Theo VTC News, sau ba ngày mưa lớn (13-15/12), đoạn đường vành đai phía Tây Đà Nẵng, đi qua xã Hòa Thọ và xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang), đã xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Đất đá từ taluy tràn xuống, làm ách tắc giao thông trên tuyến đường này.
Dự án đường vành đai phía Tây Đà Nẵng (giai đoạn 1) có tổng chiều dài hơn 19km, điểm đầu giao với Quốc lộ 14B và điểm cuối nối vào trục đường chính của Khu công nghệ thông tin tập trung. Với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng làm chủ đầu tư.
Liên quan đến tình trạng sạt lở, ông Bùi Hồng Trung, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng, cho biết tuyến đường này đang đối mặt với ba vấn đề chính: Sạt lở taluy, việc chưa hoàn trả các tuyến đường dân sinh sau khi thi công và ngập lụt tại một số khu vực dân cư và ruộng vườn.
Cụ thể, tại Km5 và Km6 qua xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, sạt lở liên tiếp xảy ra, đặc biệt trong đợt mưa lớn từ ngày 13-15/12. Sự cố khiến hàng chục tấn bùn đất trượt xuống, xô đổ bờ kè rọ đá và tràn lấp hoàn toàn mặt đường bên phải với chiều dài khoảng 100m.
Ông Trung giải thích rằng đoạn đường này đi qua khu vực đồi núi cao, có địa chất phức tạp. Phương án dự phòng ban đầu gồm xây dựng thềm chờ kết hợp với hệ thống tường kè bằng rọ đá để chặn bùn đất tràn xuống. Tuy nhiên, do mưa lớn kéo dài và lượng đất đá sụt trượt quá lớn, các thềm chờ không đủ sức chứa, dẫn đến bờ tường bị xô đổ, bùn đất tràn ra mặt đường.
Để ứng phó với tình trạng này, các đơn vị liên quan đã báo cáo UBND TP. Đà Nẵng, đề xuất phương án khẩn cấp nhằm mở rộng diện tích thềm chờ, tăng khả năng chứa khối lượng đất đá từ taluy sạt xuống. Đồng thời, hệ thống tường kè bằng rọ đá sẽ được gia cố để ngăn chặn bùn đất tiếp tục tràn ra đường.
Về lâu dài, Sở Giao thông vận tải đề xuất UBND TP. Đà Nẵng cấp phép khai thác đất tại khu vực đồi núi này để tận dụng làm vật liệu xây dựng thông thường, phục vụ các công trình san lấp và nền móng đang triển khai trên địa bàn thành phố.