Aa

Đà Nẵng: Cố gắng đảm bảo hoạt động của ngành sản xuất công nghiệp

Thứ Tư, 01/09/2021 - 06:00

Theo UBND TP. Đà Nẵng, trong tháng 8/2021, tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đã gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh…

Hoạt động sản xuất công nghiệp chịu tác động mạnh, do các cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp và khu công nghệ cao tuy được hoạt động nhưng phải đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ” (làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ) tuân thủ tuyệt đối quy định “5K”, đồng thời chỉ được phép sử dụng tối đa 30% số người làm việc.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP. Đà Nẵng bị tác động nặng nề
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP. Đà Nẵng bị tác động nặng nề.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trong tháng 8/2021 ước giảm 21,7% so với tháng trước và giảm 17,1% so với tháng cùng kỳ năm 2020, trong đó ngành khai khoáng mặc dù giảm 18,9% so với tháng trước nhưng so với cùng kỳ đạt mức tăng trưởng khá cao, tăng 73,5%. Đây là nhóm ngành chiếm tỷ trọng thấp và gần như không hoạt động ở tháng cùng kỳ để thực hiện chủ trương giãn cách xã hội, đồng thời một số đơn vị phải tạm ngừng hoạt động do vi phạm thời hạn cấp phép khai thác.

Ngành chế biến, chế tạo giảm lần lượt 24,3% so với tháng trước và 19,9% so với cùng kỳ năm 2020; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 2,2% và tăng 1,5%; hoạt động cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,4% và giảm 8,6%.

Tính chung 8 tháng năm 2021, chỉ số IIP tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 42,9%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm gần 0,1%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 1,4%; ngành sản xuất nước và xử lý rác thải giảm 5%. Mặc dù nhóm ngành chủ lực công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng giảm so với cùng kỳ nhưng để duy trì và đạt được chỉ số sản xuất như trên là sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp sản xuất cùng chính sách linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của cấp chính quyền thành phố khi hầu hết các khu công nghiệp lớn trên địa bàn đều có ca lây nhiễm trong thời gian qua.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 8 tháng năm 2021 tăng cao so với cùng kỳ năm trước phải kể đến: bộ quần áo cho người lớn dệt kim hoặc đan móc tăng 54,2%; lốp hơi mới bằng cao su, loại dùng cho xe buýt, xe tải hoặc máy bay tăng 49,3%; động cơ điện một chiều có công suất ≤ 37.5 W tăng 30,4%; vỏ bào, dăm gỗ tăng 30,6%.

Bên cạnh đó, tình hình sản xuất của nhiều doanh nghiệp gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, làm gián đoạn đơn hàng xuất khẩu cũng như đơn hàng trong nước, thị trường tiêu thụ chậm... dẫn đến sản phẩm sản xuất giảm so với cùng kỳ, cụ thể: Tôm đông lạnh giảm 10,2%; bia đóng chai giảm 12,5%; xi măng Portland đen giảm 4,1%...

Trong tháng 8/2021, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục có xu hướng giảm lần lượt (-19,2%) và (-15,3%) so với tháng trước và so với tháng cùng kỳ. Tính chung 8 tháng năm 2021, so với cùng kỳ tăng còn 5% (7 tháng năm 2021 tăng 7,9%), trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao như: sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (+29,7%); sản xuất thiết bị điện (+25,8%); sản xuất da và các sản phẩm có liên quan (+21,4%); sản xuất kim loại (+17,1%)... Một số nhóm ngành có chỉ số tiêu thụ khá thấp, điển hình: ngành sản xuất đồ uống (-25,7%); sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu (-20,2%); sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (-16,6%)...

Xét theo ngành kinh tế, theo UBND TP. Đà Nẵng, trong tháng 8/2021, ngành khai khoáng giảm sâu nhất (-21,9%); tiếp đến là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (-2,1%); cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý nước thải (-1%). Bình quân 8 tháng năm 2021, chỉ số lao động của doanh nghiệp công nghiệp giảm 3,1% so với cùng kỳ, trong đó giảm sâu nhất là ngành khai khoáng (-19,5%) và loại hình giảm nhiều nhất là khối doanh nghiệp nhà nước, giảm gần 5,1%.

Đảm bảo tiến độ nhiều dự án trọng điểm

Dự án khu công nghệ cao được TP. Đà Nẵng đầu tư hướng đến tập trung phát triển các ngành công nghệ cao có tính bền vững và ổn định, tổng mức đầu tư cho dự án dự kiến 8.841,1 tỷ đồng. Tính từ khi khởi công đến cuối tháng báo cáo, dự án ước thực hiện được 3.111 tỷ đồng, đạt 35,2% tổng mức đầu tư. Trong đó tháng 7/2021 đạt 23,5 tỷ đồng, ước tính tháng 8/2021 đạt 16 tỷ đồng, cộng dồn từ đầu năm đến cuối tháng báo cáo đạt 232,4 tỷ đồng.

Tiến độ giải ngân đầu tư công cũng bị chậm
Tiến độ giải ngân đầu tư công cũng bị chậm

Dự án phát triển bền vững TP. Đà Nẵng là dự án gồm 5 hợp phần với tổng mức đầu tư 6.842,5 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước là 1.917 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới (không tính nguồn ODA vay lại của Trung ương). Tính đến cuối tháng báo cáo đã thực hiện được trên 5.037 tỷ đồng đạt 73,6% tổng mức đầu tư. Trong đó, tháng 7/2021 thực hiện được 112,3 tỷ đồng; ước tính tháng 8/2021 đạt 40 tỷ đồng, cộng dồn từ đầu năm đến cuối tháng báo cáo đạt 417,6 tỷ đồng.

Dự án nhà máy nước Hoà Liên với tổng kinh phí dự kiến hơn 1.170 tỷ đồng. Tính từ khi khởi công đến cuối tháng báo cáo, công trình thực hiện được gần 953 tỷ đồng, bằng 81,4% tổng mức đầu tư. Trong đó, tháng 7/2021 thực hiện 8,6 tỷ đồng và dự kiến tháng 8/2021 đạt 180 tỷ đồng (sự gia tăng đột biến giá trị thực hiện giữa tháng 8 so với tháng 7 là do trong tháng 7 dự án bị vướng công tác giải ngân vốn và giải phóng mặt bằng nên chậm thi công theo kế hoạch), cộng dồn từ đầu năm đến cuối tháng báo cáo ước đạt 543,8 tỷ đồng.

Dự án Khu công viên phần mềm số 2 Đà Nẵng là dự án có tổng mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng được khởi công từ ngày 10/10/2020. Luỹ kế từ khi khởi công đến cuối tháng báo cáo công trình đã thực hiện được 371,7 tỷ đồng, đạt 46,5% tổng mức đầu tư. Tính riêng tháng 7/2021, vốn thực hiện dự án đạt 12,5 tỷ đồng, dự kiến tháng 8/2021 đạt 45 tỷ đồng, cộng dồn từ đầu năm đến cuối tháng báo cáo ước thực hiện 325,4 tỷ đồng.

Dự án Trung tâm ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc tại Bệnh viện Đà Nẵng là dự án có tổng mức đầu tư 496 tỷ đồng với tổng diện tích 2.629m2; quy mô 2 tầng hầm, 11 tầng nổi và 1 tầng kỹ thuật. Đây là công trình được kỳ vọng giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân Đà Nẵng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Tính từ khi khởi công đến cuối tháng báo cáo, dự án ước thực hiện 78,2 tỷ đồng đạt 15,8% tổng mức đầu tư. Trong đó, tháng 7/2021 thực hiện 11 tỷ đồng, dự kiến tháng 8/2021 đạt 7 tỷ đồng, cộng dồn từ đầu năm đến cuối tháng báo cáo ước thực hiện 54,6 tỷ đồng.

Cấp mới 4 dự án FDI

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong tháng 8/2021, thành phố cấp mới 4 dự án với tổng vốn đăng ký 0,117 triệu USD, có 2 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 0,74 triệu USD, 2 lượt nhà đầu tư nước ngoài đăng ký góp vốn, mua cổ phần với giá trị 0,111 triệu USD. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/8/2021, thành phố có 29 dự án FDI đăng ký mới với tổng vốn đăng ký 149,135 triệu USD nâng tổng số dự án FDI còn hiệu lực lên 914 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 3.863 tỷ USD; 37 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần với tổng giá trị vốn góp 12,5 triệu USD.

Chính quyền TP. Đà Nẵng tập trung đề ra các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế trong thời gian tới
Chính quyền TP. Đà Nẵng tập trung đề ra các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế trong thời gian tới

Về thu hút đầu tư trong nước, tính từ đầu năm đến ngày 15/8/2021, tại Đà Nẵng có 15 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư gần 2.309 tỷ đồng (trong tháng 8/2021 không phát sinh dự án được cấp mới). Luỹ kế đến nay, toàn thành phố có 716 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư gần 149,1 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có 343 dự án đầu tư trong nước ngoài khu công nghiệp (KCN), khu công nghệ cao (KCNC) với tổng vốn đầu tư là 121,5 nghìn tỷ đồng và 373 dự án đầu tư trong nước trong các khu công nghiệp, khu công nghệ, tổng vốn đầu tư 27,6 nghìn tỷ đồng.

UBND TP. Đà Nẵng cho biết, trong tháng 8/2021 đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 294 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện với tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 873 tỷ đồng. Cộng dồn 8 tháng có 2.608 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện được thành phố cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 13.078 tỷ đồng, giảm 8,8% về số doanh nghiệp và giảm 16,3% về số vốn so với cùng kỳ 2020; hoàn tất thủ tục giải thể cho 538 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc, tăng 1,5% và có 2.225 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc tạm ngừng hoạt động, tăng 39,6% và 1.360 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc quay trở lại hoạt động. Tổng số hồ sơ liên quan đến đăng ký doanh nghiệp tiếp nhận và xử lý trong tháng là 1.331 hồ sơ, trong đó có 1.074 hồ sơ trực tuyến (chiếm tỷ lệ 80,74%)./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top