Aa

Đà Nẵng chủ trương "dìm giá" bất động sản: Thị trường sẽ diễn biến ra sao?

Thứ Bảy, 07/09/2019 - 09:56

Thị trường bất động sản Đà Nẵng tính trong 8 tháng của năm 2019 chứng kiến những diễn biến ảm đạm trên hầu khắp các phân khúc. Đặc biệt là sản phẩm đất nền, sau những cơn sốt bất thình lình diễn ra vào cuối năm 2018 và đầu năm 2019.

Sau cơn sốt, thị trường điêu tàn

Cơn sốt đi qua, "cò" đất đã tháo chạy,  mặc dù, giá đất đã có giảm nhưng lượng giao dịch rất ít và xu hướng này đang có chiều hướng gia tăng.  Chính điều này khiến nhiều nhà đầu tư bỏ đi tìm "miền đất hứa" mới, để lại một thị trường bất động sản Đà Nẵng điêu tàn. 

Thực tế, nhiều Công ty đầu tư bất động sản tại Đà Nẵng đã có những bước chuyển hướng chuyển dịch đầu tư vào các thị trường tỉnh khác như Quảng Ngãi, Bình Định, Huế hay xa hơn là Quảng Bình trong khi các dự án của họ ở Đà Nẵng và Quảng Nam gần như đang bị "đóng băng" từ đầu năm 2019 đến nay.

Phân khúc đất nền dự án tại thị trường Đà Nẵng, Quảng Nam “tuột dốc” về giá cả lẫn số lượng giao dịch. Giá đã giảm 20 - 30% tùy khu vực.  Không có người mua, muốn bán rút vốn cũng không phải dễ,  nhiều người phải ngồi "ôm đất" nhìn giá đất lao dốc.

Tuy nhiên sự suy giảm này có thể chưa dừng lại ở đây mà còn giảm sâu hơn nữa khi mới đây, chính quyền Đà Nẵng đưa ra chủ trương "dìm giá" bất động sản. 

Ảnh minh hoạ

Ngày 28/8 , tại buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - ông Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh:

"Đà Nẵng đang chủ trương dìm bằng được giá nó (bất động sản - PV) xuống, không để nổi phình phình chỉ nuôi mấy ông mua đi bán lại, người dân không được gì. Đà Nẵng còn quỹ đất bao nhiêu để dành lại, làm của để dành, chứ cứ đưa 1 miếng đất bán ra được 1 đồng bạc thì mất 20 đồng để giải quyết vấn đề khác, trong khi Đà Nẵng không có nhu cầu thật”, ông Trương Quang Nghĩa nói.

Chủ trương "dìm giá" này chính là hệ lụy từ việc loạn giá đất với những cơn "sốt" ảo của thị trường. Bằng rất nhiều cách, nhiều chiêu trò, giới "cò đất" đã thổi giá bất động sản tại Đà Nẵng lên một mức quá cao, vượt giá trị thực của nó. Vậy trước những tác động từ phía chính quyền, thị trường bất động sản Đà Nẵng sẽ ra sao và các chuyên gia nhìn nhận gì về động thái này?

Phải tôn trọng quy luật của thị trường

Trả lời báo chí về xu hướng phát triển của thị trường bất động sản Đà Nẵng, bà Lê Thị Kim Hoa - Giám đốc quản lý văn phòng Savills Việt Nam tại Đà Nẵng cho rằng việc siết chặt quản lý là một trong những yếu tố khiến thị trường chững lại. Những động thái này tác động đến tâm lý của người mua và sự hiểu biết của người mua.

Theo bà Hoa, điều quan trọng nhất là chính quyền tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý để tạo ra môi trường đầu tư minh bach, rõ ràng:

"Nếu so với các nơi thì thị trường Đà Nẵng rất tiềm năng, chỉ là trong thời gian qua, Đà Nẵng không có thêm những nguồn cung mới nên thị trường mới trở nên yên ắng, cùng với đó là những chính sách pháp lý khiến các nhà đầu tư dịch chuyển để tìm kiếm những cơ hội đầu tư khác.

Nên theo tôi, TP. Đà Nẵng nên sớm tháo gỡ và có những chính sách pháp lý rõ ràng đối với các dự án cũng như các sản phẩm bất động sản đế giữ nhà đầu tư ở lại. Việc tháo gỡ cũng đừng để quá lâu, bởi nếu quá lâu, các nhà đầu tư sẽ dịch chuyển dòng tiền đi nơi khác, và một khi đã dịch chuyển đi nơi khác sẽ khó lòng kéo họ quay lại. Và muốn họ quay lại sẽ mất thời gian khá dài và như vậy thị trường lại phải chứng kiến sự ảm đạm không tốt".

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, đứng về góc độ quan điểm thị trường là phải tôn trọng cầu và cung, chính quyền có thể đưa ra những chính sách làm thế nào để thị trường hoạt động đúng bản chất và phát triển theo tự nhiên.

TP. Đà Nẵng là nơi đã được đầu tư quá mạnh của nhà nước và các doanh nghiệp, đặc biệt là hệ thống hạ tầng đô thị, các công trình công cộng, xã hội, dịch vụ thiết yếu…, sự phát triển kinh tế của TP. Đà Nẵng đang rất mạnh. Do vây, nhu cầu về bất động sản của các nhà đầu tư tại TP. Đà Nẵng và nhà đầu tư ở các địa phương đến đầu tư ở đây là phải có.

Việc chính quyền can thiệp sâu vào thị trường bằng các cơ chế, chính sách, mệnh lệnh thì sẽ làm mất bản chất tự nhiên của thị trường, dẫn đến sự méo mó, lệch lạc. Ngược lại, muốn khuyến khích phát triển phải có những chính sách như thuế hay chính sách hỗ trợ khác thì phù hợp hơn khi lãnh đạo địa phương lại chủ trương “dìm giá” bất động sản.

Ông Đính cho rằng, thị trường ở Đà Nẵng không phải là cao mà nó ở một mức khá phù hợp, nó tương xứng với một đô thị được đầu tư bài bản, hoàn chỉnh và có nhiều lợi thế như thế.

"Tôi không biết lý do gì mà lãnh đạo thành phố lại cho rằng giá bất động sản ở đây là cao và có động thái "dìm giá". Không nên có tư tưởng, động thái can thiệp vào, vì giá của sản phẩm nó được hình thành từ cung và cầu một cách tự nhiên, không thể dùng mệnh lệnh để kéo giá xuống theo dạng cưỡng bức được. Nếu cưỡng bức thế thì rõ ràng người có sản phẩm họ cũng không bán giá thấp hơn khả năng chi trả của thị trường", ông Đính nói.

Theo Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thay vì can thiệp bằng cách dìm giá thì nên kích thích để thị trường phát triển. Theo quy luật trong kinh tế, khi giá bất động sản đi lên thì mới khuyến khích các nhà đầu tư đến, vì đầu tư vào họ phải sinh lời, nếu giá cứ đi xuống thì khả năng sinh lời không có, dẫn đến không ai dám đầu tư, nhà đầu tư bỏ đi tìm miền đất mới và không tránh khỏi hình thành một thị trường "chết". 

"Theo tôi, việc 'dìm giá' của chính quyền Đà Nẵng là không nên, ngay cả trong tư duy, trong quản lý của các nhà lãnh đạo các địa phương không nên có nhưng tư duy đó. Vấn đề về thị trường bất động sản ở Đà Nẵng không phải là vì giá, mà đang nằm về vấn đề quản lý của nhà nước tại đây. Nên, chúng ta phải điều chỉnh các vấn đề về chính sách tại địa phương làm thế nào để thị trường phát triển mạnh mẽ trở lại như thời kỳ trước", ông Đính nói thêm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top