Đấu giá đất phải kèm theo chứng chỉ quy hoạch
Di dời trụ sở bộ, ngành trên "đất vàng" được các chuyên gia đánh giá là một chủ trương tốt, là mục tiêu rất chính xác khi đạt được hai mục đích.
Thứ nhất là giãn dần dân số nội đô ra ngoại ô. Thực tế hiện nay, mật độ dân số nội đô đăng tăng lên rất nhanh. Hai là, các bộ, ngành khi được di dời thì cơ sở vật chất sẽ đàng hoàng hơn, đúng tầm cỡ của một quốc gia 100 triệu dân.
Nếu như đất của các bộ, ngành di rời bàn giao lại được đem ra đấu giá sẽ là một hình thức xã hội hóa nguồn vốn rất tốt. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, các trụ sở này đều nằm ở vị trí vàng, nếu đem đấu giá công khai thì khả năng các doanh nghiệp đầu tư mua và xây dựng các tòa cao ốc là điều có thể xảy ra. Và nếu các tòa cao tầng hay trung tâm thương mại được xây dựng thì áp lực giao thông, ùn tắc, áp lực hạ tầng, ngập lụt là điều khó tránh khỏi.
Chia sẻ với Reatimes, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, đúng là chủ trương di dời thì không có gì để bàn, mà thực tế đã được đề cập từ năm 1998 và đến nay, một số bộ, ngành đã thực hiện. Nhưng quá trình thực hiện thì còn vướng khá nhiều chuyện mà vấn đề đáng lưu tâm là sau khi các đơn vị di dời xong thì trụ sở cũ sử dụng thế nào?
Nếu bán công khai để doanh nghiệp đấu giá xây dựng là việc cần thiết và đòi hỏi phải minh bạch, phải kèm theo chứng chỉ quy hoạch và các chức năng sử dụng đất rõ ràng cho từng khu vực chứ không thể cho đấu giá đất không. Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, không thể lại để làm nhà ở, biệt thự, vì như thế không đạt được một số mục tiêu quan trọng của việc di dời bộ ngành.
Ông Nghiêm cho hay: “Quỹ đất đó nên dùng cho các công trình công cộng như trường học, diện tích xanh, diện tích giao thông. Theo quy định, ít nhất mỗi người phải có 5m2 diện tích công cộng nhưng hiện nay, Hà Nội đã đạt được chưa? Rồi phải có 3% diện tích đất tự nhiên dành cho bãi đỗ xe thì Hà Nội mới chỉ có 0,3%. Trong khi đó lại đi khai thác ngầm còn đất bên trên thì lại không sử dụng. Nếu như khai thác diện tích đó để làm các công trình công cộng và bên dưới là xây dựng các bãi đỗ xe ngầm nhiều tầng thì sẽ hợp lý hơn”.
Vướng ở cơ chế chính sách
Trong câu chuyện liên quan tới quy hoạch hệ thống trụ sở làm việc các bộ, ngành, Bộ Xây dựng đang xây dựng và hoàn thiện phương án triển khai quy hoạch trụ sở 13 bộ ngành về khu Mễ Trì và Tây Hồ Tây. Quỹ đất sau khi di dời được ưu tiên để xây dựng các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe…
Tuy nhiên mới đây, trong văn bản trả lời Bộ Xây dựng về việc lấy ý kiến quy hoạch hệ thống trụ sở làm việc các bộ ngành, Bộ Công Thương đã đề nghị tiếp tục được sử dụng các trụ sở hiện có đến năm 2030, không di chuyển trụ sở làm việc đến khu Tây Hồ Tây.
Trong trường hợp chủ trương chung của Chính phủ "bắt buộc phải di chuyển" trụ sở làm việc của hệ thống bộ máy hành chính về địa điểm mới quy hoạch tại khu Tây Hồ Tây, thì bộ này muốn được quy hoạch theo phương án phân lô đất. Song lô đất này phải có diện tích tối thiểu 25.000 m2, để phù hợp với biên chế và nhu cầu đến năm 2030 của Bộ.
Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi tại sao Bộ Công Thương không di dời theo kế hoạch để tập trung ở 1 trụ sở làm việc hiêu quả thay vì phân tán đến 4-5 trụ sở nhỏ nằm ở các khu vực khác nhau? Và nếu Bộ nào cũng không di dời và cùng lấy lý do như Bộ Công Thương thì liệu mục tiêu quy hoạch để Hà Nội “gọn gàng” hơn có được thực hiện?
Theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, nói về giá trị đất vàng thì thế nào là đất vàng? Để khai thác giá trị đất vàng thì hiện nay còn tồn tại những gì? Bao nhiêu khu đất vàng hàng mấy chục năm nay Hà Nội vẫn không làm được vì chủ trương khai thác. Rất nhiều mảnh đất vàng cần quy hoạch phát triển đồng bộ tạo thành trung tâm mới của Thủ đô thì lại để hoang hóa. Rồi đến câu chuyện đất vàng ở các trụ sở bộ, ngành chẳng bộ nào muốn trả, dù có trụ sở mới vẫn ôm đất cũ…
“Vậy thì phải chăng ở đây cần cơ chế đặc thù cho Hà Nội để cụ thể luật hóa định hướng Luật Thủ đô để có thể tạo ra một Hà Nội có không gian xanh, diện tích công trình công cộng như mong muốn. Thủ tướng cũng đã có lộ trình quyết định, vậy thì cần phải tuân thủ, mắc ở chỗ nào, chính là ở cơ chế chính sách vẫn đang còn tồn tại, không loại trừ khả năng có sự chi phối của các nhóm lợi ích.
Tóm lại là quản lý ra sao để khai thác có hiệu quả cả quỹ đất trong nội đô. Giải quyết được vấn đề này thì Hà Nội mới có thể xanh, văn hiến, văn minh được, và con người là trung tâm”, ông Nghiêm nhấn mạnh.