Trỗi dậy mạnh mẽ
Sau dấu ấn trở lại vào năm 2015, sang 2016, phân khúc BĐS cao cấp bước vào “giai đoạn vàng” với sự trỗi dậy mạnh mẽ. Theo báo cáo của Hiệp hội BĐS Việt Nam, tính đến tháng 9/2016, trong số 12.000 căn hộ được chào bán ra thị trường, có đến 2/3 sản phẩm thuộc phân khúc trung và cao cấp.
Số liệu thống kê của các công ty nghiên cứu thị trường quốc tế, có thâm niên như CBRE hay Savills cũng cho thấy, BĐS cao cấp tăng đều cả ở nguồn cung và cầu, khác hẳn so với giai đoạn trước.
Theo tổng kết của CBRE Việt Nam, thời điểm năm 2011-2012, thị trường BĐS rất khó khăn. Căn hộ cao cấp tràn ngập, giá giảm sâu, có dự án cắt lỗ 30-40% nhưng không có người mua. Số lượng giao dịch thành công chỉ khoảng 7.000 – 8.000 một năm. Tuy nhiên, hiện nay lượng căn hộ bán ra trên thị trường lớn hơn 2-3 lần so với trước. Số giao dịch thành công cũng cao kỷ lục, gấp 3-4 lần.
Số liệu từ Savills Việt Nam cho thấy, tại TP. HCM, lượng giao dịch căn hộ trong quý III đạt 7.500 căn, tăng 7% theo quý và 43% theo năm. Tỷ lệ hấp thụ đạt 19%, tăng 2 điểm % theo quý và năm, nhờ vào tình hình hoạt động tốt của phân khúc cao cấp (tỷ lệ hấp thụ cao nhất với 34%).
Biệt thự và nhà liền kề cũng đạt mức giao dịch kỷ lục. Nguồn cung sơ cấp đạt khoảng 3.800 căn, tăng 19% theo quý và 128% năm. Lượng giao dịch tăng 49% theo quý và 193% năm nhờ tình hình hoạt động tốt của những dự án mới.
Theo đánh giá của ông Vũ Cương Quyết, TGĐ Công ty Đất Xanh Miền Bắc, 9 tháng năm 2016, nguồn cung chung cư cao cấp đang bán ở Đất Xanh hấp thụ tốt, tính thanh khoản phân khúc này rất cao. Nếu như năm 2013, tỷ lệ căn hộ cao cấp được bán chỉ chiếm khoảng 20% tổng giao dịch thì nay con số này tăng lên 50%.
Thị trường dồn dập đón sóng đầu tư
Những tháng cuối năm 2016, phân khúc BĐS cao cấp bứt tốc ngoạn mục với hàng loạt dự án hoành tráng, quy mô ra đời.
Tại TP. HCM, ngay đầu tháng 12/2016, Công ty cổ phần Sài Gòn Kim Cương đã chính thức khởi công tổ hợp căn hộ - khách sạn - văn phòng và trung tâm thương mại SJC Tower trên diện tích 4 mặt tiền của các phố Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Thánh Tôn - Nguyễn Trung Trực - Lê Lợi (quận 1).
Tại Hà Nội, cuối tháng 11, Sun Group tung ra thị trường dự án Sun Grand City Ancora Residence, tại số 3 Lương Yên, quận Hai Bà Trưng. Tổ hợp này được xây dựng trên diện tích 2,2 ha với 3 tòa tháp cao 25 tầng, 3 tầng hầm. Công trình có tổng vốn đầu tư gần 6.000 tỷ đồng, sau khi hoàn thành sẽ cung cấp cho thị trường 679 căn hộ cao cấp, trong đó có 31 căn penthouse tiêu chuẩn quốc tế.
Vào cuối quý III/2016, Sun Group cũng đã giới thiệu khu căn hộ cao cấp nhìn ra Hồ Tây với tên gọi Sun Grand City Thuy Khue Residence ở số 69B Thụy Khuê, hướng đến việc thiết lập những tiêu chuẩn mới về mức độ sang trọng, tiện nghi cho người sử dụng.
Trước đó, phân khúc căn hộ cao cấp tại Hà Nội, TP. HCM cũng nóng lên với các dự án “đình đám” của Tập đoàn Vingroup như Vinhomes Metropolis (quận Ba Đình) hay Vinhomes Central Park (Vinhomes Tân Cảng, quận Bình Thạnh).
Thay đổi tư duy BĐS cao cấp
Không phải bỗng dưng BĐS cao cấp lại bùng nổ như vậy. Ông Jonathan Tizzard, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu & định giá Cushman & Wakefield Việt Nam, cho rằng thị trường đang diễn biến chuyên nghiệp. Những chủ đầu tư làm ăn hiệu quả, dự án có giá cạnh tranh nhất sẽ tồn tại, phát triển và ngược lại sẽ tự “đào thải”.
Theo nhận định của một số chuyên gia, tình trạng tồn kho và thừa BĐS cao cấp giai đoạn 2009 – 2012 được lý giải bởi hiện tượng đầu tư dự án tràn lan, đâu đâu cũng gắn “mác” cao cấp. Đồng thời, diện tích căn hộ quá lớn, dẫn đến tổng giá trị cao, không phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của người tiêu dùng. Vì thế, hiện nay, chủ đầu tư gần như thay đổi tư duy về phân khúc này. Họ bắt đầu cơ cấu diện tích căn hộ phù hợp với nhu cầu người dân, các dự án được đầu tư mạnh theo xu hướng “xanh”, tiện ích xung quanh được chú trọng…
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP. Invest cho rằng, khách hàng giờ đây không còn nhắm mắt mua nhà bằng mọi giá mà họ rất thận trọng, xem dự án triển khai đến đâu, có khả năng hoàn thành đúng tiến độ, có chất lượng không...
“Người mua nhà hiện nay đã trưởng thành hơn rất nhiều, kể cả mua để ở hay mua đầu tư” ông Hiệp khẳng định.
Có thể nhận thấy, khi khách hàng trở nên “khó tính” hơn thì các chủ đầu tư cũng điều chỉnh chiến lược để phù hợp với thị hiếu mới. Chẳng hạn, hầu hết các dự án của Vingroup đều như một thành phố thu nhỏ, không chỉ có nhà ở mà còn có tiện ích phong phú, từ trung tâm thương mại, nhà hàng đến trường học, bệnh viện.
Trong khi đó, dự án căn hộ và biệt thự cao cấp tại phân khu Aqua Bay (nằm trong Khu đô thị Ecopark) lại hút khách bởi yếu tố không gian xanh, thiết kế để người dân sống ngay tại công viên, có hồ nước, rợp bóng cây. Đây được xem như yếu tố tiên quyết để khách hàng lựa chọn dự án này.
Tại TP. HCM, dự án Lakeview City và Palm Residence đều nằm trong khu đô thị có quy mô phát triển lớn và vị trí đẹp, nên tốc độ tiêu thụ ấn tượng ngay trong quý chào bán. Cụ thể, Palm Residence đã giao dịch hết 100% số căn trong ngày đầu chào bán chính thức, Lakeview City cũng tiêu thụ hơn 50% sau một quý chào bán.
Nhận định về xu hướng phát triển phân khúc BĐS cao cấp trong thời gian tới, ông Nguyễn Chí Thanh (Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam) cho rằng: “Loại hình này nếu tọa lạc ở những vị trí đắc địa, không có sự cạnh tranh thì sẽ không bao giờ có chuyện ế thừa nguồn cung. Nếu được đầu tư bài bản, nhóm sản phẩm này sẽ rất kén chọn khách hàng và không phải ai cũng có cơ hội sở hữu loại BĐS như vậy trong tương lai. Do đó, tôi nghĩ rằng, phân khúc cao cấp sẽ luôn luôn tồn tại mà không bị ảnh hưởng”.