Theo đánh giá Ban Đô thị HĐND TP. Đà Nẵng cho biết, năm 2019, công tác quy hoạch, quản lý xây dựng, giao thông, tài nguyên và môi trường nhìn chung có nhiều mặt được cải thiện rõ nét. Nhiều hạng mục quan trọng của đồ án liên quan đến quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch hạ tầng đầu mối như: Cảng biển, sân bay, đường sắt, đường bộ, cấp nước, thoát nước... được tập trung nghiên cứu, thảo luận khá chuyên sâu.
Thành phố thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch một số khu vực ven sông, ven biển, đã thực hiện cắm mốc để thu hồi vệt bãi cát ven biển đưa vào sử dụng công cộng, thu hồi một phần dự án để đầu tư lối xuống biển. Công tác rà soát, đánh giá về hạ tầng đô thị để xem xét trong quyết định chủ trương đầu tư. Đặc biệt các dự án lớn, công trình cao tầng được triển khai, bước đầu đã kiểm soát được các chỉ tiêu để quản lý các công trình cao tầng khu vực trung tâm, ven sông, ven biển.
Thành phố cũng đã tổ chức xử lý được 17/26 điểm ngập úng kéo dài nhiều năm qua. Sau các đợt mưa lớn vừa qua, hệ thống thoát nước đã cơ bản thoát nước thuận lợi, giảm hẳn các điểm đen về ngập úng. Công tác triển khai Chương trình phát triển nhà ở, nhà ở xã hội được chú trọng...
Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đô thị năm 2019 tại Đà Nẵng vẫn còn tồn tại, hạn chế cần có giải pháp khắc phục. Công tác lập quy hoạch phân khu chưa đảm bảo chất lượng, thành phần theo quy định. Thực tế chỉ mới lập quy hoạch sử dụng đất, chưa có thiết kế đô thị đi kèm, chưa phân tích đánh giá tiềm năng phát triển, năng lực hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; nên chưa theo kịp với sự phát triển của đô thị và chưa làm tốt vai trò kiểm soát, ổn định về quy hoạch cho khu vực.
Nhiều dự án quy hoạch chi tiết điều chỉnh nhiều lần, chưa thực hiện đúng quy trình, quy định và khả năng đáp ứng của hạ tầng tại khu vực. Đặc biệt, các dự án có sự điều chỉnh đáng kể từ quy hoạch loại hình căn hộ du lịch sang căn hộ ở lâu dài đã gây quá tải và áp lực lớn cho hạ tầng đô thị. Việc tổ chức lập thiết kế đô thị khu vực ven biển, ven sông, khu vực trung tâm triển khai còn rất chậm, đã ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trường cho công nghiệp xây dựng của thành phố trong năm qua.
Về công tác quản lý trật tự đô thị đã được chấn chỉnh, nhưng vẫn còn nhiều bất cập trong phối hợp. Kết quả Hội nghị về tăng cường công tác đảm bảo trật tự đô thị đã xác định có 570 điểm nóng về trật tự đô thị, nhưng kết quả xử lý đến nay vẫn còn chậm.
Tình trạng xây dựng trái phép, sai phép, không phép vẫn còn diễn ra phức tạp. Các cơ quan chức năng quản lý còn lỏng lẻo trong việc hậu kiểm cấp giấy phép xây dựng. Nhiều công trình không thực hiện hoặc chuyển đổi công năng chỗ để xe ô tô theo giấy phép được cấp, nhưng không được kiểm tra, xử lý - là một trong những nguyên nhân xe đậu đỗ tràn lan ngoài đường.
Tiến độ triển khai một số công trình, dự án cấp bách về cấp, thoát nước, xử lý nước thải vẫn còn chậm, giải pháp thi công không đảm bảo an toàn. Tình trạng thiếu nước sạch, nước nhiễm mặn tuy được chỉ đạo khá quyết liệt, nhưng vẫn để lặp lại hàng năm.
Công tác ứng phó xử lý còn bị động, lúng túng; tiến độ đầu tư xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên chậm. Công tác quy hoạch, phát triển cây xanh, các không gian xanh chưa được chú trọng, chủng loại cây chưa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng...
Liên quan đến Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nắng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ban Đô thị HĐND TP. Đà Nẵng cho rằng: Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, là cơ sở pháp lý cho lộ trình tái cấu trúc đô thị, định hướng phát triển không gian đô thị cho kỳ quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Cần thiết tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng định hướng phát triển và tổ chức không gian của thành phố trong thời gian đến, tính toán quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đầu mối đảm bảo dài hạn; phát triển thành phố theo hướng bền vững, lấy yếu tố con người làm trọng tâm cho sự phát triển và kết hợp với mục tiêu trở thành thành phố môi trường, tiến tới định hướng đô thị sinh thái trong tương lai.
Bên cạnh đó, cần triển khai ngay các quy hoạch phân khu và xây dựng Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc nhằm đảm bảo kịp thời, tính hiệu lực, hiệu quả và khả thi của đồ án quy hoạch chung.
Ngoài ra, trên toàn TP. Đà Nẵng hiện nay có khoảng 67 dự án chậm triển khai. Về việc này, Ban Đô thị HĐND thành phố cũng đề nghị UBND thành phố căn cứ theo Điều 15, Luật Xây dựng và Điều 46, Luật Quy hoạch đô thị 2009, để tổ chức rà soát, công bố công khai theo quy định.
Trên cơ sở kết quả rà soát quy hoạch, đề xuất hủy bỏ các dự án không khả thi, các dự án không còn phù hợp; điều chỉnh các dự án để phù hợp với điều kiện thực tế và quy hoạch chung tại khu vực. Đồng thời, xây dựng các cơ chế chính sách để tháo gỡ khó khăn cho người dân trong vùng dự án chậm triển khai (xây dựng, sửa chữa nhà ở, tách thửa, chuyển nhập hộ khẩu...). Xác định nguồn lực và kế hoạch cụ thể để triển khai các dự án sau khi rà soát.