Chủ tịch huyện bác bỏ thông tin
Vấn đề tài sản, thu nhập của quan chức, cán bộ luôn nhận được sự quan tâm của dư luận. Không ít cán bộ khá giả nhờ làm kinh tế giỏi và trở thành tấm gương cho người khác học tập. Bên cạnh đó, nhiều người cũng băn khoăn, một số cán bộ với đồng lương công chức có hạn mỗi tháng liệu có thể sở hữu những tài sản kếch xù không?
Thực tế, không ít trường hợp cán bộ thụ hưởng khối tài sản gồm nhà lầu, xe hơi, là biệt phủ, xe sang nhưng không thể lý giải hợp lý phần tài sản thu nhập tăng thêm khiến dư luận có nhiều băn khoăn, nghi ngại về tính minh bạch của nó.
Và dường như lý giải về việc sở hữu tài sản theo kiểu buôn chổi đót, bán lá chít, hoặc “làm thối móng tay” mới có được tài sản khủng đã không còn hợp thời và không nhận được sự đồng thuận từ phía dư luận.
Mới đây, thông tin ông Trần Văn Công chủ tịch UBND huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) được cho là sở hữu loạt tài sản bất động sản có giá trị lớn tại thành phố Thanh Hóa, Quảng Xương và một số địa phương khác theo đơn phản ánh của công dân đang gây nhiều chú ý.
Trước sự việc nói trên, chiều 11/4, trao đổi nhanh với phóng viên Reatimes, ông Trần Văn Công cho biết, thông tin trên không đúng sự thật.
“Đây là thông tin không có căn cứ gì. Cái này (đơn phản ánh) chắc là có động cơ không trong sáng”, ông Công nói và khẳng định, ông biết người làm đơn là ai, nhưng không tiết lộ danh tính.
Khi được hỏi về việc lá đơn phản ánh liên quan tới Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương có phải xuất phát từ việc mâu thuẫn nội bộ và lãnh đạo huyện có sẵn sàng để cơ quan có thẩm quyền vào cuộc xác minh, làm rõ, thì ông Trần Văn Công từ chối trả lời với lý do đang bận họp.
Cần kiểm tra để giải quyết được 2 vấn đề...
Bình luận về sự việc nói trên, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban kiểm tra Trung ương cho rằng, cơ quan có thẩm quyền cần vào cuộc làm rõ thông tin phản ánh về cán bộ trong đó có việc lãnh đạo sở hữu nhiều tài sản lớn...
“Các quy định của Đảng, Nhà nước đã nêu rất rõ chuyện cán bộ đảng viên phải công khai tài sản của mình. Trong trường hợp quần chúng có đơn phản ánh hoặc phát hiện dấu hiệu cán bộ sở hữu tài sản bất thường thì cơ quan có thẩm quyền cần vào cuộc làm rõ.
Theo quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản, thì cán bộ đó phải giải trình những tài sản mình đang sở hữu. Tiếp đó cơ quan có thẩm quyền cần vào cuộc để thẩm tra, xác minh theo phản ánh. Nếu sự thật không đúng như phản ánh thì cần thanh minh, minh oan cho cán bộ của mình.
Nhưng nếu có chuyện đó thật (cán bộ sở hữu tài sản lớn) thì cán bộ đó phải giải trình tiếp vì sao cán bộ đó có khối tài sản lớn như thế?
Thời điểm tôi đang còn làm việc tại Ủy ban kiểm tra, khi nghe phản ánh tới cán bộ lãnh đạo thì lập tức chúng tôi hỏi ngay để làm rõ vấn đề, không loại trừ đồng chí đó ở cấp nào", ông Hùng cho biết.
“Đồng chí ấy (Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương) là Đảng viên, lãnh đạo huyện nên cơ quan có thẩm quyền không thể làm ngơ chuyện này được. Tốt nhất, cơ quan kiểm Tỉnh ủy phải vào cuộc chứ không cần Ủy ban kiểm tra Trung ương phải mất thời gian làm thay mình.
Trong trường hợp này không nên kết luận vội cán bộ có dấu hiệu vi phạm. Cán bộ đó cần giải trình trước thông tin phản ánh, sau đó cơ quan có thẩm quyền vào cuộc kiểm tra. Làm như thế sẽ có 2 tác dụng.
Thứ nhất, kiểm tra là để bảo vệ cán bộ. Theo đó, những người có ý xấu, bôi nhọ đồng chí đó cũng không đạt được mục đích nếu đó là thông tin thất thiệt, gây hoang mang sau khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền.
Thứ hai, kiểm tra để kịp thời ngăn chặn sai phạm nếu cán bộ có vi phạm. Như vậy, việc kiểm tra thông tin nói trên đều có ý nghĩa xây dựng chứ không phải cứ kiểm tra là xấu và đừng coi chuyện đó là khó chịu từ phía người trong cuộc lẫn cơ quan có trách nhiệm”, ông Vũ Quốc Hùng nói.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương nói thêm, nếu trong đơn tố cáo có ký tên của người tố cáo thì cơ quan có thẩm quyền cần làm việc với người đứng đơn để nắm thêm vấn đề.
“Tổ chức đảng phải gặp người tố cáo trên cơ sở tôn trọng, động viên họ vì dám thẳng thắn đứng đơn tố cáo. Nếu sau khi kiểm tra phát hiện nội dung tố cáo đúng thì phải hoan nghênh họ. Ngược lại nếu nội dung tố cáo không đúng thì cũng phải gặp gỡ người tố cáo để hỏi lý do vì sao lại vu khống cán bộ và có phương án xử lý theo quy định. Vấn đề này cần sự trung thực, khách quan của cơ quan kiểm tra trước thông tin phản ánh”, ông Hùng nói.
Trước đó có thông tin ông Trần Văn Công, Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương đang sở hữu nhiều bất động sản lớn gồm: Mảnh đất tại xã Quảng Lợi với diện tích hơn 3.000m2 nhưng nhờ em trai là ông Trần Văn Mai đứng tên đã được làm thủ tục chuyển đổi từ đất vườn sang đất ở với diện tích 2.000m2 .
Bên cạnh đó ông Công còn sở hữu lô đất khác cũng trên địa bàn xã Quảng Lợi (Quảng Xương) sau khi chuyển đổi thành 2.000m2 đất ở và hơn 1.000m2 đất vườn. Tại thời điểm hiện nay, lô đất trên hiện có giá thị trường hơn 30 tỷ đồng. Như vậy chỉ với 2 khu đất Quảng Lợi và 1.200m2 đất Quảng Thái thì tổng giá trị tài sản em trai Trần Văn Mai là em trai chủ tịch huyện Trần Văn Công đứng tên đã có giá thị trường trên 40 tỷ đồng, đồng thời khu nhà thờ họ 5 gian bằng gỗ quý ở xã Quảng Lộc (Quảng Xương) cũng có giá trị trên 8 tỷ đồng;
Ngoài những lô đất vàng trong huyện Quảng Xương, còn có thông tin ông Trần Văn Công còn nhờ người đứng tên cây xăng tại xã Quảng Bình nằm trên đầu đường Lưu Bình (Quảng Xương). Theo quan sát của người dân, vợ chồng ông Trần Văn Công chỉ xuất hiện vào buổi tối ở cây xăng, nhằm tránh sự bắt gặp của người dân địa phương. Hiện nay, cây xăng Quảng Bình đã đi vào hoạt động. Cũng theo phản ánh, ngoài những tài sản trong huyện nhờ người đứng tên thì ông chủ tịch Trần Văn Công còn là chủ sở hữu nhiều khu đất Mường Thanh tại mặt bằng 530 với diện tích 400m2, căn nhà 4 tầng ở Hà Nội, căn nhà 5 tầng ở quận Bình Thạnh – TP Hồ Chí Minh.
Về việc này, ông Công đã lên tiếng bác bỏ.
Reatimes sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.