Ngày 4/12, Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng cho hay vừa có báo cáo 125/BC-HĐND về kết quả giám sát công tác quản lý sau cấp phép xây dựng các dự án trên địa bàn TP. Trong đó tập trung đánh giá công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị, cấp phép kinh doanh có điều kiện, cấp phép hoạt động du lịch, lữ hành, chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về PCCC tại các dự án trên địa bàn.
Trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp phù hợp nhằm nâng cao năng lực quản lý Nhà nước sau cấp phép các dự án trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.
Bất cập trong văn bản quản lý
Qua giám sát về tính pháp lý của các văn bản, quy định liên quan đến cấp phép và quản lý sau cấp phép xây dựng, Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng nhận thấy, các quy định liên quan đến cấp phép xây dựng và công nhận chuẩn sao của các cơ sở lưu trú chưa thống nhất về tiêu chuẩn nên tồn tại nhiều bất cập, thậm chí tạo cơ hội cho các chủ đầu tư cố tình sai phạm.
Việc tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư rút ngắn thời gian xin phép theo Công văn 8702/UBND-SXD ngày 21/10/2016 đảm bảo đúng Thông tư 15/2016/TT-BXD ngày 30/9/2016 của Bộ Xây dựng hướng dẫn cấp phép xây dựng; có tính đồng thuận giữa các ngành liên quan và tạo điều kiện rút ngắn thủ tục cấp phép xây dựng.
Tuy nhiên, theo ông Tô Hùng, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng, quá trình triển khai Công văn 8702/UBND-SXD phát sinh nhiều bất cập, nhất là tính tuân thủ của chủ đầu tư khi thực hiện quy định này không nghiêm, dẫn đến tình trạng nhiều công trình khởi công khi chưa có giấy phép PCCC và kể cả đánh giá tác động môi trường (ĐMT).
Cùng với đó, việc cấp phép hoạt động các cơ sở kinh doanh từ các công trình chuyển đổi công năng, chủ yếu là nhà ở thành cơ sở kinh doanh, không đảm bảo các quy định về PCCC, chỗ đậu đỗ xe cho khách và không tuân thủ các quy định của các luật chuyên ngành có liên quan. Cụ thể là Khoản 12 Điều 6 Luật Nhà ở nghiêm cấm sử dụng nhà ở riêng lẻ vào mục đích kinh doanh vật liệu gây cháy nổ, kinh doanh dịch vụ gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, sinh hoạt của khu dân cư mà không tuân thủ các quy định của luật về điều kiện kinh doanh.
Đoàn giám sát đánh giá, quá trình kiểm tra thực tế cho thấy còn nhiều tồn tại trong công tác quản lý, khai thác các công trình sau cấp phép. Theo đó, hầu hết các khách sạn, nhà hàng không đảm bảo chỗ đậu đỗ xe theo quy định. Các khách sạn Nesta, Trường Sơn Tùng, Luxtery… thẩm duyệt PCCC chưa đảm bảo đã đưa vào khai thác, sử dụng.
Nhiều cơ sở dịch vụ hoán đổi công năng công trình không tuân thủ đúng giấy phép được cấp. Đơn cử nhà hàng White Swan 2: Tầng hầm xây dựng thêm khu giặt ủi, bếp nấu, phòng làm việc, siêu thị mi ni… Các khách sạn Nesta, Trường Sơn Tùng, Ocean Haven…: Hồ bơi thành nhà hàng, khu kỹ thuật thành khu hội thảo… Phần lớn các khách sạn vi phạm về khoản lùi ram dốc, bậc tam cấp. Các khách sạn Nesta, Luxtary… xây thêm tầng, nâng tầng. Các khách sạn 7 Seven, Sekong, Paracel xây thêm chức năng ngoài hạng mục được cấp phép...
Phạt cho tồn tại: Chủ đầu tư cố tình sai phạm
Cũng theo Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng, tình trạng chủ đầu tư dự án xin cấp phép xây dựng công trình không đúng với mục đích khai thác sử dụng qua kiểm tra thấy diễn ra khá phổ biến. Cụ thể như hồ sơ thiết kế xin cấp phép xây dựng nhà ở nhưng thực tế triển khai xây dựng sai lệch thiết kế ban đầu, khai thác sử dụng vào các mục đích kinh doanh dịch vụ; hồ sơ thiết kế xin cấp phép có số phòng khách sạn ít để tránh những ràng buộc khắt khe trong cấp phép xây dựng nhưng thực tế là xây nhiều số phòng hơn để nâng hạng sao.
Còn có tình trạng xin điều chỉnh thiết kế từ căn hộ chung cư sang căn hộ du lịch để giảm bớt diện tích mà nhà đầu tư cần phải đáp ứng cho các tiện ích công cộng (chỗ đỗ xe, nhà trẻ, sinh hoạt cộng đồng…) trong khi chưa có quy chuẩn về thiết kế, thẩm tra cũng như quy định cụ thể nào liên quan đến công tác quản lý hoạt động kinh doanh, quản lý cư trú của loại hình ở theo kiểu căn hộ du lịch.
Đơn cử như Khu phức hợp Trung tâm thương mại và căn hộ Golden Square điều chỉnh khối chung cư 36 tầng sang condotel (416 căn); dự án tổ hợp Ánh Dương - Soleil Đà Nẵng xin điều chỉnh hoàn toàn 2.547 căn hộ thành 3.252 condotel. Phần lớn các công trình dịch vụ không bảo đảm chỗ đậu đỗ xe theo quy định; không bảo đảm các yêu cầu về PCCC. Cửa thoát hiểm không đúng quy chuẩn; cầu thang thoát hiểm sai quy cách, không tiếp cận một số không gian sử dụng, chưa chú trọng giải pháp PCCC.
Trong khi các sai phạm của các chủ đầu tư diễn ra ngày càng phổ biến, dưới nhiều hình thức khác nhau thì theo đánh giá của Ban Đô thị HĐND TP. Đà Nẵng, hoạt động kiểm tra sau cấp phép xây dựng chưa thường xuyên, phủ kín. Thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ngành, địa phương trong hoạt động cấp phép, xử lý vi phạm và kiểm tra giám sát sau cấp phép. Công tác quản lý hoạt động cấp phép và sau cấp phép trên địa bàn quận, phường còn lỏng lẻo, chủ quan, chưa phát huy đầy đủ chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
“Đặc biệt là còn tình trạng phạt và cho tiếp tục tồn tại nên các chủ đầu tư lợi dụng cơ hội này để cố tình sai phạm!”, ông Tô Hùng nhấn mạnh. Các trường hợp thuộc diện này được Ban Đô Thị HĐND TP Đà Nẵng chỉ ra là công trình Tổ hợp khách sạn Mường Thanh, Khu phức hợp Trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp tại lô A1.12 đến A1.17 đường Như Nguyệt, Tổ hợp khách sạn và căn hộ Central Coast…
Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư trong quá trình xây dựng không tuân thủ đúng nội dung giấy phép được cấp; khi đưa vào sử dụng đã cơi nới, mở rộng thêm diện tích để sử dụng cho các mục đích kinh doanh khác. Ý thức chấp hành pháp luật về xây dựng và PCCC của một số chủ đầu tư, chủ cơ sở kinh doanh chưa cao, nguy cơ mất an toàn trong khai thác sử dụng là rất cao.
Có tình trạng chủ đầu tư lợi dụng chính sách kêu gọi đầu tư, với lý do bảo đảm tiến độ để bỏ qua các thủ tục về PCCC, chưa thẩm duyệt thiết kế đã xây dựng công trình, chưa tổ chức nghiệm thu đã đưa công trình vào khai thác hoạt động. Công tác kiểm tra thực tế phục vụ công tác thẩm duyệt PCCC còn hạn chế (92/630 công trình, chiếm 14,6% ).
Siết chặt quản lý
Từ đó, Đoàn giám sát kiến nghị UBND các cấp và các ngành chức năng liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 1/11/2017 của Thành ủy về việc tăng cường lãnh đạo, quản lý trật tự xây dựng, an toàn lao động trên địa bàn thành phố.
Các cấp chính quyền địa phương và các ngành cần xem hoạt động cấp phép xây dựng và kiểm tra sau cấp phép là nhiệm vụ quan trọng, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội và góp phần quan trọng để xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Việc cấp phép phải bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, chủ cơ sở kinh doanh nhưng phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, việc kiểm tra giám sát sau cấp phép không gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các cơ sở.
UBND các cấp, ngành cần tăng cường hơn công tác quản lý cán bộ, xử lý nghiêm các trường hợp để xảy ra sai phạm trong hoạt động cấp phép, giám sát sau cấp phép; làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với người đứng đầu địa phương, đơn vị liên quan nếu để xảy ra sai phạm do yếu tố chủ quan; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm theo đúng quy định pháp luật.
Thành phố cần kiến nghị đề xuất liên Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch và Bộ Khoa học Công nghệ xem xét thống nhất các quy định về điều kiện của các dự án cơ sở lưu trú du lịch giữa các quy chuẩn, tiêu chuẩn theo lĩnh vực chuyên môn của từng ngành, bảo đảm thuận lợi trong quá trình giám sát và đánh giá xếp hạng chất lượng các cơ sở lưu trú du lịch.