Đô thị thông minh: Triết lý cuối cùng vẫn là kiến tạo nơi đáng sống
Chiến lược phát triển đô thị thời gian tới đề cập trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII có nhắc tới nội dung phát triển đô thị Việt Nam ứng dụng công nghệ mới. Dần dần Việt Nam cũng sẽ hình thành hệ thống các đô thị thông minh tập trung vào 3 miền Bắc - Trung - Nam. Hà Nội đang là nơi thí điểm nhiều khu đô thị thông minh như ở khu vực phía Bắc sông Hồng, tương tự TP.HCM là phát triển thành phố trong thành phố ở khu vực phía Đông, miền Trung là Đà Nẵng. Đây là những thành phố tiên phong đi đầu.
Cùng với đó, năm 2019, Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị cũng nêu mục tiêu cụ thể có ít nhất 3 đô thị thông minh.
Khái niệm khu đô thị thông minh có thể hiểu là một hệ sinh thái mang lại môi trường sống chất lượng cao cho người dân. Điều này được định nghĩa nhờ sự hỗ trợ của khung quy hoạch đô thị tích hợp, có sự tham gia của các bên liên quan và sử dụng công nghệ, công nghệ thông tin và phân tích dữ liệu tiên tiến. Hệ sinh thái này bao gồm các bên cung cấp giải pháp, bên thụ hưởng và hệ thống hạ tầng thông minh, khác biệt bởi khả năng đưa ra các quyết định trong thời gian thực cho tất cả các bên một cách nhanh chóng, hiệu quả, bền vững và kinh tế.
Yếu tố khiến cho khu đô thị thông minh khác khu đô thị thông thường là hạ tầng số, đây là bộ não của khu đô thị thông minh. Hạ tầng số hoạt động với 6 lớp chức năng: Lớp hạ tầng kỹ thuật; lớp cảm biến; lớp kết nối; lớp phân tích dữ liệu; lớp tự động và lớp tương tác. Ví dụ như khi có đám cháy nhỏ, lớp cảm biến sẽ phát hiện ra đám cháy ở đâu, truyền thông tin đến trung tâm xử lý dữ liệu, đưa ra các giải pháp tương thích,… trong quá trình thực hiện sự việc sẽ có chức năng tương tác để cư dân báo cáo họ ở đâu, có an toàn hay không. Rõ ràng, tạo dựng một khu đô thị thông minh và đáng sống đóng góp vào hệ sinh thái đô thị đáng sống cho người dân đô thị Việt Nam là không hề dễ dàng.
Theo ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, điều quan trọng trong hợp tác để xây dựng khu đô thị thông minh là vai trò của 4 nhà: Trong đó có chính quyền, nhà đầu tư, các chuyên gia tư vấn giỏi và đặc biệt là cư dân. Thêm vào đó là các giai đoạn phát triển khu đô thị thông minh, trong đó không chỉ tập trung phát triển khu đô thị mới quy mô như Ecopark, mà còn tái phát triển các khu đô thị cũ.
Ông Nguyễn Đỗ Dũng, Tổng Giám đốc enCity Singapore cho hay: “Khi xây dựng các khu đô thị thông minh phải đạt được 2 mục tiêu. Mục tiêu ngắn hạn là tạo được dự án cạnh tranh và hấp dẫn cho nhà đầu tư. Mục tiêu cuối cùng là chất lượng sống cho con người, bảo vệ môi trường để đảm bảo chất lượng sống. Theo đó, có những yếu tố quan trọng nhất để nói rằng khu đô thị thông minh là xu hướng đáng sống hơn”.
Còn theo TS. Trương Văn Quảng, Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII đã nói về hệ thống đô thị thông minh, coi đó chính là phát triển một mạng lưới xanh và thông minh. Một trong những bước xây dựng thành phố thông minh, khu đô thị thông minh là phải tìm được nhà tư vấn nhiều kinh nghiệm, có bản lĩnh và giỏi chuyên môn.
Doanh nghiệp và đơn vị tư vấn quy hoạch phải tìm được tiếng nói chung
Là doanh nghiệp kiến tạo nên khu đô thị xanh đáng sống Ecopark, ông Nguyễn Công Hồng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Ecopark chia sẻ, sự thành công của Ecopark đến từ vai trò của đơn vị tư vấn quy hoạch.
Phát triển đô thị thông minh thực sự là một “cuộc chơi lớn”, trong đó cần có những “người cùng chơi” có “tầm nhìn” và “tiềm lực”, hướng tới mục tiêu nhân văn là cuộc sống hạnh phúc, sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ môi trường và thiết lập hệ sinh thái đô thị phát triển bền vững.
"Đô thị đáng sống phải có người ở, nếu cư dân không đến thì làm đô thị còn có ý nghĩa gì? Và như thế, khi kiến tạo một khu đô thị, phải trả lời câu hỏi làm thế nào để có thể thu hút được người dân về sinh sống", ông Hồng nói và cho biết: "Kiến tạo khu đô thị đáng sống phải dáp ứng được các tiêu chí của Nhà nước khi phê duyệt quy hoạch, có hạ tầng và hệ sinh thái đồng bộ.
Người dân khi có ý định về ở họ sẽ đặt các câu hỏi như: Con cái học ở đâu, chữa bệnh ra sao, làm việc, vui chơi thế nào? “Tôi đã đi tham quan nhiều dự án, nhiều địa phương bỏ hàng ngàn héc-ta để phân lô bán nền nhưng không đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đó là sự lãng phí. Vì thế, hạ tầng xã hội phải đi trước. Với một khu đô thị đáng sống, đây là điều kiện sống tối thiểu. Nhà phát triển dự án cần đặt mình ở vị trí là khách hàng để thấy những nhu cầu cơ bản cho một nơi đáng sống đó là nhu cầu về trường học, y tế, dịch vụ…”, ông Hồng nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, ông Hồng nhận định, đối với một dự án, quy hoạch là khâu đầu tiên và quan trọng. Và trong câu chuyện quy hoạch, điều đầu tiên là phải chọn được nhà tư vấn đúng. Tuy nhiên, ông Hồng cho rằng, đơn vị tư vấn quy hoạch và doanh nghiệp phải cùng mục tiêu, cùng định hướng mới có thể tìm được tiếng nói chung.
Đưa ra minh chứng về vai trò của quy hoạch, ông Pablo Acebillo, chuyên gia cao cấp về Quy hoạch và Hạ tầng, enCity cho hay, thông qua quy hoạch thông minh, nhà đầu tư có thể sử dụng dữ liệu để đưa ra quyết định về đầu tư vận hành và hạ tầng phát triển liên kết với nhau đồng bộ như thế nào.
Ông Pablo nhấn mạnh: “Xây dựng khu đô thị thông minh không chỉ dựa vào nỗ lực của nhà đầu tư, nhà tư vấn, nhà cung cấp giải pháp khoa học kỹ thuật mà là sự tương tác, tham gia của nhiều nhóm khác nhau. Khu đô thị thông minh không thể được xây dựng đơn thuần bằng các quyết định “từ trên xuống”. Chúng tôi tin rằng với mọi dự án, khách hàng hay cư dân chính là trọng tâm, nên tất cả giải pháp tập trung vào giải quyết vấn đế của cư dân, qua đó giải quyết vấn đề của nhà đầu tư”.
Về giải pháp kiến tạo khu đô thị mới thông minh và đáng sống, với kinh nghiệm của đơn vị tư vấn quy hoạch quốc tế, ông Nguyễn Đỗ Dũng, Tổng giám đốc enCity cho rằng, nếu như kiến tạo một đô thị mới đã là một bài toán khó thì kiến tạo khu đô thị mới đáng sống lại càng khó hơn.
Ông Dũng cho hay, với quốc gia đang phát triển đô thị rất mạnh mẽ như Việt Nam, doanh nghiệp thường lo bán hàng và lo tìm người vào ở. Nhưng thực ra khi người dân ở, họ hình thành một cộng đồng và cả một chu kỳ cuộc đời của con người gắn với cộng đồng thì cộng đồng ấy cũng cần được bền vững theo sự thay đổi cả xã hội. Đây là câu chuyện rất nhức nhối ở Nhật hay Bắc Mỹ. Một cộng đồng được quy hoạch cho gia đình trẻ có trường học, nhưng 50 năm sau thì toàn người già, lúc này lại cần nhà “già” hơn là cần trường học.
Với các nhà đầu tư và với khách hàng mua nhà, làm sao cho giá trị đất đai được gia tăng theo thời gian? Với phần lớn người dân, nhà cửa là đầu tư lớn nhất cho một cuộc đời. Dù chúng ta mua một căn nhà dùng để ở nhưng sau bán đi thì giá trị vẫn gia tăng. Đây là câu hỏi không chỉ với các nhà đầu tư mà còn dành cho chính quyền các quốc gia lớn.
Cũng chia sẻ thêm về vai trò của đơn vị tư vấn quy hoạch, ông Đỗ Viết Chiến nhận định: “Theo quy định tại Việt Nam, Nhà nước bỏ tiền lập quy hoạch chung, sau đó lập quy hoạch phân khu. Nhưng lập quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư là do doanh nghiệp.
Trong việc này, không chỉ thiên về vấn đề lợi nhuận mà ở đây còn là đảm bảo hài hòa yếu tố lợi nhuận của chủ đầu tư với quyền lợi của người dân. Điều đó cho thấy một trong những bước xây dựng thành phố thông minh, khu đô thị thông minh là phải tìm được nhà tư vấn nhiều kinh nghiệm, có bản lĩnh và giỏi chuyên môn.
Cơ duyên giữa Ecopark và enCity đã tạo nên một khu đô thị điển hình, kiểu mẫu là Ecopark hiện nay. EnCity là một trong những đơn vị tư vấn nhiều dự án lớn tại Việt Nam và đã có rất nhiều kinh nghiệm. Tôi nghĩ Ecopark đã cân nhắc rất nhiều để chọn mặt gửi vàng và lựa chọn enCity từ bước đầu xây dựng dự án”.