Aa

Cuộc chuyển nhượng dự án Myanmar: Sự trượng nghĩa của tỷ phú Trần Bá Dương

Thứ Bảy, 05/10/2019 - 11:49

Sau cuộc chuyển nhượng dự án Myanmar cho Thaco, Hoàng Anh Gia Lai sẽ có cơ hội thoát khỏi tình trạng ngập sâu trong nợ nần. Với tỷ phú Trần Bá Dương, nhiều nhận định cho rằng, Myanmar sẽ là dự án sinh lời đáng hấp dẫn.

Bán dự án Myanmar: Bầu Đức sẽ thoát nạn

Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho biết, doanh nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức – Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai đã có công bố chuyển nhượng toàn bộ mảng bất động sản đất vàng Myanmar sang cho tỷ phú Trần Bá Dương. Cụ thể, HĐQT của HAGL đã thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ 196.368.900 cổ phần, tương ứng 47,93% vốn điều lệ, thuộc sở hữu tại HAGL Land sang cho CTCP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh - một công ty con của Thaco.

Việc chuyển nhượng dự án Myanmar cho Thaco hoàn tất được coi là màn cứu nạn đầy hoản hảo của tỷ phú Trần Bá Dương cho HAGL. Với khoản tiền chuyển nhượng từ dự án Myanmar, HAGL sẽ thoát khỏi gánh nợ nần nặng nề kéo dài nhiều năm.

Trong báo cáo tài chính của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã: HAG) công bố vào đầu năm 2019 cho thấy, tính đến 31/12/2018, tổng nợ phải trả của công ty còn 31.613 tỉ đồng. Theo đó, khoản nợ vay dài hạn ngân hàng của công ty còn 6.143 tỉ đồng. Nợ vay dài hạn giảm là 4.605 tỉ đồng. Vay dài hạn ngân hàng đến hạn trả trong vòng 1 năm tăng từ 579 tỉ đồng lên 1.538 tỉ đồng.

Gánh nặng của những khoản nợ ngân hàng kéo dài nhiều năm dường như là nỗi ám ảnh khiến HAGL khó bứt phá và tập trung vào định hướng phát triển trong kế hoạch tương lai.

Khu phức hợp HAGL Myanmar Centre.

Dự án Myanmar vốn là đứa con tinh thần, là niềm tự hào của bầu Đức trong lĩnh vực bất động sản, song trước khoản nợ chất chồng, HAGL buộc phải đã nhiều lần tỏ ý muốn chuyển nhượng dự án trên đất vàng này. Sự trì trệ do gánh nợ nặng khiến HAGL khó tiếp tục đưa dự án Myanmar về đích như kế hoạch đã vạch ra. Đáng lo ngại hơn khi việc tái cấu trúc doanh nghiệp cũng gặp khó khăn vì thiếu tiền sẽ làm chậm đi mục tiêu đẩy mạnh sang lĩnh vực nông nghiệp của HAGL.

Trước đó vào năm 2017, đại diện HAGL đã cho biết, sẽ đầu tư vào dự án Myanmar và nếu có đối tác nào quan tâm trả giá tốt, có kinh nghiệm, doanh nghiệp này có thể bán 50% sở hữu tại dự án để trả nợ. Thời điểm đó, bầu Đức cũng đã tuyên bố: “HAGL sẽ tập trung làm tốt dự án này để nếu có chuyển nhượng sẽ bán giá tốt”.

Tuy nhiên, phải đến thời điểm hiện tại, HAGL mới hoàn thành việc tất toán dự án Myanmar cho Thaco. Việc thoái vốn lần này được tính theo giá trị cổ phần và việc bán gần 48% cổ phần còn lại trong năm 2019 là sự rút lui toàn diện của HAGL khỏi dự án bất động sản trên "đất vàng" Yangon.

Điều này cũng đồng nghĩa, HAGL sẽ thoát khỏi gánh nợ, tập trung cấu trúc doanh nghiệp, toàn tâm toàn lực tập trung bước vào mục tiêu trở thành tập đoàn trong lĩnh vực nông nghiệp lớn nhất châu Á.

Mua dự án Myanmar, tỷ phú Trần Bá Dương được gì?

Với bầu Đức, có thể nói, việc chuyển nhượng dự án Myanmar như một giải pháp để HAGL thoát khỏi cảnh “ngập” trong nợ đồng thời sẽ tạo đà cho định hướng xây dựng “đế chế” nông nghiệp. Nhưng với tỷ phú Trần Bá Dương, vị Chủ tịch của Thaco sẽ được gì từ dự án này?

Cần phải nhắc lại, trong giới thương trường đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, dự án Myanmar được đánh giá là một công trình có khả năng “hái ra tiền”. Công trình nằm tại "đất vàng" Yangon, từng được bầu Đức đặt hết kỳ vọng. Vị Chủ tịch của HAGL đã dành nhiều tâm huyến cho một nước cờ đầu tư táo bạo khi rót vốn ra nước ngoài.

Trước đó, bầu Đức đã tuyên bố "đầu tư hẳn hoi, chứ không phải làm khơi khơi", và "đảm bảo dự án sẽ lãi to sau khi hoàn thành". Năm 2017, dự án Myanmar đã tạo doanh thu 1.142 tỷ đồng và lợi nhuận gộp là 607 tỷ đồng. Lẽ ra dự án này sẽ tiếp tục được bầu Đức rót vốn để hoàn thiện song do khoản nợ chồng chất khiến khu phức hợp trên “đất vàng” bị trì hoãn.

Cuộc bắt tay giữa bầu Đức và tỷ phú Trần Bá Dương.

Một dự án giàu tiềm năng từ vị trí sinh lời đến cơ hội kinh doanh tại một thị trường bất động sản trên đà tăng trưởng, thì với tiềm lực tài chính mạnh của Thaco, “cuộc sang tên đổi chủ” được dự báo sẽ mang lại nhiều khởi sắc cho dự án nằm trên đất vàng Myanmar và khoản lợi nhuận thuần đáng kể cho nhà đầu tư.

Chưa kể, ở góc độ nhìn nhận khác, những chuyển nhượng dự án thường mang nhiều gam màu trầm bởi sự hoài nghi và lo lắng. Song mối nhân duyên giữa bầu Đức và tỷ phú Trần Bá Dương lại được nhắc đến với sự ngưỡng mộ của giới thương trường. Bởi đó không đơn thuần là chiếc bắt tay làm ăn hợp tác mà là cuộc “hôn nhân” tốt đẹp giữa một doanh nhân trượng nghĩa và một doanh nhân nuôi hoài bão xây dựng “đế chế” nông nghiệp.

Còn nhớ cách đây 1 năm, quyết định bỏ tiền ra mua cổ phiếu cho bầu Đức, vực dậy HAGL của tỷ phú Trần Bá Dương khiến người ta không khỏi bất ngờ lẫn hoài nghi. Trong lễ kỷ niệm một năm rót vốn vào HAGL, Chủ tịch Thaco đã kể lại lý do vì sao lại đưa ra quyết định mạo hiểm như vậy. Đó là một ngày đầu năm 2018, ông Đoàn Nguyên Đức bất ngờ gọi điện mời mua cổ phiếu nhưng khi đó chủ tịch Thaco không quan tâm đến chứng khoán. Một lá thư tay tiếp tục kể về khó khăn chồng chất, làm nông nghiệp thiếu tiền nhưng ngân hàng không cho vay và khẩn thiết nói chỉ có "đầu kéo tầm cỡ như Thaco" mới đủ sức vực dậy công ty mình đã khiến vị tỷ phú này đã thay đổi quyết định. Tâm thư của ông Đức bộc bạch rằng, nếu cứu được HAGL, không chừng còn gây dựng nên một đế chế nông nghiệp "vô tiền khoáng hậu" cho Việt Nam.

"Tôi đồng ý hỗ trợ Bầu Đức. Cái khó của anh Đức là gánh khoản nợ quá lớn. Tôi bàn với anh xử lý nợ, rồi cùng mở rộng sản xuất" – Tỷ phú Trần Bá Dương đã chia sẻ như vậy nhân kỷ niệm 1 năm rót vốn cho HAGL. Và bất chấp những cảnh báo về việc cứu con tàu đắm HAGL, tỷ phú Trần Bá Dương vẫn quyết định rót vốn.  Thương trường hiếm có doanh nhân nào như chủ tịch Thaco, nhất là ở thời điểm thị trường đang cạnh tranh gay gắt.

Những lần cứu HAGL của tỷ phú Trần Bá Dương không chỉ là cuộc vực dậy một doanh nghiệp đã từng vang bóng một thời mà còn lại sự trượng nghĩa, ủng hộ hết mình với hoài bão của bầu Đức – vị doanh nhân tâm huyết với nền nông nghiệp Việt. Xa hơn, tất cả là vì Việt Nam cần những doanh nghiệp, “đế chế” lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực “cốt cán” truyền thống.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top