Aa

“Cửa sáng” nào cho tăng trưởng của doanh nghiệp xây dựng?

Duy Thành
Duy Thành blackflag_keke@yahoo.com
Chủ Nhật, 10/07/2022 - 06:15

Có quan điểm kỳ vọng, khi tiến độ đầu tư công đạt kế hoạch và các nút thắt của thị trường bất động sản được tháo gỡ, dư địa tăng trưởng của các công ty ngành Xây dựng sẽ được rộng mở.

Tại báo cáo ngành xây dựng công bố mới đây, CTCP Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) bày tỏ kỳ vọng tiến độ đầu tư công sẽ tăng tốc trong nửa cuối 2022 và qua đó, cổ phiếu ngành xây dựng sẽ có nhiều tín hiệu tích cực.

Tiến độ giải ngân đầu tư công chưa đạt kỳ vọng

Trong 5 tháng đầu năm 2022, tình hình giải ngân đầu tư công gặp nhiều trở ngại, chưa đạt kế hoạch và kỳ vọng từ Chính phủ.

Theo báo cáo số 4257/BTC-ĐT ngày 12/05/2022 của Bộ Tài chính, đến hết 30/4/2022 giải ngân đầu tư công đạt 85.712 tỷ đồng, đạt 14,86% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó vốn đầu tư trong nước là 83.234 tỷ đồng và vốn nước ngoài là 2.177 tỷ đồng, lần lượt đạt 21,63% và 6,26% kế hoạch. Ước tính đến 31/5/2022, giải ngân vốn đầu tư công đạt 117.937 tỷ đồng, đạt 20,45% kế hoạch.

Trong những năm trước, tỷ lệ giải ngân đầu tư công 6 tháng đầu năm rơi vào khoảng 22 - 26%, vì thế tỷ lệ hiện tại được đánh giá là đang ở mức thông thường như mọi năm. Tính đến 31/5/2022 tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công là 22,4% - tương đương với cùng kỳ 22,1%.

Về triển vọng trong năm 2022 và 2023, MASVN nhìn nhận việc Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư 5 dự án hạ tầng mới sẽ là tín hiệu tích cực cho hoạt động giải ngân vốn đầu tư công.

Đối với riêng Bộ Giao thông Vận tải, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 là 50.327 tỷ đồng, tính từ đầu năm đến hết tháng 5/2022, khối lượng giải ngân của Bộ Giao thông Vận tải đạt 15.080 tỷ đồng, đạt 34,9% kế hoạch đã giao chi tiết và đạt 29,8% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, nguyên nhân chủ yếu gây chậm tiến độ do khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp nền đường, thời tiết không thuận lợi và biến động giá vật liệu xây dựng. Cũng theo Bộ này, dự kiến cuối năm 2022 sẽ đưa vào sử dụng 4 đoạn cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 với tổng chiều dài 361km bao gồm: Mai Sơn - Quốc lộ 45 (63,4km); Cam Lộ - La Sơn (98,3km); Vĩnh Hảo - Phan Thiết (100,8km); Phan Thiết - Dầu Giây (99km).

Như vậy, cùng với đoạn Cao Bồ - Mai Sơn đã đưa vào sử dụng vào đầu năm nay, dự kiến 5/11 đoạn cao tốc Bắc Nam - Giai đoạn 1 sẽ hoàn thành trong năm nay. Theo tiến độ, 6 dự án còn lại dự kiến sẽ hoàn thành trong 2023. Đối với 12 đoạn cao tốc Bắc - Nam Giai đoạn 2, Quốc hội đã phê duyệt toàn bộ dự án theo hình thức đầu tư công. Chính phủ đang khẩn trương triển khai các thủ tục liên quan để các dự án có thể khởi công trong 2022 và dự kiến hoàn thành vào 2026.

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, 5 dự án hạ tầng cấp trọng điểm quốc gia được Quốc hội phê duyệt theo hình thức đầu tư công

Diễn biến cổ phiếu ngành xây dựng: Nhiều kỳ vọng khi đầu tư công tăng tốc

Số liệu báo cáo của MASVN cho thấy, trong quý I/2022 vừa qua, lợi nhuận sau thuế của nhóm cổ phiếu xây dựng có độ phân hóa lớn và diễn biến trái chiều. Cụ thể, một số ghi nhận tốc độ tăng trưởng đột biến, như CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) ghi nhận khoản thoái vốn tại công ty con, Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG) lãi từ giao dịch mua rẻ; một số có tốc độ tăng trưởng âm như Công ty Cổ phần LIZEN (LCG), Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD), hoặc báo cáo lỗ như Công ty Cổ phần FECON (FCN).

Điểm nhấn là tốc độ tăng trưởng đột biến của lợi nhuận đến từ các giao dịch tài chính như thoái vốn, mua rẻ, không từ hoạt động kinh doanh chính. Bên cạnh đó, lợi nhuận quý I/2021 ở mức thấp so với chu kỳ thông thường do Việt Nam đang trong quá trình phòng chống Covid-19.

Theo đánh giá, trong ngắn hạn, biên lợi nhuận của ngành xây dựng đang chịu nhiều áp lực khi chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao và lượng cung bất động sản trên thị trường nhà ở suy giảm, cũng như tác động lan tỏa từ đầu tư công chưa đạt kỳ vọng.

Tuy nhiên trong dài hạn, MASVN vẫn kỳ vọng tích cực vào tăng trưởng của cổ phiếu ngành xây dựng khi nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng và bất động sản dân cư tại Việt Nam vẫn rất lớn.

"Khi tiến độ đầu tư công đạt kế hoạch và các nút thắt của thị trường bất động sản được tháo gỡ, dư địa cho tăng trưởng của các công ty ngành Xây dựng sẽ được rộng mở", báo cáo nhấn mạnh./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top