Aa

Cú lừa thế kỷ ở xứ Thanh: "Có tham ô thì phải điều tra mới biết được"

Thứ Bảy, 04/05/2019 - 23:00

Đó là ý kiến của ông Đỗ Đình Ứng, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương, Thanh Hóa khi nói về vụ việc bán gần 30ha đất trái quy định gây rúng động tại huyện này.

LTS: Vụ bán gần 30ha đất trái quy định tại Thanh Hóa được coi là vụ việc hết sức nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài hơn 25 năm (từ năm 1994) liên quan tới nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cựu cán bộ, cán bộ đương chức, đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để. Nhiều lãnh đạo từ huyện tới xã có liên quan tới vụ bán đất trái quy định tại Quảng Vinh, Quảng Hùng, Quảng Đại (nay thuộc thành phố Sầm Sơn) đã về hưu hoặc đã mất, hoặc bị bệnh hiểm nghèo. Có người trí nhớ không còn minh mẫn do tuổi cao, sức yếu.

Ông Đỗ Đình Ứng - nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương, người từng ký hàng chục sổ đỏ "ma" để lãnh đạo các xã Quảng Vinh, Quảng Hùng, Quảng Đại thời kỳ trước lợi dụng bán đất cho dân, lần đầu tiên lên tiếng phân trần về vụ việc đang gây rúng động tại Thanh Hóa.

Phóng viên Reatimes đã có cuộc trao đổi với ông Ứng xung quanh vụ việc này.

PV: Chắc ông biết khá rõ thông tin các xã ven biển Quảng Hùng, Quảng Đại, Quảng Vinh (nay thuộc thành phố Sầm Sơn) cách đây 25 năm về trước đã bán trái thẩm quyền hàng chục hecta đất?

Ông Đỗ Đình Ứng: Thời điểm đó họ bán đất ồ ạt lắm! Họ bán để thu tiền. Người mua thì không biết đất của mình ở đâu. Lúc đó có thể do trình độ cán bộ có hạn, cơ chế còn lỏng lẻo, điều kiện kinh tế, hạ tầng còn quá  khó khăn nên làm liều, bán đất được đồng nào hay đồng ấy để đầu tư cơ sở hạ tầng địa phương... Còn có hay không việc tham ô trong vụ việc này thì phải điều tra.

PV: Thời điểm năm 1994, 1995, cấp có thẩm quyền có chủ trương, hoặc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hay nói cụ thể hơn là cho phép các xã bán đất khu vực ven biển không, thưa ông?

Ông Đỗ Đình Ứng: Hồi đó chỉ có chủ trương xây dựng khi Vinh - Hùng - Đại (Quảng Vinh, Quảng Hùng, Quảng Đại) thành khu du lịch nghỉ mát Nam Sầm Sơn và xây dựng các thị tứ tại khu vực này để tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội. Người ta nghe nói sắp quy hoạch khu nghỉ mát nên đổ tiền vào mua ồ ạt. Lúc này hầu hết đất ở đây được bán với giá 4 triệu đồng/suất. Ở Hà Nội lúc đó, 4 triệu đồng mua không nổi 1m2 đất, nhưng trong này, 4 triệu mua được hẳn 1 suất, cho nên dân tứ xứ mới đổ về đây để mua.

Thiết kế: Công Trần.

Thanh Hóa rúng động vì chính quyền xã bán gần 30ha đất trái thẩm quyền. Thiết kế: Công Trần.

Thời điểm này mới có chủ trương quy hoạch, còn các xã lúc ấy họ không biết hoặc không quan tâm đến thông tin này mà vẫn bán đất kiểu... vịt trời. Người mua đất thì không biết đất của mình mua chỗ nào, diện tích bao nhiêu. Lúc đó, cơ chế quản lý đất đai còn lỏng lẻo chứ chưa chặt chẽ như bây giờ.

Khoảng năm 2000, tỉnh mới công bố quy hoạch khu vực này thành khu nghỉ mát. Sau đó họ dùng đất tại xã Quảng Đại để làm khu tái định cư ngay cạnh trường cấp 2, rồi chuyển dân lên sinh sống và dùng đất ven biển mời chào, thu hút nhà đầu tư. Các văn bản bây giờ tôi không nắm được. Việc đó chỉ có Chủ tịch, Bí thư thời đó mới nắm rõ.

PV: Khi các xã tự ý bán đất, họ có báo cáo lãnh đạo huyện không, thưa ông?

Ông Đỗ Đình Ứng: Cái đó phiền các anh hỏi Chủ tịch, Bí thư thời kỳ đó chứ tôi không nắm được.

PV: Trong số gần 30ha đất bán trái quy định có rất nhiều diện tích đất đã được cấp sổ đỏ do chính ông ký. Hay nói cách khác, ông có nghĩ mình có trách nhiệm trong việc này không?

Ông Đỗ Đình Ứng: Việc ký sổ đỏ thì tôi biết. Vì thời điểm đó, tôi được giao ký 45.000 (bốn mươi lăm nghìn) sổ đỏ cho toàn huyện. Khi nhận hồ sơ từ các cơ quan chuyên môn (phòng địa chính) trình lên, tôi chỉ hỏi, đã đủ, đúng thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa? Nếu đủ rồi thì mình chỉ có việc ký, cấp sổ đỏ ngay.

Thật ra lúc đó tôi không thể có thời gian để xem từng trường hợp cụ thể đúng sai thế nào vì tin tưởng anh em chuyên môn. Thậm chí ngay cả đất nhà tôi khi tôi ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình cũng không hề biết gì vì hồ sơ quá nhiều.

Ông Đỗ Đình Ứng

Ông Đỗ Đình Ứng, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương

Lúc đó không biết anh em ở phòng địa chính có biết việc này hay không (hồ sơ cấp sổ đỏ trái quy định) nhưng tôi chắc, anh em ở xã có gian lận khi làm hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Lúc đó có phản ánh, xã bán đất cho người ta, nhưng không sổ đỏ giao cho người mua đất. Đến dân khi đòi giấy tờ thì họ cuống lên, nên (có thể) đùn vào hồ sơ "giả" để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Khi đó tôi có đọc hồ sơ cũng chả biết gì vì nó quá nhiều và cũng bởi tin tưởng anh em cấp dưới. Thậm chí có khi mình đứng dậy uống nước, họ tuồn hồ sơ vào để mình ký thì cũng không biết được. Cái sai ở đây là sai từ địa chính xã và phòng chuyên môn trong việc trình ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 

PV: Liệu có tiêu cực trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái quy định không, thưa ông?

Ông Đỗ Đình Ứng: Lúc đó tôi không thấy biểu hiện gì tiêu cực. Chỉ có biểu hiện là họ (xã) thu tiền của người ta, rồi dân đòi quyền lợi trên đất (cấp sổ đỏ) thì họ mới rối nên có thể đã làm bừa. Không biết lúc đó anh Trần Văn Công (trưởng phòng địa chính, nay là Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương) có kiểm tra kỹ các hồ sơ này hay không?

PV: Ngân sách huyện có nhận được đồng nào từ việc bán đất trái quy định tại các xã này không, thưa ông?

Ông Đỗ Đình Ứng: Số tiền bán đất họ không nộp tiền vào ngân sách huyện. Mặt khác lúc đó cấp trên có quy hoạch để bán đất đâu mà thu. Đáng lẽ các hộ mua đất từ hành vi bán trái thẩm quyền không được cấp sổ đỏ, nhưng lúc đó tôi ký nhiều quá nên không biết.

Ông có đề xuất hướng xử lý vụ việc này không?

Ông Đỗ Đình Ứng: Giờ chỉ còn cách trả tiền lại cho họ và trả lãi theo lãi suất ngân hàng. 

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Ông Trần Văn Công - Chủ tịch huyện Quảng Xương: "Tôi không biết gì cả!"

Ông Trần Văn Công - Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương (trước đây là Trưởng phòng địa chính huyện Quảng Xương) được cho là người có liên quan trong vụ việc bán hàng chục hecta đất trái thẩm quyền. Chiều 3/5, trong cuộc trao đổi ngắn, phóng viên đã đặt hàng loạt câu hỏi xung quanh trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm của cấp có thẩm quyền trong vụ việc nêu trên.

PV: Thời kỳ 1994 -1995 ông đang giữ Trưởng phòng địa chính huyện Quảng Xương, vậy ông có biết vụ việc bán hàng chục hecta đất trái thẩm quyền không?

Ông Trần Văn Công: Không! không! tôi không biết, không làm cái đó.

PV: Thời điểm cấp xã Quảng Hùng, Quảng Đại, Quảng Vinh bán đất có được sự đồng ý của cấp trên không? có văn bản nào cho phép xã bán đất không, thưa ông?

Ông Trần Văn Công: (im lặng)

PV: Vụ việc đã xảy ra cách đây 25 năm, dân khiếu nại vụ việc cũng rất nhiều, tại sao từ đó đến nay vụ việc vẫn chưa được xử lý triệt để, gây ảnh hưởng tới quyền lợi người mua?

Ông Trần Văn Công: Các chú xuống hỏi phòng Tài nguyên và Môi trường huyện.

PV: Một số ý kiến cho rằng, với cương vị là Trưởng phòng địa chính thời điểm đó, ông phải có trách nhiệm trong vụ việc này?

Ông Trần Văn Công: Các anh xuống phòng Tài nguyên và Môi trường. Cái này họ mới nắm được. Việc này lâu lắm rồi. Tôi không biết gì việc này cả.


Reatimes sẽ tiếp tục thông tin sự việc.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top