Aa

Di dời trụ sở bộ, ngành: “Còn nể nang, thiếu cương quyết”

Thứ Tư, 06/09/2017 - 06:01

Đó là nhận định của ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ BĐS Hà Nội, (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Reenco Sông Hồng) khi trao đổi về chủ trương di dời trụ sở bộ, ngành ra khỏi các quận nội thành Hà Nội.

- PV: Có một chủ trương đã được Chính phủ đề ra từ 20 năm trước, là di dời trụ sở cơ quan bộ, ngành ra khỏi các quận nội thành. Ông nghĩ sao về quyết định này?

Ông Nguyễn Thế Điệp: Đây là một chủ trương tốt, là mục tiêu rất là chính xác khi đạt được hai mục đích.

Thứ nhất là giãn dần dân số nội đô ra ngoại ô. Thực tế hiện nay, mật độ dân số nội đô đăng tăng lên rất nhanh. Hai là, các bộ, ngành khi được di dời thì cơ sở vật chất sẽ đàng hoàng hơn, đúng tầm cỡ của một quốc gia 100 triệu dân.

Chính lẽ đó, chúng ta cần quyết liệt và phải làm triệt để theo đúng chủ trương đó. Bất kể ở bộ, ngành nào, cũng phải thực hiện nghiêm minh. Cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Thường trực CLB BĐS Hà Nội.

- PV: Tuy nhiên, đến nay, xem ra chưa được bao nhiêu đơn vị thực hiện. Có một số bộ, ngành dù đã chuyển về trụ sở mới nhưng vẫn giữ trụ sở cũ với nhiều lý do được viện ra. Thưa ông, nguyên nhân chính do đâu?

Ông Nguyễn Thế Điệp: Có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan. Thứ nhất, vốn ngân sách đầu tư cho các bộ, ngành nhiều khi không đầy đủ, dứt khoát dẫn đến việc các bộ, ngành được xây dựng trụ sở mới nhưng chưa hoàn chỉnh.

Thứ hai là, sau khi di dời có thể phát sinh rất nhiều vấn đề trong nội bộ. Chẳng hạn như nhiều bộ, ngành chưa đủ diện tích hoặc chưa đủ cơ sở vật chất để bố trí, sắp xếp được các cơ quan trực thuộc.

Đặc biệt, cản trở lớn nhất chính là tinh thần của các bộ, ngành chưa cương quyết. Chúng ta còn nể nang, còn có sự lấn cấn dẫn đến việc không di rời được ngay; các cấp chính quyền cũng thiếu cương quyết.

Hiện nay, việc thực thi các quyết định, nghị quyết, quyết sách của Chính phủ chưa thực sự nghiêm túc, dẫn đến việc không hoàn thành di rời các trụ sở bộ, ngành một cách đúng luật, đúng thời hạn và đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Các bộ, ngành cần phải có trách nhiệm khi đã được bố trí vốn xây dựng trụ sở mới thì buộc phải di rời, bàn giao trụ sở cũ theo đúng lộ trình đã cam kết.

- PV: Chính phủ đã tính đến 2 đề xuất của Bộ Xây dựng. Một là, Chính phủ đầu tư xây dựng toàn bộ các trụ sở xong giao các bộ ngành khai thác sử dụng. Các bộ ngành bàn giao lại toàn bộ cơ sở trong nội thành để nhà nước quản lý, khai thác sử dụng chung. Hai là, Chính phủ giao các bộ ngành chủ động xây dựng trụ sở của bộ ngành trên các ô đất được phân chia theo quy hoạch được duyệt (tại Mễ Trì và Tây Hồ Tây). Ông đánh giá sao về 2 đề xuất này?

Ông Nguyễn Thế Điệp: Cả hai đề xuất trên đều có những thuận lợi và khó khăn nhất định.

Phương án Chính phủ triển khai xây dựng toàn bộ trụ sở các bộ, ngành nếu làm được sẽ tạo sự nhất quán ngay từ đầu. Tuy nhiên, nguồn lực của Nhà nước trong giai đoạn này còn nhiều khó khăn nên việc đầu tư lớn vậy chắc chắn sẽ gặp những trở ngại.

Chúng ta cần phải xã hội hóa để các bộ, ngành chủ động tìm đối tác hoặc là có cơ chế để huy động được nguồn vốn ngay để đầu tư. Có thể tính đến phương án cho đấu giá đất trụ sở bộ, ngành sau di dời.

Tôi cho rằng, phương án hai sẽ nhanh chóng, thuận lợi hơn trong giai đoạn hiện nay. Trụ sở các bộ, ngành có thể để các thành phần kinh tế khác có vốn khai thác theo quy hoạch. Chúng ta nên tìm ra một giải pháp, một cơ chế nào đó nhanh, thuận lợi và thực tế nhất.

Trụ sở mới của Bộ Nội vụ và Bộ Tài Nguyên và Môi trường nhìn từ trên cao. Ảnh: Trần Kháng.

Trụ sở mới của Bộ Nội vụ và Bộ Tài Nguyên và Môi trường nhìn từ trên cao. Ảnh: Trần Kháng.

- PV: Việc chúng ta không thể huy động ngân sách trong khoảng dăm ba năm để có thể hoàn thành cũng không có gì lạ. Theo ông, Nhà nước có nên tính đến một giải pháp khác mang tính kinh tế, hiệu quả hơn. Đó là một khi đã tính di dời các bộ ngành ra khỏi thành phố thì phải khẩn trương bàn giao lại cho Chính phủ mà không nên lấy lý do gì giữ lại. Lúc này, cụ thể là bộ Tài chính sẽ là đầu mối thay mặt Chính phủ nắm giữ rồi tiến hành đấu giá công khai một số trụ sở có giá trị đất cao. Những khu vực giá trị thấp hơn thì hãy tính chuyện làm vườn hoa hoặc bãi đỗ xe...?

Ông Nguyễn Thế Điệp: Nếu như đất của các bộ, ngành di rời bàn giao lại được đem ra đấu giá sẽ là một hình thức xã hội hóa nguồn vốn rất tốt. Những khu đất không thể kinh doanh được thì nên trao lại cho chính quyền địa phương sử dụng vào mục đích công cộng.

Di rời tất các bộ, ngành ra thì cần nguồn lực rất lớn. Chính vì lẽ đó, chúng ta cần phải làm một cách linh hoạt hơn. Có thể đấu giá từng bộ, ngành để có thể di rời dần dần ra trong một khoảng thời gian nhất định. Chúng ta có thể hoàn thành việc này nhưng phải có lộ trình. Nếu không quyết liệt, sẽ không thể thành công.

- PV: Tuy nhiên, còn liên quan đến mục tiêu giãn mật độ dân số cho khu vực nội thành, quy hoạch giao thông nếu như chủ đầu tư xây các chung cư cao tầng. Hạn chế hoặc khắc phục bất cập này như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Thế Điệp: Rõ ràng khi chúng ta có chủ trương như vậy thì phải phân loại các lô đất. Khu nào có thể xây được nhà ở, văn phòng, khách sạn, công trình công cộng… Phải phân định rõ ràng thì mới định hình được là khu nào đấu giá được và không đấu giá được. Khu nào phải bàn giao về thành phố để xây dựng công trình công cộng. Chúng ta phải cân đối và có quy hoạch rõ ràng thì mới triển khai được một cách có hiệu quả.

Trụ sở mới của Bộ Ngoại giao tại phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: Trần Kháng.

Trụ sở mới của Bộ Ngoại giao tại phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: Trần Kháng.

- PV: “Đất vàng” các trụ sở sau khi di rời sẽ thuộc quyền quyết định của Hà Nội, các Bộ hay Chính phủ?

Ông Nguyễn Thế Điệp: Theo phân cấp quản lý khu vực thì rõ ràng thuộc thẩm quyền của TP. Hà Nội. Nhưng, chúng ta di rời hầu hết trụ sở các bộ, ngành ra bên ngoài nội đô thì quỹ đất sẽ rất lớn. Cần phải có sự thống nhất giữa các bộ, ngành cùng với TP. Hà Nội.

Chính phủ cần có ý kiến để chỉ đạo vấn đề này để vừa đảm bảo tinh thần của chủ trương, đồng thời, quyền lợi của các bộ, ngành, TP. Hà Nội được đảm bảo. Rõ ràng, cần một đầu mối và tôi cho rằng, đó là Chính phủ.

- PV: Theo bảng giá đất của TP. Hà Nội công bố thì giá đất ở các khu có trụ sở các bộ đã hoặc sắp chuyển đi hiện nay còn kém khá xa so với giá thị trường. Điều đó có thể làm cho khâu định giá thiếu chính xác?

Ông Nguyễn Thế Điệp: Chúng ta phải đưa ra tham chiếu với giá đất xung quanh cộng thêm những đánh giá của nhà tư vấn độc lập.

Cần phải kết hợp nhiều yếu tố thì mới đưa ra một bảng giá chuẩn. Vì đưa ra đấu giá công khai nên cần mức giá phù hợp nhất để tạo sự công bằng, nhà đầu tư cũng có lợi mà ngân sách Nhà nước cũng không bị thất thoát.

- PV:  Thưa ông, trong câu chuyện các bộ, ngành chậm di rời trụ sở thì phải chăng, đang có một lỗ hổng pháp lý nào đó dẫn đến tình trạng này?

Ông Nguyễn Thế Điệp: Điều này hoàn toàn đúng. Bởi vì chúng ta có chủ trương di rời nhưng chưa có chế tài để xử phạt. Nếu như bộ, ngành chậm di rời thì sẽ bị xử lý như nào?

Chính vì lẽ đó, các bộ, ngành đang chần chừ chưa chuyển hết ra. Thể chế của chúng ta còn nhiều điểm chưa hoàn chỉnh. Tới đây, cần phải thay đổi theo hướng bổ sung chế tài xử phạt việc chậm triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước.

- PV: Việc chậm di rời các trụ sở bộ, ngành có phải là sự lãng phí tài sản của quốc gia và nếu như đây là một sự lãng phí tài sản quốc gia thì ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm?

Ông Nguyễn Thế Điệp: Như tôi nói ở trên, rõ ràng là hiện nay, pháp luật vẫn còn kẽ hở. Chính vì lẽ đó, những quy định cần phải có chế tài để làm sao những người thực thi công vụ cũng như những người được thực thi công vụ đều có những cơ sở để xử lý.

Cần chế tài để xử phạt các cơ quan Trung ương đã xây xong trụ sở mới mà không bàn giao trụ sở cũ. Rõ ràng, người đứng đầu sẽ phải chịu hình thức kỷ luật nào đó thì mới thỏa đáng.

PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top