Aa

Cử tri tỉnh Thừa Thiên - Huế mong mỏi giải quyết “vấn nạn” quy hoạch treo

Thứ Ba, 19/07/2022 - 06:15

Quy hoạch treo là vấn đề bức xúc đã và đang diễn ra trên nhiều địa phương của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Cử tri mong mỏi được tháo gỡ để giải quyết những tình cảnh bức bách về dân sinh và kinh tế tại địa phương.

Quy hoạch treo suốt nhiều năm là một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri tỉnh Thừa Thiên - Huế tại kỳ họp HĐND tỉnh vừa diễn ra cuối tuần qua. Nhiều vấn đề đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế giải trình và đưa ra phương án tháo gỡ cụ thể.

Tình trạng nhếch nhác trong khu đô thị mới An Vân Dương, TP. Huế do quy hoạch và chậm triển khai dự án. (Ảnh: Đình Toàn)

“Ách tắc mọi thủ tục liên quan đến đất”

Tình trạng quy hoạch treo diễn ra tại nhiều địa phương trên địa bàn TP. Huế khiến bà con, cử tri bức xúc, trong đó liên quan đến nhiều vùng dân cư sinh sống lâu đời nhưng trong quy hoạch sử dụng đất theo Quyết định số 649/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là đất trồng cây xanh đô thị và ách tắc mọi thủ tục khi dân cần giao dịch liên quan đến đất.

Giải trình vấn đề này tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khóa 8 diễn ra trong hai ngày 14 - 15/7/2022, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 649/QĐ-TTg ngày 06/5/2014 với phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ TP. Huế, một phần thị xã Hương Trà và huyện Phú Vang, quy mô quy hoạch khoảng 350km2. Do tỷ lệ bản đồ quy hoạch chung 1/25.000 là rất lớn dẫn tới tình huống các bản vẽ quy hoạch thiếu mức độ chi tiết, chưa thể hiện rõ các khu chức năng cụ thể gây ra nhiều vướng mắc trong công tác quản lý đất đai.

Để giải quyết vấn đề nêu trên, trong thời gian qua UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành Kế hoạch số 51/KH-UBND ngày 20/3/2017 và Kế hoạch số 164/KH-UBND ngày 24/4/2021 về tổ chức lập quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, theo đó giao các đơn vị lập kế hoạch lập đồ án quy hoạch phân khu các khu vực chưa có quy hoạch và quy hoạch chi tiết nhằm cụ thể hóa đồ án chung làm cơ sở quản lý.

Tình trạng quy hoạch treo nhiều năm khiến đông đảo người dân 4 xã, thị trấn ở khu vực Chân Mây - Lăng Cô gặp khó khăn và gây lãng phí đất đai. (Ảnh: Đình Toàn)

“Hiện nay, UBND tỉnh cũng đã giao nhiệm vụ các cơ quan liên quan tổ chức lập đồ án Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, trong quá trình nghiên cứu sẽ rà soát các vướng mắc, đánh giá quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch chung TP. Huế đến năm 2030, định hướng đến 2050 nhằm có sự cập nhật và điều chỉnh phù hợp”, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết.

Cũng tại TP. Huế, cử tri phản ánh tình trạng quy hoạch và tiến độ các công trình tại khu quy hoạch Lịch Đợi trên địa bàn Phường Đúc còn chậm trễ gây ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân. Điển hình như dự án quy hoạch ở tổ dân phố 9, 10 của phường An Tây: Quy hoạch chi tiết bảo tồn tôn tạo các di sản văn hóa và môi trường cảnh quan Tây Nam TP. Huế được UBND tỉnh phê duyệt năm 1999; vườn ươm của công viên cây xanh... đã quy hoạch từ rất lâu nhưng không thực hiện. Đề nghị tỉnh quan tâm, xem xét và tháo gỡ để người dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tách thửa và ổn định cuộc sống.

Dai dẳng dự án 20 năm chưa thực hiện

Điển hình của tình trạng quy hoạch treo gây bức xúc cho nhiều cử tri và bà con nhân dân tại TP. Huế là Dự án xây dựng Đại học Huế. Theo như cử tri TP. Huế phản ánh, dự án đã xuất hiện hơn 20 năm nhưng không được thực hiện, hiện nay trong khu vực quy hoạch dự án thuộc phường An Cựu, hạ tầng giao thông xuống cấp, đất không cho chuyển đổi mục đích, tách thửa... Cử tri đề nghị chính quyền trả lời và giải quyết quyền lợi chính đáng cho dân.

Khu quy hoạch Lịch Đợi, Bàu Vá tại phường Đúc, TP. Huế nhiều hạng mục hạ tầng kỹ thuật chậm tiến độ khiến người dân bức xúc. (Ảnh: Đình Toàn)

Giải trình vấn đề trên, đại diện UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay, khu vực thực hiện quy hoạch Đại học Huế được UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch chi tiết Đại học Huế tại Quyết định số 3615/QĐ-UB ngày 19/10/2004. Trong quá trình thực hiện, Đại học Huế đã triển khai lập các quy hoạch thành phần như: Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu trung tâm điều hành và khu liên trường tại khu quy hoạch Đại học Huế; khu đất Đại học Nghệ thuật... và đầu tư các dự án thành phần như: Đại học Kinh tế, Đại học Ngoại ngữ, Khu thể dục thể thao, Đại học Sư phạm Huế, Khu tái định cư Đại học Huế...

Đối với các dự án khu tái định cư phục vụ giải tỏa Đại học Huế, đã thực hiện giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất phục vụ tái định cư cho các hộ dân cư ảnh hưởng thuộc khu vực Đại học Huế bao gồm: Dự án Khu tái định cư phục vụ việc giải tỏa của Đại học Huế, phường An Tây, TP. Huế có diện tích 33.166,71m2 (đã xây dựng hoàn thành); Dự án Khu tái định cư Đại học Huế 8.600m2 (đã xây dựng hoàn thành); Dự án Khu tái định cư 2 Đại học Huế (đang tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư dự án).

Đối với tiến độ thực hiện dự án Khu tái định cư 2 Đại học Huế, UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch khu tái định cư 2 Đại học Huế tại Quyết định số 733/QĐ-UBND ngày 14/3/2006. Tuy nhiên quá trình triển khai dự án chậm trễ đã ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Dự kiến đến cuối tháng 7/2022, dự án Hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Đại học Huế sẽ được khởi công xây dựng công trình trên diện tích 8,2ha. Phần diện tích còn lại của dự án dự kiến đến đầu tháng 8/2022 sẽ tiếp tục triển khai, nếu không vướng mắc về công tác bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng, dự án sẽ hoàn thành trong năm 2025.

Ngoài ra, đông đảo người dân Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô bức xúc, kiến nghị giải quyết tình trạng quy hoạch treo trong gần 15 năm qua, nhất là quy định không được tách thửa trong vùng đã quy hoạch chung nhưng chưa được quy hoạch chi tiết. UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, để giải quyết nhu cầu tách thửa ở riêng của người dân trên địa bàn khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô phù hợp với mục đích sử dụng đất theo các quy hoạch phân khu đã được phê duyệt, Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh đang phối hợp với UBND huyện Phú Lộc để cập nhật các đồ án quy hoạch phân khu nêu trên để có cơ sở giải quyết thủ tục tách thửa cho người dân theo quy định; đối với các khu vực chưa có quy hoạch phân khu thì căn cứ Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1771/QĐ-TTg ngày 05/12/2008.

Liên quan vấn đề tách thửa, người dân khu vực tổ 9 và 10, phường An Tây, TP. Huế nhiều năm qua phải chịu ảnh hưởng lớn liên quan tới đồ án Quy hoạch chi tiết bảo tồn tôn tạo các di sản văn hóa và môi trường cảnh quan Tây Nam TP. Huế được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2327/QĐ-UBND ngày 11/10/1999, được biết khu vực này có chức năng sử dụng đất là vườn bách thảo. Mặc dù đã hơn 20 năm nhưng đến nay đồ án này vẫn chưa được xây dựng hoàn tất.

Về vấn đề này, giải trình của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đồ án cũng mới chỉ được UBND TP. Huế phê duyệt, triển khai một số hạng mục; phê duyệt giá trị bồi thường, hỗ trợ về mồ mả cho các hộ gia đình, cá nhân trong khu vực Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án sưu tầm thực vật Huế.

“Tuy nhiên, hiện tại Trung tâm Công viên cây xanh Huế có công văn gửi UBND TP. Huế xem xét điều chỉnh lại phạm vi thực hiện dự án. Hiện tại, UBND TP. Huế đã chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát theo kiến nghị của Trung tâm Công viên cây xanh Huế, trên cơ sở nội dung tham mưu, báo cáo của các đơn vị liên quan, UBND TP. Huế sẽ xem xét có ý kiến chỉ đạo cụ thể”, đại diện UBND tỉnh trình bày.

Nhiều kiến nghị của cử tri chưa có lộ trình giải quyết

Tại kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có báo cáo kết quả giám sát báo cáo của UBND tỉnh về việc giải trình ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp trước. Có 62 kiến nghị của cử tri liên quan đến đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, công trình cầu, cống, hệ thống thoát nước; 22 kiến nghị liên quan đến quy hoạch, tiến độ công trình dự án, di dời, đền bù, giải phóng mặt bằng; 18 kiến nghị liên quan đến lĩnh vực tài nguyên, môi trường; 33 kiến nghị liên quan đến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn và điện nước sinh hoạt; 12 kiến nghị liên quan đến lĩnh vực pháp chế, văn hóa - xã hội và chính sách.

Tình trạng quy hoạch treo trên một phần lớn diện tích TP. Huế từ năm 2014 khiến người dân gặp nhiều khó khăn cần sớm được tháo gỡ. (Ảnh: Đình Toàn)

Thường trực HĐND tỉnh cho rằng, UBND tỉnh đã tích cực triển khai, chỉ đạo các sở, ngành, đại phương và đơn vị liên quan giải quyết kiến nghị cử tri với tinh thần trách nhiệm; kết quả đã tiếp thu, giải quyết, trả lời 147/147 ý kiến, kiến nghị. Trong đó, có 75 ý kiến đã được UBND tỉnh giải trình, cung cấp thông tin đến cử tri; có 34 ý kiến, kiến nghị của cử tri đang được triển khai thực hiện và 38 ý kiến, kiến nghị được tiếp thu để nghiên cứu, đề xuất phương án giải quyết.

Tuy nhiên, một số dự án, công trình của tỉnh như: Dự án Khu đô thị hành chính tỉnh, Dự án mở rộng cầu Vỹ Dạ, Dự án cầu Vân Dương... chưa được triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch do vướng trong công tác thu hồi, đền bù, giải phóng mặt bằng; vướng về diện tích thu hồi đất; công tác quy hoạch trên địa bàn tỉnh còn triển khai chậm, thiếu đồng bộ, chất lượng chưa cao làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như cuộc sống nhân dân. Một số kiến nghị đã được tiếp thu, chỉ đạo giải quyết nhưng chưa có lộ trình, chưa có thời gian giải quyết cụ thể để cử tri theo dõi, giám sát.

Thông qua 21 nghị quyết

Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh đã xem xét, thảo luận các báo cáo của UBND tỉnh về hoạt động chỉ đạo điều hành; tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh 6 tháng đầu năm và phương hướng 6 tháng cuối năm 2022; kết quả trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri và một số báo cáo quan trọng khác; xem xét các tờ trình của Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh để thông qua 21 nghị quyết với tỷ lệ đồng thuận cao.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện các nghị quyết của HĐND vừa thông qua để đảm bảo các nghị quyết đi vào cuộc sống, nghiên cứu giải quyết kịp thời các ý kiến, kiến nghị của cử tri và các kiến nghị nêu trong báo cáo kết quả giám sát của các ban HĐND tỉnh. Yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị thực hiện đầy đủ các nội dung đã được kết luận tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, báo cáo HĐND tỉnh và cử tri trong tỉnh vào kỳ họp tiếp theo.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top