Nhiều thương vụ đình đám
Thị trường bất động sản đã và đang chứng kiến những thương vụ thâu tóm, chuyển nhượng có quy mô lớn để khai thác lợi thế, nhiều dự án sau một thời gian “án binh bất động” cũng đang chuẩn bị tái khởi động sau khi được phép chuyển nhượng.
Một dự án quan trọng phía Tây Bắc thành phố, đó là Khu Công nghệ Thông tin Đà Nẵng có diện tích 331ha, sau nhiều năm nằm im do khó khăn về tài chính, thậm chí đứng trước nguy cơ bị thu hồi, mới đây đã bước sang một trang mới với sự có mặt của Công ty CP Trung Nam, khi đơn vị này nhận chuyển nhượng 65% cổ phần từ tập đoàn Rocky Lai & Associates và các nhà đầu tư tại Mỹ.
Đồng thời, Công ty CP Trung Nam đã cam kết đến cuối tháng 6/2018 sẽ hoàn thành hạng mục san nền và cuối năm 2018 đưa dự án vào hoạt động... Thực tế, sau khi tiếp quản dự án, Trung Nam đã huy động nhân lực, vật lực, phương tiện máy móc, thiết bị, tổ chức thi công liên tục nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.
Cũng trong năm nay, Đất Xanh Miền Trung đã thâu tóm dự án Lakeside Palace từ Cty CP Đầu tư Sài Gòn – Đà Nẵng. Tương tự, Cty CP Phú Gia Thịnh mua lại dự án Tân Cường Thành gần 10ha trên đường Hoàng Văn Thái để đầu tư khu đô thị New City...
Một dự án “đất vàng” khác khu vực Tây Bắc, đầu tháng 10/2017 cũng chính thức được sang tên đổi chủ, đó là dự án Khu đô thị Kim Long City (có diện tích 14,5ha được phân hơn 500 lô đất nền nằm ngay góc đường Nguyễn Sinh Sắc – Hoàng Thị Loan, đối diện Trung tâm Hành chính Q. Liên Chiểu). Đây là dự án của chủ đầu tư Cty CP Phương Trang nhưng sau nhiều năm “đứng bánh”, thậm chí bị ngân hàng “giam lỏng” từ năm 2012, đến nay dự án đã chính thức bán lại cho Tập đoàn GAIA và ngày 19/11 tới, dự án này được chủ đầu tư mới chính thức chào bán công khai ra thị trường.
Trước đó, nhiều dự án bất động sản lớn, nhỏ sau một thời gian dài “trùm mền” đã thay tên đổi chủ để rục rịch triển khai. Đơn cử là dự án khu chung cư Deawon (Hàn Quốc) tại chân cầu Tuyên Sơn đã chuyển nhượng cho đối tác là Công ty CP Đầu tư Nhà quốc gia N.H.O; dự án Ánh Dương - Soleil Đà Nẵng của Tổng Cty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) chuyển nhượng lại cho Tập đoàn PPC An Thịnh; dự án Golden Square của Công ty CP Địa ốc Đông Á chuyển nhượng lại cho Tập đoàn Alphanam; dự án Đà Nẵng Center của Cty Vũ Châu Long đang làm thủ tục chuyển nhượng lại cho Tập đoàn Co.op Mart; Tập đoàn Success Dragon mua lại khách sạn 5 sao Hoàng Anh Gia Lai với giá 31,4 triệu USD và đổi tên thành One Poera Danang; Vina Indochina cũng bán dự án cao ốc Indochina Riverside ở 74 đường Bạch Đằng cho nhà đầu tư Kajima...
Bất động sản tiếp tục “nóng”
Ông Erik Billgren, Quản lý điều hành Savills Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng còn đang đón nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư bởi mặt bằng giá bất động sản còn “dễ chịu”, trong khi ở Hà Nội và TP.HCM đang trở nên đắt đỏ. Vì thế, mua bán, sáp nhập các dự án bất động sản diễn ra rầm rộ tại Đà Nẵng hơn một năm qua. Những quỹ đầu tư bất động sản lớn trên thế giới cũng đã nhắm tới các tài sản có giá trị tại đây.
Cũng theo ông Erik Billgren, thị trường bất động sản Đà Nẵng sẽ còn tiếp tục phát triển nhờ con số khách du lịch đến thành phố ngày càng tăng lên và cũng nhờ vào sự gia tăng của tầng lớp trung lưu đến từ Hà Nội và các địa phương khác, đặc biệt là sự tăng trưởng mạnh mẽ của tầng lớp giàu có ở địa phương. Hoạt động sát nhập, mua bán các dự án bất động sản trên địa bàn sẽ tiếp tục bùng nổ thời gian tới, bởi quỹ đất của Đà Nẵng không nhiều và tâm lý của các nhà đầu tư là luôn muốn săn những “dự án đắp chiếu” hoặc bị ngân hàng “giam lỏng” để tiếp tục quá trình đầu tư, chứ không muốn mất quá nhiều thời gian thực hiện thủ tục từ đầu.
Thị trường bất động sản Đà Nẵng 10 tháng đầu năm 2017 tăng trưởng mạnh, hoạt động đầu tư sôi nổi ở nhiều phân khúc từ đất nền đến các hình thức căn hộ khách sạn. Trong đó, điểm khác biệt của thị trường bất động sản Đà Nẵng đó là phân khúc bất động sản căn hộ - khách sạn (condotel). Nếu như các năm trước phân khúc này không chủ đầu tư, nhà đầu tư nào quan tâm thì từ năm 2016 đến nay, phân khúc này lại rất sôi động, hàng loạt dự án condotel đua nhau mọc lên như nấm nhưng cũng không đáp ứng với nhu cầu của khách hàng.
Khi được hỏi vì sao quyết định đầu tư vào thị trường bất động sản Đà Nẵng, ông Vinh, Chủ tịch tập đoàn GAIA vừa thâu tóm dự án tại khu đô thị Tây Bắc cho biết, thực tế, trong những năm gần đây tốc độ phát triển kinh tế của TP Đà Nẵng luôn ở mức cao, du lịch được coi là “đòn bẩy” trong quá trình phát triển này. Lượng du khách tăng hơn 20% mỗi năm trong khoảng 3 năm trở lại đây đã kéo theo sự phát triển của các ngành nghề liên quan, trong đó đặc biệt là lĩnh vực bất động sản.
Bên cạnh đó, sau sự kiện APEC tổ chức tại Đà Nẵng khiến nhiều nhà đầu tư ở Châu Á - Thái Bình Dương đang có xu hướng tìm những dự án bất động sản Đà Nẵng để đầu tư. “Ngay cả tập đoàn chúng tôi ngoài dự án này, còn tiếp tục tìm kiếm các dự án khác để hợp tác hoặc mua lại”, ông Vinh nói.