Aa

Từ 1/1/2021, người dân được xây nhà trên đất quy hoạch treo

Minh Minh
Minh Minh lienlien.media@gmail.com
Thứ Hai, 28/12/2020 - 13:56

Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020, có hiệu lực từ 1/1/2021 cho phép người dân xây mới nhà cửa trên đất quy hoạch các dự án treo đã quá 3 năm.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Dự án treo đang là một vấn nạn nan giải của quá trình phát triển đô thị, đặc biệt là tại Hà Nội và TP.HCM.

Tại Hà Nội, kết quả giám sát của HĐND TP. Hà Nội cho thấy, trên địa bàn thành phố đang có tới gần 400 dự án sử dụng đất chậm triển khai hoặc vi phạm Luật Đất đai trong suốt nhiều năm qua. Tại TP.HCM cũng đã và đang có hàng trăm dự án, quy hoạch treo nhiều năm.

Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng quy hoạch treo là do chủ đầu tư chậm trễ trong việc lập, hoàn thiện dự án để điều chỉnh dự án đầu tư, điều chỉnh mục đích sử dụng đất theo quy hoạch điều chỉnh được phê duyệt hoặc đề xuất điều chỉnh quy hoạch chi tiết nhiều lần để kéo dài thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư, kéo dài thời gian triển khai thực hiện dự án. Một số trường hợp lại cố tình chây ỳ không làm thủ tục hay chậm giải phóng mặt bằng đưa đất vào sử dụng để chưa phải nộp nghĩa vụ tài chính.

Nguyên nhân quan trọng khác khiến nhiều dự án chậm triển khai hoặc triển khai không đảm bảo tiến độ bắt nguồn từ thực tế một số chủ đầu tư thiếu kinh nghiệm cũng như năng lực tài chính để thực hiện dự án đầu tư. Không ít chủ đầu tư vẫn “ôm” đất nhiều năm tiếp theo dù không triển khai bất cứ hạng mục nào. Đặc biệt, nhiều dự án xây dựng theo hình thức BT rơi vào tình trạng “chết lâm sàng” cả thập kỷ khiến nguồn lực đất đai bị lãng phí.

“Nhiều dự án khi lập hồ sơ ban đầu thì rất nhanh, nhưng quá trình tổ chức triển khai rất chậm, đội vốn. Kết quả chất lượng dự án lại thường không đạt yêu cầu. Dự án có quy mô càng lớn thì tiến độ càng chậm, đội vốn càng nhiều. Vấn đề diễn ra nhiều năm chưa có hồi kết. Đây có thể coi là vấn nạn của quốc gia”, một vị Đại biểu Quốc hội từng phát biểu.

Dự án treo đang là một vấn nạn nan giải của quá trình phát triển đô thị, đặc biệt là tại Hà Nội và TP.HCM.

Đối với người dân sống trong vùng quy hoạch, dự án treo có thể nói là một nỗi ám ảnh kinh hoàng của họ. Bởi dự án còn “treo” ngày nào thì cuộc sống của người dân cũng bị “treo” ngày đó. Có những dự án “chết lâm sàng” hàng chục năm thì cũng chừng ấy năm người dân phải sống trong cảnh nhà cửa xập xệ, tồi tàn khi không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không được xây dựng, cơi nới nhà cửa trong khi chỉ ngay bên cạnh, đất không thuộc quy hoạch đã thành đất vàng.

Khoản 5 Điều 94 Luật Xây dựng 2014 quy định:

5. Đối với công trình, nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực đã có quy hoạch phân khu xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì không cấp giấy phép xây dựng có thời hạn cho việc xây dựng mới mà chỉ cấp giấy phép xây dựng có thời hạn để sửa chữa, cải tạo”.

Như vậy, nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực theo quy định trên thì không được xây dựng mới mà chỉ được phép sửa chữa, cải tạo nếu có giấy phép.

Từ ngày 01/01/2021 quy định trên được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 33 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 như sau:

5. Đối với công trình xây dựng, nhà ở riêng lẻ thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì không cấp giấy phép xây dựng có thời hạn cho việc xây dựng mới mà chỉ cấp giấy phép xây dựng có thời hạn để sửa chữa, cải tạo.

Trường hợp sau 03 năm kể từ ngày công bố kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được công bố mà không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất được quyền đề nghị cấp giấy phép xây dựng có thời hạn theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này”.

Theo đó, từ ngày 01/01/2021, nếu đất vẫn thuộc diện quy hoạch nhưng cơ quan có thẩm quyền chưa thu hồi đất để thực hiện dự án (quy hoạch treo) thì người sử dụng đất được quyền đề nghị cấp giấy phép xây dựng có thời hạn (thời hạn theo kế hoạch thực hiện quy hoạch xây dựng. Đây là một tin vui cho nhiều người dân hiện đang ở các khu quy hoạch treo hiện nay.

Về thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng mới (nhà ở riêng lẻ) gồm các giấy tờ, hồ sơ sau:

- Đơn đề nghị cấp GPXD theo mẫu tại Phụ lục số 1 Thông tư 15/2016/TT-BXD.

- Bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

- Bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính hai bộ bản vẽ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng, mỗi bộ gồm:

+ Bản vẽ mặt bằng công trình trên lô đất tỷ lệ 1/50 - 1/500 kèm theo sơ đồ vị trí công trình;

+ Bản vẽ mặt bằng các tầng, các mặt đứng và mặt cắt chính của công trình tỷ lệ 1/50 - 1/200;

+ Bản vẽ mặt bằng móng tỷ lệ 1/50 - 1/200 và mặt cắt móng tỷ lệ 1/50 kèm theo sơ đồ đấu nối hệ thống thoát nước mưa, xử lý nước thải, cấp nước, cấp điện, thông tin tỷ lệ 1/50 - 1/200.

Trường hợp TKXD của công trình đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định, các bản vẽ thiết kế tại quy định này là bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp các bản vẽ TKXD đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định.

Đối với công trình xây chen có tầng hầm, ngoài các tài liệu quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 11 Thông tư 15/2016/TT-BXD, hồ sơ còn phải bổ sung bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính văn bản chấp thuận biện pháp thi công móng của chủ đầu tư đảm bảo an toàn cho công trình và công trình lân cận.

- Đối với công trình xây dựng có công trình liền kề phải có bản cam kết của chủ đầu tư bảo đảm an toàn đối với công trình liền kề.

(Điều 11 Thông tư 15/2016/TT-BXD).

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top