Aa

Cửa sáng cho chứng khoán cuối năm

Thứ Bảy, 04/09/2021 - 06:30

Nhiều tổ chức trong nước và quốc tế đã điều chỉnh giảm tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2021 do tác động của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4.

Chỉ số chứng khoán VN-Index đã có mức tăng khá tốt khi tăng từ ngưỡng 1.100 điểm giai đoạn tháng 1/2021 lên mốc 1.425 giai đoạn cuối tháng 6/2021. Mức tăng trưởng mạnh 33% của chỉ số VN-Index đã khiến thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trở thành một trong những TTCK tăng điểm mạnh thế giới trong giai đoạn nửa đầu năm 2021. 

Nếu giai đoạn điều chỉnh mạnh đầu tháng 7 chỉ là điều chỉnh kỹ thuật khi VN-Index giảm hơn 200 điểm về vùng hỗ trợ 1.225 - 1.225 trước những lo ngại về đại dịch bùng phát cũng như dự báo tình hình hoạt động kinh doanh u ám của các doanh nghiệp niêm yết giai đoạn cuối năm, thì TTCK Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục xu thế đi lên.

Kỳ vọng từ chính sách tiền tệ

Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 khó đạt mục tiêu 6,5% do ảnh hưởng bởi làn sóng đại dịch lần thứ 4, đặc biệt tại TP.HCM, Bình Dương… Tuy nhiên, 3 khu vực kinh tế chính là nông, lâm nghiệp, thủy sản của Việt Nam vẫn tăng trưởng dương trong 6 tháng đầu năm nay. Các ngành chế biến, chế tạo chủ lực vẫn tăng trưởng khá giai đoạn 6 tháng đầu năm nhưng có thể sẽ giảm sút giai đoạn cuối năm nay do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Xuất nhập khẩu có thể sẽ vẫn là “phao cứu sinh” cho nền kinh tế khi tổng giá trị xuất nhập khẩu cả nước trong 6 tháng đầu năm nay đạt 371 tỷ USD, tăng hơn 32% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI đăng ký giảm nhẹ nhưng giải ngân vẫn tích cực (Vốn FDI thực hiện 6 tháng đầu năm nay đạt 9,2%, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái). Việt nam đang vượt lên trở thành một trong những nước xuất khẩu lớn sang Mỹ.

Dù lạm phát có thể sẽ tăng cao, nhưng việc tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất điều hành từ 0,25 - 0,5% được kỳ vọng sẽ là động thái hỗ trợ các doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế vượt khó trong bối cảnh hiện nay. TTCK cũng sẽ là kênh được hưởng lợi nếu NHNN tiếp tục nới lỏng tiền tệ.

Diễn biến VN-Index 3 tháng gần đây
Diễn biến VN-Index 3 tháng gần đây

Đón đầu cơ hội nâng hạng

Sau giai đoạn nửa đầu năm nay khối ngoại liên tiếp bán ra hơn 35 nghìn tỷ đồng thì liên tiếp 2 tháng gần đây, khối ngoại đã quay trở lại mua ròng. Việt nam đang nỗ lực cải thiện hệ thống thanh toán bù trừ trung tâm (CCP), đây có thể là điều đáng chú ý để FTSE xem xét nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi trong năm 2022. Nếu triển khai sớm hệ thống này từ đầu năm 2021 thì khả năng TTCK Việt Nam sẽ sớm được bổ sung vào danh sách theo dõi và nâng hạng sau đó. Ngoài ra, việc khối ngoại bán ròng liên tiếp 6 tháng và quay lại mua ròng liên tục cũng có thể được coi là yếu tố hỗ trợ TTCK giai đoạn cuối năm 2021.

Nghịch lý tạo cơ hội đầu tư

Dù đại dịch COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng những nhóm ngành viễn thông, tài chính (ngân hàng, chứng khoán…), cảng biển, hóa chất… vẫn là những “quán quân” doanh thu và lợi nhuận trong 2 năm 2020 - 2021. Đặc biệt, nhóm cổ phiếu thuộc VN30 như HPG, GAS, FPT, VHM, TCB, SSI… vẫn thu hút dòng tiền lớn và hứa hẹn triển vọng tăng giá ở giai đoạn cuối năm nay.

Khi giá trị giao dịch trên toàn TTCK duy trì ở mức cao, dòng tiền đầu cơ vẫn tập trung mạnh ở các nhóm cổ phiếu lớn, cổ phiếu mang tính dẫn dắt thì TTCK sẽ có nhiều cơ hội để tiếp tục tăng điểm. Điều này có vẻ khá nghịch lý trên nhiều TTCK thế giới khi mà đại dịch COVID-19 đang ảnh hưởng lớn đến “sức khỏe” các nền kinh tế thì TTCK lại nổi lên là kênh đầu tư hấp dẫn. Hệ quả, nhiều nhà đầu tư đã kiếm lời lớn trong mùa dịch khi các chỉ số chứng khoán, nhiều cổ phiếu lớn đã liên tiếp vượt đỉnh thời gian qua.

Với tình hình diễn biến như hiện nay, việc VN-Index tăng tốc để quay lại mốc 1.425 và lên tiếp mốc 1.500 điểm chỉ là yếu tố thời gian.

TS. Lê Đức Khánh - Chuyên gia chứng khoán

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top