum Capital ở London, nhận định ngành thép bên ngoài Trung Quốc có khả năng sẽ bước vào một “thời kỳ phục hưng” trong thời gian tới./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top