Aa

"Cuộc chinh phục" không dành cho đa số nhà đầu tư

Thứ Tư, 07/06/2017 - 06:01

Chia sẻ về câu chuyện phát triển và bảo tồn trong BĐS du lịch - nghỉ dưỡng, TS Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, đây là phân khúc không dành cho đa số nhà đầu tư, bởi không chỉ có tiền là có thể xây dựng các khu du lịch - nghỉ dưỡng. Những người đầu tư vào đây phải thực sự có tiềm lực rất mạnh về kinh tế, có tư duy chiến lược bài bản, biết tôn trọng và yêu quý thiên nhiên.

Phát triển để bảo tồn

Thời gian qua, khi thị trường BĐS trên đà phục hồi và tăng trưởng mạnh cũng là lúc phân khúc BĐS nghỉ dưỡng trở thành “cuộc chơi” của những nhà đầu tư chuyên nghiệp. Trong dòng chảy đó, nổi bật lên câu chuyện, các nhà đầu tư đang tận dụng thế mạnh của những khu di sản, khu vực có danh lam thắng cảnh đặc biệt để xây dựng các công trình nghỉ dưỡng với quy mô lớn.

Điều này dẫn đến làn sóng tranh cãi, liệu có nên tiếp tục để các nhà đầu tư khai thác tiềm năng du lịch quý giá của những địa điểm này khi câu chuyện bảo tồn, gìn giữ nét đẹp nguyên bản của thiên nhiên chưa thực sự được chú ý (mức độ bền vững về môi trường Việt Nam đứng thứ 129/136 các nước thuộc diễn đàn kinh tế thế giới theo đánh giá năm 2017 của Diễn đàn kinh tế thế giới).

TS. Trần Ngọc Quang

TS. Trần Ngọc Quang - Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam

Trao đổi về vấn đề này, TS. Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) cho rằng: “Với tiềm năng thiên nhiên đa dạng, nền văn hóa bản địa phong phú là các điều kiện thuận lợi đặc biệt để phát triển du lịch ở nước ta (tài nguyên tự nhiên của Việt Nam đứng thứ 34/136 nước của diễn đàn kinh tế thế giới – theo báo cáo năm 2017).

Chính vì vậy, việc phát huy lợi thế này là cần thiết và tất yếu để phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, việc phát triển BĐS du lịch - nghỉ dưỡng ở những nơi giàu tiềm năng du lịch còn liên quan đến câu chuyện làm thế nào không gây ra những hậu quả tiêu cực cho văn hóa bản địa và cân bằng giữa phát triển hạ tầng du lịch và gìn giữ tài nguyên thiên nhiên luôn, đây là mối quan tâm của những người làm du lịch có trách nhiệm.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Nhà nước đã xác định phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, phải làm sao cho các giá trị văn hóa bản địa, các tài nguyên thiên nhiên không chỉ gìn giữ để bảo tồn mà còn cần phải phát huy hiệu quả kinh tế làm giàu cho nhân dân và đất nước. Để tạo ra giá trị kinh tế bền vững, rõ ràng việc quy hoạch phát triển từng bước, ở từng khu vực theo đúng tốc độ phát triển kinh tế xã hội là việc làm cần thiết”.

Quan điểm của Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam là cần thiết phải phát triển các dịch vụ phục vụ du lịch, đặc biệt là phát triển hạ tầng du lịch ở những nơi có danh lam thắng cảnh đẹp, nhưng dứt khoát không phát triển đồng loạt, ồ ạt. Tiềm năng du lịch ở những địa phương có di sản phải coi là vốn quý, cần được bảo vệ, khai thác một cách thận trọng.

Để chứng minh cho mặt tích cực của câu chuyện phát triển hạ tầng du lịch tại những khu vực đặc biệt, ông Quang lấy ví dụ: “Ở Đà Nẵng, những khu du lịch như Bà Nà Hill do Tập đoàn Sungroup đầu tư không chỉ tạo ra thêm chỗ vui chơi để phát triển du lịch cho địa phương, mà chính việc đi thưởng ngoạn những cảnh đẹp của thiên nhiên giúp con người cảm nhận thêm được giá trị của tài nguyên thiên nhiên, tự giác nâng cao ý thức bảo vệ và gìn giữ tài nguyên đó.”

Theo TS Trần Ngọc Quang, Bà Nà Hill là ví dụ điển hình tích cực cho việc phát triển hạ tầng du lịch

Theo TS Trần Ngọc Quang, Bà Nà Hill là ví dụ cho mặt tích cực của câu chuyện phát triển hạ tầng du lịch

Do đó, Tổng thư ký VNREA cho rằng, những hoạt động đầu tư đúng hướng, có mức độ phù hợp với tự nhiên thì sẽ có tác động tốt đến kinh tế địa phương. Đồng thời, chính việc phát triển đúng hướng sẽ là nền tảng, đòn bẩy cho công việc bảo tồn di sản, tôn tạo và phát huy giá trị của tài nguyên thiên nhiên.

Ngược lại, nếu việc đầu tư, phát triển hạ tầng du lịch tràn lan, không có quy hoạch, can thiệp thô bạo và tự nhiên sẽ làm mất đi giá trị, mất đi nét đặc trưng duy nhất của cảnh quan thiên nhiên, sức hấp dẫn khách du lịch sẽ bị mất đi. Không phải cứ mang các khách sạn, các resort vào sát hoặc thậm chí vào tận giữa các khu vực có tiềm năng thiên nhiên đặc biệt là giải pháp phát triển du lịch tốt nhất. Hoặc không phải cứ mang các resort ra lấp đầy các bãi biển là phát triển du lịch hiệu quả. Tất cả các hình thức đó chỉ tạo ra đặc quyền cho thiểu số các nhà đầu tư và làm mất đi sự phát triển bền vững của ngành du lịch.

Ví dụ như tình trạng đầu tư xây dựng tại Sapa hiện nay. Theo TS. Trần Ngọc Quang, việc đầu tư phát triển hạ tầng du lịch của Sapa là tốt và đúng hướng. Tuy nhiên, nếu phát triển hạ tầng không có quy hoạch khoa học, không đi theo một kế hoạch phù hợp sẽ “đẩy” Sapa từ một thị trấn mờ sương giữa vùng cao Tây Bắc thành “khu đô thị mới”.

Chủ đầu tư phải có tiềm lực mạnh

Nhu cầu phát triển du lịch ở Việt Nam hiện nay rất lớn. Theo mục tiêu về phát triển ngành du lịch đến năm 2020, phải thu hút 10,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 47,5 triệu lượt khách nội địa. Thế nhưng từ năm 2016, Việt Nam đã đạt được hơn 10 triệu lượt khách quốc tế, thu hút hơn 62 triệu lượt khách du lịch trong nước, vượt hẳn chỉ tiêu năm 2020. Đến nay với định hướng phát triển đến 2020 phải đạt 17-20 triệu lượt khách quốc tế, và 80 triệu lượt khách nội địa thì hạ tầng về du lịch phải phát triển mạnh hơn nữa mới đáp ứng kịp được nhu cầu.

“Việt Nam hiện đang là một trong những nước có mức độ thông thoáng về thủ tục nhập cảnh hạng 116/136 nước của diễn đàn kinh tế thế giới. Theo xu hướng chung, việc thông thoáng này đang được gia tăng. Điều này dự kiến sẽ khiến cho lượng khách du lịch đến Việt Nam sẽ được gia tăng mạnh mẽ hơn, nếu không đầu tư hạ tầng vào du lịch thì chúng ta mất cơ hội phát triển cho ngành du lịch nói riêng và không đáp ứng được nhu cầu của xã hội và nền kinh tế nói chung. Chính vì vậy, việc phát triển mạnh mẽ các khu du lịch, khách sạn, resort là điều cần thiết. Song chung quy lại vẫn là định hướng phát triển của Nhà nước, địa phương trong vấn đề quy hoạch và kế hoạch phát triển”, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam nhận định.

Theo đó, ông Quang cho rằng, hầu hết các khu du lịch ở Việt Nam hiện nay đều không cân đối, khu có chỗ nghỉ lại thiếu chỗ vui chơi, có khu vui chơi thì thiếu chỗ mua sắm. Các khu du lịch hiện đang phát triển không đồng bộ. Khách du lịch nội địa tìm đến vì ít có sự lựa chọn chứ không hẳn hoàn toàn vì sức hút của du lịch.

Tất cả các khu du lịch để có sức hút lâu bền phải đảm bảo 3 yếu tố: Nghỉ ngơi, vui chơi giải trí cùng với thăm quan du lịch và mua sắm. Để phát triển đồng bộ các yếu tố này không một nhà đầu tư nào có thể tự mình làm được cả. Muốn thực hiện được phải có “bàn tay” can thiệp mạnh mẽ của Nhà nước về quy hoạch, cơ chế chính sách và kế hoạch phát triển đồng bộ. Làm sao tạo ra những trung tâm du lịch có hạ tầng vừa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch, nhưng vẫn phải bảo tồn và giữ gìn được vẻ nguyên sơ của cảnh quan. Đó mới chính là đầu tư hạ tầng du lịch bền vững.

Ông Quang nhấn mạnh: “Cần thiết phải phát triển hạ tầng du lịch, song đặt các công trình do con người tạo nên ở đâu, cự ly thế nào…trong tổng thể với các khu vực có tiềm năng thiên nhiên đặc biệt để du khách đến đây vừa có thể tham quan danh lam thắng cảnh, mà không phá vỡ tổng thể khu vực đó thực sự là vấn đề quan trọng trong việc phát triển du lịch bền vững”.

Đối với trách nhiệm của chủ đầu tư, ông Quang cho rằng, đầu tư BĐS nghỉ dưỡng không phải là phân khúc dành cho đa số các nhà đầu tư. Các nhà phát triển BĐS không chỉ có tiền là có thể xây dựng các khu nghỉ dưỡng, những người đầu tư vào đây phải thực sự có tiềm lực rất mạnh về kinh tế, có tư duy chiến lược bài bản, đồng thời phải biết quản lý vận hành khu du lịch. Ngoài kiến thức về BĐS, chủ đầu tư phải có hiểu biết về mảng du lịch nghỉ dưỡng – lĩnh vực hoàn toàn khác với BĐS.

Bên cạnh đó, phân khúc này còn đòi hỏi chủ đầu tư phải thực sự tâm huyết, không đơn thuần chỉ như xây dựng một tòa chung cư hay trung tâm thương mại, đây còn là câu chuyện của sự sáng tạo, và sự yêu quý, tôn trọng thiên nhiên.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top